XÁC ĐỊNH ĐỘ NHỚT CỦA CHẤT LỎNG - Dược Điển Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Định nghĩa
Độ nhớt của chất lỏng là một đặc tính của chất lỏng liên quan chặt chẽ đến lực ma sát nội tại cản lại sự di động tương đối của các lớp phân tử trong lòng chất lỏng đó.
Độ nhớt động lực hay độ nhớt tuyệt đối, ký hiệu là η, là lực tiếp tuyến trên một đơn vị diện tích bề mặt, được biết như một ứng suất trượt τ (biểu thị bằng pascal), cần thiết để di chuyển một lớp chất lỏng 1 m2 song song với mặt phẳng trượt ở tốc độ (v) là 1 m/s so với lớp chất lỏng song song ở một khoảng cách (x) là 1 m.
Tỷ lệ dv/dx là gradient vận tốc cho tốc độ trượt D, biểu thị là nghịch đảo của giây (s -1) và η = τ/D.
Đơn vị của độ nhớt động lực là pascal giây (Pa•s) hoặc newton giây trên mét vuông (N•s/m2) và ước số hay dùng là milipascal giây (mPa•s). Ngoài ra người ta còn dùng đơn vị độ nhớt cơ bản là poise (P) và ước số hay dùng là centipoise (cP).
1 Pa•s = 1000 mPa•s = 1 N•s/m2
1 P = 0,1 Pa•s = 100 cP = 100 mPa•s
Độ nhớt động lực của nước cất ở 20 °C xấp xỉ bằng 1 centipoise.
Độ nhớt động học (v) là tỷ số giữa độ nhớt động lực và khối lượng riêng (ρ) của chất lỏng (biểu thị bằng kg/m3), cả hai đều được xác định ở cùng nhiệt độ t.
ν= η / ρ
Đơn vị độ nhớt động học là m2/s, ước số là mm2/s. Ngoài ra người ta còn dùng đơn vị độ nhớt động học là stocker (St) và ước số hay dùng là centistocker (cSt).
1 St = 10-4 m2/s
1 cSt = 10-6 m2/s = 1 mm2/s
Độ nhớt động học của nước cất ở 20 °C xấp xỉ bằng 1 cSt. Khi tính độ nhớt động học của một chất lỏng theo stocker hay centistocker, đi từ độ nhớt động lực tính theo poise hay centipoise thì khối lượng riêng của chất lỏng đó phải tính theo g/cm3.
Độ nhớt thay đổi rõ rệt khi nhiệt độ thay đổi. Nhiệt độ tăng thì độ nhớt giảm và ngược lại. Vì vậy, phải xác định độ nhớt của chất lỏng ở nhiệt độ ổn định, dao động không quá ± 0,1 °C.
=> Đọc thêm: XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ KHÚC XẠ (Phụ lục 6.1) – Dược Điển Việt Nam 5.
Phương pháp xác định độ nhớt của chất lỏng
Phương pháp I: Phương pháp đo thời gian chảy của chất lỏng qua ống mao quản
Nhiều nhớt kế mao quản với những kích thước khác nhau, thích hợp cho việc xác định độ nhớt của các chất lỏng khác nhau. Mỗi loại có một hàng số dụng cụ (k) riêng. Trong số những nhớt kế mao quản, nhớt kế Ostwald thường hay được sử dụng nhất (Hình 6.3.1).
Cách xác định độ nhớt bằng nhớt kế Ostwald: Dùng pipet dài để chuyển qua miệng ống B chất lỏng cần xác định độ nhớt đã được ổn định nhiệt độ ở 20 °C ± 0,1 °C (trừ khi có chỉ dẫn khác) vào bầu chứa V, sao cho không dính hoặc chỉ dính rất ít chất lỏng đem thử vào thành ống B ở phía trên bầu V. Đặt nhớt kế thẳng đứng và chìm hết bầu V trong môi trường điều nhiệt ở nhiệt độ 20 °C ± 0,1 °C (trừ khi có chỉ dẫn khác) trong 30 min. Sau đó dùng quả bóp cao su (phụ kiện của dụng cụ đo độ nhớt) thổi từ miệng ống B để chất lỏng dâng lên quá ngấn chuẩn a thì ngừng bơm, bỏ quả bóp cao su khỏi miệng ống B để chất lỏng đem thử chảy tự do về bầu V. Ghi thời gian cần thiết để vòng khum dưới của chất lỏng đem thử chuyển dịch từ ngấn a đến ngấn b. Làm như vậy 5 lần, lấy trung bình cộng của các kết quả đo được làm thời gian t cần xác định. Sai số các kết quả đo không vượt quá 0,5 %. Để đỡ mắc sai số lớn, cần chọn nhớt kế thích hợp sao cho thời gian t không được dưới 200 s.
Tính độ nhớt lực học η hoặc độ nhớt động học v lần lượt theo công thức sau:
η = k x ρ x t (1)
v = k x t (2)
Trong đó:
η là độ nhớt động lực (mPa•s hoặc cP);
v là độ nhớt động học (mm2/s hoặc cSt);
k là hằng số dụng cụ đo; ρ là khối lượng riêng của chất lỏng đem thử (g/cm3);
t là thời gian chảy (s).
Khi không có giá trị k, có thể tự xác định hằng số k bằng cách dùng một chất lỏng đã biết trước độ nhớt η hoặc v và tính k theo công thức (1) hoặc (2). Nhớt kế đã bị sửa chữa thì khi sử dụng lại, phải được chuẩn lại. Nếu dùng nhớt kế mao quản với máy đo tự động thì vận hành máy theo quy trình hướng dẫn của hãng sản xuất máy. Thời gian cần thiết để chất lỏng đem thử chuyển dịch từ ngấn a đến ngấn b sẽ được tự động ghi lại.
Phương pháp II: Phương pháp đo thời gian rơi của trái cầu
Phương pháp này thích hợp cho các chất lỏng trong suốt và có độ nhớt cao (từ 8 poise đến 1000 poise).
Dụng cụ: (Hình 6.3.2) Gồm 1 ống thử a, dài 30 cm, đường kính trong là 2 cm ± 0,05 cm. Trên thành ống có khắc 5 ngấn vòng quanh, mỗi ngấn cách nhau 5 cm. Ống thử a được đặt trong bình điều nhiệt b có chứa nước, phía trên có nắp đậy. Trên nắp có các lỗ để đặt nhiệt kế chia độ đến 0,1 °C, que khuấy c và phễu g. Trái cầu là những viên bi bằng thép có đường kính 0,15 cm. Viên bi sẽ được thả vào ống thử a qua một ống nhỏ d có đường kính trong là 0,3 cm. Ống d có một lỗ ngang cao hơn mực chất thử trong ống a, đầu dưới của ống d ở ngang ngấn trên cùng của ống a và thấp hơn mặt chất thử 3 cm.
Khi không có dụng cụ như trên có thể dùng các nhớt kế khác có tính năng tương tự, đảm bảo cung cấp giá trị độ nhớt với độ chính xác và độ đúng như những nhớt kế đã mô tả ở trên (ví dụ: Nhớt kế Hoppler).
Phương pháp đo: Đổ chất lỏng cần xác định độ nhớt vào ống thử a sao cho mực chất lỏng cao hơn đầu dưới của ống d 3 cm. Đặt các viên bi vào một ống thử nghiệm nhỏ lồng qua lỗ đặt phễu g. Giữ chất lỏng cần thử và các viên bi trong môi trường điều nhiệt có nhiệt độ ở 20 °C ± 0,1 °C trong 30 min (trừ khi có chỉ dẫn khác). Sau đó thả từng viên bi vào trong chất lỏng đem thử qua ống d. Ghi thời gian rơi của 5 viên bi từ ngấn thứ hai đến ngấn thứ năm (15 cm). Lấy trung bình cộng của 5 lần đo này làm thời gian t cần xác định.
Tính độ nhớt động lực của chất lỏng đem thử theo công thức:
η = k x t(ρk – ρ)
Trong đó:
η là độ nhớt động lực (mPa•s hoặc cP);
k là hằng số của viên bi;
ρk là khối lượng riêng của viên bi (g/cm3);
ρ là khối lượng riêng của chất lỏng đem thử (g/cm3);
t là thời gian rơi của viên bi (s).
Phương pháp III
Thiết bị thường dùng là loại nhớt kế quay, dựa trên việc đo lực trượt trong môi trường lỏng được đặt giữa hai ống hình trụ đồng trục, một ống được quay nhờ môtơ, còn ống kia quay được do sự quay của ống thứ nhất tác động vào. Dưới những điều kiện như vậy, độ nhớt (hay độ nhớt biểu kiến) trở thành phép đo (M) độ lệch của góc đối với ống hình trụ thứ 2, tương ứng với momen lực, biểu thị bằng N•m. Đối với lớp chất lỏng rất mỏng, độ nhớt động lực η, biểu thị bằng Pa•S được tính theo công thức:
η = (1/ω)[M/(4πh)][(1/RA2) – (1/RB2)]
Trong đó:
h là độ cao tính bằng m của ống hình trụ thứ 2 được nhúng trong chất lỏng;
RA và RB là đường kính tính bằng m của hai ống hình trụ (RA nhỏ hơn RB);
ω là vận tốc góc tính bằng rad/s.
Hằng số k của máy được tính ở các tốc độ quay khác nhau bằng cách sử dụng các chất lỏng có độ nhớt chuẩn.
Các máy luôn được cung cấp một bảng có các hằng số liên quan đến diện tích bề mặt của các ống trụ được dùng và tốc độ quay của chúng. Độ nhớt được tính theo công thức:
η = k(M/ω)
Cách đo: Đo độ nhớt theo sự chỉ dẫn cách vận hành nhớt kế quay. Nhiệt độ đo được chỉ dẫn trong chuyên luận. Nếu không thể đặt được tốc độ trượt chính xác như chỉ dẫn thì đặt tốc độ trượt cao hơn một chút và thấp hơn một chút sau đó dùng phương pháp nội suy để tính độ nhớt.
=> Tham khảo: XÁC ĐỊNH CHỈ SỐ pH (Phụ lục 6.2) – Dược Điển Việt Nam 5.
Từ khóa » Cách Tính Lực Ma Sát Nhớt
-
Lực Ma Sát Là Gì? Tìm Hiểu Về Các Loại Lực Ma Sát Phổ Biến Nhất Hiện ...
-
Công Thức Tính Lực Ma Sát Nhớt - 123doc
-
[PDF] 73 Bài 6 XÁC ĐỊNH HỆ SỐ NHỚT CỦA CHẤT LỎNG THEO ... - TDMU
-
Công Thức Tính Lực Ma Sát Trượt - Hoàng Vina
-
Lực Ma Sát Công Thức Cách Tính, Lực Ma Sát Trượt, Ma Sát Lăn, Ma Sát ...
-
(2022) Lực Ma Sát Là Gì? Công Thức Tính Lực Ma Sát Chuẩn
-
Bài 4 - Lực Ma Sát | Vật Lý Đại Cương
-
PHẦN TỰ ĐỌC : CƠ HỌC CHẤT LƯU
-
Công Thức Tính Lực Ma Sát
-
Lực Ma Sát Là Gì ? ứng Dụng Của Lực Ma Sát
-
Cách Biểu Diễn Lực Ma Sát. Lực Ma Sát Là Gì, Công Thức
-
Ma Sát – Wikipedia Tiếng Việt
-
Lực Ma Sát Xuất Hiện Khi Nào - Máy Phay, Tiện CNC