Xây Dựng Cụm Tình Báo Chiến Lược A.22 - Giao Điểm Online

VŨ NGỌC NHẠ

Vũ Ngọc Nhạ (1928-2002) là một trong 4 huyền thoại trong ngành Tình báo Việt Nam, và là một Thiếu tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông nổi tiếng với biệt danh Ông cố vấn vì từng làm cố vấn cho một số chính trị gia cao cấp của Việt Nam Cộng hòa và là nhân vật chủ chốt trong vụ án cụm tình báo A.22 làm rung động chính trường Sài Gòn vào cuối năm 1969.

Thân thế và bước đầu hoạt động

Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Vũ Ngọc Nhạ có nhiều tên gọi như Pièrre Vũ Ngọc Nhạ (tên Thánh), Vũ Ngọc Nhã, Hoàng Đức Nhã, Vũ Đình Long (còn gọi là Hai Long), hay như bí danh Lê Quang Kép. Ngoài ra ông còn được biết với các biệt danh như Thầy Bốn (do bà con Giáo xứ Bình An đặt cho vì ông là thầy giảng đã tu 4 chức), Ông cố vấn (do ông từng được xem là cố vấn của một số quan chức cao cấp của Việt Nam Cộng hòa).

Ông tên thật là Vũ Xuân Nhã, sinh 30 tháng 3 năm 1928 tại xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình (quê cha) nhưng từ nhỏ sống tại quê mẹ - Giáo xứ Phát Diệm, Ninh Bình.

Thời thanh niên, ông có vào học ở trường dòng một thời gian, rồi lên Hà Nội để học thi bằng Tú tài. Đầu năm 1945, sau cuộc đảo chính 9 tháng 3, ông làm quen với một cán bộ Việt Minh là Hoàng Minh Vân[1] và được người này hướng dẫn tham gia cách mạng

Cuối năm 1946, ông tham gia chiến đấu chống Pháp tái chiếm Đông Dương tại mặt trận Hà Nội. Sau khi Việt Minh rút khỏi Hà Nội, ông trở về Thái Bình, tham gia công tác dân vận của chính quyền Việt Minh tại địa phương, phụ trách khối Công giáo vận, với bí danh là Lê Quang Kép. Năm 1951, để tiện hoạt động trong vùng bị Pháp kiểm soát, ông đã nhờ người em trai làm một chứng minh thư giả mang tên Vũ Ngọc Nhạ. Và cái tên này về sau trở thành nổi tiếng.

Năm 1953, qua sự giới thiệu của Bí thư Liên khu ủy Khu 3 là , ông được Trần Quốc Hương tuyển chọn vào cơ quan tình báo quân sự để đào tạo cán bộ hoạt động trong giới Công giáo.

Xuống tàu vào miền Nam

Năm 1954, Hoàng Minh Đạo, thủ trưởng cơ quan tình báo quân sự đã ra chỉ thị tung một số điệp viên chiến lược vào miền Nam để chuẩn bị cho thời kỳ "hậu Hiệp định Genève". Vũ Ngọc Nhạ là một trong số những điệp viên đó. Năm 1955, ông cùng vợ và con gái xuống tàu Hải quân Pháp lẫn vào 1 triệu người Công giáo di cư vào Nam. Bản lý lịch với cái tên mới: Vũ Đình Long, dùng sử dụng khi vào Nam của ông có hầu hết các chi tiết xác thực: sinh ngày 30 tháng 3 năm 1928 tại xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình; tham gia Việt Minh sau ngày Toàn quốc kháng chiến; vào Đảng Cộng sản năm 1947, năm 1951 trở thành Thị ủy viên của thị xã Thái Bình; năm 1952, bất mãn vì bị kỳ thị do gia đình là địa chủ và Công giáo, nên trở về Phát Diệm tham gia "Tổng bộ tự vệ Phát Diệm", một tổ chức chống Cộng do giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo; giữa năm 1954, sang Pháp, nhưng không lâu lại trở về Hải Phòng và xuống tàu di cư vào Sài Gòn tháng 12 năm 1955.

Sau khi vào Nam, ông cùng gia đình cư trú tại giáo xứ Bình An, không lâu sau chuyển sang sinh sống khu chợ Thị Nghè. Ông xin được một chân đánh máy trong Bộ Công chánh. Trong thời gian này, ông chủ yếu tập trung vào việc xây dựng vỏ bọc an toàn, nên thường xuyên lui tới giáo xứ Bình An và văn phòng Hội cựu tự vệ Công giáo Phát Diệm, qua đó chiếm được cảm tình của linh mục Hoàng Quỳnh và trở thành người giúp việc cho Giám mục Lê Hữu Từ. Cũng trong thời gian này, ông nhận ra được những yếu điểm quan trọng trong mối quan hệ giữa giới Công giáo với chính quyền, yếu tố quan trọng mà về sau được ông sử dụng như một thủ pháp để hoạt động tình báo. Từ khi vào Nam, ông thường dùng các tên gọi như Hai Long, Hai Nhạ, Hai Nhã theo thứ bậc của người miền Nam và ông cũng được linh mục Hoàng Quỳnh đặt một tên gọi riêng là Hoàng Đức Nhã.

Tuy vậy, cuối tháng 12 năm 1958, ông bị một nhân viên phản gián của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung, tên là Nguyễn Tư Thái (tự Thái đen)[2], nhận diện ông vẫn hoạt động tại vùng Thái Bình cho đến từ cuối năm 1952. Do đó, ông bị Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung bắt giữ và bị giam để chờ xác minh tại trại giam Tòa Khâm, Huế. Do công tác chuẩn bị tốt, do sự vận động của linh mục Hoàng Quỳnh, cộng với sự may mắn, ông không bị kết tội vì không đủ hồ sơ, nhưng vẫn bị giam giữ một cách không chính thức đến tận giữa năm 1961.

Người giúp việc của Đức cha Lê

Một sơ hở lớn của Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung là tập trung giam giữ khá nhiều tình báo viên tại trại Tòa Khâm. Trong thời gian bị giam giữ tại Tòa Khâm, Vũ Ngọc Nhạ đã móc nối được với một số tình báo viên khác, thậm chí nhận được sự chỉ đạo của trùm tình báo Mười Hương, khi đó cũng bị giam tại Tòa Khâm[3]. Từ đó, ông đã chuyển phương cách hoạt động, xây dựng sự tín nhiệm của "Ông Cố vấn chỉ đạo miền Trung" Ngô Đình Cẩn bằng tờ trình "4 Nguy cơ đe dọa chế độ" viết vào cuối năm 1959. Tờ trình này đã gây được sự chú ý của Ngô Đình Cẩn và sau đó cả của Ngô Đình Nhu lẫn . Do sự dự đoán chính xác của ông về khả năng xảy ra đảo chính và cuộc đảo chính đã diễn ra sau đó vào ngày 11 tháng 11 năm 1960, các anh em họ Ngô đã chú ý đến ông và nhờ đó ông thoát khỏi sự giam cầm kéo dài trong hơn 2 năm.

Tờ trình "4 Nguy cơ đe dọa chế độ" được viết trên cơ sở mối quan hệ giữa giới Công giáo với anh em họ Ngô. Chính yếu tố này đã gây được sự chú ý, cộng với bức bình phong "người giúp việc cho Giám mục Lê Hữu Từ" mà Vũ Ngọc Nhạ được sử dụng như một người liên lạc và cung cấp thông tin giữa anh em họ Ngô với giới Công giáo di cư. Chính ở vị trí này, ông không những thu được nhiều tin tình báo có giá trị, mà còn có ảnh hưởng nhất định đến một số thông tin trao đổi giữa hai bên. Từ đó, ông bắt đầu có biệt danh Ông cố vấn.

Xây dựng Cụm tình báo chiến lược A.22

Sau cuộc đảo chính 1 tháng 11 năm 1963, thế lực chính trị của Công giáo phát triển nhanh. Lúc bấy giờ, vai trò lãnh đạo Công giáo được chuyển vào tay linh mục Hoàng Quỳnh. Cuối năm 1965, do sự tranh giành quyền lực quyết liệt trong "nhóm tướng trẻ", tướng Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng Vũ Ngọc Nhạ giữ vai trò liên lạc viên giữa tướng Thiệu và Công giáo, qua sự giới thiệu của Linh mục Hoàng Quỳnh, nhằm tìm chỗ dựa chính trị. Là một điệp viên, Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo sử dụng vai trò này để tạo dựng các mối quan hệ và gây ảnh hưởng đến giới chính trị gia cả trong dân sự lẫn quân sự.

Bút tích được cho là của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu viết cho Vũ Ngọc Nhạ

Được xem như một cố vấn cho tướng Thiệu trong lĩnh vực quan hệ với giới Công giáo, ông nhanh chóng trở thành một "Ông cố vấn" lần thứ hai, với sức ảnh hưởng đến chính giới còn mạnh hơn so với thời anh em Diệm - Nhu, nhất là từ sau khi tướng Thiệu đắc cử Tổng thống vào năm 1967. Để khai thác một cách triệt để hơn sức ảnh hưởng và nguồn thông tin lớn, cấp trên của ông đã mở rộng nhiệm vụ của ông thành mạng lưới, rồi cụm tình báo A.22 (vốn là mật danh riêng của ông) do Nguyễn Văn Lê [4] làm Cụm trưởng, ông làm Cụm phó trực tiếp phụ trách lưới tình báo. Toàn bộ cụm A.22 được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Nguyễn Đức Trí[5], Chỉ huy phó Tình báo quân sự tại miền Nam.

Ban đầu cụm phát triển thêm Nguyễn Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật đều là những tình báo viên mà Vũ Ngọc Nhạ đã bắt liên lạc lúc ông bị giam ở Tòa Khâm. Sau phát triển Nguyễn Xuân Đồng, và quan trọng nhất là vào đầu năm 1967, cụm được bổ sung Lê Hữu Thúy (hay Thắng), mật danh A.25.

Các điệp viên này đều được giao nhiệu vụ "chui sâu leo cao" vào những chức vụ quan trọng để có thể thu thập thông tin chiến lược và có thể tác động đến chính quyền. Thành công lớn nhất của Cụm A.22 là cắm được một cơ sở của Lê Hữu Thúy là Huỳnh Văn Trọng, vào vị trí Phụ tá tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Chính Huỳnh Văn Trọng cầm đầu một phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ tiếp xúc, gặp gỡ với hàng loạt tổ chức, cá nhân trong chính phủ và chính giới Hoa Kỳ để thăm dò thái độ của Chính phủ Johnson đối với cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam, đồng thời thu thập được nhiều thông tin tình báo chiến lược.

Vụ án Huỳnh Văn Trọng và 42 ông điệp báo

Tuy tổ chức rất chặt chẽ, nhưng do hoạt động mạnh và có ảnh hưởng đến chính giới cũng như chính quyền Sài Gòn, CIA nhanh chóng phát hiện thấy điều không bình thường của những nhân vật riêng rẽ này, vốn hầu hết đều là những nghi can về tội làm điệp viên và từng bị giam giữ tại trại Tòa Khâm. Do đó, cơ quan CIA đã tiến hành điều tra để phá vỡ cụm tình báo vô cùng nguy hiểm này. Hồ sơ các cựu tù nhân trại Tòa Khâm được giở lại từ giữa năm 1968. Do quy mô, cũng như sức ảnh hưởng quá lớn và tính chất phức tạp của vụ án, mãi hơn một năm sau CIA mới chuyển giao thông tin cho Tổng Nha Cảnh sát điều tra vụ án. Một đơn vị đặc biệt có mật danh S2/B đã được thành lập và đã tiến hành bắt giữ hầu hết những người của Cụm A.22 vào trung tuần tháng 7 năm 1969. Toàn bộ các điệp viên Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy (tức Thắng), Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe, Nguyễn Xuân Đồng, hầu hết các cơ sở như phụ tá Huỳnh Văn Trọng, cơ sở giao liên như bà Cả Nhiễm... đều bị bắt giữ. Tuy nhiên, Cụm trưởng Tư Lê đã kịp thời trốn thoát.

Về cơ bản, cụm tình báo gần như bị phá vỡ hoàn toàn. Các chứng cứ về hoạt động tình báo hầu như đầy đủ. Chính giới Sài Gòn rung động vì quy mô của vụ án: 42 cán bộ và cơ sở điệp báo, hoạt động rộng và có ảnh hưởng trong nhiều cơ quan chính quyền cũng như các tổ chức chính trị, một phụ tá tổng thống bị bắt... Khi vụ án được đưa ra xét xử vào tháng 11 năm 1969, báo giới Sài Gòn đã mệnh danh đây là “Vụ án chính trị của thế kỷ”[6], “Vụ án gián điệp lớn nhất thời đại”[7]. Để cứu vãn hoạt động điệp báo và duy trì thế đứng chính trị, các thành viên Cụm A.22 quyết định đi một nước cờ xoay chuyển tình thế: biến vụ án gián điệp thành vụ án chính trị, lợi dụng mức ảnh hưởng và mối quan hệ sâu rộng, các bằng chứng công khai, cũng như tình thế chính trị bấy giờ để dẫn phiên tòa vào thế bế tắc.

Và họ đã thành công. Phiên tòa trở nên khó xử vì nhất cử nhất động của các bị cáo đều dính tới các chóp bu chính quyền từ tổng thống, bộ trưởng đến dân biểu, CIA. Các bằng chứng được công khai để kết tội hoạt động gián điệp "móc nối với Việt Cộng" đều trở thành những vụ việc do chính ... Tổng thống hợp hiến ủy thác hoặc ra lệnh. Nhân chứng quan trọng nhất của "vụ án" chắc chắn tòa sẽ không triệu tập được vì đó chính là Tổng thống. Và các bị cáo đều lập luận rằng họ hoạt động theo yêu cầu của chính quyền và lương tâm tôn giáo đã được hướng dẫn.

Do không có bằng chứng thuyết phục để khép vào tội tử hình, tòa án quân sự mặt trận lưu động Vùng 3 đã tuyên án Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Huỳnh Văn Trọng, Nguyễn Xuân Hòe án Chung thân khổ sai, những thành viên khác bị kết án từ 5 năm đến 20 năm. Tuy nhiên, dù sao thì Cụm A.22 cũng đã thực hiện thành công được ý định của mình: giữ được mạng sống các điệp viên, giữ lại được vị thế chính trị để hoạt động khi ra tù, đồng thời gây ra sự nghi kỵ lẫn nhau trong chính trường Việt Nam Cộng hòa.

Đánh giá mức độ thành công của Cụm A.22 có thể thấy được qua lời tuyên bố của Vũ Ngọc Nhạ trước khi lên xe giải về trại giam sau khi phiên tòa kết thúc và được báo giới ghi lại:

Lúc quân cảnh đưa lần ra khỏi phòng xử để lên xe bít bùng, Vũ Ngọc Nhạ hướng về đám đông ký giả ngoại quốc và thân nhân nói lớn:

- Tôi gởi lời về thăm ông Thiệu

Rồi y nói lên câu tiếng Pháp:

- Ma Mission est Possible mais maintenant est impossible! (Sứ mạng của tôi trước có thể hoàn thành được nhưng bây giờ thì bất khả!)

Và y nói với một số ký giả trong nước:

- Vụ tụi tôi chỉ có lịch sử phán xét![8]

Sự thành công này còn đạt được một kết quả bất ngờ: khi Cụm Tình báo A.22 bại lộ, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vẫn chưa và không muốn tin vào sự thật, còn cho rằng đây là âm mưu của CIA dàn cảnh. Trong thời gian Vũ Ngọc Nhạ và các bạn đồng chí bị đày ra Côn Đảo, Thiệu đã triệu hồi viên Tỉnh trưởng Côn Đảo về Sài Gòn và thế vào đó là một tay chân của ông ta để có diều kiện chăm sóc Hai Long, coi ông như thượng khách. Bởi thế, quãng thời gian này, sống trên đảo, Vũ Ngọc Nhạ đã tự đánh giá "Đó là một chuyến dạo chơi trên Thiên đường", có dịp tiếp xúc với nhiều nhân vật có tiếng tăm của cả Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ...

Tiếp tục hoạt động

Đầu năm 1973, Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng được đưa về trại giam Chí Hòa quản thúc theo quy chế tù chính trị theo Hiệp định Paris. Trong thời gian này, lợi dụng ảnh hưởng của mình và nhờ sự giúp đỡ của linh mục Hoàng Quỳnh, Vũ Ngọc Nhạ nối lại mối quan hệ với các tổ chức chính trị thuộc "Lực lượng thứ 3" do tướng Dương Văn Minh cầm đầu. Lo ngại những hoạt động của ông có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính quyền, ngày 23 tháng 7 năm 1973, chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã trao trả ông tại Lộc Ninh cho phía , với danh xưng là "linh mục Giải phóng", với mục đích đẩy ông ra xa các hoạt động của chính giới Sài Gòn. Sau khi được trao trả, cuối năm 1973, ông được đưa về Phòng tình báo quân sự để làm công tác xác minh. Đầu năm 1974, sau khi đã kiểm tra thông tin, ông được khôi phục hoạt động bí mật và được công nhận quân hàm Trung tá Quân đội Nhân dân Việt Nam. Trong thời gian này, ông đồng thời nhận được quyết định khen thưởng về thành tích của Cụm A.22 đồng thời với quyết định kỷ luật cảnh cáo vì chịu trách nhiệm trong việc lưới tình báo này bị vỡ. Tháng 4 năm 1974, ông trở về hoạt động bán công khai tại Củ Chi, với mục đích xây dựng một cụm tình báo chiến lược mới do ông làm cụm trưởng, xây dựng cơ sỏ tình báo và nối lại quan hệ với các tổ chức chính trị thuộc Lực lượng thứ 3, đặc biệt là khối Công giáo. Tháng 1 năm 1975, ông trở lại Sài Gòn, sống bất hợp pháp và hoạt động trong Lực lượng thứ 3 với tư cách là một đại biểu Công giáo. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông có mặt bên cạnh tướng Dương Văn Minh tại dinh Độc Lập, chứng kiến những giờ phút cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Thất sủng và được tôn vinh

Sau năm 1975, toàn bộ Hồ sơ mật về Cụm tình báo chiến lược A .22 của Nha Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia được thu hồi nguyên vẹn. Thậm chí, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, một chỉ huy tình báo cao cấp và là chỉ huy trực tiếp của Vũ Ngọc Nhạ là Đại tá Nguyễn Đức Trí cũng có mặt tại dinh Độc Lập. Tuy nhiên, thân phận thực của Vũ Ngọc Nhạ vẫn chưa được xác nhận. Mãi đến năm 1976, ông mới được điều về làm chuyên viên Cục 2 với quân hàm Thượng tá. Năm 1981, ông được thăng Đại tá. Tuy nhiên, ông chỉ được giao các công tác nghiên cứu và tổng hợp các báo cáo để phúc trình cho các lãnh đạo cao cấp của nhà nước như Thủ tướng , Mai Chí Thọ, Nguyễn Văn Linh.

Mãi đến năm 1987, khi cuốn tiểu thuyết “Ông cố vấn - Hồ sơ một điệp viên” của Hữu Mai xuất bản, thân thế và sự nghiệp của ông mới được công chúng biết tới. Để tôn vinh sự nghiệp hoạt động của ông, năm 1988, Nhà nước Việt Nam phong hàm Thiếu tướng cho Vũ Ngọc Nhạ. Cụm tình báo chiến lược A.22 và Đại tá Lê Hữu Thúy được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Một bộ phim phỏng theo tiểu thuyết "Ông cố vấn" cũng được sản xuất và đã có một số phóng sự về ông và cụm tình báo A.22 được công chiếu trước khi ông mất.

Ông được Nhà nước Việt Nam tặng thưởng:

  • Huân chương Độc lập hạng ba,

  • Huân chương Quân công hạng ba,

  • Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhì,

  • 2 Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba,

  • Huân chương Chiến thắng hạng nhì,

  • Huân chương Kháng chiến hạng nhất,

  • 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng nhất, nhì, ba);

  • 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng nhất, nhì, ba);

  • Huy chương Quân kỳ quyết thắng,

  • Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Tuy nhiên, cho đến lúc mất, ông vẫn không được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang mà chính nhà văn Hữu Mai nhận định rằng chính ông rất xứng đáng được nhận.

Ông còn được Tòa thánh Vatican và Giáo hoàng Paulus VI tặng bằng khen và Huy chương "Vì hòa bình" vào tháng 6 năm 1971.

Ông qua đời lúc 6 giờ 7 phút ngày 7 tháng 8 năm 2002 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 75 tuổi. Phần mộ cửa ông hiện nay được đặt tại nghĩa trang Lạc Cảnh, TP.HCM, trong khu vực dành riêng cho các tướng lĩnh, gần mộ phần của 2 điệp viên nổi tiếng khác là Phạm Xuân Ẩn và Đặng Trần Đức. Mộ phần của Đại tá Phạm Ngọc Thảo cũng cách đó không xa.

Nhận xét

Linh mục Hoàng Quỳnh nhận xét về ông như sau: "Thầy hiền lành như bồ câu và khôn lanh như rắn !" [9][cần dẫn nguồn]

Chú thích

  1. ^ Về sau trở thành Đại tá tình báo, và là tác giả tập thơ "Sống trong mồ"

  2. ^ Nguyễn Tư Thái còn nhận mặt được khá nhiều cán bộ Việt Minh khác, trong đó có Lê Hữu Thúy, một tình báo viên huyền thoại khác, về sau cũng bị lộ trong vụ án gián điệp A.22

  3. ^ Bị giam tại trại Tòa Khâm còn có Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật về sau đều nằm trong cụm A.22.

  4. ^ còn gọi là Tư Lê, hay Tư Rỗ

  5. ^ Còn gọi là Sáu Trí, về sau là Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam

  6. ^ Báo Cấp tiến ngày 29 tháng 11 năm 1969

  7. ^ Báo Thời thế ngày 1 tháng 12 năm 1969

  8. ^ Báo Sài Gòn Mới ngày 1 tháng 12 năm 1969

  9. ^ Trích từ một điển tích trong Kinh Thánh

Liên kết ngoài

  • Tiểu sử Vũ Ngọc Nhạ trong Từ điển bách khoa Britannica

  • Bài viết về Vũ Ngọc Nhạ trên The New York Times

  • Tiểu thuyết Ông cố vấn của Hữu Mai

Lấy từ “http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_Ng%E1%BB%8Dc_Nh%E1%BA%A1”

: Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng Việt Nam | | Chiến tranh Việt Nam | | Sinh 1928 | Mất 2002 | Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam

Phụ lục 1

Vĩnh biệt "Ông Cố vấn", Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ (1928-2002)

Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ và tác giả

Thầy Bốn và những cái tên

Trận chiến đấu thật sự của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ bắt đầu vào một buổi sáng tháng 12-1958. Bị Tá Đen, một tên chiêu hồi chỉ điểm, anh đã bị bọn mật vụ thuộc đoàn công tác đặc biệt của Ngô Đình Cẩn bắt. Sau hơn một tháng bị giam giữ tại một địa điểm bí mật ở đường Bến Vân Đồn, quận 4, TP Hồ Chí Minh, Vũ Ngọc Nhạ bị bọn mật vụ chuyển ra trại Tòa Khâm (Huế). Suốt tám tháng trời, mọi ngón nghề khai thác, lừa bịp, mị dân của đối phương vẫn không làm lộ diện con người thật của Vũ Ngọc Nhạ. Trước sau, chúng chỉ biết những gì tổ chức đã chuẩn bị sẵn khi đưa anh vào sống trong lòng địch: Tên thật: Vũ Đình Long, sinh ngày 30-3-1928 tại xã Vũ Hội, Vũ Thư, Thái Bình; tham gia Việt Minh sau ngày Toàn quốc kháng chiến; vào Đảng Cộng sản năm 1947, năm 1951 trở thành Thị ủy viên của thị xã Thái Bình. Bị kỳ thị vì xuất thân gia đình là địa chủ, Công giáo nên anh bỏ Việt Minh, về sống ở quê ngoại tại Phát Diệm, Ninh Bình. Giai đoạn này, anh tham gia "Tổng bộ tự vệ Phát Diệm" do giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo, trở thành phụ tá của hai vị thầy tu khét tiếng chống Cộng này. Sau năm 1954, anh theo quân Pháp rút về nước, hy vọng tiếp tục được theo học ở phương Tây. Vỡ mộng vì chỉ kiếm được một công việc độ nhật tại một trang trại trồng nho trên đất Pháp, anh trở về Việt Nam đưa vợ con di cư vào Sài Gòn làm ăn lương thiện và phụ giúp việc đạo cho linh mục Hoàng Quỳnh tại giáo xứ Bình An (Sài Gòn) cho đến ngày bị bắt. Bảo bối chứng minh cho lời khai là một bức ảnh chụp chung với giám mục Lê Hữu Từ và giám mục Jean Cassaigne - Tổng tuyên úy Pháp tại Đông Dương, chụp tại Phát Diệm năm 1952.

Gia đình Vũ Ngọc Nhạ lúc xuống tàu di cư tại Hải Phòng tháng 12-1955.

Bản lý lịch trên là một sự pha trộn tuyệt vời giữa thực và bịa để che mắt địch. Kỳ thực, vị catholique de coeur (Công giáo tại tâm) Vũ Ngọc Nhạ đã trải một đoạn đường đời có rất nhiều điểm khác: Anh đã từng là một trong 300 đại biểu kháng chiến được mời về dự Hội nghị chiến tranh du kích đồng bằng Bắc Bộ. Tại đó, sau vài lần gặp gỡ chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn anh vào hàng ngũ những người tiên phong làm công tác tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chuẩn bị cho cuộc đấu tranh lâu dài với Mỹ - ngụy, anh được đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh phái vào Nam hoạt động. Để tạo vỏ bọc, người cán bộ Cộng sản Vũ Ngọc Nhạ đã được hóa thân vào quân đội Liên hiệp Pháp và có cơ hội chụp ảnh chung với cha Lê, cha Cassaigne tại Hải Phòng, vào cuối năm 1954, trước khi lên tàu di cư vào Nam không lâu lắm. Tại Sài Gòn, nhờ kiến thức tôn giáo uyên bác, thầy Bốn (được phong 7 chức thánh và trở thành linh mục) Vũ Ngọc Nhạ đã được linh mục Hoàng Quỳnh tin cậy, không hề nghi ngờ gì việc anh có từng cộng tác với Tổng bộ Phát Diệm trong quá khứ hay không.

Trong trại Tòa Khâm, Vũ Ngọc Nhạ bắt được liên lạc và được "anh Mười" - tức đồng chí Trần Quốc Hương - giao nhiệm vụ trèo cao, chui vào chính quyền Sài Gòn. Với một bản tường trình phân tích kỹ bốn nguy cơ "đe dọa chế độ mà Ngô Tổng thống đã dày công vun đắp", anh đã khiến Ngô Đình Cẩn, sau đó là cả Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm quan tâm, chú ý. Khi được hỏi, Vũ Ngọc Nhạ đã khéo léo hé cho anh em họ Ngô biết rằng tất cả những ý kiến trong tờ trình đều là chủ kiến của giám mục Lê Hữu Từ, anh chỉ là người lĩnh hội và được thừa nhiệm báo nguy chế độ. Đánh giá rất cao "trách nhiệm" và sự sâu sắc của "bản báo nguy chế độ", đồng thời tưởng nắm được cơ hội bằng vàng để tranh thủ sự ủng hộ của khối Công giáo di cư do giám mục Lê Hữu Từ và linh mục Hoàng Quỳnh lãnh đạo, anh em Diệm - Nhu đã mời Vũ Ngọc Nhạ về làm cố vấn. Trong khi đó nhờ anh, mối bất hòa giữa Phát Diệm với anh em Ngô Tổng thống cũng được dỡ bỏ nên cha Lê, cha Hoàng cũng hởi lòng, coi Vũ Ngọc Nhạ như người cật ruột. Linh mục Hoàng Quỳnh đã lấy họ mình đặt cho anh tên mới là Hoàng Đức Nhã.

Ông Vũ Ngọc Nhạ (thứ hai từ trái sang) trong buổi chuẩn bị đón Phó Tổng thống Mỹ Johnson sang thăm Sài Gòn tháng 5-1961.

Tại Dinh Độc Lập, những ý kiến sâu sắc về sách lược, chiến lược và chiến thuật đối phó với thời cuộc sâu sắc của Vũ Ngọc Nhạ đã khiến anh em Diệm - Nhu vì nể. Chẳng bao lâu, anh đã trở thành một người tâm phúc, thường xuyên được cùng bàn bạc những vấn đề cơ mật, sinh tử với anh em họ Ngô, trở thành "con rồng thứ 5" trong gia đình quyền lực nhất miền Nam này, với tên gọi là Hoàng Long, do chính Ngô Đình Nhu đặt tặng. Bốn "con rồng" kia là Hồng Long (Ngô Đình Thục), Bạch Long (Ngô Đình Diệm), Thanh Long (Ngô Đình Nhu) và Hắc Long (Ngô Đình Cẩn).

"Điệp viên siêu hạng"

Mở được cánh cửa quyền lực của anh em họ Ngô, Vũ Ngọc Nhạ nhanh chóng liên kết với các đồng chí của mình như Lê Hữu Thúy, Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe... hình thành nên một lưới tình báo (lưới A22) nắm giữ các vị trí chóp bu trong ngụy quyền Sài Gòn để khai thác tin tức chiến lược phục vụ đấu tranh cách mạng. Thành công ngoạn mục nhất của cụm tình báo A22 là tổ chức được Huỳnh Văn Trọng, một người giàu tình cảm dân tộc, vào lưới và giữ chức phụ tá tổng thống cho Nguyễn Văn Thiệu. Huỳnh Văn Trọng từng là một bộ trưởng dưới thời Bảo Đại. Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa của Ngô Đình Diệm bị bỏ rơi hoàn toàn nên tỏ ra bất mãn. Vũ Ngọc Nhạ đã vẽ đường đi nước bước cho Huỳnh Văn Trọng tạo dần thanh thế, rồi dùng uy tín của mình trợ giúp Nguyễn Văn Thiệu chạy đua vào ghế Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, được Thiệu vừa hàm ơn vừa sủng ái đặt vào ghế phụ tá tổng thống (tương đương bộ trưởng). Ở vị trí này, Huỳnh Văn Trọng đã có điều kiện tiếp xúc và lấy được hàng loạt văn kiện, chính sách tối mật của Mỹ - ngụy, giao lại cho Vũ Ngọc Nhạ để chuyển cho Trung ương Cục Miền Nam, kịp thời có đối sách đấu tranh. Tháng 8-1968, dưới sự sắp xếp và tham mưu của Vũ Ngọc Nhạ, Nguyễn Văn Thiệu đã cử Huỳnh Văn Trọng cầm đầu một phái đoàn của Việt Nam Cộng hòa sang Hoa Kỳ tiếp xúc, gặp gỡ với hàng loạt tổ chức, cá nhân trong chính phủ và chính giới Hoa Kỳ để thăm dò thái độ của Chính phủ Johnson đối với cuộc chiến của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Chính những thông tin này đã góp một phần vô giá cho Cách mạng trước khi ngồi vào bàn đàm phán tại Paris với Mỹ.

Thành công của phái đoàn Huỳnh Văn Trọng lớn tới mức chính Nguyễn Văn Thiệu cũng lấy làm hả hê, không hay biết rằng sứ mạng của Việt Nam Cộng hòa đã được đặt trọn vào tay "tình báo Việt Cộng"!

Với bề ngoài là một con chiên kính Chúa, luôn sẵn sàng tử vì đạo, con người có công với mọi chế độ quyền lực ở miền Nam này vẫn không hề nhận bất kỳ một ân sủng, chức tước, bổng lộc nào của những kẻ đứng đầu chế độ mong muốn ban tặng, trả ơn. Bù lại, sự tin cậy của chế độ đã giúp anh lấy được hàng loạt tài liệu chiến lược, sách lược tuyệt mật, từ kế hoạch xây đựng ấp chiến lược, kế hoạch Stanley Taylor... thời Diệm, đến kế hoạch Bình định nông thôn, kế hoạch Phượng Hoàng, kế hoạch đổ quân của Mỹ, sách lược chiến tranh đặc biệt.,. thời Thiệu v.v... để Đảng kịp thời có đối sách lãnh đạo đường lối đấu tranh.

Thêm một điều oái oăm nữa là, cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu nhưng trong trận Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968, theo kế hoạch, chính Vũ Ngọc Nhạ sẽ là người chỉ huy biệt động thành tấn công Dinh Độc Lập, bắt hoặc tiêu diệt Nguyễn Văn Thiệu. May cho ông Thiệu đã cùng vợ con về quê ngoại (Tiền Giang) ăn Tết nên không có mặt. Đêm giao thừa, để chuẩn bị, khi tiếng súng tổng tấn công nổi lên khắp nơi, Vũ Ngọc Nhạ - đang nhận lời thay Thiệu "trực" tại Dinh Độc Lập - đã chủ động cho mở hầm rượu của Tổng thống để "úy lạo anh em binh sĩ khiến lực lượng phòng vệ trong Dinh say bò lăn bò càng. Tuy nhiên, do hợp đồng chiến đấu có thay đối nên cuộc tấn công vào Dinh đã không nổ ra, để kết quả là sau Tết, Nguyễn Văn Thiệu đã hết lời khen và cảm ơn "ông Cố vấn" với sáng kiến mở hầm rượu "lên dây cót anh em", cho nên Dinh Độc Lập đã được giữ nguyên lành, trong khi Tòa đại sứ Mỹ ở cách đó chỉ 300m thì đã bị quân Giải phóng giã nát!

Từ "Điệp vụ bất khả thi" đến "Vụ án chính trị lớn nhất thời đại"

Do những sơ hở trong khâu lấy tin, CIA đã đánh hơi và sau đó khám phá được lưới tình báo A22. Ngoại trừ đồng chí Trần Quốc Hương, người chỉ huy cao nhất của lưới đã kịp thời rút lui an toàn ra vùng giải phóng, còn lại từ Vũ Ngọc Nhạ, toàn bộ các điệp viên đến các liên lạc viên đều bị cảnh sát đặc biệt ngụy bắt giữ vào trung tuần tháng 7-1969.

Sau hơn một tháng giam giữ, cảnh sát ngụy và CIA đã dồn xuống thể xác nhỏ nhắn của Vũ Ngọc Nhạ 32 trận đòn tra tàn bạo nhất nhưng anh vẫn tuyệt nhiên không khai báo một câu. Đau đớn về thể xác, Vũ Ngọc Nhà còn chịu đựng được, nhưng nỗi vò xé về tinh thần thì không chịu nổi: toàn bộ hoạt động của lưới tình báo, kẻ địch đã nắm được quá đầy đủ, quá chi tiết. Để cứu những người bị bắt oan, đồng thời để có cơ hội tiếp tục đấu tranh công khai khi phiên tòa được mở, Vũ Ngọc Nhạ quyết định thừa nhận những gì mà kẻ địch đã có đủ bằng chứng.

Hy vọng Vũ Ngọc Nhạ chịu hợp tác, CIA đã cử người đến gặp anh, đề nghị Vũ Ngọc Nhạ nhận mình là CIA! Lời đề nghị này tưởng chừng là một nước cờ cao: vừa nâng uy tín CIA, vì lúc này cái tên Vũ Ngọc Nhạ và lưới tình báo A22 đã nổi tiếng, vừa có cơ may tháo dần mớ bòng bong chính trị đang ngày càng rối tung lên do vụ bê bối đưa đến. Nước cờ cao nên cái giá không thể thấp: khởi điểm CIA sẽ trả cho riêng Vũ Ngọc Nhạ 2 triệu USD, trương mục mở vào bất kỳ ngân hàng nào do anh yêu cầu, cộng với khoản lương tháng cực cao được tính từ khi Nhạ gật đầu. Nhưng Vũ Ngọc Nhạ đã không gật. Anh cũng từ chối mọi thiện chí giúp đỡ của các luật sư từ chối biện hộ trước tòa để biến phiên tòa xử các anh thành vô giá trị.

Vậy là từ thắng lợi vì phá được một "vụ án gián điệp lớn nhất mọi thời đại", CIA và ngụy quyền Sài Gòn rơi tõm vào sự thảm bại của một vụ bê bối chính trị không có lối gỡ. Mọi công việc của các bị cáo đều là do... Tổng thống hợp hiến ủy thác hoặc ra lệnh. Nhân chứng quan trọng nhất của "vụ án" chắc chắn tòa sẽ không triệu tập được vì đó chính là... Tổng thống.

Tất cả mọi vụ việc, tình tiết có thể nêu tên đều hoàn toàn là chính sách, chú trương công việc của chính phủ, và đều dính tới các chóp bu chính quyền từ tổng thống, bộ trưởng đến dân biểu, CIA, thậm chí dính đến cả... Tổng thống Mỹ. Ở một khía cạnh khác, Nguyễn Văn Thiệu cũng nhảy dựng lên: Chính CIA cố tình dàn cảnh để chặt tay, chặt chân của Thiệu.

Chưa hết, Tòa thánh Vatican và cộng đồng Thiên Chúa giáo di cư cũng cho rằng, đây là âm mưu của CIA và chính quyền Thiệu nhằm làm Thiên Chúa giáo Việt Nam suy yếu "Điệp vụ bất khả thi" nhanh chóng vỡ ra thành một đống lùi nhùi không lối thoát, thành "vụ áp chính trị lớn nhất thế kỷ".

Mớ bòng bong đã khiến những kẻ ngồi ghế quan tòa lúng túng, không hề dám tuyên bố một án tử hình nào. Cả 4 người chủ chốt gồm: Nhạ, Trọng, Thúy, Hòe đều bị kêu án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo. Ngoạn mục hơn nữa, ngày 23-6-1971, tại Roma có một đại lễ cầu nguyện cho những ân nhân của Giáo hoàng, Phêrô Vũ Ngọc Nhạ đã được ghi nhận "người con hiếu thảo của Chúa, vệ sĩ nhiều công đức của Giáo hội, ân nhân của Giáo hoàng Paul VI", được Đức Thánh Cha ban ơn chết lành, tặng bằng khen và huy chương của Giáo hoàng. Hai ngày sau, 25-6, một linh mục khâm sai của Vatican đã vào tận khám Chí Hòa trao tặng các phần thưởng cho Vũ Ngọc Nhạ.

Sự tưởng lệ của Giáo hoàng Paul VI đã giúp Vũ Ngọc Nhạ dù đang ngồi tù, uy tín vẫn tăng vùn vụt. Suốt những năm nhà tình báo chịu cảnh lưu đày tại Côn Đảo, hàng loạt dân biểu, chính khách, chức sắc tôn giáo và cả cha tuyên úy trong quân đội Mỹ đều viết thư, nhắn hoặc ra tận nơi để thăm hỏi và xin Vũ Ngọc Nhạ cho ý kiến!

Chiều ngày 23-7-1973, Vũ Ngọc Nhạ được trao trả tại Lộc Ninh, với danh xưng là "linh mục Giải phóng". Cho đến lúc đó, khắp miền Nam Việt Nam vẫn không một kẻ nào nghi ngờ vị trí, ảnh hưởng của anh trong chính trường miền Nam. Linh mục Hoàng Quỳnh và nhiều vị chức sắc khác của nhà thờ Vatican vẫn đều đặn từ Sài Gòn liên lạc với anh ở vùng giải phóng. Niềm tin lớn đến mức, ngày 12-11-1974, vị linh mục chống Cộng khét tiếng Hoàng Quỳnh còn sẵn lòng theo chân Liên - con gái lớn của Vũ Ngọc Nhạ - ra vùng căn cứ của ta ở Đồng Lớn (Trung Lập Thượng, Củ Chi) để cùng anh bàn bạc về lực lượng thứ 3 và chính phủ ba thành phần ớ miền Nam theo Hiệp định Paris.

Và chính với tư cách của một người thuộc lực lượng thứ 3, trưa ngày 30-4-1975, Vũ Ngọc Nhà đã đứng cạnh Dương Văn Minh khi viên Tổng thống cuối cùng của chế độ Sài Gòn tuyên bố đầu hàng Cách mạng vô điều kiện. Vào phút đó, với tâm trạng rối bời, Tổng thống cuối cùng đã không hề để ý thấy một chi tiết: Con người nhỏ bé đứng bên cạnh ông ta đang nở một nụ cười, nhẹ nhàng nhưng rất tươi tắn và mãn nguyện - nụ cười của người chiến thắng.

NGUYỄN ĐỨC VINH (Báo An ninh thế giới)

Phụ lục 2

Chuyện về tấm căn cước của Nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ

Nhờ có sự giúp đỡ của người dân vùng tề làng Cổ Ninh, ông Vũ Ngọc Nhạ đã có được một tấm căn cước giả, biến ông trở thành người phía bên kia. Chính tấm căn cước làm năm 1951 này đã bắc cây cầu đầu tiên đưa ông vào sự nghiệp tình báo hiển hách của mình.

Your browser may not support display of this image.

Từ trái sang phải: Bác Vũ Cao Đệ, cơ sở đầu tiên của nhà tình báo ở nội đô Sài Gòn; Cụ Ý (thôn Cổ Ninh); Ông cố vấn; Ông Vũ Ngọc Khoa (em ruột ông Nhạ, người giả danh làm căn cước).

Thôn Cổ Ninh có một ngôi nhà, từ đấu trụ, rường cột, cánh cửa, đều thửa bằng gỗ lim. Nhà trước kia là của cụ Chánh Kì bên Cổ Am, cụ Nguyễn Đăng Ý mua về dựng lại trên đất Cổ Ninh. Ngôi nhà ấy nơi lưu giữ bao chuyện hấp dẫn, huyền thoại, về tấm căn cước của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ.

Cụ Nguyễn Đăng Ý năm nay 95 tuổi, người đào căn hầm nhỏ trong buồng ngôi nhà cổ nuôi người tình báo; rồi cùng với ông Đỗ Đăng Bính, ông Vũ Ngọc Khoa (em ruột ông Nhạ) bàn mưu tính kế làm tấm thẻ căn cước cho Vũ Ngọc Nhạ bắc cây cầu đầu tiên vào nghề tình báo, sau này làm nên bao chuyện kinh thiên động địa qua các thời kỳ tổng thống của ngụy quyền Sài Gòn. Năm 1951 làng Cổ Ninh đã tề, giặc đóng bót Niềm ngay đầu làng. Vũ Ngọc Nhạ đã tìm sự an toàn nhất cho mình vào trong lòng địch đào hang giấu mình ngay buồng nhà cụ Ý.

Sau hội nghị tổng kết chiến tranh du kích toàn quốc ở Việt Bắc (10-1951) về, một buổi tối ông Vũ Ngọc Nhạ từ dưới hầm bí mật chui lên gọi ông Đỗ Đăng Bính đến bàn bạc "Anh được giao nhiệm vụ đặc biệt, chẳng những ở Thái Bình, còn ở Hà Nội hoặc đi xa hơn nữa". Giọng ông thật nghiêm cẩn, ông Bính không dám hỏi lại, rồi ông tiếp: "Anh cần tấm thẻ căn cước dân tề người làng Cổ Ninh để dễ bề hoạt động. Muốn có căn cước phải có giấy khai sinh, nơi ở, nơi làm việc, tất cả nhờ vào chú Bính, chú Khoa và cụ Ý bên Cổ Ninh mới được".

Sau hôm ấy ông Bính đã tìm đến nhà Nguyễn Ngọc Trúc, Mai Doãn Thăng là chánh, phó lý làng Cọi, để lên phủ Kiến Xương xin tờ khai hợp thức cho ông Nhạ, giấy khai theo nguyên mẫu của ngụy quyền, áp triện hình chữ nhật hằn phẩm xanh. Có giấy tờ rồi cụ Ý, ông Khoa, ông Bính tìm đường đi, nước bước tiếp theo; Việc đầu tiên ông Bính dẫn ông Nhạ đi chụp hình ở hiệu ảnh Hồng Phát phố Lê Lợi thị xã Thái Bình. Hiệu ảnh mở ngay góc đường vào nhà thờ tỉnh bây giờ. Hồng Phát hồi ấy là thông phán tỉnh Thái Bình đứng tên. Sau này hiệu ảnh đổi thành hiệu Á Đông. Ông Nhạ đã chọn cửa hàng ông thông phán chụp tấm hình đi làm nghề tình báo. Không ngờ tấm ảnh chụp được, nhà hàng thấy đẹp, phóng to làm mẫu treo quảng cáo câu khách, anh em ông Khoa - Bính cùng cụ Ý lo lắm, mãi mới tìm cách gỡ được tấm ảnh đó khỏi cửa hiệu.

Thời ấy tên tuổi ông Nhạ cứ mờ mờ ảo ảo, người ta chỉ biết tên chứ không biết người. Ông Khoa là em ruột ông Nhạ, hai người rất giống nhau, cách nhau dăm bẩy tuổi, các ông bàn nhau để ông Khoa đến gặp chánh Tuân hương chủ làng Cổ Ninh làm căn cước thay cho ông Nhạ. Ông Khoa phải đối đầu với Chánh Tuân, một tay ghê gớm. Hôm ông Khoa đến cậy việc, thấy đầu "cụ Chánh" gối lên chiếc gối bông trắng, mắt "cụ" thật sắc sảo. "Cụ" bắc chân chữ ngũ, kéo thuốc phiện kêu ro ro, thơm phức. Chiếc tẩu dài được ghé sát ngọn đèn dầu mỡ chó. Dầu mỡ chó là thứ dầu quý hiếm, đây là lối chơi ngông của dân bàn đèn nhà quê. Mỡ chó vàng thơm hơn mỡ lợn, mỡ gà, dầu lạc. "Cụ bảo kéo thuốc phiện đốt bằng dầu mỡ chó mới khoái".

Chánh Tuân giọng hanh hách tay hắn sờ lên mặt hộp khảm đựng hạt na nói ra rả. Ông Khoa khom lưng lắng nghe giả vờ như nuốt lấy từng lời "cụ" dạy, hai tay ông dâng tờ giấy bạc 5 đồng Đông Dương thưa: "Thầy cháu bên nhà xin có chút đỉnh hầu cụ tiền trà nước", mắt hắn lim dim hất hàm hỏi :

- Cụ Khóa bên Cọi phải không?

- Dạ thưa phải, rồi ông Khoa lựa lời tiếp: Bên cháu không được yên ổn. Bên cụ đã quy quốc gia, cháu sang xin cụ cái căn cước là người làng bên này, để đi học trường Yersin (tên vị bác sĩ người Pháp).

"Cụ cầm tờ giấy bạc gấp bỏ tráp, ký luôn vào giấy cho làm thẻ, miệng "cụ" gọi anh Sáng chánh bảo an cùng ông Khoa mang giấy tờ vào bót Niềm cho đồn trưởng ký, rồi về phủ Kiến Xương xin dấu nổi.

Bước ra ngõ, ông Khoa nhớ lời anh Nhạ dặn dúi tiền vào tay Sáng. Vào bót đưa biếu đồn trưởng 20 đồng hắn chẳng kịp xem, ký ngay và dặn:

- Sau này công thành danh toại nên nhớ đến tôi đấy!

Thế là người trong ảnh, và người ngoài đời khác nhau mà chẳng đứa nào biết, cứ tưởng căn cước cấp cho Khoa nhưng chánh Tuân đã manh nha biết sự gian lận giữa Nhạ và Khoa, ông ta bảo: "Tao nom ảnh trong căn cước là Nhạ đâu phải là mày" nhưng Tuân đã cầm tiền rồi, vả lại ông Khoa và chánh Tuân đều là cháu cụ Ý cả, lẽ nào móc mãi chuyện...

Tấm thẻ màu vàng nhạt, in giấy cứng cấp cho Vũ Ngọc Nha (tức là Khoa) trong thẻ ghi 20 tuổi hợp với tuổi ông Khoa, sau ông cố vấn đã vặn nhỏ đèn ở nhà cụ Ý tự tay ngoắc cái móc vào đầu số 0 thành số 6. Chữ Nha thêm dấu nặng thành Nhạ, có lúc lại đổi thành Nhã là vậy.

Có tấm căn cước ông Nhạ lên nhà ông Ba ngõ 21 Hàng Chuối Hà Nội để ở nhờ, rồi đi dự thi vào làm kế toán cơ quan phòng nhì Pháp. Với tấm căn cước ấy nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ đưa vợ con vào Sài Gòn trên chiếc tàu Esperanel cập bến tại Sài Gòn Khánh Hội 2-1955, có con bác Đệ ra đón để đi vào sào huyệt giặc.

Khi đi ông Nhạ để lại tặng ông Khoa chiếc bút Sa-tô-đô, ngòi vàng, khắc chữ ở thân bút "Tặng em Thanh Hùng" và chiếc khăn len là hai kỷ vật nay ông Khoa vẫn còn lưu giữ.

Tấm căn cước do cụ Ý - ông Khoa, ông Bính tạo dựng trong căn nhà cổ gỗ lim ở thôn Cổ Ninh, đã đưa ông Nhạ thành người phía bên kia rồi. Nếu không có tấm căn cước ấy, chắc chắn ông Nhạ trở thành con người khác, không là người theo giặc thì đâu phải để các đồng chí trong Thị ủy Thái Bình khai trừ ông ra khỏi Đảng!

Người ta bảo ông theo giặc phản Đảng, nhưng ông cứ ngâm nga câu thơ: "Cái còn thì vẫn còn nguyên/Cái tan thì tưởng vững bền vẫn tan (thơ Trần Đăng Khoa).

Đúng vậy, có thời tưởng chính quyền Sài Gòn vững bền, nhưng vẫn tan. Còn ông đối với Đảng bao giờ cũng là hòn máu tươi rói trong người ông nguyên vẹn. Làm tình báo như ông là chấp nhận sự nguy hiểm, nhiều lúc giáp ranh với cái chết, ông bị tra tấn bị treo tới 32 lần. Nhưng rồi vượt qua đó là sự gan dạ, trung thành của ông đối với Đảng, với dân tộc.

Phố Đậu, 3-2003

BÁ CƯỜNG

(Báo Tiền phong)

Phụ lục ảnh

Your browser may not support display of this image. Bút tích của Hồng y Spellman trong lần trao đổi với cố vấn Vũ Ngọc Nhạ về vị trí của Thiệu - Kỳ trong chính quyền Sài Gòn.

Your browser may not support display of this image.

Thư của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gửi cố vấn Vũ Ngọc Nhạ.

Your browser may not support display of this image.

Thư của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giới thiệu phụ tá Huỳnh Văn Trọng đi Mỹ năm 1968. Your browser may not support display of this image.

Thư của linh mục Raymond De Jaegher gửi cố vấn Vũ Ngọc Nhạ.

Your browser may not support display of this image. Thư của William E. Colby gửi phụ tá Huỳnh Văn Trọng

Your browser may not support display of this image. Your browser may not support display of this image. Your browser may not support display of this image.

Các báo thông tin về vụ án “Ông cố vấn”.

Your browser may not support display of this image.Your browser may not support display of this image.

Các thành viên chủ chốt của vụ án “Ông cố vấn”

Your browser may not support display of this image. Cố vấn Vũ Ngọc Nhạ và phụ tá Huỳnh Văn Trọng trong thời gian bị lưu đày ở Côn Đảo.

Your browser may not support display of this image. Thiệp chúc Tết Quý Sửu 1973 của cố vấn Vũ Ngọc Nhạ với hình Huy chương “Vì hòa bình” do Giáo hoàng tặng.

Your browser may not support display of this image.

Cuộc hội kiến giữa cố vấn Vũ Ngọc Nhạ với linh mục Hoàng Quỳnh tại Củ Chi tháng 11-1974. Your browser may not support display of this image.

Cố vấn Vũ Ngọc Nhạ báo cáo công tác (người ngồi cạnh ông là Mười Cúc, tức Nguyễn Văn Linh, sau là Tổng bí thư Đảng CSVN; và Năm Xuân, tức Mai Chí Thọ, sau là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Từ khóa » Cục Tình Báo A22