Xây Dựng Hệ Sinh Thái Khởi Nghiệp Cho Thanh Niên

1. Mở đầu

Trong bối cảnh cạnh tranh về nhân lực do hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, vấn đề lao động và việc làm của sinh viên khi ra trường đang rất được quan tâm. Vấn đề khởi nghiệp và việc tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh đã trở thành chủ đề được đề cập nhiều trong các cuộc nghị sự của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thu hút sự quan tâm, vào cuộc của nhiều cơ quan, Bộ, Ban ngành. Chính phủ đã chọn năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai. Trong thời gian qua, nhiều chính sách mới được ban hành nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp và các doanh nghiệp, ví dụ như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017; cùng với đó là những cam kết mạnh mẽ và trách nhiệm rõ ràng của Chính phủ trong đề án hỗ trợ “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một “làn sóng mới” trong giới trẻ, đặc biệt trong sinh viên với nhiều ý tưởng đam mê, khát vọng, cùng khả năng tiếp thu thích ứng và đổi mới sáng tạo. Không nằm ngoài xu hướng vận động của thế giới, chính sách dành cho khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp từ nhóm đối tượng thanh niên ngày càng được tạo điều kiện và nhận được sự quan tâm lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, thanh niên đang tìm kiếm cơ hội, nguồn vốn để khởi nghiệp ở khắp nơi mà chưa nắm chắc lấy cơ hội từ chính “cái nôi khởi nghiệp” là trường đại học của mình - đây là chia sẻ của các chuyên gia, nhà đầu tư mạo hiểm tại các buổi tọa đàm về sinh viên khởi nghiệp. Bài báo đánh giá thực trạng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên hiện nay và chỉ ra các điều kiện để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Thực trạng hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam

Nghiên cứu Khởi nghiệp toàn cầu (GEM-Global Entrepreneurship Monitor) được bắt đầu từ năm 1999, do Hiệp hội Nghiên cứu kinh doanh toàn cầu (GERA-Global Entrepreneurship Research Association) điều phối, với đội ngũ hơn 400 nhà nghiên cứu từ các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam của GEM qua các năm cho thấy, trong 12 chỉ số thì chỉ số tài chính cho kinh doanh đạt điểm số khá thấp. Năm 2017, chỉ số này của Việt Nam đạt 2,27/5 - chỉ số thấp thứ 4. Tuy nhiên, chỉ số này đã được cải thiện nhiều so với năm 2015. Bên cạnh đó, trong hai năm 2016, 2017, nhiều Quỹ Đầu tư mạo hiểm nội địa cũng được thành lập và tham gia vào thị trường đầu tư mạo hiểm như SeedCom, FPT Ventures, CMC Innovation Fund, VPBank Startup, VIISA,... (Văn phòng Đề án 844, 2018). Vốn từ các nhà đầu tư thiên thần khá hạn chế trong những năm trước do nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp là một mô hình đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, trong năm 2017, lần đầu tiên hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ghi nhận số lượng đáng kể nhà đầu tư thiên thần nội. Hoạt động của các nhà đầu tư ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống, chuyên nghiệp hơn, thông qua việc kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp. Một số điển hình có thể kể đến như VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel Vietnam hay Angel4us (Topica Founder Institute, 2016, 2017).  

Biểu đồ 1. Số thương vụ khởi nghiệp đầu tư bằng vốn mạo hiểm và vốn đầu tư thiên thần tại Việt Nam (ĐVT: Số thương vụ) (Nguồn: Topica Founder Institute)

Thống kê của Topica Founder Institute ở biểu đồ 1 cho thấy, số lượng thương vụ khởi nghiệp được đầu tư tăng lên đáng kể qua các năm. Năm 2017, có 92 thương vụ nhận được đầu tư với tổng vốn 291 triệu USD (khoảng 6.500 tỷ đồng). Trong đó, các nhà đầu tư thiên thần và các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa đóng góp 49 thương vụ, tương đương với 46 triệu USD. Số lượng thương vụ khởi nghiệp đầu tư bằng vốn mạo hiểm và vốn đầu tư thiên thần tại Việt Nam đang tăng rất nhanh trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2017 về số lượng: tăng 82 thương vụ và về tốc độ tăng 9,2 lần trong 7 năm (Topica Founder Institute, 2016, 2017). Startup trở thành làn sóng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm qua. Theo số liệu thống kê không chính thức của Văn phòng đề án 844 (2018) cho thấy, hiện nay Việt Nam có khoảng 15.000 startup đang hoạt động tập trung chủ yếu ở hai trung tâm lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. GEM chia các quốc gia thành ba nhóm tương ứng với ba giai đoạn phát triển: các nước phát triển dựa trên nguồn lực (giai đoạn 1); các nước dựa trên hiệu quả (giai đoạn 2); các nước dựa trên đổi mới (giai đoạn 3). Các nước sẽ tiến từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 và 3. Việt Nam được xếp vào nhóm các nước phát triển dựa trên nguồn lực, tức là giai đoạn phát triển ban đầu. Trong  khu  vực Đông Nam Á, Việt Nam cùng nhóm với Philippines; trong khi đó Malaysia, Thái Lan, Indonesia được xếp vào trình độ phát triển giai đoạn 2. Việc đánh giá mức độ khởi nghiệp của một quốc gia cần so sánh với các quốc gia cùng trình độ phát triển. Báo cáo GEM năm 2017, 2018 được thực hiện từ khảo sát 54 nền kinh tế, kết quả hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá có những thay đổi tích cực so với năm 2015, 2016 (được đánh giá từ khảo sát 62 nền kinh tế). Trong đó, tiêu chí về tính năng động của thị trường nội địa, văn hóa và chuẩn mực xã hội đạt thứ hạng cao, lần lượt là 5 và 6/54; thấp nhất là tiêu chí về chương trình hỗ trợ của chính phủ xếp hạng 43/54 (GEM, 2017, 2018). Xét về độ tuổi, tỉ lệ người nằm trong độ tuổi 25-34 tham gia vào giai đoạn khởi sự kinh doanh cao nhất. Điều này cũng đúng ở Việt Nam khi mà có đến 54% tỉ lệ người trong nhóm tuổi này tham gia vào giai đoạn khởi sự kinh doanh, bỏ cách xa so với các nhóm tuổi khác. Cũng như ở các nước phát triển ở giai đoạn 1, tỉ lệ người trong độ tuổi 18-24 tham gia vào khởi nghiệp ở Việt Nam khá cao so với các nước phát triển ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3, đạt 22%. Một trong những lý do của thực trạng này là do tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở các nước nhóm I thường cao hơn; do vậy, xu hướng khởi sự tự tạo việc làm cho mình cũng cao hơn. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên năm 2017 ở Việt Nam đã tăng lên, trong đó,18-24 là độ tuổi có tỉ lệ khởi nghiệp khá nhiều, ở mức 20%, và tiếp tục gia tăng ở độ tuổi 25-32 có tỉ lệ khởi nghiệp 30% (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 2017). Theo Luật Thanh niên 2005, độ tuổi thanh niên từ 16-30 tuổi. Nếu bỏ qua sự cách biệt 30-34 của báo cáo này thì độ tuổi thanh niên tham gia vào giai đoạn khởi sự kinh doanh chiếm tỷ lệ cao (54%). Vì vậy, để gia tăng tỷ lệ khởi nghiệp thành công, đối tượng thanh niên cần được quan tâm và tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp từ sớm (Quốc hội, 2005).

 Bảng 1. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam

(Nguồn: Topica Founder Institute)

Trong báo cáo “Thực trạng khởi nghiệp sáng tạo và chính sách hỗ trợ tại Việt Nam” của tác giả Phan Hoàng Lan (2018) vào tháng 6/2018 đã thống kê về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam như sau:        

Bảng 2. Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam (Nguồn: Báo cáo “Thực trạng khởi nghiệp sáng tạo và chính sách hỗ trợ tại Việt Nam”)

Bảng 1 và bảng 2 cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam đã được nhiều địa phương quan tâm đầu tư, nhưng còn ở giai đoạn hình thành và kiến tạo. Các số liệu liên quan đến hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đề cập trong nhiều tài liệu khác nhau, điểm chung là các tác nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp còn rất khiêm tốn.

2.2. Các điều kiện xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên

2.2.1. Giáo dục kinh doanh từ bậc học phổ thông và trọng tâm ở bậc sau phổ thông để tạo nền tảng cho thanh niên khởi nghiệp

Ở độ tuổi từ 18, thanh niên sẽ bắt đầu với các bậc học cao hơn như trung cấp (2 năm), cao đẳng (3 năm), đại học (4 đến 6 năm tùy theo ngành học). Vậy nên, các trường học đóng vai trò rất quan trọng đối với ý định khởi nghiệp của thanh niên, cũng như từ đây chính là nền tảng để thanh niên được giáo dục kinh doanh (Quốc hội, 2005). Tại diễn đàn “Vai trò của đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học” do Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan Giai đoạn II (IPP2) phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tổ chức 21/9/2018, nguyên Bộ Trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh nhấn mạnh trường đại học là thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Các trường đại học mạnh phải là các chủ thể nghiên cứu mạnh, là nguồn sản xuất tri thức và công nghệ cho xã hội, cung cấp ý tưởng sáng tạo dồi dào cho các dự án khởi nghiệp, đóng góp cho sự gia tăng tài sản trí tuệ và năng lực trí tuệ của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng tại diễn đàn này, nhiều đại biểu nhận định các trường đại học của Việt Nam mới chỉ chú trọng vào hoạt động đào tạo mà chưa có điều kiện tập trung cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp và kết nối với doanh nghiệp. Đến nay, các trường đại học Việt Nam chỉ đóng vai trò lớn trong sự phát triển này. Một số trường đại học đã thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, các trung tâm ươm tạo, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, không gian làm việc,... nhưng những cơ quan này có xu hướng quan tâm đến việc tư vấn quản lý, cung cấp các chương trình đào tạo chuyên gia và hỗ trợ tư vấn, họ chưa thể hiện được vai trò hỗ trợ chuyển giao công nghệ hoặc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu (Đại sứ quán Phần Lan, 2018).

2.2.2. Điều kiện về chủ trương, chính sách và quy định của Chính phủ

Nhận thức được vai trò quan trọng của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách trong việc thúc đẩy vai trò của họ. Quyết định 844 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 844), được ban hành vào ngày 18/5/2016 đã thể hiện sự cần thiết phải có một hệ sinh thái quốc gia đầy đủ chức năng cho khởi động sáng tạo vào năm 2025. Các Bộ, Sở, ban ngành liên quan đang hợp tác chặt chẽ để triển khai không chỉ các quy định cần thiết mà còn là các cơ chế tài chính để Đề án này thành công. Ngày 30/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Đề án 1665 nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp tại các nhà trường; tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Theo đó, đến năm 2020, có 100% các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng của trường trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Theo kỳ vọng của Chính phủ, cùng với Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” được ban hành thực sự sẽ tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện tại Việt Nam bởi những tác động mạnh mẽ đến đội ngũ học sinh, sinh viên và các trường đại học trong toàn quốc và đây chính là đội ngũ có tính sáng tạo cao nhất (Thủ tướng Chính phủ, 2017). Chính phủ cần sớm quyết liệt và gấp rút đưa ra các chính sách và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp. Chính phủ cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các vấn đề khó khăn hiện tại của doanh nghiệp khởi nghiệp có khá nhiều, trong đó là chính sách đầu tư, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm,... Chính sách về vốn đầu tư mạo hiểm đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa vào Luật Công nghệ cao năm 2008 và mới đây là Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi, nghị định hướng dẫn Luật. Nhờ đó, đã tạo ra hành lang pháp lý đầu tiên cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, để tập trung tháo gỡ các nút thắt về cơ chế tài chính hiện tại, cần có sự vào cuộc của một số bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,... Bên cạnh đó, cần triển khai toàn diện Đề án 844 nhằm thúc đẩy môi trường khởi nghiệp sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động và phát triển; trong đó có các nội dung chi phù hợp với khởi nghiệp sáng tạo như chi cho đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu tham gia các vườn ươm/khu làm việc chung nổi tiếng trên thế giới; cho các hoạt động của đại diện khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tại một số hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; cho phép việc tài trợ trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đối với các nội dung quan trọng như tìm hiểu thị trường, thuê chuyên gia, trả công lao động và thương mại hóa công nghệ, sản phẩm và dịch vụ mới.

2.2.3. Xây dựng mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến quận, huyện 

Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (Supporting Center for Youth’s Startup) trực thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam nhằm thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 07/6/2016 của Chính phủ; Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; Chương trình “Thanh niên Khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021”của Ban Bí thư Trung ương Đoàn. Bên cạnh đó, các trung tâm khởi nghiệp cũng đã được thành lập tại các thành phố lớn, các trường đại học tại khắp các tỉnh, thành. Nhưng, hoạt động của các trung tâm này còn rời rạc, chưa hình thành một mạng lưới, phát triển vì mục tiêu chung để cùng liên kết hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp bền vững. Vì vậy, việc xây dựng xây dựng mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên từ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến quận, huyện và các trường đại học là hết sức cần thiết trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên (Thủ tướng Chính phủ, 2016).

2.2.4. Đa dạng nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên

Để xây dựng hệ sinh thái cho thanh niên, cần thiết có sự đa dạng nguồn vốn huy động tại Việt Nam và dễ tiếp cận với đối tượng thanh niên. Trong đó, 3 tác nhân dưới đây đóng điều kiện tiên quyết phải có những cởi mở dành cho đối tượng thanh niên khởi nghiệp, cụ thể: - Chính phủ: Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành ngày 12/6/2017, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018 cùng nhiều Nghị định hướng dẫn đã quy định đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp được những điều kiện ưu tiên, ưu đãi về vốn như thế nào. Bên cạnh đó, Luật khoa học công nghệ cũng xác định về quỹ đầu tư hỗ trợ cho lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có nhiều nội dung gắn với doanh nghiệp startup. Với nền tảng pháp lý của 2 văn bản luật này, hàng loạt Nghị định cũng đã ra đời, tạo bước ngoặt trong việc giải bài toán về vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp (Quốc hội, 2017). Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều điểm mới, sẽ tạo đà phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Theo đó, lãi suất áp dụng được đưa vào thuộc 1 trong 5 nhóm ưu đãi lãi suất được Chính phủ quy định, mức lãi suất cao nhất cũng chỉ là 6,5%. Ngoài ra, Chính phủ còn có cần quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ quy định trong những điều kiện, hoàn cảnh hay thời điểm cụ thể sẽ có những hỗ trợ về lãi suất và Chính phủ cấp bù lãi suất đó cho 1 số đối tượng. Đây là một chính sách rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam (Chính phủ, 2018).  - Ngân hàng: Cần có nhiều gói tín dụng của các ngân hàng thương mại dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chẳng hạn như gói tín dụng 4.000 tỷ của BIDV dành cho một số đối tượng cần ưu tiên, ưu đãi thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Trên thực tế, vấn đề tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng cần được khơi thông. Quá trình tiếp cận giữa ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần tích cực hơn, đặc biệt có cần điều kiện dễ tiếp cận đối với đối tượng thanh niên lập doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngân hàng đã thực sự trở thành nền tảng tài chính vững chắc để nâng đỡ các ý tưởng khởi nghiệp của các doanh nghiệp khởi nghiệp. - Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và các nhà đầu tư thiên thần: Những quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp ra đời sẽ giải quyết cho các bạn trẻ một bài toán khó - nguồn vốn. Ngoài ra, những người sáng lập quỹ bao gồm các nhà đầu tư bình thường và có thể có các nhà đầu tư thiên thần sẽ tạo nên các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và những nhà đầu tư uy tín vốn là những người có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh hỗ trợ các thanh niên định hướng khởi nghiệp, cách thức tổ chức, xây dựng doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh sớm đi vào quỹ đạo. Nhờ có sự xuất hiện của các quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp này mà những đối tượng thanh niên sẽ có nhiều cơ hội hơn để biến những ước mơ, ý tưởng làm giàu của mình trở thành hiện thực.

3. Kết luận

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khởi nghiệp đang là một xu hướng nhưng cũng là một con đường rất khốc liệt và nhiều rủi ro nhưng nếu không dấn thân, mạnh dạn, dám đối mặt với thách thức thì không thể khởi nghiệp thành công, nhất là đối với thanh niên. Chắc chắn rằng một khi tinh thần khởi nghiệp, văn hóa đổi mới sáng tạo nở rộ trong mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là trong thế hệ thanh niên Việt Nam thì đất nước sẽ thực sự phát triển nền kinh tế, phát triển xã hội, tiến lên nhờ động lực mạnh mẽ từ hoạt động khởi nghiệp của thanh niên. Để làm được điều này, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên là hết sức cần thiết.  __________________

Bài đăng trên Tạp chí Giáo dục, Số 493 (Kì 1-1/2021)

Nguyễn Lê Đình Quý​

 

Từ khóa » Hệ Sinh Thái Khởi Nghiệp