Xác định Thiệt Hại Do Sức Khỏe Bị Xâm Phạm? - Luật Hoàng Anh

1.Căn cứ pháp lý

Người xâm phạm đến sức khỏe của người khác cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Sức khỏe là của con người là vốn quý, khi bị thiệt hại khó có thể xác định bằng một khoản tiền cụ thể. Vì vậy, bồi thường thiệt hại thực chất chỉ mang tính chất bù đắp phần nào những tổn thất, thiệt hại đối với người bị thiệt hại và gia đình họ. Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm 1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; d) Thiệt hại khác do luật quy định. 2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”

2.Nội dung

Khác với thiệt hại về tài sản, thiệt hại về sức khỏe của con người được xác định bao gồm những thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần:

2.1.Thiệt hại về vật chất

Thiệt hại về vật chất là những thiệt hại xảy ra trên thực tế có thể tính toán được một cách cụ thể bằng các đơn vị đo lường. Đối với thiệt hại về sức khỏe, thiệt hại vật chất được xác định dựa trên những thiệt hại thực tế, mà người bị thiệt hại phải chứng minh. Theo quy định trên của pháp luật, có thể nhận thấy thiệt hại về vật chất bao gồm các khoản sau: -Một là, chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người thiệt hại. Chủ thể có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến sức khỏe của chủ thể khác như hành vi cố ý gây thương tích, gây tai nạn,….Buộc người bị thiệt hại phải được cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút, do đó, bên gây thiệt hại phải bồi thường những khoản chi phí này. Trên thực tế, thiệt hại về sức khỏe của con người khó có thể xác định được một con số chính xác. Bởi sức khỏe là vốn quý của con người, việc hồi phục, cứu chữa trong nhiều trường hợp chỉ khôi phục một phần sức khỏe ban đầu của người bị thiệt hại, mà không thể hồi phục hoàn toàn được. Do đó, việc bồi thường chi phí này chỉ mang tính chất trợ cấp cho nạn nhân và gia đình mà thôi. Ví dụ: A gây tai nạn cho B, mặc dù A đã thanh toán các chi phí phát sinh từ việc chữa trị, hồi phục sức khỏe cho B. Nhưng do bị thương quá nặng nên B phải cắt bỏ một bên thận. Việc thiếu một bên thận làm cho sức khỏe của A suy giảm, không thể làm việc như trước đây, đó chính là những thiệt hại mà bên gây thiệt hại không thể nào bồi thường hết. Theo đó, chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút có thể là tiền thuốc, tiền viện phí, tiền bồi dưỡng, tiền tàu xe đi viện, tiền dịch vụ chữa bệnh khác,… -Hai là, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại. Trong thời hạn chữa trị, người bị thiệt hại là lao động đáng không thể tiếp tục đi làm công việc mà họ đang làm để kiếm thu nhập. Đây là những khoản thu nhập thường xuyên và hợp pháp thực tế của họ. Mà nguyên nhân là do hành vi trái pháp luật của bên vi phạm, vì vậy, bên vi phạm có nghĩa vụ thanh toán cả phần thu nhập đương nhiên này. Mức bồi thường được xác định dựa trên mức lương thực tế hàng tháng của người bị thiệt hại và số thời gian mà họ không thể đi làm. Thu nhập bị mất là toàn bộ thu nhập mà chủ thể đáng lẽ được hưởng nếu không bị thiệt hại, người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ khoản thu nhập bị mất cho người bị thiệt hại. Còn thu nhập bị giảm sút là khoản chênh lệch giữa thu nhập trước khi xảy ra tai nạn và sau khi điều trị, theo đó, người gây thiệt hại chỉ cần bồi thường phần chênh lệch này. Trong một số trường hợp thu nhập của người bị thiệt hại không ổn định, đặc biệt với những người làm nghề tự do, thì sẽ rất khó để xác định mức thu nhập hàng tháng của người đó. Chính vì vậy, phải dựa vào mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại để xác định. -Ba là, chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị. Trong thời hạn người bị thiệt hại được điều trị, phục hồi sức khỏe, cần có người ở bên chăm sóc. Theo đó, người chăm sóc không chỉ phải bỏ thời gian chăm sóc người bị thiệt hại, mà họ còn mất cả thu nhập đáng có trong thời hạn đó. Chính vì vậy, đây cũng là căn cứ để xác định mức thiệt hại mà người vi phạm phải bồi thường. Trường hợp người bị thiệt hại mất khả năng lao động, tức đã áp các biện pháp cần thiết để chữa trị, phục hồi nhưng sức khỏe của họ không còn như trước, họ không còn khả năng làm việc như bị liệt,….Do đó, cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại, như: chi phí thuê xe đi lại, tiền công cho việc thuê người chăm sóc, tiền bồi dưỡng sức khỏe,… -Bốn là, thiệt hại khác do pháp luật quy định. Trên thực tế, hoạt động của cong người rất đa dạng, phong phú mà tại thời điểm hiện tại các nhà làm luật không thể lường trước được, quy định này nhằm tạo ra sự linh hoạt trong việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

2.2.Thiệt hại về tinh thần

Người bị thiệt hại về sức khỏe không chỉ phát sinh các thiệt hại trong việc khám, chữa trị, thu nhập, chi phí,…mà họ còn bị thiệt hại về tinh thần. Đây là loại thiệt hại không thể xác định cụ thể bằng các đơn vị đo lường. Nên việc bồi thường mang ý nghĩa bù đắp, xoa dịu nỗi đau tinh thần của người bị thiệt hại và gia đình. Tổn thất về tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu là một khái niệm trừu tượng, không có một quy định nào cụ thể. Thiệt hại về tinh thần không phụ thuộc vào việc sức khỏe bị thiệt hại nặng hay nhẹ, mức thiệt hại về vật chất lớn hay nhỏ, mà tùy thuộc vào hành vi tác động vào từng cá nhân bị thiệt hại như: tình trạng gia đình, độ tuổi, nghề nghiệp, mức độ thiệt hại,… Ví dụ: A bị bạn bè ép tham gia các trò chơi mạo hiểm, mặc dù thiệt hại về sức khỏe không nhiều nhưng điều đó đã để lại ám ảnh nặng nề với A, khiến A rơi vào trạng thái sợ hãi tiếp khi tiếp xúc với người khác. Do đó, khi xác định thiệt hại về tinh thần cần phải xem xét những tác động của hành vi vi phạm đến tinh thần của nạn nhân sau khi được phục hồi sức khỏe. Thông thường, mức thiệt hại về tinh thần do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc không thể thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết hỏi đáp Luật Dân sự

Luật Hoàng Anh

Từ khóa » Thiệt Hại Về Sức Khoẻ