Xà Bông Từ “cây Nhà Lá Vườn” Của Chàng Trai Cần Thơ

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Học chuyên ngành Mỹ thuật nhưng đến với nghề làm xà bông như một cơ duyên, Nguyễn Ðào Quy Tân, 31 tuổi, ngụ khu vực Hòa Thạnh, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, thành công từ đam mê của mình. Những viên xà bông làm từ “cây nhà lá vườn” của Quy Tân được khách hàng rất ưa chuộng.

Quy Tân cắt xà bông thành phẩm.

Ngôi nhà của Quy Tân nằm ven con đường làng rợp bóng cây xanh ở khu vực Hòa Thạnh. Vốn yêu thiên nhiên nên Quy Tân trồng rất nhiều cây cảnh, sen đá, các loại cây mọng nước và bài trí, sắp đặt chúng trong một không gian lãng mạn như Ðà Lạt thu nhỏ. Cũng vì sở thích trồng cây nên Quy Tân bén duyên với công việc làm xà bông.

Tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật nhưng không xin được việc làm, việc dạy vẽ thêm thu nhập không đáng là bao; năm 2018, Quy Tân bắt đầu mày mò cách làm xà bông thảo mộc, một phần cũng vì hay bị dị ứng da, nổi mẩn đỏ, ngứa khi sử dụng các loại xà bông, dầu gội, mỹ phẩm… Quyển sách gối đầu của Quy Tân là “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS Ðỗ Tất Lợi. Anh nghiên cứu cách làm xà bông, rồi cách kết hợp hương hiệu, dược liệu từ cây cỏ để cho ra xà bông thành phẩm. “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ làm ra để bản thân sử dụng, nhưng rồi tôi chia sẻ cho một vài người bạn, hiệu ứng tốt nên tôi quyết định làm nhiều thêm để cung cấp cho người có nhu cầu”, Quy Tân nói.

Theo chia sẻ của anh Tân, có 2 cách làm ra xà bông viên là nóng và nguội (hay còn gọi là lạnh). Với cách làm nguội, đó là quá trình hòa trộn hỗn hợp các loại dầu thực vật với dung dịch kiềm và nước ở nhiệt độ thấp. Hỗn hợp này sẽ phản ứng, dẫn đến một quy trình hóa học gọi là xà phòng hóa (saponification). Với cách làm nóng, hỗn hợp dung dịch sẽ được đun cách thủy chừng 2-3 tiếng đồng hồ để xảy ra quá trình xà phòng hóa. Anh Tân chọn cách làm nguội vì ưu điểm là xà bông bảo quản được khoảng 1 năm, trong khi cách làm nóng bảo quản chỉ chừng 5-6 tháng.

Ðến nay, anh Tân đã sử dụng hàng chục loại cây nhà, lá vườn, thảo dược dùng làm nguyên liệu chế biến xà bông, trong đó phần nhiều là các loài cây có tinh dầu cao. Một số nguyên liệu thông dụng được anh Tân sử dụng như quế, hoa cúc, đinh hương, bạc hà, diếp cá, nghệ, dâu tằm, sả, chanh và cả bơ, chuối… Tuy nhiên, để có được những viên xà bông thành phẩm đạt yêu cầu từ độ kết dính, màu sắc, mùi thơm… anh Tân đã mất nhiều tháng trời vừa làm, vừa bỏ. Quy Tân kể: “Lúc đó đang thất nghiệp, lại bỏ tiền trả giá cho những thất bại này nên tôi khá khó khăn. Nhưng tôi tin mình sẽ làm được”.

Hiện nay, anh Tân tự tin đã làm chủ được quy trình làm xà bông từ thảo dược, cây cối quanh nhà. Tùy mỗi tháng, có khi anh Tân bán được đến vài trăm viên xà bông. Mỗi viên khối lượng 115gram có giá từ 75.000 đồng đến 85.000 đồng. Anh phân phối sản phẩm chủ yếu trên mạng xã hội, với lượng khách hàng ổn định từ khắp nơi trên cả nước. Ngoài ra, anh còn cung cấp xà bông cho một số cơ sở làm đẹp, chăm sóc sức khỏe da… Ngoài xà bông hình chữ nhật như truyền thống, Quy Tân còn sử dụng nhiều khuôn đúc tạo ra xà bông hình bông hoa, trái tim… rất đẹp mắt. Nhiều người khi xem sản phẩm của anh đã đùa rằng: “Cần ghi lớn chữ xà bông, vì nếu không cứ nghĩ là cái bánh hay thạch rau câu đó!”.

Lúc dịch COVID-19 chưa bùng phát, ngôi nhà nhỏ của Quy Tân cũng mở dịch vụ homestay. Du khách đến đây được trải nghiệm không gian dân dã sông nước, được gia chủ hướng dẫn cách làm xà bông… Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, anh Tân đang có dự định tái hoạt động dịch vụ này. Anh còn cho biết đang ấp ủ dự định tự trồng các loại cây để khép kín quy trình, đảm bảo nguyên liệu sản xuất xà bông.

Từ khóa » Cây Cỏ Xà Bông