Xâm Nhập Thị Trường Săn Báo đốm Làm Trang Sức - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
- Ông trùm trong đường dây buôn bán động vật hoang dã lớn nhất lịch sử Thái Lan sa lưới
- Lô hàng nanh, vuốt động vật hoang dã nhập cảnh bị phát hiện
- Cuộc chiến chống săn bắn động vật hoang dã ở Kenya
Hoạt động buôn lậu rầm rộ này đang trực tiếp đẩy dân số loài thú hiếm họ nhà mèo này bị tận diệt ở châu Mỹ.
Thoạt nhìn Lý Minh và Vân Lan trông như những đôi vợ chồng Trung Quốc bình thường khác khi liên tục nhận được những nụ cười và lòng tốt từ phía người thân đến thăm. Song thực ra, họ đang trong tâm thế đối mặt với một phiên điều trần bị treo tới lần thứ 6. Lý Minh và Vân Lan là công dân Trung Quốc nhưng có thẻ căn cước Bolivia.
Phóng viên Eduardo Franco Berton đã khám phá thế giới ngầm buôn lậu báo đốm phi pháp ở Bolivia. Ảnh: YouTube. |
Ngày 23-2-2018 vừa qua, cặp vợ chồng này đã bị bắt quả tang trong nhà hàng bán thịt gà của họ ở thành phố Santa Cruz de la Sierra, với vật chứng là 185 chiếc nanh báo, 3 tấm da báo, vài bộ phận của con báo, cùng một khẩu súng lục và một lượng lớn tiền nội và ngoại tệ. Sau 2 tháng kiên trì mật phục, giới chức Santa Cruz mà ở đây là Văn phòng công tố viên và cảnh sát quốc gia, đã tiến hành lệnh bắt giữ cặp vợ chồng Hoa kiều bất hảo. Vụ bắt giữ được ví von là “cú đấm chí mạng chống lại phá hoại đa dạng sinh thái Bolivia”.
Từ năm 2013 đến năm 2018, khoảng 171 con báo đốm đã bị tàn sát dã man trong các cánh rừng già ở Bolivia, một trong những mốc tàn sát nặng nề nhất kể từ thập niên 1970, khi loài vật họ mèo rừng này bị tận diệt để lấy da. Ngày hôm nay, chúng là nạn nhân của thị trường buôn bán cơ thể báo đốm, chủ yếu là nanh. Cho đến nay nhà chức trách Bolivia đã tịch thu tổng cộng 684 chiếc nanh từ bọn buôn lậu Trung Quốc. Trong số này có 119 chiếc nanh beo có xuất xứ Bolivia đã bị thu giữ bởi Cục Hải quan Bắc Kinh.
Bọn tội phạm ngụy trang những chiếc nanh tinh vi giữa các chùm chìa khóa, dây chuyền, các hộp sôcôla và thùng rượu. Những loại hàng hóa phi pháp này được ưa chuộng bởi niềm tin vào thế giới siêu nhiên như một loại hộ mệnh. Mỗi năm hoạt động buôn bán báo đốm đạt doanh thu 19 tỷ USD trên bình diện toàn cầu. Ngày hôm nay nó là nguồn cơn đe dọa giống nòi của loài vật họ mèo rừng lớn nhất châu Mỹ.
Nanh báo trong nền y học Trung Quốc
Hơn 1.000 năm qua, nhu cầu sử dụng nội tạng hổ châu Á (Panthera tigris) luôn tồn tại trong nền y học cổ truyền Trung Quốc (TCM) nhằm thay thế cho các loại thuốc đắt tiền của phương Tây. Mặc dù Trung Quốc đã cấm sử dụng xương cọp vào năm 1993, nhưng doanh số bán sản phẩm này không hề có dấu hiệu thuyên giảm.
Mỗi chiếc nanh beo có giá gốc từ 100 USD đến 150 USD, nhưng nếu chúng được mang tới Trung Quốc thì giá sẽ bị đẩy lên tới 5.000 USD/chiếc. |
Nhiều người Trung Quốc tin rằng một số nội tạng hổ có nhiều dược tính thần hiệu có thể giúp chữa lành các căn bệnh mãn tính, tăng cường năng lượng cho cơ thể và nhất là nâng cao năng lực “phòng the”. Họ cũng tin rằng nếu dùng cao hổ cốt đều đặn thì cơ thể sẽ sung mãn và trẻ trung. Ngoài ra giới đại gia Hoa kiều còn thích đeo dây chuyền có nanh báo như một biểu tượng quyền lực, vị thế và sức mạnh. Mặc dù các chuyên gia y học phương Tây thường bỏ qua sức mạnh chữa bệnh của hổ; nhưng ở một số quốc gia châu Á và các khu “phố Tàu” ở châu Âu và Bắc Mỹ, thì các hiệu thuốc Đông y của người Hoa vẫn bán các sản phẩm từ hổ.
Kể từ thập niên 1980, khi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Trung Quốc thì nhu cầu sử dụng TCM càng nhiều. Nhưng khi loài hổ châu Á chỉ còn đúng 3.200 con, thì người châu Á xoay sang tìm một nguồn thay thế cũng hoàn hảo không kém: báo đốm. Điều này gây áp lực lên 173.000 con báo đốm đang sống ở châu Mỹ, theo một nghiên cứu mới công bố.
Ông Richard Thomas, từ tổ chức phi chính phủ Traffic loan tin rằng nanh và vuốt beo đang được buôn bán thay thế cho cơ phận hổ. Theo Bộ luật Hình sự Bolivia, tội trạng của vợ chồng Lý Minh và Vân Lan nằm trong khung tội phá hủy và thoái hóa tài sản quốc gia, với mức án phạt tù từ 1 đến 6 năm. Và với trọng tội buôn lậu như của vợ chồng Lý Minh thì giới chức và các đại diện xã hội dân sự Bolivia đang đề xuất dành một mức án thật nghiêm khắc cho họ.
Chợ nanh báo ở Beni, Bolivia
Tôi tìm tới một khu chợ ở thành phố Trinidad (thủ phủ hành chính Beni, Bolivia). Tôi đã quan sát chủ một quầy hàng đã bán bất hợp pháp 4 hộp sọ và 26 chiếc nanh báo đốm. Chiếc nanh báo được người chủ ra giá là 100 USD thì khi đến Trung Quốc, nó sẽ bị thổi giá từ 1.500 USD đến 5.000 USD. Theo ông Marco Antonio Greminger, người chịu trách nhiệm cho dự án bảo tồn động vật hoang dã của chính quyền thành phố Beni thì luật số 1.333 của Bộ Môi trường Bolivia đưa ra mức phạt ngắn hạn chỉ 6 năm tù cho kẻ phạm tội.
Ở Bolivia, loài báo đốm đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương nhất, theo Sách Đỏ các loài động vật hoang dã có xương sống của Bolivia. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí khoa học PLoS One thì các nhà nghiên cứu từ Tổ chức Panthera đang ước tính rằng dân số của loài báo đốm ở Bolivia hiện là 12.845 con, đứng ở vị trí thứ 4 sau Brazil, Peru và Colombia.
Gian trá ở các chợ Iquitos, Peru
Tôi đến chợ Belen, một trong những khu vực nguy hiểm nhất tại thành phố Iquitos (Peru). Trong lúc tôi đi qua các sạp bán thịt rừng, có vẻ như hàng trăm ánh mắt vẻ thiếu tin tưởng đang bủa lấy đôi chân của tôi. Trong suốt một ngày tác nghiệp trong khu chợ Belen, người bán bắt đầu tỏ vẻ hoài nghi tôi, và viên cảnh sát đồng hành với tôi nháy mắt với tôi rằng cách tốt nhất là nên rút êm.
Ông Pedro Perez, chuyên gia về sinh học thú hoang dã và là nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Amazon Peru (PARI), nói với tôi rằng luật khá lỏng lẻo và vô cùng phức tạp cho giới chức muốn tiến hành kiểm tra hoạt động bán đồ lậu. Trong một cửa hàng lưu niệm, tôi mục kỉnh cách tay chủ cửa hàng đang “phù phép” biến những chiếc răng nanh hải sư (Arctophoca australis) thành nanh báo đốm.
Trong lúc cho tôi xem một cái sọ báo giấu trong túi xách, người đàn ông này bật mí: “Người Trung Quốc khoái nanh báo đốm Otorongo lắm, họ xem như vớ được vàng!”.
Ở Iquitos, các chủ tiệm, khách du lịch và đám buôn lậu người Hoa tranh thủ mua nanh, vuốt, sọ và da báo và tìm cách tránh bị áp mức tù 4 năm nếu bị bắt quả tang buôn hàng cấm chiếu theo Luật Hình sự Peru.
Ông Dustin Silva đến từ Ủy ban Môi trường vùng (ARA) của khu hành chính Loreto cho tôi hay rằng tổng dân số loài báo đốm ở Peru hiện còn khoảng 22.210 cá thể và đang có dấu hiệu suy giảm do loài báo mẹ chỉ đẻ 1 con duy nhất mỗi năm. Dustin Silva than: “Dù có các cảng kiểm soát và cửa khẩu hải quan, nhưng do kích cỡ các cảng ở Amazon mà khiến cho việc kiểm soát hàng lậu trở nên khó hơn nhiều”.
Bà Gabriela, người chuyên bán da và nanh beo quanh Iquitos (gần sông Amazon) giải thích với người mua cách họ có thể qua mặt hải quan: “Tôi bày họ quấn lá khô lên nanh báo sao cho thật đẹp. Và bày cách giấu nanh báo trong đống quần áo”.
Gabriela hớn hở bật mí: “Người Tàu thích nanh báo. Khi họ chăm rửa chúng, chúng sẽ có màu trắng sáng như ngọc trai”. Theo một báo cáo từ Cục Lâm nghiệp và Động vật hoang dã quốc gia Peru (SERFOR) thì trong giai đoạn 2000-2015, tổng số vụ bắt giữ là 38 chiếc nanh báo tại Peru. Chúng bị tịch thu trong các nhà kho ở Lima vào tháng 3- 2015.
Bà Miriam Cerdan, Giám đốc của Trung tâm hướng đa dạng sinh học (DGDB) thuộc Bộ Môi trường Peru quả quyết với tôi rằng: “Không có mối nguy nào thái quá về buôn lậu nanh beo tại Peru vào thời điểm này”. Nhưng đó là cách nói để trấn tĩnh. Trong chuyến tác nghiệp của tôi ở Iquitos, tôi nhận thấy có một sự thật đáng lo ngại: chỉ trong vòng 7 ngày, tôi đã thấy dân buôn bán tới 44 chiếc nanh báo, 4 sọ báo, 5 tấm da báo và khoảng 70 cái vuốt báo … thuộc 24 con báo đốm bị săn trộm.
Brazil và thị trường da báo đốm
Thais Morcatty là một nhà sinh học người Brazil đang bảo vệ luận án tiến sĩ về đề tài buôn lậu thú hoang dã ở Đại học Brookes (Oxford, Anh). Morcatty phát hiện ra rằng có 30 vụ tịch thu cơ phận báo đốm ở Brazil chỉ trong vòng 5 năm qua, có nghĩa là hơn 50 con báo đốm đã bỏ mạng. Thais Morcatty cũng nhìn thấy các vụ việc tịch thu da báo, cho thấy thị trường “chợ đen” Brazil vẫn rất cần mặt hàng này.
Lãnh thổ sinh sống của loài báo đốm thường dao động từ 50km² đến 300 km². Ảnh: Eduardo Franco Berton. |
Ở Porto Jofre (bang Mato Grosso), tôi được nghe ngư dân Carlos Souza kể về cái chết của con báo đốm Sally khi con vật này bị phát hiện đã chết vào ngày 29-3-2014 bên sông Cuiaba. Dân địa phương treo thưởng 2.000 USD cho bất kỳ ai bắt được kẻ giết nó. Giới chức địa phương cho rằng bọn buôn lậu ma túy đã sử dụng sông Cuiaba và sông Pirigara (Paraguay) để vận chuyển cocaine giữa Bolivia và Brazil. Nhà nghiên cứu Thais Morcatty nhấn mạnh đến tầm quan trọng của báo đốm với rừng già, chỉ cần mất đi 1 cá thể báo trong số 11 con báo đốm hiện còn sống, là đủ gây tác động tai hại cho chức năng của rừng.
Nhà sinh vật học Pedro Perez cho rằng người Brazil còn nhận thức khá tiêu cực về loài báo đốm bởi lo sợ tập tính ăn thịt sống của chúng. Ông Perez cho hay rằng ở Iquitos hàng năm bán tới 345 tấn thịt rừng, không lâu nữa loài báo đốm sẽ hết thức ăn tự nhiên. Và chắc chắn khi đói ăn thì loài báo sẽ gây xung đột nguồn thức ăn với con người (nơi nuôi gia súc). Gabriela, nhà buôn nanh báo nói rằng ở làng của cô, hễ dân làng nhìn thấy báo là họ bắn hạ.
Nhưng với nhà sinh vật học Pedro thì loài báo sợ con người hơn, và nguy cơ chúng tấn công con người rất thấp. Ở Beni, một người thợ săn tuyên bố đã triệt hạ 28 con báo đốm và một lượng lớn báo sư tử (Puma concolor). Sọ và da báo đốm là “cúp vàng” cho dân thợ săn. Nanh báo mang lại nhiều tiền: từ 2.000 đến 3.000 Boliviano (từ 287 USD) đến 430 USD) cho 4 chiếc. Vuốt, đầu và da báo được bán chủ yếu cho khách Trung Quốc.
Sự biến mất của báo đốm
Môi trường sinh sống của loài vật họ mèo rừng lớn thứ 3 thế giới từng có thời phủ sóng khắp châu Mỹ, nhưng ngày hôm nay lãnh thổ của chúng đã teo giảm xuống 46%. Nghiên cứu của tác giả Rafael Hoogesteijn và các đồng nghiệp cho thấy rằng sự phân bố của loài báo đốm ở Mỹ Latinh là do bị mất môi trường sống do rừng biến thành ruộng đậu tương và nông nghiệp quy mô lớn, hay làm nơi chăn nuôi gia súc.
Sau 5 tiếng đồng hồ ngồi thuyền xuôi dòng sông Amazon chúng tôi đã đặt chân tới San Carlos, một nông trang gia súc rộng 5160ha, cũng là nơi mà loài báo đốm thoát khỏi sự săn lùng của con người và nạn săn nanh báo.
Ông chủ Nicholas McPhee (35 tuổi), công dân Australia, là người cực kỳ yêu báo đốm ngay khi ông còn nhỏ. Hàng ngày Nick (bạn bè hay gọi thân mật Nicholas như vậy) hay xách máy quay phim đi quay cho kỳ được cảnh báo đốm sinh sống ngoài hoang dã. Tổ chức của Nick và Quỹ bảo tồn vẹt (FCP) ở Bolivia là 2 cơ quan đã xúc tiến thành lập Dự án bảo tồn sinh thái thú hoang dã San Carlos, dự án giúp phát triển hoạt động du lịch sinh thái, bảo tồn rừng, tránh tổn thất vật nuôi do báo tấn công ở các khu chăn nuôi gia súc.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi nhà nghiên cứu Enzo Aliaga và chuyên gia du lịch bền vững Marcelo Arze đã chỉ ra rằng 1 con báo sống có thể mang tiền tươi gấp 4 lần cho ngành du lịch Bolivia hơn là hoạt động săn thú. Một thợ săn có thể thu về 400 USD cho 4 chiếc nanh beo, nhưng 1 con báo sống thì mỗi năm có thể giúp họ thu lại 116 USD từ lợi tức du lịch. Với tuổi thọ trung bình từ 12 đến 15 năm, 1 con báo có thể thu lời từ du lịch với số tiền lên tới 1.514 USD.
Từ khóa » Da Báo đốm
-
Báo đốm – Wikipedia Tiếng Việt
-
Họa Tiết Da Báo: Vì Sao Biểu Tượng Cao Sang Lại Trở Thành Họa Tiết Gợi ...
-
Dây Da Bản Nhỏ Họa Tiết Da Báo đốm Dành Cho đồng Hồ Thông Minh ...
-
Họa Tiết Da Báo, Hoa Văn Liền Mạch. Da Của Báo đốm, Báo. Vải Thời ...
-
Da Báo Đốm
-
áo Sơ Mi Báo đốm Chất Lượng, Giá Tốt 2021
-
12031B11 - Áo Sơ Mi Lụa đen Da Báo đốm Trắng, Cổ Peter Pan.
-
Nơi Báo đốm Nam Phi Hoang Dã Dạo Bước Quanh Con Người - BBC
-
Argentina Thả Báo đốm Về Rừng để Hỗ Trợ Loài Này Sinh Sản
-
Báo đốm Mỹ | Wild For Life
-
900+ Báo Đốm & ảnh Thú Vật Miễn Phí - Pixabay
-
Báo đốm Mỹ - Mykingdom
-
Công Sở Vào Thu Trên Những Item Thời Trang Họa Tiết Báo đốm Sang ...