Xã Hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc Hăng Hái Làm Gì Nhất ...

Đi & Ở

Xã hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn bà thì trang điểm… 09. 07. 15 - 7:51 am

Đặng Thái

Lời mở đầu: Qua bài trước chúng ta đã thấy, không chỉ đàn ông mới biểu tình mà phụ nữ Hàn Quốc cũng nhiệt tình không kém. Trang điểm cũng vậy, không chỉ phái yếu đâu nhé. Bài này sẽ mở rộng thêm về dân số, hôn nhân, gia đình và người phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc.

Nếu nghe được tin ai sắp đi Hàn Quốc, thể nào các cô các mẹ cũng dặn dò mua cho ít mỹ phẩm Hàn Quốc xách tay về làm quà. Nếu mà khen đẹp trai xinh gái, người Việt hay nói: “Đẹp trai như Hàn Quốc” hay “Xinh như diễn viên Hàn Quốc”. Thế thì chứng tỏ người Hàn đẹp lắm, mỹ phẩm của họ tốt lắm. Kết luận đúng hay sai e là hơi vội vàng, chúng ta cùng nhìn từ quan điểm của người Hàn Quốc nhé.

Tiêu chuẩn vẻ đẹp khuôn mặt con người của Hàn Quốc được cho là: da trắng, mũi cao, mắt to, hai mí, mặt mịn, da căng, môi mỏng, cằm nhọn, khi cười răng đều tăm tắp và trắng bóng. Tiếc thay tạo hóa lại không ban cho tuyệt đại đa số người Hàn Quốc những yếu tố như vậy trên khuôn mặt. Mình không đánh giá là người Hàn quốc xấu hay không vì điều đó còn phụ thuộc vào quan niệm cái đẹp của mỗi người, nhưng người Hàn thì tự nhận là họ xấu và họ biết rằng “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người mặt thớt cũng nở hoa”. Nhan sắc là yếu tố cực kỳ quan trọng ở Hàn Quốc, chưa nói đến hình thể, có khuôn mặt ưa nhìn là đã có thêm cơ hội xin được việc tốt, kiếm được vợ/chồng tốt (giàu) và “tự tin tôi là chính tôi”. 

Đi bộ hàng cây số dọc theo những trung tâm mua sắm sang trọng tòa ngang dãy dọc, những con phố rực rỡ biển quảng cáo xanh đỏ, những cửa hàng san sát dưới hầm ngầm, đâu đâu cũng thấy bán mỹ phẩm, hàng nghìn nhãn hiệu thượng vàng hạ cám đủ loại. Trong ảnh là một cửa hàng của hãng Etude House, khá nổi tiếng ở đây. Tính riêng thị trường mỹ phẩm nội địa của Hàn Quốc đã trị giá khoảng 10 tỷ USD.

Có lần đi cắt tóc một bà Tây hỏi tôi, làm sao mà phân biệt được người Việt Nam với Hàn Quốc, tôi trông chả có gì khác nhau cả. Mình bí quá đành chỉ đại lên mắt: “Đây, Việt Nam có hai mí, Hàn Quốc chỉ có một mí thôi”. Bà Tây gật gù học thuộc: “Việt hai mí, Hàn một mí”. Lần sau quay lại bà ấy nhặng xị: “Anh dạy đểu tôi, bọn con gái Hàn Quốc, đứa nào cũng hai mí cả!”. Đúng là cái việc hai mí với người Hàn quan trọng thật. Tuổi dậy thì, con gái đứa nào cũng kích mí hoặc dán mí giả. Nó quan trọng đến mức một em gái người Hàn Quốc học lớp 5 thật thà chia sẻ với mình thế này: “Bố mẹ đã hứa, nếu em đỗ vào một trường cấp hai có tiếng, em sẽ được đi phẫu thuật thành mắt hai mí”. 

Một chương trình rất ăn khách trên truyền hình, khách mời được tài trợ tiền đi phẫu thuật để quảng cáo cho các mỹ viện. Bên trái là trước bên phải là sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Việc phẫu thuật thẩm mỹ để có được vẻ đẹp như mình mong muốn không có gì đáng chê trách cả. Nhưng việc cả một xã hội điên đảo vì vẻ đẹp bên ngoài lại là chuyện khác. Người ta vận động để hạ tuổi được phép phẫu thuật thẩm mỹ xuống còn 12 tuổi. Nguy hiểm hơn là người ta định hướng cái đẹp, hướng tới cái không có thật, không phải tự nhiên của con người, cô lập những người hoàn toàn bình thường khiến họ tự ti và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Thế mới sinh ra những chuyện hài hước là hai vợ chồng Hàn Quốc đẹp như xi-nê đẻ ra mấy đứa con không hề giống bố mẹ tí nào, hai vợ chồng nghi ngờ nhau ngoại tình, lôi con ra thử AND thì thấy đúng con mình thật rồi ngồi gật gù, à hóa ra đây chính là “bộ mặt thật” của vợ/chồng mình ngày trước.Chưa kể đến những thẩm mỹ viện làm chui không giấy phép, mọc tràn lan như nấm ở Hàn Quốc khiến tần suất xảy ra những vụ như Cát Tường không hiếm. 

Hai nam ca sĩ Hàn Quốc trên một biển quảng cáo mỹ phẩm.

 Cùng với làn sóng âm nhạc và điện ảnh Hàn Quốc, vẻ đẹp Hàn Quốc được xuất khẩu đi khắp toàn cầu, mở đường cho mỹ phẩm Hàn Quốc theo sau. Thật ngạc nhiên khi thấy các cô châu Phi da đen bóng và mấy cô Trung Đông quen nhìn đàn ông toàn râu cũng chết mê chết mệt những anh Hàn Quốc bạch diện thư sinh này. Không chỉ phụ nữ mới có quyền làm đẹp. Thị trường mỹ phẩm cho nam giới ở Hàn Quốc trị giá gần 600 triệu USD, tăng trưởng đến 70% một năm và chiếm 21% thị trường mỹ phẩm dành cho nam giới toàn cầu. Điều đó cũng có nghĩa là đàn ông Hàn Quốc chi tiêu cho mỹ phẩm nhiều nhất thế giới (trên cả Trung Quốc và Ấn Độ). Không chỉ dừng lại ở lăn nách, keo vuốt tóc mà các sản phẩm chăm sóc da, mặt nạ thậm chí là phấn son đang ngày càng nhiều. Nam giới trẻ tuổi Hàn Quốc đi làm công sở giờ cũng trang điểm đầy đủ, tối về tẩy trang hẳn hoi. Mà với những phương pháp trang điểm bây giờ của cả hai giới ở Hàn Quốc, phải gọi là hóa trang mới đúng.

Đi Hàn Quốc về, nhìn thấy xu hướng của giới showbiz và mạng xã hội ở Việt Nam, chỉ biết rùng mình lo sợ. Lại nghĩ đến truyện Mại cam giả ngôn: “Có người bán cam, khéo để dành quả, để lâu vẫn không ủng, vỏ vẫn đỏ hồng, trông đẹp như vàng ngọc, đem ra chợ bán người ta tranh nhau mua. Ta cũng mua một quả. Đem về bóc ra thấy hơi thối xông lên mũi, múi xác như bông nát…”

Đàn ông Hàn Quốc chịu khó “điểm trang” như thế không chỉ để có vẻ ngoài ưa nhìn, thuận lợi trong công việc mà còn để nhanh chóng tìm được người trong mộng. Năm 2000, thống kê dân số cho thấy có 23.068.000 nam và 22.917.000 nữ ở Hàn Quốc. Nghĩa là có khoảng 151.000 người chênh lệch giữa hai giới, trừ đi số chưa đến tuổi kết hôn, tâm thần, khuyết tật… thì cũng vẫn còn hơn 100.000 người đàn ông đứng đường! Sự chênh lệch giới tính do trọng nam khinh nữ này rất phổ biến tại Đông Á, nhưng Hàn Quốc là nước đầu tiên phải đối mặt với việc nó trở thành vấn đề xã hội nghiêm trọng. Tuổi trung bình lấy vợ của nam giới Hàn Quốc là 30 vì khi ấy mới ra trường, xong nghĩa vụ quân sự, có việc làm và để dành được ít tiền. Trong khi tình hình rối ren như thế thì nữ giới Hàn Quốc lại không muốn lấy chồng Hàn Quốc vì tính gia trưởng và những tập tục cổ hủ khi về làm dâu nhà chồng, và họ cố gắng trì hoãn việc lấy chồng càng lâu càng tốt. 

Những cô dâu người nước ngoài diễu hành phản đối việc đàn ông Hàn Quốc vũ phu với vợ, đặc biệt là việc giết chết vợ mình là những người ngoại quốc. Rất nhiều cô dâu Việt Nam đã bị sát hại một cách dã man tại Hàn Quốc trong lúc hai vợ chồng đôi co, cãi vã khiến chồng nổi cáu không kiềm chế được. (Ảnh từ trang này)

Con gái Hàn Quốc thường lấy chồng hơn nhiều tuổi vì những lứa bằng tuổi còn đang đi nghĩa vụ quân sự, ít có cô nào chờ được người yêu sau hai năm vào trại lính. Vừa lớn tuổi hơn, vừa nhiễm thói gia trưởng từ bố, đàn ông Hàn Quốc nói chung có quyền quát vợ xơi xơi, vợ không đẻ con trai thì đi tìm ai đẻ được, vợ cũng không dám nói gì. Thế nên xem phim Hàn Quốc hay gặp mấy tình huống con ông, con tôi, con chúng ta loạn xị ngậu xong rồi đến lúc nhận thừa kế lòi ra đứa con rơi ở đâu hay anh em cùng cha yêu nhau mà không biết là vì thế. Dĩ nhiên là cũng có cường điệu (phim Hàn Quốc mà) nhưng nó cũng phản ánh một thực tế là đàn ông Hàn Quốc có con riêng là điều mà người phụ nữ phải chấp nhận. Tuy nhiên họ cũng chịu áp lực rất lớn vì đàn ông luôn phải là trụ cột gia đình, lo cho vợ con, bố mẹ, họ hàng, nếu vợ ở nhà chăm con thì phải kiếm đủ tiền nuôi cả gia đình. Không phải người đàn ông nào cũng có khả năng như thế, nên nếu gia đình nào mà “gà mái gáy” thì người đàn ông thường rất tự ti vì chính vợ họ cũng coi thường chồng. Cô bạn mẹ tôi đã nhận xét một câu rất chi là từng trải thế này: “Tự do như phụ nữ Tây thích làm gì thì làm sướng thì rất sướng mà khổ thì cũng rất khổ, đi ăn hàng với chồng có khi cũng phải chia đôi tiền. Khổ như phụ nữ Hàn Quốc chồng quyết gì làm nấy, chủ nhật phải sang rửa chân cho mẹ chồng lại có cái sướng của ung dung, vô tư, ít phải lo nghĩ. Chỉ có chị em mình, đẻ ra trên cái dải đất cong cong này, vừa phải giỏi việc nước, lại phải đảm việc nhà, đằng nào cũng khổ, không thấy sướng đâu cả!” 

Những người phụ nữ trung niên này gọi là ajumma. Đây là những người nội trợ đã giữ vững gia phong cho từng gia đình Hàn Quốc suốt hơn nửa thế kỉ qua khi mà đàn ông dốc sức đi làm kinh tế. Từ “ajumma” thể hiện sự kính trọng với người phụ nữ có tuổi nhưng ngày nay nó có thể dịch là các thím, các mợ với nghĩa hài hước, chễ giễu. Đặc điểm nhận dạng: tóc xoăn tít phi dê, da mặt nhăn nheo, quần áo sáng màu, phối hợp kiểu “thảm họa trời trang”, giày to, đeo ba lô và mũ visor. Nếu thấy một ghế trống trên tàu điện ngầm, ajumma sẽ không ngại chen lấn xô đẩy cả đám người đứng chật kín bằng mọi cách. (Ảnh từ trang này)

Hàn Quốc là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất trên thế giới, lo sợ không còn đất mà ở, chính phủ Park Chung Hee tiến hành kế hoạch hóa gia đình, hợp pháp hóa việc phá thai, khuyến khích mỗi gia đình chỉ nên có một con và cho vay mua nhà lãi suất thấp nếu triệt sản. Bi kịch của xã hội Hàn Quốc bắt đầu từ đây.

Tốc độ già hóa dân số của Hàn Quốc cao chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, vượt xa cả Nhật Bản. Điều này hoàn toàn không phải là chuyện sách vở. Sáng sớm đi ra phố dễ dàng bắt gặp những ông cụ sáu mươi, vai vắt cái khăn mặt bẩn thỉu, đẩy những xe rác to đùng, làm nghề dọn vệ sinh trông rất thương.Mình cũng chưa từng gặp một người lái taxi nào dưới 50 tuổi, có lần gặp một ông, không biết một chữ tiếng Anh chỉ biết hô “Việt Nam muôn năm”, có khi ngày xưa từng bắn nhau với ông nội mình cũng nên, nhìn tay cụ run run mà lỡ lên xe rồi đành nhắm mắt đưa chân. Thuyết minh du lịch, bảo vệ, bán hàng lưu niệm, bán hàng rong, quét rác… tất cả những nghề lao động chân tay tạm coi là “nhẹ nhàng” đều do người cao tuổi làm hết. Không phải các cụ thích đi làm mà vì lương hưu rất thấp, quỹ an sinh xã hội của nhà nước chỉ đáp ứng được mức tiêu dùng tối thiểu trong khi quá nhiều công việc cần tìm lao động. Khi còn đi làm thì cống hiến hết mình cho đất nước, tạm gọi là đủ ăn, nhưng khi già hơn thì bị nghỉ hưu bắt buộc và lâm vào cảnh khốn khó. Họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trên thị trường lao động, “last hired, first fired”, người cao tuổi là lựa chọn cuối cùng của nhà tuyển dụng nhưng lại là lựa chọn đầu tiên khi người ta cần cắt giảm nhân lực. Khác với ở Nhật, có hai cụ trong công viên Tokyo nói với mình thế này: “Chúng tôi về hưu rồi mà vẫn còn khỏe, ở nhà thì buồn, lương hưu thì cao nên chúng tôi xin ra đây quét rác không công cho nhà nước đỡ phải kiếm người”.

Điều đầu tiên nhận thấy khi bước vào công viên ở Hàn Quốc là người già. Họ đi, đứng, ngồi khắp mọi nơi, vào công viên mà thấy hết cả sinh khí. Một nửa số người già ở Hàn Quốc thuộc diện nghèo, tỉ lệ cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển. Cách đây 15 năm, 90% người được hỏi cho biết họ có nghĩa vụ lo cho cha mẹ khi về già, hiện nay chỉ còn 37%. Hình thái gia đình truyền thống đang vỡ vụn chứ không chỉ là rạn nứt (Ảnh: Woohae Cho/Bloomberg News)

Cha mẹ già không ai lo, đến tuổi mà không ai lấy, đàn ông Hàn Quốc, đặc biệt ở nông thôn tìm đến một giải pháp duy nhất, mà chúng ta ai cũng biết: sang các nước nghèo hơn lấy vợ. Đầu tiên là các nước mà phụ nữ có ngoại hình tương tự người Hàn: Trung Quốc, Việt Nam, Mông Cổ. Hết da vàng thì bắt đầu đến các nước châu Á khác da đậm màu hơn Philippines, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh rồi châu Phi, Trung Đông. Đứng trước hai lựa chọn: giữ nguyên một dân tộc thuần nhất và chết dần chết mòn như Nhật Bản hoặc mở cửa đón nhận người nhập cư, Hàn Quốc chọn phương án hai. Một đất nước vốn chỉ có một dân tộc duy nhất, một nền văn hóa chủ đạo duy nhất với chủ nghĩa dân tộc cực kỳ hẹp hòi nay phải đối mặt với vấn đề nhập cư như phương Tây đang khiến chính quyền Hàn Quốc đau đầu. Họ dần dà chấp nhận một sự thật rằng việc khiến tất cả cô dâu nước ngoài trở thành người Hàn Quốc, từ bỏ văn hóa trước đây của họ là điều không tưởng. Ngay cả những nước da trắng văn minh, có lịch sử nhập cư hàng trăm năm còn luôn luôn bế tắc trước vấn đề phân biệt chủng tộc nữa là Hàn Quốc. Trường hợp cậu bé bắt chước ca sĩ PSY bị chê bai vì mẹ người Việt là một ví dụ điển hình. 

Một cuộc thi nấu ăn dành cho các cô dâu nước ngoài ở Hàn Quốc. Năm 2014, lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc công nhận rằng Hàn Quốc đã trở thành một xã hội đa chủng tộc với 300.000 gia đình có yếu tố nước ngoài (gọi là gia đình đa văn hóa) và hơn 1 triệu người nước ngoài định cư tại Hàn Quốc. (Ảnh: Đài KBS)

Tái bút: Báo Tuổi Trẻ đã có loạt phóng sự cực kỳ công phu hơn 30 tập về cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc, xem mà rớt nước mắt (thật)!

*

Xã hội Hàn Quốc:

- Xã hội Hàn Quốc (bài 1): Ngắm Hangang, nghĩ về kỳ tích sông Hán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 2): Chuyện ở bác vật quán và thư quán

- Xã hội Hàn Quốc (bài 3): Đừng chết ở hagwon

- Đồ uống Hàn Quốc: Su là thủy, bul là hỏa, su cộng bul bằng sul là tửu

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 2): Em ơi đừng tin nó lừa đấy, nó bảo là không có bột ngọt!

- Đồ ăn Hàn Quốc (bài 1): Ăn cơm bát không được bưng, uống rượu nhớ đừng tự rót

- Xã hội Hàn Quốc (bài 4): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn ông thì biểu tình…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 5): Người Hàn Quốc hăng hái làm gì nhất? Đàn bà thì trang điểm…

- Xã hội Hàn Quốc (bài 6): Giặc Oa hai lần đại phá Cảnh Phúc Cung

- Xã hội Hàn Quốc (bài 7): Ủy An Phụ và Quang Phục Tiết

- Xã hội Hàn Quốc (bài 8): Kiều bào hay đồng bào?

- Xã hội Hàn Quốc (bài 9): Nỗi buồn được giải quyết ra sao?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 1): Thối quá nhưng mà chặt hay không chặt?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 2): Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị Tiện giang sơn hướng bối chi nghi

- Đặc biệt thị Seoul (bài 3): Quyền lực nằm ở đâu? Cung, Phủ hay Đài, Đường?

- Đặc biệt thị Seoul (bài 4): Cổ thì ít còn kính thì nhiều

Chia sẻ: Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter Chia sẻ lên Google Chia sẻ lên yahoo Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên Zing Gửi bình luận In trang này

Ý kiến - Thảo luận

9:27 Tuesday,4.10.2016 Đăng bởi: Nguyễn thị thuý Hay...xem tiếp 9:27 Tuesday,4.10.2016 Đăng bởi: Nguyễn thị thuý Hay 13:12 Sunday,25.9.2016 Đăng bởi: Kim Anh Đọc xong mở mang được nhiều điều quá. Rất cảm ơn tác giả....xem tiếp 13:12 Sunday,25.9.2016 Đăng bởi: Kim Anh Đọc xong mở mang được nhiều điều quá. Rất cảm ơn tác giả.

Xem tất cả Ý kiến - Thảo luận

Click here to cancel reply.

Họ tên

Email

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Từ khóa » đàn ông Hàn Quốc Có Chung Thủy Không