Xây Dựng Thôn, Tổ Dân Phố Sáng – Xanh – Sạch – đẹp – An Toàn

Cuộc thi xây dựng thôn, tổ dân phố sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn được phát động và duy trì 2 năm nay tại huyện Đan Phượng (Hà Nội). Các thôn, cụm dân cư tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi, tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi. Với cách làm sáng tạo từ cơ sở, cuộc thi góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn mới của Đan Phương luôn đứng đầu các huện của Hà Nội.

Sáng và an toàn

Ông Phan Công Tính, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Đan Phượng, đơn vị thường trực của cuộc thi, cho biết: Các đây vài năm, các địa phương cũng từng có phong trào: "Ngõ phố xanh, sạch, đẹp" và trước đó là phong trào "Đường có hoa, nhà có số, phố có tên".

Tuy nhiên, để duy trì liên tục và tạo sự lan tỏa rộng khắp giữa các thôn, cụm dân cư, từ tháng 10/2019, huyện Đan Phượng phát động cuộc thi xây dựng tổ dân phố sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn. So với tiêu chí phong trào của thành phố phát động, Đan Phượng nhấn mạnh thêm hai yếu tố là sáng và an toàn.

Cuộc thi sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn hướng đến toàn dân cùng tham gia xây dựng xã nông thôn mới, theo đó bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cấp hạ tầng mà nâng dần chất ượng cuộc sống, văn hóa tinh thần, gắn với môi trường cảnh quan. Cuộc thi là một bước cụ thể hóa, triển khai thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” và nay là Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Về thôn Quý, nhiều người khá bất ngờ với đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Ông Nguyễn Thành Bôn, trưởng thôn Quý (xã Liên Hà) cho biết: “Trước khi triển khai cuộc thi “sáng – xanh - sạch - đẹp – an toàn”, trên địa bàn, người dân thôn Quý sản xuất mộc trong khu dân cư, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để nguyên vật liệu, cảnh quan môi trường chưa được phong quang, sạch sẽ, người dân chưa có ý thức chấp hành bảo vệ môi trường. Khi có chủ trương phát động cuộc thi, lại là cuộc thi liên quan đến cả cộng đồng dân cư, trước tiên chi bộ thôn họp bàn đã ra nghị quyết lãnh đạo, sau đó lên kế hoạch chi tiết để triển khai đến các chi hội, chi đoàn trong thôn, từng bước vận động nhân dân tham gia” ông Nguyễn Thành Bôn chia sẻ về phương pháp vận động.

Điều khó nhất với cán bộ cơ sở như ông Bôn lúc bấy giờ là vận động xã hội hóa để cải tạo hạ tầng kết hợp với việc hoàn thiện hệ thống chiếu sáng bởi liên quan đến sự đóng góp tiền của. "Trước hết chúng tôi vận động những gia đình có điều kiện kinh tế, đảng viên gương mẫu. Sau này, khi nhận thấy việc nâng câp hạ tầng, chỉnh trang ngõ xóm để thuận đi lại, sáng ngõ về đêm đảm bảo an ninh trật tự, môi trường sạch sẽ phục vụ cho chính cuộc sống của người dân nên được nhiều người dân tham gia. Khi phong trào được thực hiện dân chủ, minh bạch luôn được người dân ủng hộ", ông Bôn khẳng định.

Nhờ đó, thôn Quý được lắp đặt điện hoàn thiện với 100% đường trong thôn có đèn chiếu sáng, đường ngõ được bê tông. Thôn cũng vận động toàn dân tham gia vệ sinh môi trường, trong đó các hộ làm nghề, chăn nuôi tự thu dọn vệ sinh quanh khu vực nhà. Các cơ sở làm nghề mộc lớn đều đã đã di chuyển ra khu tập trung để đảm bảo vệ sinh chung. Hiện còn chục hộ dân vẫn làm nghề tại nhà và đang được thôn tiếp tục vận động chuyển ra khu làng nghề tập trung. Để tạo cảnh quan môi trường xanh, thôn cũng đã trồng 100 cây sấu, trang trí 100 cây cảnh trên tuyến đường quanh thôn”, ông Bôn chia sẻ.

Từ kinh nghiệm duy trì phong trào trong suốt 2 năm qua, ông Nguyễn Thành Bôn cho biết, “Đối với người dân nông thôn, phong trào vận động không được người dân ủng hộ sẽ rất khó triẻn khai, khó nhất là duy trì thành nếp và thấm vào ý thức của người dân. Khi người dân tự giác tham gia, chính người dân nhắc nhau để duy trì bảo vệ môi trường sống của chính họ. Đặc biệt, phong trào này lại có ý nghĩa trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, khi người dân tự giác chấp hành công tác phòng chống dịch.

Khoảng 1 km tuyến đê này sẽ được thôn Quý vận động các hộ dân đối diện khoanh ô trồng cây xanh tạo cảnh quan.

Ông Bôn kể lại: "Vào đợt giãn cách vừa qua (từ 24/7 đến 21/9), thôn chúng tôi triển khai ngay các quy định phòng dịch, tất cả mọi người đi vào thôn đều phải khai thông tin và thực hiện quy định phòng dịch. Trong dịp thị sát địa phương (ngày 26/7), Bí thư huyện ủy Đan Phượng đã trao đổi với tổ COVID cộng đồng, đồng chí bí thư động viên các thành viên làm việc nghiêm túc, bất kể đó là ai đều phải thực hiện đúng quy định khai báo y tế. Hiện nay tổ COVID cộng đồng vẫn duy trì và là những hạt nhân tuyên truyền người dân thực hiện phòng dịch, khai báo y tế…".

Bà Lê Thị Tuyết, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà cho biết: Thời điểm huyện phát động cuộc thi, Đảng ủy xã đã họp và trong nghị quyết chỉ đạo hàng tháng đều có nội dung liên quan chỉ đạo thực hiện các tiêu chí cuộc thi. Trong đó, đảng ủy xã luôn nhấn mạnh việc tham gia của người dân để tạo thành nếp, việc huy động các khoản đóng góp minh bạch, tự nguyện. Khi người dân thấy sự thiết thực liên quan đến môi trường sống, họ đồng lòng tham gia. Người dân đã tham gia đóng góp hơn 900 triệu đồng, trong đó thôn Quý người dân tham gia đóng góp 600 triệu đồng.

Được nhân dân hưởng ứng, đồng lòng tham gia, thôn Quý là điển hình trong cuộc thi này và là đơn vị duy nhất của huyện Đan Phượng. đạt giải đặc biệt cuộc thi trong năm 2020. Hiện thôn đang vận động người dân chỉnh trang hơn 1 km ngoài đê để làm mô hình nhân ra cả tuyến đê sông Hồng đi qua 6 xã.

Từ việc phát động giữa các thôn, cụm dân cư, nhiều thôn chưa đạt giải cũng đã tích cực tham gia cuộc thi. Mới đây, cụm dân cư số 4 làng Bá Dương Nội thuộc xã Hồng Hà đăng ký tham dự cuộc thi cấp huyện và đạt được cao giành giải Nhất tháng 10/2021.

Cụm dân cư số 4, nơi có làng nghề diều truyền thống thuộc làng Bá Dương Nội được chỉnh trang sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Bà Nguyễn Thị Thúy, cụm trưởng cụm dân cư số 4 cho biết: Năm trước, cụm dân cư chỉ mới tham gia cuộc thi cấp xã do trục đường liên xã qua thôn còn nhiều khúc khỉu. Tuy nhiên, từ năm 2021, khi tuyến đường xuyên trục của cụm được nâng cấp, chị bộ thôn đã họp và xác định đây là dịp để hoàn thiện cơ sở hạ tầng ngõ xóm, chỉnh trang cảnh quan.

“Lúc đầu khi lên kế hoạch, thấy công việc vận động và chi phí khá lớn liên quan đến hạ tầng , thay cột đèn thắp sáng, trát lại tường vẽ tranh bích họa…, tôi cũng khá lo lắng. Nhất là trực đường liên xã qua cụm dân cư có diện tích cần mở rộng đã hạ chế góc cua hẹp. Chính vì vậy, chi bộ, cụm dân cư đã vận động 6 hộ dân hiến đất mở đường hơn 183m2; trong đó có hộ dân là đảng viên như hộ ông Phạm Xuân Tiến. Tuy nhiên, với sự tham gia của chi bộ, các tổ chức hội, đoàn thể, công tác vận động với các hộ dân diễn ra khá thuận lợi và người dân đồng tình tham gia”, bà Nguyễn Thị Thúy chia sẻ.

Sau khi tuyến trục chính được rải nhựa áp phan, các ngõ cũng được người dân chung sức góp tiền rải nhựa được 5 ngõ xóm kết hợp làm tranh bích họa.

Ông Nguyễn Văn Tự, Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận tổ quốc cụm dân cư số 4 cho biết: "Chúng tôi đến vận động về việc lợi ích mở đường vì cộng đồng, có đường xá phong quang, sẽ thuận lợi hơn trong đi lại. Chỉ 2-3 lần đến thuyết phục, 6 hộ dân đã đồng ý kiến đất mở đường. Còn lại công tác vận động qua loa phát thanh và khi triển khai đều được người dân ủng hộ".

Do đó, khi huyện và xã đầu tư mở xong đường trục chính, đến nay 5/8 ngõ xóm cũng được người dân góp tiền đổ nhựa áp phan 890 m2 với số tiền 195 triệu đồng; thay mới 10 cột đèn cũ bằng đèn cao áp sáng hơn; 16 bức tranh bích họa sinh động cũng được hoàn thiện….

Một trong 6 hộ dân hiến đất mở đường rộng rãi, quang đãng.

“Cụm dân cư vốn có nghề truyền thống nấu rượu và làm đậu và luôn được nhân dân luôn ý thức bảo vệ môi trường, gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm…. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, các hộ chăn nuôi lớn cũng đã tự giác di chuyển ra khu tập trung ngoài đồng. Nhờ đó, đến nay, vệ sinh môi trường cụm dân cư luôn được người dân chấp hành. Tổng kinh phí xã hội hóa trong thời gian qua để chỉnh trang ngõ xóm cụm dân cư thieo các tiêu chí cuộc thi lên tới hơn 560 triệu đồng. Từ thực tế triển khai tại cở sở nên tháng 10/2021, cụm dân cư đăng ký tham dự cuộc thi cấp huyện và phấn đấu duy trì thành quả đã đạt được”, bà Nguyễn Thị Thúy cho biết.

Từ thực tế cơ sở có thể thấy, cuộc thi đang tiếp tục lan rộng tới các thôn, cụm dân cư còn lại để tạo nên bức tranh nông thôn mới nâng cao của huyện Đan Phượng. Sự thi đua giữa các cụm dân cư, tổ dân phố cho thấy một cách làm sáng tạo của huyện.

Trình duyệt của bạn không hỗ trợ. Tải về: video/mp4

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Để cuộc thi lâu dài và có chiều sâu, không chỉ đơn thuần là phong trào bề nổi mang tính “hô hào”, cuộc thi được tổ chức theo từng tháng, quý có sự chấm điểm để tạo phong trào thi đua và học tập lẫn nhau. Để làm được việc này có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đối với cuộc thi này, Thường trực huyện ủy, Ban thường vụ huyện ủy Đan Phượng có sự quan tâm chỉ đạo và có chương trình hành động. Trên cơ sở đó, UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi và thành lập Ban chỉ đạo cuộc, tổ chức phổ biến kế hoạch và phân công thành viên Ban chỉ đạo cuộc thi và thành lập 4 đoàn kiểm tra thực tế.

Do có sự chỉ đạo thống nhất từ Ban Thường vụ Huyện ủy, các cơ quan ban ngành thuộc huyện đều tham gia Ban chỉ đạo, hàng tháng phân công các thành viên xuống thôn, cụm dân cư, tổ dân phố để đánh giá, chấm điểm, trực tiếp góp ý tư vấn cho các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố về các nội dung thực hiện các tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn; góp phần tạo nên phong cách làm việc sâu sát, thực tiễn với cơ sở.

Tranh bích họa được trang trí tại một số tuyến đường.

Theo đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn, các ban ngành đoàn thể xã, thôn, cụm dân cư, tổ dân phố bàn bạc, thảo luận cách thức tiến hành, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng. Ban chỉ đạo các xã, thị trấn cũng tổ chức cuộc thi cấp xã và tổ chức kiểm tra chấm điểm các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố hàng tháng và tổ chức trao giải cho các đơn vị. Đơn cử như các xã Liên Hồng, Trung Châu, Hạ Mỗ, Phương Đình tổ chức trao giải hàng tháng; xã Song Phượng, Thọ An, Liên Hà tổ chức trao giải hàng quý; xã Thọ Xuân, Thị trấn Phùng, Đồng Tháp, Đan Phượng, Hồng Hà, Thượng Mỗ, Liên Trung tổ chức trao giải năm; xã Tân Lập, Tân Hội khen thưởng các cụm dân cư đạt giải cuộc thi cấp huyện.

Từ việc trong xã tổ chức các cuộc thi với nhau nên cũng tạo phong trào thi đua giữa các cụm dân cư, thôn…. Nhờ đó, phong trào thi đua giữa các cụm dân cư, tổ dân phố được duy trì liên tục để thi cấp huyện. Trong 2 năm qua, huyện tổ chức chấm theo tháng và việc trao giải được thực hiện tại thôn, cụm được giải Nhất và việc trao giải tại chính thôn được giải Nhất là dịp để các thôn, cụm dân cư được trao đổi kinh nghiệm, cách làm để nhân ra diện rộng.

“Xác định phát triển kinh tế bền vững đi đôi với xây dựng đời sống văn hóa, cuộc thi từ thôn giải nhất đã tạo sự lan tỏa để các thôn khác phấn đấu. Trong quá trình triển khai, nhiều thôn đã triển khai với cách làm sáng tạo, tạo nhiều mô hình hay từ cơ sở.”, bà Lê Thị Tuyết, Bí thư Đảng ủy xã Liên Hà cho biết.

Bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng đánh giá: Cuộc thi đã được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực. Sự thay đổi nhận thức của nhân dân về ý nghĩa của cuộc thi có tác dụng to lớn trong việc xây dựng môi trường sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, thực hiện ở từng xóm, ngõ, ngách, phố và trong mỗi hộ gia đình vì thế khơi dậy được sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân rất lớn trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Lan tỏa những mô hình hay

Những mô hình, cách làm hay sáng tạo đã được các xã vận động tạo thành phong trào như xã Phương Đình hỗ trợ kinh phí 3 triệu đồng/thôn đã tạo hiệu ứng tốt, kích thích tinh thần hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân nên phong trào thi đua ở xã phát triển mạnh, hiệu quả. Còn xã Thọ An hỗ trợ kinh phí xã hội hóa từ 5 triệu đến 10 triệu cho các cụm dân cư, trao thêm 20 triệu đồng cho cụm đạt giải Nhất huyện.

Khi triển khai, các thôn cũng có những triển khai linh động phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn. Các thôn Đoài Khê, Ích Vịnh, La Thạch, Cổ Hạ, cụm 1,2 (xã Hạ Mỗ); thôn Trung Thành, Tiến Bộ (xã Thượng Mỗ), thôn Thượng Trì (xã Liên Hồng đã đưa nội dung cuộc thi vào Nghị quyết của Chi bộ; thành lập Ban vận động gồm lãnh đạo thôn, trưởng các xóm, phân công các thành viên họp thống nhất tại các xóm tạo tinh thần đoàn kết, nhất trí cao.

Hệ thống trường học được đầu tư nâng cấp.

Các thôn xóm phân công cụ thể các đoàn thể đảm nhận, hoàn thành các chỉ tiêu công việc cụ thể như: Thống nhất 100% hộ gia đình sử dụng thùng rác có nắp đậy; toàn bộ tường bao ven đường giao thông thôn, xóm ngõ được chỉnh trang, sơn màu đồng bộ đảm bảo mỹ quan. Vận động từng hộ gia đình mua sắm cây cảnh, hoa trang trí đẹp từ nhà ra ngõ tạo khí thế thi đua sôi nổi trong nhân dân.

Việc không thả rông súc vật nuôi ra đường đã được một số thôn đưa vào quy chế, Quy ước tại các thôn, cụm dân cư nên các hộ gia đình đã nêu cao ý thức, đảm bảo giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng tiêu biểu thôn Đoài Khê, Đông Khê xã Đan Phượng; thôn Ích Vịch, Cổ Hạ xã Phương Đình; thôn 10 xã Trung Châu...

Bên cạnh đó, có nơi thành lập quỹ và thực hiện khen thưởng các cá nhân gương mẫu, tích cực trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan như ở Cụm 1 (xã Hạ Mỗ) trong “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” đã khen thưởng 30 cá nhân đã có thành tích thường xuyên vệ sinh môi trường tốt, góp phần khích lệ toàn dân trong cụm tham gia hưởng ứng cuộc thi.

Bà Đào Thị Hồng cho biết: Sự vận dụng sáng tạo từ mỗi cụm dân cư, tổ dân phố trên tinh thần tự nguyện, họp bàn dân chủ để triển khai đã tạo diện mạo mới, khang trang, sạch sẽ tại các thôn, cụm dân cư, tổ dân phố. Theo thống kê, có 110/129 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố (tương đương 82,27%) đã tham gia cuộc thi huyện, trong đó có 72/129 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đạt giải cuộc thi. UBND huyện đã trao trao 1 giải Đặc biệt cho thôn Quý (xã Liên Hà) và 20 giải Nhất trao 20 giải Nhì, 20 giải Ba, 60 giải khuyến khích.

Trong giai đoạn tới, trong bối cảnh bình thường mới gắn với phòng chống dịch COVID-19, huyện Đan Phượng tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn cho phù hợp với tình hình mới; trong đó tiêu chí an toàn phòng dịch sẽ được chấm với điểm cao hơn như khuyến khích người dân cài app của riêng huyện Đan Phượng để tương tác, phản ánh những nơi chưa đạt về vệ sinh môi trường, cũng như phản ánh thông tin về các trường hợp ho sốt, khai báo y tế khi đi từ các vùng có dịch về để cấp chính quyền kịp thời xử lý…

Những kết quả từ cuộc thi của các tổ, cụm dân cư được huyện Đan Phượng ghi nhận, tặng bằng khen.

Ông Trần Đức Hải, Bí thư huyện Đan Phương cho biết: "Cuộc thi được người dân hưởng ứng bởi tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống người dân. Từ kinh nghiệm của thôn Quý cho thấy khi triển khai cuộc thi trong dân thì phải thống nhất từ chỉ đạo chi ủy, chị bộ và phải có kế hoạch cụ thể, tuyên truyền vận động đi trước một bước và tạo sự đồng thuận người dân tham gia góp công và ủng hộ cả tiền".

“Giải thưởng trao cho các thôn, cụm dân cư đạt giải trong gần 2 qua từ ngân sách là hơn 500 triệu đồng nhưng tiền huy động từ xã hội hóa là hơn 27 tỷ đồng cho thấy sự tham gia tích cực của người dân vào cuộc thi. Trong giai đoạn tới, cuộc thi gắn với việc phòng chống dịch trong bối cảnh mới nên nâng cao tiêu chí về an toàn phòng dịch được đề cao hơn để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân và cộng đồng”, ông Trần Đức Hải đánh giá.

Đúc rút kinh nghiệm từ cuộc thi sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, ông Trần Đức Hải cho rằng: Trong cách làm, huyện hướng dẫn xây dựng mô hình mẫu để từ đó các cụm dân cư, thôn khác học tập tùy điều kiện thực tế. Trong thời gian tới, huyện cũng sẽ xây dựng tuyến đê chạy qua huyện được phủ xanh đẹp, tạo cảnh quan. Huyện cũng sẽ thí điểm triển khai tại thôn Quý, trong đó khi trồng cây, phủ xanh tuyến đê, các xã, thôn vận động các hộ dân trước mặt đê tham gia quản lý, chăm sóc. Đây sẽ là điểm nhấn với mọi người khi đi qua Đan Phượng dọc tuyến đê này.

Đánh giá về cuộc thi của Đan Phương trong triển khai xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng chương trình nông thôn mới Hà Nội cho biết: Về xây dựng nông thôn mới, Đan Phương luôn là huyện dẫn đầu Hà Nội. Đan Phượng là huyện đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới và cũng là huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của Hà Nội.

“Đáng chú ý là để duy trì cảnh quan, vệ sinh môi trường sáng – xanh – sạch – đep – an toàn, huyện Đan Phượng đã có cách làm sáng tạo qua cuộc thi tạo thành phong trào, qua đó nâng cao ý thức của người dân tự bảo vệ môi trường cảnh quan của chính nơi người dân đang sinh sống. Đi kiểm tra công tác xây dựng nôn thôn mới tại các huyện thì phong trào xanh sạch dọn vệ sinh môi trường có nơi chỉ làm phong trào theo đợt, có nơi chỉ phát động làm thứ 7 và chủ nhật. Riêng Đan Phượng do có cuộc thi nên việc triển khai liên tục thường xuyên và các cụm dân cư, thôn duy tr liên tục để chấm điểm. Nhờ đó, huyện Đan Phượng sớm đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao và hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố Hà Nội” ông Nguyễn Văn Chí nhận xét.

Có thể khẳng định, từ cuộc thi sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn mà huyện Đan Phượng đang triển khai cho thấy, từ một chủ trương đúng, sự vận dụng linh hoạt với thực tế của cấp ủy, hội đoàn thể cụm dân cư, tổ dân phố và được ủng hộ của nhân dân, cuộc thi đã góp phần tạo dựng bộ mặt nông thôn mới điển hình của Hà Nội theo đúng nghĩa “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

“Cách làm của huyện Đan Phượng cũng đã được chúng tôi lấy làm mô hình phổ biến để các huyện khác học tập” ông Nguyễn Văn Chí cho biết.

Đến nay, thành phố Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây; trong đó có Đan Phượng hoàn thành chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hà Nội còn 6 huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới cuối năm 2021; các huyện Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII giai đoạn 2021-2025”, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2025, toàn thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 100% số huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Bài, ảnh, video: Xuân Cường

Trình bày: Minh Lâm

28/11/2021 12:59

Từ khóa » Bài Thuyết Trình Tuyến đường Sáng Xanh Sạch Và đẹp