Xác định độ Cao Mực Nước Biển Trung Bình Tại Khu Vực Nam Bộ
Có thể bạn quan tâm
Theo các nhà khoa học, hệ độ cao quốc gia Việt Nam hiện nay, được tính trên cơ sở mực nước trung bình của Trạm hải văn Hòn Dấu - Hải Phòng, trong khi đó, độ cao mực nước biển trung bình tại các khu vực khác nhau dọc theo chiều dài bờ biển là khác nhau. Việc một quốc gia cần phải sử dụng thống nhất một hệ độ cao là cần thiết, tuy vậy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, việc xem xét sử dụng các hệ quy chiếu độ cao theo mực nước biển trung bình khu vực cũng đóng vai trò rất quan trọng cho các công tác quy hoạch, xây dựng và đặc biệt là cho công tác nghiên cứu khoa học.
Trước đây, tại khu vực Hà Tiên đã có Trạm nghiệm triều, tuy vậy, hiện đã bị phá hủy. Bộ TN&MT đã có chương trình xây dựng lại Trạm nghiệm triều tại đây, nhưng để có được số liệu quan trắc để xác định mực nước biển trung bình làm số liệu khởi tính độ cao, cần phải có chuỗi quan trắc số liệu gần 20 năm. Liên quan đến công việc này, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã xây dựng điểm độ cao gốc và lưới độ cao gốc (đã đo được 3 chu kỳ) nhưng chưa có kết quả khởi tính độ cao.
Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã hoàn thành Đề tài Nghiên cứu giải pháp xác định độ cao gốc (tạm thời) khu vực Nam Bộ trên đảo Phú Quốc. Ảnh: MH |
Hiện, tại khu vực Vịnh Thái Lan, tại đảo Phú Quốc có một Trạm nghiệm triều đã đưa vào hoạt động từ năm 1978, thu nhận dữ liệu 4 lần/ngày (4 ốp/ngày) đều đặn vào các thời gian 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ, 19 giờ trong ngày, từ năm 2005 trở lại đây, đã được lắp đặt thiết bị quan trắc tự động. Theo yêu cầu, để xác định được mực nước biển trung bình chỉ cần thu nhận dữ liệu trong một chu kỳ triều (tương ứng khoảng 18,5 năm). Mặt khác, Phú Quốc và Hà Tiên có vĩ độ rất gần nhau, do vậy, có thể sử dụng số liệu quan trắc tại đây, để xác định mực nước biển trung bình tạm thời cho khu vực này thay cho Hà Tiên.
Mặc dù vậy, do khoảng cách từ đảo Phú Quốc vào bờ quá xa (từ phía Đông của đảo vào bờ của Việt Nam theo đường gần nhất khoảng 41km và nếu tính từ Trạm nghiệm triều vào bờ lên tới hơn 50km), nên không thể đo truyền dẫn độ cao bằng các phương pháp đo độ cao vượt chướng ngại vật thông thường. Muốn truyền độ cao mực nước biển trung bình vào bờ, trong trường hợp này, phương pháp khả thi nhất là sử dụng công nghệ GNSS kết hợp với mô hình Geoid. Vừa qua, Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và Trung tâm Viễn thám quốc gia đã xây dựng được mô hình Geoid trên lãnh thổ Việt Nam, sử dụng phương pháp GNSS - Thủy chuẩn - Trọng lực. Hạn chế của mô hình này là không áp dụng được cho khu vực vịnh Thái Lan vì theo phương pháp này, để mô hình có độ tin cậy cần phải có các điểm GNSS - Thủy chuẩn phân bố quanh khu vực xây dựng mô hình Geoid.
Việc nghiên cứu giải pháp xác định độ cao gốc (tạm thời) khu vực Nam Bộ trên cơ sở sử dụng số liệu Trạm quan trắc nghiệm triều trên đảo Phú Quốc đã được tiến hành dựa trên các phương pháp xác định mô hình Geoid địa phương có sử dụng số liệu đo GNSS – Thủy chuẩn, phương pháp xác định độ cao Geoid các điểm ngoại biên lưới GNSS – Thủy chuẩn và phương pháp tính toán mặt nước biển trung bình tại đảo Phú Quốc dựa trên số liệu nghiệm triều.
Sau gần 3 năm thực hiện Dự án sản xuất thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã thu thập được số liệu nghiệm triều Trạm khí tượng thủy văn Phú Quốc, tính toán xác định độ cao mực nước biển trung bình theo chuỗi số liệu 33 năm; xây dựng mạng lưới độ cao hạng I trên đảo Phú Quốc gồm 8 điểm; đo dẫn độ cao hạng I trên đảo Phú Quốc với tổng chiều dài 98km; Đo nối lưới GNSS - Thủy chuẩn khu vực Nam Bộ với lưới GNSS - Thủy chuẩn Campuchia với khối lượng là 26 điểm; xây dựng mô hình Geoid cục bộ cho khu vực vùng Nam Bộ, Phú Quốc và Nam Campuchia với khối lượng gồm 182 điểm GNSS - Thủy chuẩn; xác định độ cao gốc khu vực Nam Bộ theo số liệu nghiệm triều trên đảo Phú Quốc có giá trị là 1.3248 (m).
Kết quả của Dự án đủ điều kiện làm cơ sở xác định độ cao gốc tạm thời khu vực Nam Bộ, đồng thời, là cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu xác định độ cao các điểm thủy chuẩn quốc gia theo khu vực do ảnh hưởng của mực nước biển trung bình, phục vụ việc nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho toàn vùng. Các nhà khoa học cũng đề xuất cho phép cung cấp, khai thác sử dụng mạng lưới độ cao hạng I trên đảo Phú Quốc (cung cấp sơ đồ ghi chú điểm và thành quả). Đây là mạng lưới độ cao hạng Nhà nước duy nhất trên đảo Phú Quốc hiện có để phục vụ phát triển kinh tế xã hội với một khu vực được đánh giá là đặc biệt phát triển hiện nay.
Minh Thư
Từ khóa » Cách Tính độ Cao So Với Mặt Nước Biển
-
Độ Cao So Với Mực Nước Biển Là Gì? Ý Nghĩa Của Thuật Ngữ
-
TOP 5 Phần Mềm đo độ Cao So Với Mực Nước ...
-
Cách đo độ Cao Bằng điện Thoại Thông Minh
-
Cách đo Chiều Cao Núi So Với Mực Nước Biển? - VnExpress
-
Tìm Hiểu Về Máy đo độ Cao So Với Mực Nước Biển
-
Bản đồ độ Cao So Với Mực Nước Biển
-
Độ Cao 1 Điểm Là Gì Và Cách Đo Cao Độ Trong Thực Tế
-
Cách đo Chiều Cao Núi So Với Mực Nước Biển? - Câu Hỏi Hay
-
TOP 5 Phần Mềm đo độ Cao So Với Mực Nước Biển ... - Edu Learn Tip
-
Kỹ Thuật đo độ Cao đỉnh Everest - HETEC
-
TOP 5 Phần Mềm đo độ Cao So Với Mực ... - Cẩm Nang Tiếng Anh
-
Độ Cao So Với Mực Nước Biển - Wiki Tiếng Việt - Du Học Trung Quốc