Xác định Chính Xác Các Loài Sâm ở Việt Nam - ThienNhien.Net

Số cây thuốc thuộc diện bị đe dọa ở Việt Nam hiện đã lên tới con số trên 100 loài. Trong đó, riêng chi Panax L. thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae) đã có tới 3 loài và 2 thứ thuộc Danh mục thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được ưu tên bảo vệ là Sâm Vũ diệp, Tam thất hoang, Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam), Sâm Lai Châu và Sâm Langbian.

Tổ chức đào tạo về nhận biết các loài cây thuốc tại Khoa Tài nguyên Dược liệu – Viện Dược liệu – Bộ Y tế (ảnh chụp trước khi xảy ra dịch COVID-19). (Nguồn: Viện Dược liệu)

Vấn đề bảo tồn cây thuốc nói chung và nhất là những loài đang bị đe dọa đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học ở nước ta. Đây là những loài cây thuốc quý, nhưng phạm vi phân bố và kích thước quần thể của chúng rất nhỏ hoặc đã trở nên hiếm gặp không chỉ ở Việt Nam mà cả trên phạm vi toàn thế giới.

Do có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, các loài Sâm mọc tự nhiên này đã bị tìm kiếm, khai thác đến mức kiệt quệ trong tự nhiên. Sâm Vũ diệp và Tam thất hoang đã được xếp hạng cực kỳ nguy cấp (CR), còn Sâm Ngọc Linh ngày nay đã được coi là tuyệt chủng ngoài tự nhiên (EW). Cả ba loài này đã được đưa vào Danh lục đỏ cây thuốc (2006), Sách Đỏ Việt Nam (2007), Phụ lục IA – các loài nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại của nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30.03.2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Và đây cũng là ba trong số 17 loài thực vật thuộc Danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Thủ tướng Chính phủ. Và gần đây, trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22.1.2019 và Nghị định 84/NĐ-CP ngày 22.09.2021 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa Sâm Vũ diệp và Tam thất hoang vào nhóm IA, Sâm Lai Châu và Sâm Langbian vào nhóm IIA của Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm cần bảo vệ.

Bên cạnh đó, do nhu cầu sử dụng và giá trị kinh tế cao nên việc sử dụng trên thực tế có sự nhầm lẫn giữa các loài, nhất là đối với loài Sâm Ngọc Linh. Bởi vậy, việc nhận dạng, phân biệt các loài chính xác là thực sự cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Không những thế, hiện nay, do nhu cầu sử dụng các dược liệu quý và có giá trị ngày càng cao nên đã xuất hiện việc nhầm lẫn, cố tình giả mạo… gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm cũng như sức khỏe người dùng.

PGS.TS Phạm Thanh Huyền và các cộng sự khảo sát thu thập mẫu các loài thuộc chi Panax tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai (ảnh chụp trước khi xảy ra dịch COVID-19). (Ảnh: Viện Dược liệu)

Viện Dược liệu là Viện nghiên cứu toàn diện về dược liệu thuộc Bộ Y tế. Trong nhiều năm qua, Viện đã triển khai nhiều đề tài cấp Quốc gia, cấp Bộ/Tỉnh và cấp cơ sở về một số loài thuộc chi Panax L., họ Nhân sâm (Araliaceae). Song song với việc xác định tên khoa học của các loài cây thuốc, bằng phương pháp hình thái, Khoa Tài nguyên Dược liệu của Viện đã triển khai kỹ thuật DNA để xác định tính đúng của dược liệu. Bên cạnh đó, hàng năm Viện đã và đang phân tích chất lượng hàng trăm mẫu dược liệu, trong đó có nhiều loài thuộc chi Panax L, góp phần xác định chính xác dược liệu và các loài cây thuốc, từng bước hạn chế việc sử dụng nhầm lẫn và giả mạo các loại dược liệu có giá trị kinh tế cao. Hiện Khoa Tài nguyên Dược liệu đang từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ về hình thái và DNA của các loài cây thuốc có giá trị kinh tế nhưng dễ bị nhầm lẫn và giả mạo.

Xin giới thiệu tới bạn đọc một số thông tin và hình ảnh về các loài sâm ở Việt Nam do Khoa Tài nguyên Dược liệu – Viện Dược liệu cung cấp.

Sâm Ngọc Linh

Tên khác: Sâm Việt Nam, Sâm khu năm, Sâm K5, Thuốc dấu, Củ rọm con, Rơm con (Xê Đăng). Tên khoa học: Panax vietnamensis Ha et Grushv. Tên đồng danh: Panax schinseng var. japonicum auct. non Makino; Panax japonicum auct. non (Nees) C.A. Mey. (1843). Họ thực vật: Nhân sâm (Araliaceae). Cây thảo, sống nhiều năm, cao 0,5 – 0,8 m. Thân rễ dày, mập, thường nằm ngang gồm nhiều đốt ngắn, mỗi đốt có 1 vết sẹo lõm do thân khí sinh lụi hàng năm để lại, đôi khi ở một số cây phần cuối thân rễ có một củ dạng con quay gần hình cầu đường kính có thể đến 5cm; rễ nhỏ mọc xung quanh thân rễ. Thân trên mặt đất thường là 1 hoặc có thể 2 – 4 thân ở những cây sống lâu năm, thân hướng thẳng đứng, không phân nhánh, nhẵn, gốc có vảy mỏng, lõi thân xốp. Lá mọc vòng ở đỉnh thân, thường 3 – 5 lá; gốc cuống lá không có lá kèm; lá kép chân vịt có 5 (ít khi 3 hoặc 6 – 7) lá chét, hai lá chét ngoài cùng thường có kích thước nhỏ hơn; lá chét nguyên, mép lá có răng cưa; phiến lá hình trứng, trứng ngược, elip hoặc thuôn, mỏng, hai mặt màu xanh, mũi lá có đuôi nhọn, gốc lá hình nêm, hẹp dài hoặc lệch, gân lá có lông cứng ở hai mặt. Cụm hoa thường mang một tán đơn độc ở đỉnh hoặc đôi khi có tán phụ; cuống hoa dài hơn cuống lá; cụm hoa gồm từ 80 – 140 hoa; lá bắc nhỏ hình dùi, dài 2 – 3 mm; cuống hoa nhỏ được bao phủ bởi nhiều mấu nhỏ dạng gai thịt dài 0,04 – 0,08 mm. Hoa lưỡng tính, tỏa tròn, đường kính 2,0 – 3,5 mm, đài có 5 răng nhỏ dạng tam giác, nhẵn; cánh hoa 5, màu xanh hoặc xanh mép hơi trắng, nhẵn; nhị 5, chỉ nhị mảnh, dài bằng hoặc dài vượt quá cánh hoa, bao phấn 2 ô, đính lưng; đĩa hoa phẳng hoặc hơi lồi, có vòng tím đến tím hoàn toàn hoặc màu xanh hơi ngà vàng; bầu thường tiêu giảm còn 1 ô, đôi khi là 2 ô, mỗi ô 1 noãn, vòi nhụy hợp hoặc xẻ 2 tùy theo số ô của bầu. Quả hạch hình thận hoặc gần cầu, dẹt; khi chín màu đỏ, thường có đốm đen ở đỉnh quả, đốm đen có diện tích nhỏ. Hạt dẹt, số hạt bằng số ô của bầu; vỏ hạt thô cứng nhiều vệt xốp lồi lõm; nội nhũ trơn. Mùa ra hoa tháng 4 – 6, mùa quả tháng 7 – 9.

Sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở Quảng Nam (Nam Trà My), Kon Tum (Tu Mơ Rông, Đăk Tô, Đăk Glei). Cây ưa ẩm và ưa bóng. Cây mọc dưới tán rừng kín thường xanh, độ cao từ khoảng 1.800 đến trên 2.000 m, nơi đất ẩm, nhiều mùn. Bộ phận dùng: Thân rễ, lá, nụ hoa. Tình trạng bảo tồn: Sách Đỏ Việt Nam (2007): EN. Nghị định 160/2013/NĐ-CP, Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Nghị định 84/2021/NĐ-CP: Phụ lục I.

Cây sâm Ngọc Linh. (Ảnh: Internet)

SÂM LAI CHÂU

Tên khác: Tam thất Mường Tè, Tam thất đen. Tên khoa học: Panax vietnamensis var. fuscidiscus K. Komatsu, S. Zhu & S.Q. Cai. Họ thực vật: Nhân sâm (Araliaceae). Thân rễ nằm ngang, ruột màu tím đến hơi tím vàng, thân có thể cao đến 1,2 – 1,3 m, đôi khi có 2-3 thân. Phiến lá chét hình trứng ngược, thuôn, mũi lá có đuôi dài 1,5 – 3 cm, gân lá có lông cứng ở hai mặt. Đĩa hoa tím đen hoặc hơi tím đôi khi xanh nhạt hơi ngà vàng, phẳng hoặc hơi lồi. Quả hình gần cầu hoặc hình trứng, quả chín màu đỏ, đỏ cam, thường có đốm đen ở đỉnh quả, đốm đen có diện tích lớn hơn so với Sâm Ngọc Linh. Hạt hình gần cầu hoặc hình trứng, ít khi dẹt. Mùa ra hoa tháng 4 – 6, mùa quả tháng 7 – 9. Phân bố ở Việt Nam:  Lai Châu (Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường). Cây ưa ẩm và ưa bóng. Cây mọc dưới tán rừng kín thường xanh, độ cao từ khoảng 1.800 đến trên 2000 m, nơi đất ẩm, nhiều mùn. Bộ phận dùng: Thân rễ, củ, lá, nụ hoa. Tình trạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Nghị định 84/2021/NĐ-CP: Phụ lục II.

Sâm Lai Châu. (Ảnh: Internet)

SÂM LANGBIAN

Tên khoa học: Panax vietnamensis var. langbianensis N.V. Duy. V.T. Tran & L.N. Trieu. Họ thực vật: Nhân sâm (Araliaceae). Thân rễ nằm ngang, ruột màu vàng nhạt hoặc tím nhạt. Thân khí sinh cao đến 1m, đôi khi có 2-3 thân. Lá chét kích thước 5-14,5 x 2,5-5,5 cm; hai mặt lá có lông. Cụm hoa tán đơn hiếm khi tán kép, có 40-100 hoa. Đường kính hoa 4-4,5 mm, cuống hoa dài 1-1,5 cm. Đĩa hoa ngà vàng, phẳng hoặc hơi lồi. Bầu 1-2 ô; vòi nhụy 1, đôi khi xẻ 2. Quả hạch; hình thận, dài 6-8 mm, rộng 4-5,5 mm; hoặc hình cầu dẹt; đường kính 6-10 mm, nhẵn, khi chín màu đỏ, thường có chấm đen ở đỉnh. Hạt 1-2, hình thận, dài 5,5-7 mm, rộng 5-6 mm, vỏ cứng, nhăn nheo. Mùa ra hoa tháng 4 – 6, mùa quả tháng 7 – 9. Phân bố ở Việt Nam: Lâm Đồng (Langbian – Lạc Dương, Đam Rông). Cây ưa ẩm và ưa bóng. Cây mọc dưới tán rừng kín thường xanh, độ cao từ khoảng 1.800 đến trên 2.000 m, nơi đất ẩm, nhiều mùn. Bộ phận dùng: Thân rễ, lá, nụ hoa. Tình trạng bảo tồn: Nghị định 06/2019/NĐ-CP, Nghị định 84/2019/NĐ-CP: Phụ lục II.

Cây Sâm Langbian. (Ảnh: Internet)

TAM THẤT HOANG

Tên khác: Bình biên tam thất (Trung Quốc), Phan xiết (H’Mông), Tam thất rừng, Tam thất lá xẻ. Tên khoa học: Panax stipuleanatus H.T.Tsai et K.M.Feng. Họ thực vật: Nhân sâm (Araliaceae). Cây thảo, sống nhiều năm, cao đến khoảng 1m. Thân rễ dày, mập, thường nằm ngang gồm nhiều đốt ngắn, mỗi đốt có 1 vết sẹo lõm do thân khí sinh lụi hàng năm để lại; các vết sẹo lõm thường xếp thẳng hàng, nối tiếp nhau; rễ nhỏ mọc xung quanh thân rễ. Thân trên mặt đất thường là 1 hoặc hiếm khi 2 – 3 thân, thẳng đứng, không phân nhánh, nhẵn, gốc có vảy mỏng, lõi thân xốp. Lá mọc vòng ở đỉnh thân, thường 3 – 5 lá; gốc cuống lá có lá kèm dạng mũi mác; lá kép chân vịt có 5 (ít khi 3 hoặc 6 – 7) lá chét, hai lá chét ngoài cùng thường có kích thước nhỏ hơn; lá chét nguyên hoặc xẻ thùy lông chim, có răng cưa; phiến lá hình trứng hoặc trứng ngược, hai mặt màu xanh, mũi lá có đuôi nhọn, dài 0,7 – 1,5 cm; gốc lá hình nêm, hẹp dài hoặc lệch; lông cứng chỉ có ở mặt trên của lá. Cụm hoa thường mang một tán đơn độc ở đỉnh; cuống hoa dài hơn cuống lá; cụm hoa gồm từ 40 – 90 hoa; lá bắc lớn nằm quanh cụm hoa, dài 1 – 2,5 cm, mép lá có răng cưa; lá bắc nhỏ hình dùi, dài  2 – 3 mm. Hoa lưỡng tính, tỏa tròn, đường kính 2,0 – 3,5 mm, đài có 5 răng thấp dạng tam giác, nhẵn; cánh hoa 5, màu xanh hoặc trắng hơi xanh mép hơi trắng, nhẵn; nhị 5, chỉ nhị mảnh, dài bằng hoặc dài vượt quá cánh hoa, bao phấn 2 ô, đính lưng; đĩa hoa lõm, màu xanh hơi ngả vàng; bầu 2 ô lệch nhau, mỗi ô 1 noãn, vòi nhụy hợp hoặc xẻ 2. Quả hạch, quả 1 hạt hình trứng, quả 2 hạt hình gần cầu hoặc cầu-thận; khi chín màu đỏ. Hạt hình trứng, số hạt bằng số ô của bầu; vỏ hạt thô ráp; nội nhũ trơn. Mùa ra hoa tháng 4 – 6, mùa quả tháng 7 – 9.

Phân bố ở Việt Nam: Lào Cai (Sa Pa: dãy Hoàng Liên Sơn); Hà Giang (Hoàng Su Phì, Xín Mần); Nghệ An (Kỳ Sơn: Puxailaileng). Cây ưa ẩm và ưa bóng. Cây mọc dưới tán rừng kín thường xanh, độ cao từ khoảng 1.600 đến trên 2.000 m, nơi đất ẩm, nhiều mùn. Bộ phận dùng: Thân rễ, lá, nụ hoa. Tình trạng bảo tồn: Sách Đỏ Việt Nam (2007): CR, Nghị định 160/2013/NĐ-CP: Phụ lục I, Nghị định 06/2019/NĐ-CP: Phụ lục I.

Cây Tam thất hoang. (Ảnh: Internet)

NHÂN SÂM

Tên khác: Sâm Triều Tiên. Tên khoa học: Panax ginseng C.A.Mey. Họ thực vật: Nhân sâm (Araliaceae). Cây thảo, sống nhiều năm, cao 0,3 – 0,8 m. Thân rễ mọc thẳng, dày, mập, dạng hình cà rốt, không phân nhánh hoặc chia 2-3, ít khi 4-5 nhánh, đường kính 3- 5 cm; rễ nhỏ mọc xung quanh thân rễ. Thân trên mặt đất thường là 1 hoặc có thể 2 thân ở những cây sống lâu năm, thân hướng thẳng đứng, không phân nhánh, nhẵn. Lá mọc vòng ở đỉnh thân, thường 3 – 5 lá; gốc cuống lá không có lá kèm; lá kép chân vịt có 5 (ít khi 3 hoặc 6 – 7) lá chét, hai lá chét ngoài cùng thường có kích thước nhỏ hơn; lá chét nguyên, mép lá có răng cưa; phiến lá hình trứng hoặc hình thoi, mỏng, hai mặt màu xanh, mũi lá có đuôi nhọn, gốc lá hình nêm, hẹp dài hoặc lệch; gân lá có lông ở mặt trên, mặt dưới không có lông; kích thước 8,0 – 12,0 x 3,0 – 5,0 cm. Cụm hoa thường mang một tán đơn độc ở đỉnh, mang từ 30 đến 50 hoa; cuống hoa dài hơn cuống lá; lá bắc nhỏ hình dùi, dài 2 – 3 mm; lá bắc cụm hoa hình dải hẹp. Hoa lưỡng tính, tỏa tròn, đường kính 2,0 – 3,0 mm, đài có 5 răng nhỏ dạng tam giác, nhẵn; cánh hoa 5, nhẵn; nhị 5, chỉ nhị mảnh, dài bằng hoặc dài vượt quá cánh hoa, bao phấn 2 ô, đính lưng; đĩa hoa phẳng hoặc hơi lồi, màu xanh hơi ngà vàng; bầu 2 ô, mỗi ô 1 noãn, vòi nhụy xẻ 2 tùy theo số ô của bầu. Quả hạch hình cầu, dẹt; khi chín màu đỏ, không có đốm đen ở đỉnh quả. Hạt hình thận hoặc trứng dẹt; vỏ hạt thô cứng nhiều vệt xốp lồi lõm; nội nhũ trơn.

Cây Nhân sâm. (Ảnh: Internet)

Ở Việt Nam cây nhập trồng tại một số tỉnh: Lào Cai (Sa Pa, Bắc Hà); Thanh Hóa (Bá Thước); Kon Tum (Kon Plong). Bộ phận dùng: Thân rễ, lá, nụ hoa.

Nguồn: Trần Thế Vinh/ Báo Lao Động

Bài liên quan:

  1. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  2. Hệ lụy từ việc sử dụng ĐVHD chữa bệnh và các lựa chọn thay thế từ cây thuốc
  3. Quảng Nam: Trồng dược liệu quý – sinh kế bền vững từ rừng
  4. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  5. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ
  6. Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ
  7. Cam kết không sử dụng dược liệu từ động vật hoang dã trái pháp luật
  8. Đảng sâm: Dễ trồng, giá trị cao
  9. Vùng biển Ấn Độ – Sri Lanka trở thành điểm nóng buôn lậu hải sâm
  10. Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam

Từ khóa » Các Loại Nhân Sâm ở Việt Nam