[Web Novel Review] Omniscient Reader's Viewpoint – Khi Nhân Vật ...

Omniscient Reader’s Viewpoint (Góc nhìn toàn tri của Độc giả) là một bộ web novel của Hàn dài 551 chương – một số lượng mà từ hồi đọc Toàn Chức Cao Thủ 3 năm trước thì mình chưa từng đọc cái nào dài như thế, thành ra nghe bạn mình nói số chương + phải đọc tiếng Anh thì khá chùn bước và đẩy đùn miết *tát* dân du học mà ngại tiếng Anh, nhục chưa con! Bộ này chắc nghe cũng từ hồi tháng 9/2020 khi bạn mình post hình từ webtoon, thấy vẽ đẹp phết + cốt truyện có vẻ thú vị nên đọc, đọc xong 9 chương ngắn chưa đã thèm thì bạn mình recommend qua novel. Nói chung là một cách tới với tềnh yêu không có gì lạ lùng và vô cùng healthy.

Thế thì tại sao mình lại tự dưng nổi hứng đọc xong nó hồi tháng 1 năm nay? Cái này lại phải kể về một sự tình cờ khác là mình đọc webtoon và bị thu hút bởi novel The Trash of the Count’s Family. Đọc xong 650 chương bên kia thì cảm thấy mình kham nổi cuốn ORV, thế là đọc, dù mình vật vã với mớ tên nhân vật kinh khủng (do không quen)

Cảm giác khi đọc xong: vãi cả nhân vật chính chết hoài chưa chết xong.

“Nhiệm vụ của cậu ta là chết hoài chết mãi.”

Kim Dokja chết lần nữa ngay khi cậu ta vừa trở về từ cái chết sau khi đánh bại Outer God.

Đấy, còn gì tuyệt vời hơn là một câu chuyện có nhân vật chính không yếu lắm nhưng thế giới quá cục súc nên đành chơi đánh bom cảm tử, chết mãi tới mức đồng bọn phải nhốt lại cho nó khỏi chết nữa?

Với một đứa đã đọc và xem hơi quá nhiều như mình, để có thể bị cuốn vào, trầm trồ cho từng cái plot twist khi càng về gần cuối mà không hề có một chút đuối nào, thì đúng là mấy năm nay mình chưa có cảm giác này. Thế mà trong nguyên tháng một, mình đã có cảm giác này 2 lần khi đọc hai cuốn novel Hàn. Nhưng bộ này vẫn trên cơ bộ Trash Count hơn chút, bởi vì nó xoáy vào chuyện mà mình rất đồng cảm: mối quan hệ giữa độc giả – tác giả – nhân vật.

Độc giả và Tác giả luôn cần nhau

Omniscient Reader’s Viewpoint được kể dưới cái nhìn của nhân vật Kim Dokja (Kim Độc Giả =)) ), một nhân viên văn phòng bình thường đang trên đà sắp hết hợp đồng lao động. Cậu chàng này thích đọc một cuốn web novel tên là “Ba cách để sống sót” và cậu là độc giả trung thành duy nhất của nó suốt 10 năm qua. Ngày cậu nhận được chương cuối của tiểu thuyết cũng là ngày thế giới rơi vào tuyệt vọng. Một sinh vật gọi là Dokkabi xuất hiện và cười khẩy, công bố rằng tất cả mọi người trên thế giới này phải trải qua các trò chơi để sống sót.

Nghe tóm tắt thì đây chỉ là một bộ truyện survival game + hệ thống thông thường, nhưng cách mà tác giả từ từ nâng độ khó cho từng màn, bỏ thêm nhiều reference từ các tác phẩm văn học, truyền thuyết và lịch sử nổi tiếng từ khắp thế giới, xong lại càng bồi đắp, làm màu mỡ cho cái setting tưởng chừng như đơn giản, lại rất cuốn hút. Còn gì tuyệt vời hơn cảm giác xem truyện mà như đi tàu lượn siêu tốc với 7749 cái plot twist vả vào mặt? Cuối cùng, ORV từ một cuốn tiểu thuyết survival game lại bẻ cái bặt thành tiểu thuyết về đa vũ trụ, nhưng rồi chủ đề chính lại là về con người và ý nghĩa của văn học đối với con người, mà trong đây nhấn mạnh là văn học mạng.

Truyện cũng có nhiều đoạn châm biếm về cái sự cliché của tiểu thuyết mạng Hàn Quốc lúc nào cũng xoay quanh các đề tài nổi trong giới trẻ như xuyên không, trùng sinh, thăng cấp, game,…mà còn châm biếm khá cay nữa =))) bảo rằng văn học mạng thời nay chỉ được viết ra nhằm để giải trí trong thời gian ngắn, thay vì để ngẫm nghĩ sâu xa. Thế nhưng đoạn cuối của bộ truyện và chính nhân vật Kim Dokja cũng đã thể hiện được ý nghĩa của những cuốn truyện non nớt, nghiệp dư và chỉ để tiêu khiển ấy: những niềm vui chợt thoáng mà tiểu thuyết mang lại, nó có thể cứu lấy một con người khỏi địa ngục.

“Thế giới này là một địa ngục vĩnh hằng.”

Cái địa ngục vĩnh hằng mà truyện nhắc tới không chỉ nói về hệ thống trò chơi chém giết, mà nó còn nói về cuộc sống yên bình ngay trước khi trò chơi bắt đầu, bởi vì dù ở đâu, địa ngục vẫn sẽ tồn tại. Địa ngục đó có thể là sự cô độc, có thể là sự nhàm chán, mà cũng có thể là sự bạo lực từ gia đình hay học đường.

Giờ thì vào nội dung chính và nhân vật, vcl nãy giờ mở màn dạo đầu chưa xong-

Một đứa không thích xem chém giết bạo lực như mình đã ngần ngại khi đọc mấy chục chương đầu vì sự tàn nhẫn của con người được khắc họa quá sâu, do dự khi thấy có cảnh sexual abuse nặng nề, lết 100 chương đầu vì cảm thấy nó theo mô típ survival game khá nhàm dù cho setting về tinh tọa và cả hệ thống live-stream rất kỹ lưỡng. Nhưng khi tới arc Disaster of Flood, tới arc Demon World, tới những cảnh hi sinh của Kim Dokja, suy nghĩ của rất nhiều phe được đào sâu từ chính tới phản diện, thì càng lúc càng cảm thấy mình bị cuốn vào nhân vật, vào tình tiết, vào bí ẩn của hai nhân vật Kim Dokja và Yoo Jonghyuk, cùng bí ẩn về thế giới, về tác giả cuốn tiểu thuyết “Ba cách để sống sót”, về những sinh vật được gọi là Outer Gods ngoài định luật vũ trụ, về những chòm sao ẩn giấu sau những cái biệt danh. Tất nhiên không thể không nói đến những trận chiến giữa các vị thần từ các phương khác nhau, từ Bắc Âu tới Hi Lạp tới Ai Cập hay Ấn Độ. Đa dạng đa chiều. Tuy vẫn hơi cảm giác truyện có ý muốn lật huyền thoại biến chính diện thành phản diện một chút (vụ Hercule có hơi buồn cười tí), nhưng cũng không phải quá quắc gì lắm, vẫn xem ổn. Trừ có cái arc ở Peace Land là hơi hạ thấp người Nhật.

Uriel – chòm sao mình ưa thích hiu hiu.

Nếu nói về những vị thần hay hình ảnh nổi tiếng được nhắc đến trong truyện, thì hình tượng Hades và Persophone chính là hình tượng mình thích nhất. Là hai vị thần hay bị cho thành phản diện trong văn học, nhưng tại đây, họ được khắc họa đẹp đẽ và có một tình yêu đẹp đẽ, là những vị thần cao xa nhưng có những mong ước cũng bình dị và “người” không kém khi họ mong rằng lời sấm truyền về chuyện họ có con là sự thật. Hades và Persophone nhận Kim Dokja làm con nuôi, là người cha người mẹ tốt và luôn bênh vực con mình, sẵn sàng đối đầu với bất kì ai.

Trong câu chuyện Độc Giả Toàn Tri (hoặc ngay cả ngoài đời), vẫn có những thứ mà một độc giả có lẽ sẽ không biết và không cảm nhận được: là suy nghĩ bị giấu đi của nhân vật, là nỗi lòng của vị tác giả gửi gắm vào câu chuyện của mình. Trong phần đầu, có lẽ Kim Dokja đã thể hiện được mình là thành phần chơi cheat khi là người duy nhất biết cốt truyện, nhưng càng về sau thì cậu càng bị lép vế do những biến số liên tục xảy ra, do cậu không muốn “nhân vật chính” Yoo Jonghyuk phải chết hay hy sinh cho bất kì ai, do cậu càng trở nên nặng tình cảm với đồng đội của mình nên luôn tìm cách tối ưu nhất để kẻ hy sinh chỉ có một mình cậu. Hành trình biến chuyển của Kim Dokja có lẽ chính là điểm tuyệt vời nhất của câu chuyện, mà cũng là điều cảm động nhất khi được nhìn một người không muốn sống, một người khép kín dần có được bạn bè, niềm tin để sống, để rồi nhận ra bản thân cậu chính là lý do cho tấn bi kịch này.

Nhưng Kim Dokja không phải là nhân vật chính duy nhất.

Nhân vật chính “gốc” của tiểu thuyết “Ba cách để sống sót”, Yoo JongHyuk – thanh niên điển trai nhất cái tiểu thuyết và cũng là thanh niên được buff cho năng lực hồi sinh. Hồi sinh ở đây tức là anh chết xong sẽ quay về thời điểm bắt đầu cái mớ dead game này và cày lại từ đầu, bởi vậy cái năng lực nghe như buff lại trở thành lời nguyền khiến anh phải chết 1863 lần trong tiểu thuyết gốc mới có thể chạm tới “Kết Cục”. Nghe thì có vẻ ngầu và nguy hiểm, nhưng mà đúng như Dokja mô tả, Yoo JongHyuk cứ y như một con cá Thái Dương (Sunfish), loài cá chết khi nó bị xì trét quá độ <(“). Bình thường Yoo ngầu bao nhiêu thì khi bị chầm cảm, anh trở nên cute- à nhầm, trở nên phế bấy nhiêu. Kim Dokja sợ nhất là khi Yoo bị chầm cảm vì Yoo sẽ lo tìm chết, mà Dokja thì còn 7749 kế hoạch cần Yoo nên không thể để Yoo reset cho cả đám chơi lại từ đầu được. Thế là mỗi lần Yoo lên cơn là Kim Dokja phải tẩy não bằng cách hét “Kí ức vui vẻ!!! Mau nghĩ tới kí ức vui vẻ!!!” =))))))

Meme be like

Tương tác giữa Kim Dokja và Yoo JongHyuk rất hài hước. Ban đầu là kẻ thù oan gia, bắt tay hợp tác vì có thể lợi dụng nhau, sau này thân thân tin tưởng rồi vẫn thích cạnh khóe nhau vô cùng, tới mức mà mỗi khi anh Yoo mở mồm gọi “Dokja là chiến hữu của tôi” thì người xung quanh cứ mắt chữ O mồm chữ A, cứ như không tin con quỷ máu lạnh Yoo có thể gọi ai là bạn vậy. =))) Tất nhiên hint của cặp oan gia này rải từ đầu truyện tới cuối truyện, hốt bằng xe tải 1 tấn cũng chưa hết =)))))) Cái gì mà nghe tên Dokja một phát là sát ý của Yoo sẽ giảm xuống, gì mà Yoo vì Dokja mà chống lại cái chết trong khi nó coi cái chết nhẹ như bông, gì mà Dokja xem Yoo là anh, là ba, là bạn, là kẻ cứu rỗi nó trong cuộc đời tối tăm của nó, Yoo Jonghyuk gửi tin nhắn liên tục cho Dokja nhưng người kia đã “chết” nên tin nhắn chỉ có thể bị trả về. Ôi vcl con tym tôi không đủ để chống lại sự gei go đíp này, hỏi sao fanart đẻ như được mùa rụng trứng.

[Câu chuyện “Đồng Đội Vào Sinh Ra Tử” vẫn muốn được tiếp tục]

Đồng Đội Vào Sinh Ra Tử, đây là câu chuyện thuộc về Yoo JongHyuk mà không hề tồn tại trong tiểu thuyết gốc.

[“Ngươi là gì của Yoo JongHyuk?”]

“Tôi là đồng đội vào sinh ra tử của cậu ấy.”, Kim Dokja trả lời.

Tình người, tình bạn, hối hận, tội lỗi, ray rứt cùng hy sinh, tất cả đều được chèn vào trong những trận chiến và trong mối quan hệ của mọi người. Dù cho đang ở trong survival game, chết hoặc sống, Kim Dokja vẫn có thể đưa ra những lựa chọn khác người để giúp tất cả sống sót, ngoại trừ cậu. Tất cả kế hoạch của Dokja rất tốt, nhưng nó không hoàn hảo. Một độc giả có cái nhìn toàn tri, nhưng một độc giả bị biến thành nhân vật, thì cái nhìn ấy cũng lập tức bị giới hạn. Chính mình cũng ko chắc mỗi khi Dokja lập kế hoạch là cậu có phải đang tự mãn với vai trò độc giả của mình hay không, để rồi phải dùng tới những kế sách cuối cùng với vai trò nhân vật.

Nhưng có một điều tôi chắc chắn: Kim Dokja là đồ ngốc.

Là đồ ngốc, vì cậu yêu tiểu thuyết và nhân vật của nó hơn bất kì ai, vậy nên cậu muốn tất cả sống sót.

Là đồ ngốc, vì ý chí tồn tại của mình gắn liền với sự tồn tại của tiểu thuyết.

Là đồ ngốc, vì cậu coi sự đau khổ của mình là nhỏ nhoi so với đau khổ của nhân vật, những đau khổ mà có thể cậu chính là người đã gây ra cho họ bởi trí tưởng tượng và chạy trốn của con người vào thế giới tưởng tượng.

Và Dokja cũng là đồ ngốc khi không nhận ra cậu cũng là một phần quan trọng với tất cả mọi người.

Quỷ Vương nhưng cũng là Thiên Thần ;;W;;

[Nếu “Kết Cục” mà họ muốn là một cái kết họ có thể chết cùng cậu, cậu vẫn muốn cứu sống họ sao?]

Kim Dokja khó nhọc mở miệng thì thào: “…Phải.”[Đó không phải cứu rỗi, đó là lời nguyền.]Kim Dokja không thể tìm ra lời đáp nào, thay vào đó, câu chuyện của cậu trả lời thay cho cậu.[Câu chuyện “Quỷ Vương của Sự Cứu Rỗi” đang tiếp tục.]

Kim Dokja, Quỷ Vương của Sự Cứu Rỗi.

Chỉ độc cái tên ấy thôi đã khiến mình cảm thấy rất nhiều cảm xúc rồi. Chỉ độc cái tên ấy thôi, cũng đã khiến người khác hiểu Kim Dokja này là người thế nào.

Kim Dokja, là một con quỷ tàn nhẫn có thể ban tặng người khác lời nguyền bằng cách cứu sống họ, bằng cách yêu thương họ.

Những đoạn hội thoại, những câu miêu tả ngắn gọn của truyện luôn có thể khiến mình cảm thấy rất nhiều cảm xúc khác nhau. Đây chính là điểm mạnh thứ ba ngoài setting và character development của quyển tiểu thuyết dài 551 chương này.

Mỗi người đều có câu chuyện và niềm tin của mình, dù đó là tác giả như Han SooYoung, người xem như Kim Dokja, hay nhân vật trong câu chuyện như Yoo JongHyuk. Và đôi lúc, bọn họ cũng không ngờ câu chuyện của mình có thể sẽ là nơi bắt đầu câu chuyện của một người khác. Cảm giác đọc xong cuốn này chẳng khác gì cảm giác khi xong game TWEWY, là cái cảm giác nhận ra chủ đề chính đã len lỏi trong từng tình tiết ngay từ đầu mà mình lại chẳng nhận ra cho tới những phút cuối cùng, cho tới khi cái game hiện ra dòng The World Begins With You, cho tới khi Han Sooyoung nói rằng ba người bọn họ là điểm bắt đầu và kết thúc của nhau.

Omniscient Reader’s Viewpoint không đơn thuần là câu chuyện về ngày tận thế, về sống còn, hay cố gắng khắc họa sự tàn nhẫn của con người quá mức để cho người đọc cảm thấy thế giới này tăm tối. Hơn thế, thứ nó luôn cố gắng hướng tới chính là sự cứu rỗi mà văn học và con người có thể mang lại cho nhau mà chẳng cần phải biết mặt nhau, về sự hy sinh, chính nghĩa của con người trong hoàn cảnh khốn cùng. Chủ đề của truyện quá rộng lớn, bối cảnh và dàn nhân vật cũng đồ sộ tới mức mình khó mà tóm gọn tất cả trong bài review này, nhưng mình cũng mong là đã truyền tải được phần nào những gì mình muốn nói. Dù vẫn còn khuyết điểm dông dài hay bug như các bộ nhiều chương hay gặp (nhờ marathon nên mình có thể lướt bớt vài cái arc chán, chả hạn như 100 chương đầu, arc industrial complex, arc nhập vai hoàng đế,…chất lượng arc cũng khá là lên voi xuống chó), nhưng nhìn chung, đây là một bộ tiểu thuyết độc đáo, gây cấn, cảm động, hài hước mà cũng có ý vừa châm biếm vừa nâng cao giá trị của văn học mạng ngày nay.

Câu chuyện không kết thúc, mà tiếp tục cho đến vĩnh hằng.Người vẽ nên kết cục không phải là tác giả, mà chính là độc giả chúng ta.

Will you choose “Ending”, or “Eternal”?

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » độc Giả Toàn Trí Novel