Xác định Việc Góp Vốn Và Giấy Chứng Nhận Phần Vốn Góp
Có thể bạn quan tâm
1. Khái quát về việc góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp
Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì “Góp vốn” là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công tyđể tạo thành vốn của công ty, đồng thời khoản 5 Điều 4 quy định “Phần vốn góp” là tỷ lệ vốn mà chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung của công ty góp vào vốn điều lệ. Khoản 13 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 đều có quy định về “Góp vốn” là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty và góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập và “Phần vốn góp” là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh[1].
Trước đây, Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định “Thành viên sáng lập” là người góp vốn, tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định “Thành viên công ty” là cá nhân, tổ chức sở hữu một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh.
Việc thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của các thành viên là khác nhau giữa các thời kỳ đặc biệt là trong trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết. Theo đó, khoản 2 Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết” và tại thời điểm góp đủ giá trị phần vốn góp, thành viên được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp có các nội dung theo quy định của pháp luật.
Đến Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định tại khoản 2 Điều 48 về trường hợp này như sau: “Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp” và tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết…” và tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp.
2. Nhiều quan điểm khác nhau trong thực tế
Trên thực tế giải quyết tranh chấp về việc góp vốn của các thành viên công ty, việc xác định có hay không có việc góp vốn của các thành viên là một vấn đề còn nhiều quan điểm. Trong quá trình giải quyết tranh chấp khi các chủ thể đều đưa ra những lập luận có lợi về phía mình thì giấy chứng nhận phần vốn góp là một chứng cứ mang một giá trị pháp lý vô cùng quan trọng trong hoạt động chứng minh của các đương sự và góp phần giúp Toà án xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp. Đơn cử một vụ án về tranh chấp giữa thành viên công ty và công ty như sau:
Ông Huỳnh Văn C (ông C) và bà Huỳnh Thị H (bà H) ủy quyền cho bà Huỳnh Thị T trình bày: Vào tháng 3/2010, ông C góp 500.000.000đ vào Công ty TNHH thương mại M (viết tắt là Công ty M) nhưng không có lập biên nhận hay phiếu thu tiền vốn góp và được cấp giấy chứng nhận góp vốn thành viên công ty. Sau khi góp vốn, ông N – Giám đốc công ty cho rằng công ty mới thành lập chưa ổn định, kinh doanh chưa có thuận lợi nên không chia lãi cho ông C. Sau đó ông N nói cần mua đất để mở rộng sản xuất kinh doanh nên tạm thời không chia lãi cho các thành viên. Năm 2017, ông C tìm ông N để chia lợi nhuận thì ông N lánh mặt, qua tìm hiểu thì biết được ông N đang chuyển nhượng đất cho người khác. Do đó, ông C khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty M hoàn trả lại cho ông C 500.000.000 đồng và 250.000.000 đồng lợi nhuận góp vốn từ tháng 3/2010 đến nay, trả tiền một lần.
Tháng 3/2010, bà H góp 500.000.000 đồng vào Công ty M, khi giao tiền giao tiền vốn góp thì không có biên nhận hay phiếu thu tiền do khi đó công ty chỉ mới thành lập. Ngày 20/3/2010, bà H được bổ sung là thành viên công ty, được cấp giấy chứng nhận góp vốn. Sau khi bà H góp vốn, ông N cũng lấy lí do tương tự như ông C như công ty mới thành lập và mua đất nên tạm thời không chia lợi nhuận. Khi biết ông N đang chuyển nhượng đất cho người khác nên bà H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Công ty M hoàn trả lại cho bà H 500.000.000 đồng tiền góp vốn và 250.000.000 đồng lợi nhuận góp vốn từ tháng 3/2010 đến nay, trả tiền một lần.
Công ty M ủy quyền cho ông Huỳnh Khắc T trình bày: Ông N, ông C và ông T thỏa thuận thành lập Công ty M vào ngày 9/3/2010, theo thỏa thuận mỗi thành viên Công ty góp vốn 500.000.000 đồng chiếm tỷ lệ 33,33% của công ty. Ông N là người đại diện theo pháp luật. Ngày 15/3/2010, Công ty được sở kế hoạch đầu tư của tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ngày 20/3/2010, bà H đăng ký góp vốn 500.000.000 đồng để nâng vốn điều lệ của công ty và tham gia vào thành viên công ty nhưng thực tế chưa góp vốn. Đề nghị của bà H được Hội đồng thành viên đồng ý và sau đó Công ty thay đổi thành viên từ 03 lên 04, mỗi thành viên chiếm 25% vốn của Công ty.
Thời điểm các bên thành lập công ty ngày 9/3/2010 thì Công ty có nhu cầu vay vốn ngân hàng để đầu tư kinh doanh, ông C, bà H đồng ý dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông C, bà H để làm tài sản bảo đảm cho Công ty vay 1.000.000.000 đồng. Nhưng khi Công ty làm phương án vay vốn thì không được Ngân hàng chấp nhận cho vay nên đã trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông C, bà H. Do ông C, bà H không góp vốn nên đến ngày 1/4/2013 Công ty triệu tập họp Hội đồng thành viên và thống nhất để ông N góp phần vốn góp của ông C, bà H và thay đổi Công ty chỉ còn hai thành viên, ông N góp 1.500.000.000 đồng. Về hồ sơ thay đổi thành viên, thay đổi vốn góp, thay đổi điều lệ công ty thì đều được thông báo cho ông C, bà H được biết. Do đó, nay ông C, bà H khởi kiện, Công ty không đồng ý.
Về vấn đề xác định việc góp vốn của ông C và bà H với Công ty M hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Cần chấp nhận yêu cầu của ông C và bà H buộc Công ty M phải vì các lý do sau:
Thứ nhất, khi ông C và bà H góp vốn vào Công ty thì được Công ty cấp Giấy chứng nhận vốn góp của thành viên Công ty ngày 23/3/2010, tại Giấy chứng nhận vốn góp này thể hiện ông C và bà H đã góp vốn mỗi người 500.000.000 đồng. Nếu như Công ty cho rằng ông C và bà H không có góp vốn thì phải cung cấp được chứng cứ chứng minh.
Thứ hai, Điều 48 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định: “Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” và “Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều này”. Công ty M được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 15/3/2010 với với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng gồm 3 thành viên là ông N, ông T, ông C, thỏa thuận mỗi thành viên góp vốn 500.000.000 đồng. Ngày 20/3/2010, bà H có đăng ký góp thêm 500.000.000 đồng. Ngày 23/3/2010, ông C và bà H được Công ty cấp Giấy chứng nhận góp vốn. Ngày 25/3/2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 1, từ 3 thành viên thành 4 thành viên. Như vậy nếu Công ty cho rằng ông C, bà H không có góp vốn thì tại sao hết thời hạn 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty không lập biên bản ghi nhận việc này và thông báo cho ông C, bà H biết, mà đến khoảng hơn 3 năm sau Công ty mới đăng ký điều chỉnh thay đổi thành viên với lý do ông C, bà H không thực hiện cam kết góp vốn.
Thứ ba, Công ty tổ chức họp Hội đồng thành viên và ban hành Nghị quyết, Quyết định điều chỉnh thay đổi thành viên Công ty, loại bỏ ông C, bà H ra khỏi thành viên Công ty không đúng quy định của pháp luật vì không thông báo cho ông C, bà H biết. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện theo ủy quyền của bị đơn thừa nhận rằng không cung cấp được chứng cứ chứng minh có việc thông báo cho ông C, bà H; cuộc họp Hội đồng thành viên không có sự tham gia của ông C, bà H mà giả chữ ký của ông C, bà H trong biên bản họp Hội đồng thành viên theo kết luận giám định.
Quan điểm thứ hai: Không chấp nhận yêu cầu của ông C và bà H buộc Công ty M hoàn trả lại tiền góp vốn và lợi nhuận góp vốn, vì các lý do sau:
Thứ nhất, ông C, bà H cho rằng mỗi người đã góp vốn 500.000.000 đồng vào Công ty và được cấp Giấy chứng nhận góp vốn thành viên của Công ty nhưng không xuất trình được chứng cứ nộp tiền vào Công ty. Công ty M thừa nhận Công ty có cấp Giấy chứng nhận góp vốn cho ông C, bà H nhưng thực tế ông C và bà H không có góp vốn vào Công ty, Công ty chỉ cấp Giấy chứng nhận góp vốn để thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, cả 4 thành viên Công ty đều có Giấy chứng nhận góp vốn nhưng không có góp vốn thực tế.
Thứ hai, theo thỏa thuận ban đầu vốn góp vào Công ty của mỗi người là 500.000.000 đồng, ông C, bà H đồng ý dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình để cho Công ty thế chấp cho Ngân hàng để vay 1.000.000.000 đồng cho Công ty, tương ứng với số tiền mỗi người cần phải góp vào Công ty. Tuy nhiên, do không được Ngân hàng chấp nhận cho vay nên coi như ông C, bà H chưa góp tiền vào Công ty và sau đó ông C, bà H không góp vốn nên đến ngày 1/4/2013, Công ty triệu tập họp Hội đồng thành viên và thống nhất để ông N sẽ góp phần vốn của ông C, bà H và thay đổi Công ty chỉ còn hai thành viên. Mặt khác, trong thời gian dài là thành viên Công ty nhưng ông C, bà H không quan tâm, không tham gia hoạt động tổ chức, kinh doanh của Công ty, không được chia lợi nhuận của Công ty do đó có thể thấy ông C, bà H có tên thành viên trong Công ty chỉ là trên danh nghĩa thực tế ông C, bà H chưa thực hiện nghĩa vụ của một thành viên Công ty theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, do thực tế ông C, bà H không có góp vốn vào Công ty như đã nhận định ở trên vì vậy yêu cầu của ông C, bà H về việc chia lợi nhuận của Công ty không được chấp nhận.
Theo quan điểm của tác giả: Cần chấp nhận yêu cầu của ông C và bà H về việc yêu cầu công ty chia lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh từ tháng 6/2010 đến tháng 12/2018. Buộc Công ty M chia lợi nhuận từ tháng 6/2010 đến tháng 12/2018 cho ông C và bà H vì các lý do sau:
Thứ nhất, tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 15/3/2010 của Công ty M, có nội dung: Công ty gồm 3 thành viên ông N, ông T, ông C, mỗi người góp vốn 500.000.000 đồng tương ứng với 33,33%. Số vốn điều lệ của Công ty là 1,5 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc Công ty ông N. Tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 25/3/2010, Công ty M có thêm thành viên mới là bà H. Khi đó Công ty có 04 thành viên là ông N, ông T, ông C, bà H, mỗi người góp 500.000.000đ tương ứng với 25%; vốn điều lệ công ty tăng lên là 02 tỷ đồng.
Ông C, bà H cho rằng mỗi người đã góp 500.000.000đ tiền mặt vào Công ty và Công ty đã cấp Giấy chứng nhận cho ông, bà là thành viên góp vốn của Công ty. Ông C, bà H xuất trình chứng cứ là Giấy chứng nhận góp vốn của thành viên Công ty ngày 23/3/2010 của ông C và Giấy chứng nhận góp vốn của thành viên Công ty ngày 23/3/2010 của bà H.
Thứ hai, ông C, bà H khẳng định đã góp vốn bằng tiền mặt đưa cho ông N - Giám đốc Công ty M, nhưng không có lập biên nhận giao tiền. Công ty M thừa nhận đã cấp Giấy chứng nhận góp vốn thành viên công ty ngày 23/3/2010 cho ông C và Giấy chứng nhận góp vốn thành viên công ty ngày 23/3/2010 cho bà H, nhưng thực chất ông C, bà H không góp vốn. Vì tại thời điểm thành lập, Công ty có nhu cầu vay vốn đầu tư kinh koanh, ông C và bà H đồng ý dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông, bà để làm tài sản bảo đảm cho công ty vay 01 tỷ đồng, nhưng không được Ngân hàng chấp nhận cho vay nên Công ty đã trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông C, bà H. Do ông C, bà H không góp vốn nên ngày 01/4/2013 Công ty triệu tập Hội đồng thành viên và thống nhất để ông N góp 1,5 tỷ đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án ông C, bà H yêu cầu giám định chữ ký của ông C, bà H trong Biên bản họp Hội đồng thành viên ngày 01/4/2013. Tại kết luận giám định số 655/2020/KLGĐ ngày 06/8/2020 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh L kết luận chữ ký Biên bản họp Hội đồng thành viên ngày 01/4/2013 không phải của ông C, bà H. Như vậy, có cơ sở xác định ông C, bà H vẫn là thành viên của Công ty M. Ông C, bà H xuất trình được chứng cứ chứng minh là đã góp vốn vào Công ty M, còn Công ty không chứng minh được là ông C, bà H chưa góp vốn vào Công ty M, nên có cơ sở xác định ông C, bà H đã góp vốn vào Công ty M.
Thứ ba, theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định: “Trường hợp có thành viên không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp được coi là nợ của thành viên đó đối với công ty; thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết”. Như vậy, nếu trường hợp ông C, bà H không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết là 500.000.000 đồng cho Công ty M thì số vốn chưa góp được coi là nợ của ông C, bà H đối với Công ty M. Trong trường hợp đó thì Công ty M vẫn phải trả lợi nhuận cho ông C, bà H theo yêu cầu của ông C, bà H.
[1] Khoản 21 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014 và khoản 27 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020
Luật gia TRẦN MỘNG BÌNH
Từ khóa » đã Bao Lâu Kể Từ Ngày 1/1/2018
-
Đã Bao Nhiêu Ngày Kể Từ Ngày 1/1/2018 - Thiên Tuệ
-
Đã Bao Nhiêu Ngày Kể Từ Ngày 1/11/2018 - Thiên Tuệ
-
Bao Nhiêu Ngày Kể Từ Ngày - Công Cụ Tính Toán Khoảng Thời Gian
-
Xem Bói Theo Ngày Sinh 1 Tháng 1 Năm 2018 - Tử Vi Khoa Học
-
Đã Bao Nhiêu Ngày Kể Từ Ngày 1 Tháng 1 Năm 1 - Học Tốt
-
Đã Bao Nhiêu Ngày Kể Từ Ngày 1/1/1 Đếm Ngày Chính Xác
-
Bao Nhiêu Ngày Kể Từ Ngày 1/1/100 - Thả Rông
-
Luật An Ninh Mạng Chính Thức Có Hiệu Lực - An Toàn Thông Tin - Bộ Y Tế
-
đã Bao Nhiêu Ngày Kể Từ 1/1/0001 - Tốp 10 Dẫn Đầu Bảng Xếp ...
-
Thời Hạn Sử Dụng Của Thẻ Bảo Hiểm Y Tế Là Bao Lâu? - LuatVietnam
-
Luật Bảo Hiểm Xã Hội 2014 Số 58/2014/QH13 - Thư Viện Pháp Luật
-
Thời Hiệu Truy Cứu Trách Nhiệm Hình Sự được Quy định Như Thế Nào?
-
Thời Hiệu Khởi Kiện Và Thực Tiễn áp Dụng Pháp Luật đình Chỉ Giải ...
-
Quy định Về Xếp Hạng Cơ Sở Lưu Trú Du Lịch (15/09/2017) - Sở Tư Pháp