Xây Dựng Lòng Tin ở Trẻ Qua 9 Hoạt động Vui Nhộn - Hello Bacsi

Khi nhìn nhận một vấn đề, suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến trẻ không có niềm tin để kết giao bạn bè. Muốn xây dựng lòng tin ở trẻ, bạn hãy tham khảo bài viết của Hello Bacsi nhé.

Con bạn khó tin tưởng thầy cô, bạn bè ở trường. Con cảm thấy không thoải mái và tự tin khi tiếp xúc với mọi người xung quanh? Việc con không tin tưởng vào người khác có thể dẫn đến những vấn đề tình cảm và xã hội của bé sau này.

Ngoài ra, vào những ngày cuối tuần, thay vì cho con làm bạn với máy tính, iPad, bạn có thể bày ra những hoạt động vui nhộn để tạo điều kiện cho con vận động. Bạn có thể tập hợp con và những người trong gia đình đang rảnh rỗi hoặc các bạn hàng xóm cùng chơi. Sau đây là 9 hoạt động vui chơi cùng con, bạn hãy thử thực hiện vào cuối tuần này nhé.

1. Trò chơi tin tưởng

Đây là một trò chơi phổ biến ở Mỹ giúp trẻ xây dựng sự tự tin và tin tưởng các thành viên trong nhóm. Trò chơi này đòi hỏi trẻ phải gia nhập vào một nhóm, tập cho trẻ làm việc theo nhóm. Ban đầu, có thể trẻ sẽ không dám ngã vì sợ đau, nhưng chơi vài lần, trẻ sẽ cảm thấy tin tưởng nhóm và tham gia hào hứng với trò chơi này.

Để chơi trò chơi này, trẻ phải đứng xoay lưng về phía đồng đội. Bạn sẽ đứng phía trước để điều khiển cơ thể trẻ đưa hai tay bắt chéo ôm vai, làm cứng người trẻ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu ngã lưng ra sau, cả nhóm đứng sau sẽ dùng tay đỡ lưng của trẻ sao cho lưng không chạm vào đất.

2. Trò chơi gió thổi

Trò chơi này tương tự như trò chơi ở mục 1 nhưng cấp độ khó hơn. Khi chơi trò này, cả nhóm sẽ đứng thành vòng tròn và người chơi đứng ở giữa. Đầu tiên, trẻ phải làm cho cơ thể cứng đờ. Khi mọi người đưa ra tín hiệu sẵn sàng, trẻ phải ngã người ra sau về bất kỳ đứa trẻ nào. Trẻ đứng xung quanh phải đỡ lấy cơ thể trẻ và đẩy trẻ vào giữa rồi lại ngã về hướng khác, cứ tiếp tục như vậy cho đến khi trẻ có thể đứng thẳng được.

3. Bước đi của người mù

Chia số trẻ tham gia thành 2 nhóm với số lượng người bằng nhau. Một đội sẽ bị bịt mắt lại, mỗi đứa trẻ trong mỗi đội sẽ nắm tay trẻ trong đội còn lại để tạo thành nhóm 2 người.

Mỗi nhóm sẽ có một trẻ bị bịt mắt. Trẻ không bị bịt mắt phải hướng dẫn đồng đội cẩn thận vượt qua chướng ngại vật an toàn. Tùy thuộc vào cấp độ của trò chơi, bạn có thể đặt chướng ngại vật khó khăn hơn. Khi đồng đội đến đích an toàn, đứa trẻ còn lại sẽ bị bịt mắt. Đội nào về trước sẽ giành chiến thắng.

4. Sao chép tranh

xay-dung-long-tin-o-tre-hinh-anh-1

Ở hoạt động này, trẻ được chia ra thành 2 đội. Bạn phát cho mỗi thành viên trong đội một cây bút và tờ giấy. Cho chúng 10 phút và yêu cầu chúng vẽ một thứ gì đó, không cho đồng đội xem.

Sau khi vẽ xong, trẻ phải cất bức vẽ của mình và hướng dẫn đồng đội vẽ bức tranh giống của mình nhưng không được đưa ra bất kỳ gợi ý nào liên quan đến mặt. Ví dụ, nếu vẽ một gương mặt, trẻ có thể nói là “vẽ vòng tròn lớn, thêm vài vòng tròn nữa”… Sau khi đồng đội vẽ xong, hãy so sánh với bức tranh của trẻ xem cả 2 có hiểu ý nhau hay không.

5. Bốn chàng ngự lâm

Đây là một trò chơi thú vị, dạy cho trẻ về lòng tin tưởng giữa đồng đội và giao tiếp không cần dùng lời nói. Trước tiên, cho tất cả trẻ ngồi trên ghế thành vòng tròn. Nói với chúng rằng: “Hãy tưởng tượng các con đang ở một hành tinh khác. Ở đây, các con không được nói chuyện mà chỉ có thể giao tiếp qua hành động”. Điều quan trọng là lúc nào nhóm cũng có 4 bạn đứng và không có thành viên nào đứng quá 10 giây.

Để thực hiện điều này, trẻ cần phải phân công và ra dấu làm sao để lúc nào cũng có 4 bạn đứng. Khi nào có 5 bạn đứng, người thứ 5 sẽ bị bắt ra và thực hiện những yêu cầu của bạn, ví dụ như nhảy theo nhạc, giả tiếng động vật… Nếu số người tham gia ít hơn thì số bạn đứng lên có thể giảm xuống là 2.

6. Nối và gỡ

Trò chơi này yêu cầu trẻ đứng tạo thành hình vòng tròn, nhắm mắt đưa tay lên trước. Kế tiếp, trẻ tìm và nắm 2 tay của một bạn khác. Sau đó, yêu cầu trẻ mở mắt ra, thả tay bạn ra và tạo thành hình tròn một lần nữa.

7. Bịt mắt tìm đường đi

Đầu tiên, chia trẻ thành hai nhóm. Mỗi nhóm sẽ có một trẻ bị bịt mắt. Đặt những chướng ngại xung quanh. Lúc này, trẻ bị bịt mắt phải thật tập trung để nhận ra đâu là giọng của đồng đội và nghe những lời hướng dẫn bước đi cho đúng (ví dụ, bước thẳng 3 bước, bước sang trái 3 bước…). Trẻ có thể nhầm sang lời hướng dẫn của đội đối thủ và đụng chướng ngại vật.

8. Giữ vững cái que trên ngón tay

Đây là một trò chơi nhằm xây dựng sự tin tưởng giữa trẻ với bạn bè. Để chơi trò này, tất cả trẻ phải đứng thành 2 hàng đối diện nhau và yêu cầu trẻ đưa ngón tay trỏ ra trước, song song với mặt đất. Hai ngón trỏ của 2 trẻ đứng đối diện nhau, chạm nhau. Sau đó, bạn đặt một thanh dài (cây thước, cái que) lên ngón tay trẻ. Lúc này, yêu cầu trẻ hạ thấp người để hạ từ từ thanh dài trên tay xuống đất.

Lúc đầu, trẻ có thể cảm thấy khó khăn. Trò chơi này đòi hỏi sự cẩn thận và hợp tác của đồng đội để đảm bảo thanh dài luôn được giữ vững đến khi tiếp đất.

9. Dơi và bướm đêm

Trong trò chơi này, trẻ sẽ đóng vai là con dơi và bướm đêm. Trước tiên, cho trẻ xếp thành hình vòng tròn. Cho một đứa trẻ đứng ở giữa, bịt mắt lại và đóng vai là con dơi. Một đứa trẻ khác cũng bị bịt mắt và đóng vai là bướm đêm.

Trẻ đóng vai là dơi sẽ nói: “Ta là dơi đây”. Sau khi nghe xong, trẻ đóng vai bướm đêm cũng phải nói là “Ta là bướm đây”. Lúc này, dơi phải cố gắng tìm bướm đêm đang ở đâu qua giọng nói của bướm đêm. Bướm cũng phải cố tránh dơi bằng những âm thanh dơi phát ra.

Ngoài ra, còn rất nhiều trò chơi dành cho trẻ. Mời bạn xem thêm bài 6 trò chơi rèn luyện trí thông minh mà bố mẹ nên chơi cùng con hay bài Mẹo bày trò chơi cho trẻ trong ngày mưa.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Trò Chơi Niềm Tin