Xây Dựng Mô Hình Khu Công Nghiệp Sinh Thái: Xu Hướng Tất Yếu!

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khu công nghiệp sinh thái

Bất cập từ khu công nghiệp truyền thống

Phát biểu tại Hội thảo tập huấn nâng cao năng lực, hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp diễn ra vào chiều nay (19/11), bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (KKT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đồng thời là Phó Giám đốc Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ – cho rằng: Hiện Việt Nam có gần 400 KCN được thành lập, trong đó có gần 300 KCN đã đi vào hoạt động, với tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt khoảng 70%. Bên cạnh các KCN, Việt Nam cũng phát triển mô hình KKT cửa khẩu và KKT ven biển.

Hệ thống các KCN của Việt Nam thời gian qua đã thu hút được một lượng vốn đầu tư lớn, đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước với trên 10.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khoảng 10.000 dự án trong nước, có tổng vốn đăng ký đạt 220 tỷ USD vốn FDI và 2.200 tỷ đồng, chiếm 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái: Xu hướng tất yếu!
Khu công nghiệp sinh thái được đánh giá sẽ khắc phục được những hạn chế của các khu công nghiệp truyền thống

Các KCN thời gian qua đóng góp tích cực vào tăng trưởng công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, năm 2015 các KCN đóng góp 38% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước thì đến cuối năm 2020 con số này là gần 60%. Đặc biệt, với sự tham gia của các tập đoàn lớn trên thế giới như Samsung, LG, các KCN đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển công nghiệp "quá nóng" thời gian qua đã gây ảnh hưởng, tác động đến môi trường và đời sống người dân xung quanh KCN.

“Chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ chất thải nguy hại gia tăng, kèm theo đó là ô nhiễm nguồn nước, không khí, đe dọa đến sức khỏe người dân sống quanh KCN” – và Vương Thị Minh Hiếu thông tin.

Đặc biệt, một vấn đề nữa của các KCN truyền thống hiện nay được các chuyên gia nêu ra tại hội thảo là, cộng đồng KCN cũng chưa liên kết với nhau để tăng sức cạnh tranh. Bản thân các doanh nghiệp hoạt động tại KCN cũng không tận dụng được những lợi thế của nhau để phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí, tận dụng tài nguyên sẵn có. Đây là một sự lãng phí vô cùng lớn.

"Hóa giải" bằng khu công nghiệp sinh thái

Để hóa giải những tồn tại mà các KCN truyền thống đang gặp phải, đồng thời hướng đến phát triển bền vững ngành công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ năm 2014-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các nhà tài trợ triển khai sáng kiến phát triển KCN sinh thái, với mong muốn chuyển đổi KCN truyền trống sang KCN mới hơn, mang lại hiệu quả hoạt động cao hơn, với mong muốn giải quyết tốt môi trường sống.

Đánh giá về những lợi ích khi chuyển đổi từ mô hình KCN truyền thống sang KCN sinh thái, ông Disk Van Beers – Chuyên gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) – cho rằng: Mô hình KCN sinh thái là việc tạo ra các KCN hiệu quả hơn về tài nguyên và chi phí, có tính cạnh tranh cao hơn và hấp dẫn hơn, có khả năng chống chịu với những rủi ro cao hơn. Tại đó, các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ sử dụng chung một tài sản, họ cùng nhau tìm kiếm cơ hội nâng cao hiệu quả môi trường, kinh tế và xã hội thông qua hợp tác quản lý tài nguyên và môi trường.

Cụ thể hơn, theo bà Vương Thị Minh Hiếu, mô hình này bắt đầu tư nguồn sinh thái công nghiệp, coi quá trình sản xuất là quá trình tuần hoàn chứ không phải mô hình tuyến tính. Theo đó, đầu ra của sản phẩm này, doanh nghiệp này sẽ là đầu vào cho doanh nghiệp khác với mô hình sản xuất khác. Mô hình KCN sinh thái cũng tích hợp tất cả các vấn đề xã hội và kinh tế, nhấn mạnh đến tổng thể công tác quy hoạch KCN để tất cả các ngành nghề trong đó đều có thể phối hợp, tương hỗ lẫn nhau, nhằm tiến đến sản xuất sạch hơn, tạo mạng lười cạnh tranh công nghiệp.

Dẫn chứng điển hình từ lợi ích của các KCN sinh thái, ông Disk Van Beers thông tin: KCN Kwinana (tây Úc) đã có 50 cộng sinh dịch vụ hỗ trợ; 33 cộng sinh phụ phẩm; 15 cộng sinh tiện ích. Theo đó, về cộng sinh phụ phẩm, ông Disk Van Beers cho biết, trước đây bụi lò vôi là phụ phẩm của một công ty tại KCN chỉ được coi là rác thải, phải chôn lấp, còn bây giờ lại được công ty khác trong KCN sử dụng để khử lưu huỳnh. Tương tự, các doanh nghiệp trong KCN đã tái sử dụng thạch cao để cải tạo đất.

Liên quan đến cộng sinh trong chuỗi cung ứng, đại diện UNIDO cho biết, các doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp xây dựng trong KCN. Như vậy, KCN sinh thái mang lại lợi ích cho tất cả các doanh nghiệp, lợi ích này có thể là trực tiếp, có thể là gián tiếp. Lợi ích cộng sinh đó vượt ra ngoài khuôn khổ kinh doanh truyền thống và hướng tới những lợi ích ích lớn lao hơn là cải tạo chất lượng nước, không khí, môi trường sống.

Với những lợi ích trên, cộng với thực tế từ sự phát triển của các KCN, khu chế xuất tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Phan Thanh Trực – Phó Ban Quản lý các KCN và Chế xuất TP. Hồ Chí Minh – nhận định: Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi mà các yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên phong phú không còn là thế mạnh, đòi hỏi các KCN cần có những mô hình mới, phù hợp với bối cảnh thực tế, thì mô hình KCN sinh thái với những lợi ích mang lại từ cộng sinh công nghiệp chính là xu hướng tất yếu trong thời gian tới.

Mô hình KCN sinh thái được UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai giai đoạn 1 từ năm 2015-2019 tại 3 KCN và giai đoạn 2 từ năm 2020 tại 3 KCN nữa, tổng cộng là 6 KCN. Đây là con số quá nhỏ so với tổng số gần 400 KCN tại Việt Nam. Theo đó, ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT – cho rằng: Mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy được vai trò tích cực với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia khi được nhân rộng trên cả nước, với các nỗ lực về chính sách, công nghệ, tài chính, thông tin và cơ chế kết nối chặt chẽ giữa các bên liên quan.

Từ khóa » Các Khu Công Nghiệp Sinh Thái ở Việt Nam