Xã Hội Học Là Ngành Gì? Cơ Hội Nghề Nghiệp Và Trường đào Tạo

Bạn là người luôn yêu thích các hoạt động hướng đến cộng đồng vì nó phù hợp với cá tính và sở thích của bạn, nhưng lại băn khoăn không biết ngành đào tạo nào mới là phù hợp. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về ngành Xã hội học cũng như cơ hội nghề nghiệp, mức lương và danh sách các trường đào tạo ngành. Qua đó, hi vọng bạn có thể cân nhắc kỹ lưỡng và đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho bản thân mình.

Xã hội học là ngành gì? Cơ hội nghề nghiệp và trường đào tạo

I. Ngành Xã hội học là gì?

Ngành Xã hội học là gì?

Xã hội học (Sociology) là ngành khoa học nghiên cứu về các quy luật, nguyên lý và mối quan hệ giữa con người với xã hội trong từng điều kiện lịch sử khác nhau. Nói một cách dễ hiểu, đây là ngành nghiên cứu sự vận hành của xã hội, xem xét các mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa hai đối tượng là con người và xã hội. 

Nhiệm vụ của ngành là giải thích các hành vi, xem xét cơ chế hoạt động của xã hội và con người có đã tác động qua lại như thế nào. Vì thế, thông qua các nghiên cứu và đóng góp của ngành Xã hội học, bạn sẽ có thể lý giải được các hoạt động hành vi, từ đó đưa ra giải pháp nhằm giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn.

Tin tuyển dụng có thể bạn quan tâm - việc làm an ninh bảo vệ:

- Giám sát an ninh Bách Hóa Xanh

- Giám sát An Ninh TGDĐ/ĐMX

II. Đối tượng và vai trò của ngành Xã hội học

Đối tượng và vai trò của ngành Xã hội học

1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu chủ yếu của ngành Xã hội học là các quan hệ xã hội, tương tác xã hội được biểu hiện thông qua hành vi xã hội giữa người với người trong một nhóm xã hội hoặc một hệ thống xã hội.

Chúng ta có thể nhìn nhận tổng quan về ngành như sau: con người - xã hội; hành động xã hội - cơ cấu xã hội; vi mô - vĩ mô. Như vậy, để khái quát, đối tượng nghiên cứu của Xã hội học là mối liên hệ giữa hành vi của con người và cơ chế của xã hội.

2. Mối quan hệ với các ngành khoa học xã hội

- Triết học: Các nghiên cứu của Xã hội học sẽ bổ trợ được cho các lý thuyết vốn khô khan của Triết học, tức là, các số liệu thông tin và bằng chứng của Xã hội học sẽ là cơ sở để Triết học không bị lạc hậu so với những biến chuyển không ngừng của xã hội.

- Tâm lý học: Đối tượng nghiên cứu của Xã hội học là mối liên hệ giữa hành vi của con người và cơ chế của xã hội, và hành vi của con người là mối quan tâm hàng đầu của Tâm lý học. Như vậy, Xã hội học và Tâm lý học có liên quan mật thiết với nhau.

- Kinh tế học: Con người, xã hội và kinh tế là các phạm trù không thể tách rời được với nhau. Hành vi tiêu dùng của con người được đặt biệt quan tâm trong Kinh tế học, các nghiên cứu về Xã hội học có thể đưa ra các số liệu quan trọng cho Kinh tế học.

- Chính trị học: Chính trị học là ngành khoa học nghiên cứu về quyền lực và sự phân chia quyền lực trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, mối quan hệ giữa hai ngành này được thể hiện qua mối bận tâm chung: cơ cấu xã hội.

Như vậy, có thể thấy, mối quan hệ giữa Xã hội học và các ngành khoa học khác là vô cùng mật thiết, có mối quan hệ biện chứng chặt chẽ với nhau vì chúng đều không ngừng tiếp thu lẫn nhau để đem về cái tối ưu nhất cho lĩnh vực của mình.

II. Vai trò thực tiễn của ngành Xã hội học

Vai trò thực tiễn của ngành Xã hội học

Xã hội học là một ngành gắn liền với con người - nhân tố quan trọng để cấu thành nên xã hội. Chúng ta có thể điểm qua một vài thành tựu mà Xã hội học đem lại trong quá trình nghiên cứu như sau:

- Thứ nhất, Xã hội học có thể đánh giá được tính thực thi của các chính sách mới được đưa ra. 

- Thứ hai, thông qua các công trình nghiên cứu của Xã hội học, bạn có thể hiểu được bản thân thông qua các cơ chế chung nhất, từ đó đề xuất các phương án phù hợp cho định hướng của riêng bạn.

- Thứ ba, bạn có thể nhìn ra được những hạn chế của xã hội để từ đó đề ra các phương án hợp lý nhằm cải thiện xã hội.

III. Nội dung học tập trong ngành Xã hội học

Nội dung học tập trong ngành Xã hội học

Với khối kiến thức đại cương trong ngành Xã hội học, bạn sẽ được đào tạo các môn về Chủ nghĩa Mác - Lênin, cơ sở văn hóa Việt Nam, Tâm lý học đại cương, Logic học đại cương, Phương pháp nghiên cứu khoa học, Pháp luật đại cương, Xã hội học đại cương, Lịch sử văn minh thế giới,... 

Với khối kiến thức cơ sở ngành, bạn sẽ được đào tạo các tín chỉ liên quan đến công tác xã hội, nhân học, tôn giáo học, tâm lý học xã hội, hành vi con người và môi trường xã hội,...

Với khối kiến thức chuyên ngành, bạn sẽ được tiếp cận với xã hội học quản lý, xã hội học giới, xã hội học nông thôn - đô thị, xã hội học dân số, xã hội học môi trường,... Ngoài ra còn có các lĩnh vực như xã hội học du lịch, xã hội học sức khỏe, xã hội học cộng đồng,...

IV. Triển vọng nghề nghiệp ngành Xã hội học

Triển vọng nghề nghiệp ngành Xã hội học

1. Mức lương

Đối với sinh viên mới ra trường và không có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các doanh nghiệp hay tổ chức xã hội, bạn sẽ đạt được mức lương trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Đối với những ai đã có kinh nghiệm tương đối trong ngành Xã hội học, tùy vào năng lực phát triển và vị trí làm việc mà sẽ có mức lương dao động từ 8 - 10 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn.

2. Cơ hội việc làm

Xã hội học là một ngành có khá nhiều triển vọng nghề nghiệp, kéo dài đa dạng từ các công việc không yêu cầu di chuyển nhiều đến các lĩnh vực đòi hỏi sự năng động cao. Bạn có thể làm việc trong các môi trường như cơ quan Nhà Nước, các cơ sở bảo trợ xã hội, các cơ sở chăm sóc sức khỏe; các doanh nghiệp, tổ chức tư vấn kinh doanh; trường học,...

Khi tốt nghiệp chuyên ngành Xã hội học và đủ năng lực chuyên môn, bạn có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau ở các lĩnh vực như:

- Phóng viên, biên tập viên: Với phóng viên, bạn có thể lựa chọn phóng viên ký sự hoặc phóng viên chuyên đi lấy tin tại hiện trường. Nhìn chung, phóng viên là một công việc yêu cầu nhiệt huyết và sự năng động. Với biên tập viên, bạn có thể lựa chọn làm biên tập viên cho báo chí hoặc biên tập viên ở đài truyền hình, đài phát thanh,... Đây là công việc không yêu cầu bạn phải di chuyển nhiều nhưng lại yêu cầu cao về óc sáng tạo và kỹ năng tổ chức, quản lý công việc. 

- Nhóm kinh doanh quản lý: Bạn sẽ có thể làm ở nhóm ngành này với các công việc như điều hành các tổ chức dân sự, quản trị nhân sự, quản trị các dự án đầu tư xã hội, quan hệ khách hàng,... Tuy nhiên, với các công việc có liên quan nhiều đến lĩnh vực kinh tế, bạn hãy tranh thủ học thêm các chứng chỉ và khóa học về kỹ năng, kiến thức để bổ trợ thêm nhé!

- Nhóm nghiên cứu, tư vấn xã hội: Bạn có thể trở thành chuyên viên tư vấn làm việc trong các cơ quan Nhà nước hoặc các doanh nghiệp. Đôi khi những người làm trong nhóm ngành này không thật sự am hiểu về các lĩnh vực xã hội cho nên có bên mình một người tư vấn là vô cùng cần thiết. Vì thế, bạn có thể thử sức ở các lĩnh vực Nghiên cứu thị trường, Nghiên cứu và tư vấn truyền thông - quảng cáo, Điều tra dư luận xã hội,...

- Nhóm dịch vụ và phục vụ con người: Thông qua các kiến thức được đào tạo, bạn có khả năng phân tích hành vi và hành động của con người tùy vào hoàn cảnh nên có thể nắm bắt tâm lý và giúp đỡ người khác. Như vậy, bạn có thể làm điều phối viên, chuyên viên cho các quỹ phát triển, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức từ thiện hoặc làm nhân viên công tác xã hội, phát triển cộng đồng,...

- Nhóm hành chính công: Đây là nhóm ngành đòi hỏi kỹ năng quan sát và phân tích cao. Khi làm việc trong lĩnh vực này, bạn có thể thu thập và phân tích các số liệu thống kê, giám sát quỹ, soạn thảo và phát triển chính sách. Khi đó, bạn có thể thử sức với các nghề như chuyên viên trong các cơ quan hành chính sự nghiệp (lao động, văn hóa, dân số, y tế, thống kê, giáo dục, dân tộc, dân vận, tuyên giáo), cơ quan đảng và đoàn thể, cơ quan an ninh và phòng chống tệ nạn xã hội.

- Nhóm giảng dạy, đào tạo: Đây sẽ là nhóm ngành không hề quá sức với bạn vì các kiến thức về tâm lý và hành vi con người là những gì bạn được đào tạo. Bạn có thể là một giáo viên tận tâm với nghề vì bạn hiểu được tâm lý học sinh, sinh viên, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp trong giảng dạy và đôi khi có thể là người lắng nghe tâm tư của các em. Bạn có thể giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, tập huấn các khóa ngắn hạn cho các tổ chức, trung tâm, cộng đồng có nhu cầu. 

- Quan hệ công chúng: Bạn sẽ là người đại diện và thực hiện các chiến lược kết nối giữa doanh nghiệp/tổ chức với khách hàng, cộng đồng để đem lại lợi ích cho cả hai bên. Vì vậy, công việc phù hợp với bạn có thể liên quan đến quảng cáo, truyền thông, phóng viên, binê tập viên,...

V. Thi tuyển sinh ngành Xã hội học

Thi tuyển sinh ngành Xã hội học

1. Ngành Xã hội học thi khối nào?

Bạn có thể đăng ký thi vào ngành Xã hội học với các khối: A00 (Toán, Vật Lý, Hóa học), A01 (Toán, Vật Lý, Tiếng Anh), C00 (Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý), D01 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh), D02 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Nga), D03 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Pháp), D04 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Trung), D14 ( Ngữ Văn, Lịch Sử, Tiếng Anh), D79 (Ngữ Văn, Khoa học xã hội, Tiếng Đức), D80 (Ngữ Văn, Khoa học xã hội, Tiếng Nga).

2. Ngành Xã hội học lấy bao nhiêu điểm?

Từ năm 2017 đến năm 2020, điểm chuẩn của ngành Xã hội học ở tất cả các khối thi dao động từ 14 đến 25 điểm. Riêng năm 2019, năm đầu tiên áp dụng hình thức thi tuyển theo kết quả Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, điểm trúng tuyển dao động từ 640 đến 705.

Mới đây, vào năm 2021, điểm chuẩn theo hình thức thi tốt nghiệp THPTQG của các khối thi vào ngành Xã hội học như sau:

- Khối A00: Điểm chuẩn dao động trong khoảng từ 15 đến 25.2 điểm.

- Khối A01: Điểm chuẩn dao động trong khoảng từ 17.75 đến 25.75 điểm.

- Khối C00: Điểm chuẩn dao động trong khoảng từ 15 đến 27.1 điểm.

- Khối D01: Điểm chuẩn dao động trong khoảng từ 15 đến 25.75 điểm.

- Khối D02 và D03: Có cùng mức điểm chuẩn là 23.1 điểm.

- Khối D04: Điểm chuẩn dao động trong khoảng từ 23.1 đến 23.9 điểm.

- Khối D14: Điểm chuẩn dao động trong khoảng từ 15 đến 25.2 điểm.

- Khối D78: Điểm chuẩn dao động trong khoảng từ 23.1 đến 25.5 điểm.

- Khối D79 và D80: Có cùng mức điểm chuẩn là 23.1 điểm.

- Điểm đánh giá năng lực: Điểm xét tuyển dao động trong khoảng từ 600 đến 675 điểm.

VI. Trường đào tạo chuyên ngành Xã hội học

Trường đào tạo chuyên ngành Xã hội học

1. Tại miền Bắc

- Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN là một trong những trường đầu tiên tiên phong đào tại các khối ngành Khoa học xã hội và Nhân văn tại Việt Nam. Đến nay, trường đã hoạt động hơn 75 năm và đạt được nhiều thành tựu, góp phần khẳng định được vị thế của mình không chỉ trong nước mà còn hướng đến quốc tế, có rất nhiều đóng góp cho ngành giáo dục Việt Nam. Hiện nay trường có tổng cộng 15 khoa và 1 bộ môn trực thuộc. Trường được mệnh danh là môi trường năng động, hướng đến đào tạo vững kiến thức chuyên ngành đồng thời vững các kỹ năng xã hội cần thiết.

- Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Học viện Báo chí và Tuyên truyền (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã hoạt động từ năm 1962 đến nay. Học viện Báo chí và Tuyên truyền là trường của Đảng với nhiệm vụ đào tạo đại học, sau đại học chuyên ngành báo chí, tuyên truyền và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Trong nhiều năm phát triển, Học viện đã đào tạo ra nhiều học viên đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, trong các cơ quan Tư tưởng Văn hoá, cơ quan Báo chí, Xuất bản… 

- Trường Đại học Công đoàn: Mục tiêu giáo dục của Trường Đại học Công đoàn là tính năng động, sáng tạo, trung thực, tinh thần trách nhiệm, khả năng sống và làm việc trong môi trường cạnh tranh đa văn hóa. Với định hướng của mình, trường đề ra tầm nhìn cho năm 2030 là trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học có uy tín trong khu vực về công nhân - công đoàn; là trường đại học hàng đầu của Việt Nam về đào tạo quan hệ lao động, an toàn vệ sinh lao động và các ngành về công tác xã hội, xã hội học.

- Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Năm 1958, Đại học Nông lâm đổi tên thành Học viện Nông nghiệp Việt Nam, giờ đây đã trở thành Đại học tự chủ, đa ngành, đa phân hiệu theo mô hình của đại học nghiên cứu tiên tiến trong khu vực. Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tỷ lệ sinh viên ngành Xã hội học có việc làm trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp đạt gần 90%. Khi theo học ngành Xã hội học tại Học viện, sinh viên còn được hòa mình vào những hoạt động đoàn thể sôi động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, các câu lạc bộ, đội tình nguyện…

2. Tại miền Trung

- Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế: Mang sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu cơ bản và ứng dụng về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội - nhân văn và kỹ thuật - công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Khi theo học ngành Xã hội học tại đây, bạn sẽ được tiếp cận với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển xã hội (CSRD) - đối tác chính của khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học - Đại học Huế. CSRD là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 2008 dưới sự quản lý của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Trường Đại học Đà Lạt: Là trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trình độ, loại hình; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Khoa Xã hội học ở trường đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong nghiên cứu, truyền bá, ứng dụng, thực hành và chuyển giao tri thức khoa học về Xã hội học; góp phần phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển bền vững của khu vực Tây Nguyên - Nam Trung Bộ và đất nước, thúc đẩy công bằng xã hội, kinh tế, văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế. 

3. Tại miền Nam

- Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM: Là một trường thành viên trực thuộc Đại học Quốc Gia TP. Hồ Chí Minh, đây là trường đào tạo các ngành Khoa học xã hội và Nhân văn hàng đầu ở khu vực miền Nam, có quan hệ đối tác với hơn 250 trường đại học và viện nghiên cứu trên toàn thế giới. Với phương châm “Giáo dục toàn diện - Khai phóng và đa văn hóa”, Trường là nơi có môi trường cực năng động, nhiều câu lạc bộ - đội - nhóm chuyên về lĩnh vực học thuật cho đến các lĩnh vực giải trí và thiện nguyện. Ngành Xã hội học là một trong trong những ngành lâu đời của Trường, vì vậy đây sẽ là “sân chơi” cho những bạn yêu thích trải nghiệm và khám phá.

- Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh: Được thành lập vào năm 1990 và trở thành trường đại học công lập từ năm 2006, đến nay Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh là trường đại học đa ngành trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường hướng đến mục tiêu trở thành trường đại học công lập đa ngành hàng đầu ở Việt Nam với định hướng ứng dụng, phổ cập kiến thức và gắn kết cộng đồng. Với định hướng đó, những bạn yêu thích các hoạt động xã hội sẽ có cơ hội phát triển cực tốt ở trường với môi trường đa dạng, hoạt động phong phú, rèn luyện được những kỹ năng mềm cần thiết để có thể kết nối với mọi người và kết nối với cộng đồng.

- Trường Đại học Văn Hiến: Là cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, với ngành nghề đào tạo đa dạng. Về tầm nhìn, đến năm 2030, Trường Đại học Văn Hiến trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp có uy tín cao ở Việt Nam, hội nhập khu vực và tiếp cận chuẩn quốc tế. Xã hội học là một trong những ngành đào tạo đầu tiên của Trường với khóa tuyển sinh đầu tiên (1999 - 2003), vì vậy đội ngũ cán bộ, giảng viên được đảm bảo cực kỳ chất lượng.

- Trường Đại học Tôn Đức Thắng: Là đại học công lập, được thành lập năm 1997 nên tuổi đời còn rất trẻ, Tuy vậy, với sự phát triển mạnh mẽ và đào tạo chất lượng, hiện nay Trường đã khẳng định được tiếng nói của mình trong hệ thống giáo dục. Trường liên tục mở rộng quan hệ hợp tác với các đại học TOP 500 của Thế giới, TOP 60 của Châu Á để liên kết nghiên cứu, giáo dục nên sinh viên có dịp trải nghiệm, thử sức ở môi trường chuyên nghiệp, hiện đại và năng động.

Xem thêm:

>> Kế toán tổng hợp: mô tả công việc và kỹ năng chuyên môn cần có

>> Client là gì? Sự khác biệt và mối quan hệ giữa Client và Agency

>> SEO là gì? Yêu cầu kỹ năng và cơ hội việc làm của nhân viên SEO

Bên trên là các thông tin tổng quan về ngành Xã hội học cũng như cơ hội việc làm, xu hướng nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho bạn trong quá trình định hướng sau này. Hãy để lại bình luận và chia sẻ bài viết nếu bạn thấy nội dung hữu ích nhé!

Từ khóa » Khối Xã Hội Học Ngành Gì