WHO: 'Việt Nam Chưa Nên Coi Covid Là Bệnh Thông Thường ...

"Các nước cần sẵn sàng chuyển đổi phản ứng sang kiểm soát Covid-19 bền vững và chuẩn bị về lâu dài, thay vì từ bỏ hoàn toàn các biện pháp dập dịch bằng cách tuyên bố Covid-19 là bệnh lưu hành. Bởi các quốc gia cần bảo vệ những người yếu thế nhất, ngăn ngừa tình trạng quá tải hệ thống y tế", ông Park nói với VnExpress ngày 23/3.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận Việt Nam tăng nhanh số ca nhiễm từ sau Tết tới nay, song hầu hết có triệu chứng nhẹ và hồi phục tại nhà. Tỷ lệ ca nhiễm nặng và tử vong tiếp tục giảm. Theo thống kê của tổ chức này, Việt Nam có khoảng 1,9 triệu người đang cách ly, theo dõi hoặc điều trị, trong đó hơn 4.000 người (khoảng 2,2%) cần điều trị bằng các phương tiện hỗ trợ thở oxy.

Ông Park cho rằng tỷ lệ chuyển nặng và tử vong tại Việt Nam tiếp tục giảm, nhưng số ca mắc quá cao có thể khiến hệ thống y tế quá tải dù ca bệnh nặng thấp. Do đó, Việt Nam chưa nên loại bỏ các biện pháp dập dịch hiệu quả từ giai đoạn trước như: xét nghiệm kháng nguyên, PCR và cách ly F0... Người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp đơn giản nhằm giảm thiểu nguy cơ cho bản thân, bạn bè và gia đình như: tiêm chủng, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang, cách ly nếu dương tính...

"Dù hiện tại việc xét nghiệm đại trà không còn cần thiết nhưng vẫn nên tiếp tục xét nghiệm dựa trên nguy cơ lây nhiễm của các cá nhân để cách ly, chẩn đoán và điều trị", ông Park nói.

Trong bối cảnh mới, chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam chuyển sang phương thức quản lý rủi ro, từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong. Chính phủ cũng vừa yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu tình hình dịch bệnh, xem xét chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A (đặc biệt nguy hiểm) sang bệnh thông thường (truyền nhiễm nhóm B). Còn lãnh đạo TP HCM và Hà Nội nhận định biện pháp 5K không còn phù hợp (như khoảng cách, không tụ tập), đề nghị rút còn 2K là khẩu trang và khử khuẩn.

Về vấn đề này, ông Park nói: "Chưa nên bỏ các biện pháp phòng ngừa, nhưng đã đến lúc chuẩn bị cho kết thúc đại dịch. Việt Nam và thế giới có đủ công cụ, phương pháp để làm việc này".

Tiến sĩ Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: WHO cung cấp

Tiến sĩ Kidong Park, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: WHO cung cấp

Đại diện WHO tại Việt Nam khuyến cáo các nước cần sử dụng toàn diện chiến lược và công cụ để lập biểu đồ thoát khỏi giai đoạn cấp tính của đại dịch. Cách thức hiệu quả nhất vẫn là đảm bảo khả năng miễn dịch của cộng đồng thông qua tiêm phòng Covid-19, đặc biệt là nhóm có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, hệ thống y tế cần giảm lệ tử vong thông qua điều trị lâm sàng chặt chẽ, gồm chăm sóc ban đầu, phân bổ công bằng nguồn lực chẩn đoán, oxy, thuốc kháng virus tại các điểm điều trị.

"Chính phủ có thể điều chỉnh các biện pháp y tế công cộng và xã hội khi cần thiết, đồng thời rút ra bài học quan trọng và xác định giải pháp mới ngay lúc này, không đợi đến khi đại dịch kết thúc mới làm điều đó", ông Park nói. WHO khuyến nghị mỗi địa phương xem xét điều chỉnh quy định về xã hội và sức khỏe cộng đồng dựa trên tỷ lệ giường trống trong các đơn vị hồi sức tích cực (ICU), nguy cơ quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe; tỷ lệ tiêm chủng nhóm nguy cơ cao; năng lực quản lý ca nhiễm tại cơ sở y tế.

Hôm 23/3, Việt Nam ghi nhận thêm hơn 127.000 ca nhiễm mới, tổng số ca nhiễm trung bình trong 7 ngày qua là 146.192 ca/ngày, giảm 7% so với trung bình 7 ngày trước đó. Số ca tử vong trung bình trong 7 ngày qua là 67, giảm 10% so với trung bình 7 ngày trước đó. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam chiếm tỷ lệ 0,5% so với số ca nhiễm. Bộ Y tế đánh giá dù số ca nhiễm tăng, nhưng số ca tử vong trên đầu người giảm ổn định.

Thục Linh

Từ khóa » Khi Nào Xem Covid Là Bệnh Thông Thường