XÂY DỰNG Ý THỨC TÔN TRỌNG, PHỤC VỤ NHÂN DÂN CHO ...
Có thể bạn quan tâm
Ngay từ khi thành lập Nhà nước mới, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề phải làm sao cho tất cả cán bộ, công chức từ Chính phủ đến làng xã đều là công bộc của dân, đều trung thành, tận tụy phục vụ nhân dân. Hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ cán bộ, công chức; vì vậy, người cán bộ, công chức bên cạnh việc nâng cao năng lực chuyên môn, thì việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, xây dựng ý thức phục vụ nhân dân trong hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì thế, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, luôn mong muốn xây dựng một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, hướng đến phục vụ nhân dân. Tư tưởng của Người về ý thức phục vụ nhân dân được thể hiện ở những nội dung cơ bản sau:
Một là, phải yêu dân, kính dân, tôn trọng dân, tin dân, lắng nghe dân, học dân, lấy dân làm gốc.
Người cho rằng trước hết phải yêu dân, kính dân và tôn trọng nhân dân. Người nói: "Cán bộ mà lên mặt quan cách mạng thì mọi việc đều lủng củng. Cán bộ mà biết làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, thì việc gì cũng mỹ mãn", do vậy, "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta".
Trong việc xây dựng ý thức phục vụ nhân dân, Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vấn đề quyền, lợi ích và lực lượng của dân. Đó cũng chính là nội dung phản ánh bản chất ưu việt của nền dân chủ kiểu mới. Ngày 19 tháng 9 năm 1945, trong bài Chính phủ là công bộc của dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Các công việc của Chính phủ là phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy".
Hai là, đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, có trách nhiệm với nhân dân, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tổ chức vận động nhân dân cùng thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Hồ Chí Minh quan niệm điều gì có lợi cho Nhân dân, cho dân tộc thì điều ấy là chân lý và với Người, phục vụ nhân dân chính là phục tùng chân lý. Cán bộ, công chức phải làm "công bộc" cho dân và đó là một việc làm cao thượng. Trong Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.
“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.
Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Người luôn tâm niệm: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ".
Muốn vậy, đội ngũ cán bộ, công chức phải vì lợi ích chung mà tận tâm phục vụ nhân dân giống như những người lính vâng lệnh quốc dân mà thi hành nhiệm vụ.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đang tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển nền kinh tế tri thức và mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế, văn hóa...với thế giới. Trong bối cảnh đó, bên cạnh những thời cơ, chúng ta cũng phải đương đầu với không ít thách thức khi mà cái tích cực và cái tiêu cực, cái tốt và cái xấu tồn tại đan xen với nhau, tác động qua lại lẫn nhau trong mối quan hệ chằng chịt giữa các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống ... Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý và kể cả một số cán bộ cao cấp rơi vào tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng với chế độ. Điều đó cho thấy, lời cảnh báo được Hồ Chí Minh đưa ra từ những năm 50 của thế kỷ XX thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của Người. Do đó, trách nhiệm đặt lên vai đội ngũ cán bộ, công chức rất nặng nề, đòi hỏi họ phải không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực để đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới.
Vì vậy, trước yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra, nhất là thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng, và đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi dịch bệnh Covid – 19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, nhằm thực hiện tốt quan điểm “sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thì việc xây dựng ý thức phục vụ nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức càng trở nên quan trọng và thực sự cần thiết hơn bao giờ hết và cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, người cán bộ, công chức phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác trên mọi mặt. Xây dựng lối sống lành mạnh và xây dựng phong cách làm việc dân chủ, có trách nhiệm với cương vị công tác. Người cán bộ, công chức phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng công tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Bên cạnh việc nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, người cán bộ, công chức cần chú trọng tăng cường bồi dưỡng về trình độ tin học, ngoại ngữ, bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng hành chính, để nâng cao năng lực thực thi công vụ.
Xây dựng lối sống lành mạnh đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay phải kiên trì đấu tranh chống lại dốt nát, thói hư, tật xấu, nhất là sự lười biếng, đố kỵ, tham nhũng, cửa quyền, quan liêu, lối sống buông thả và sa đọa. Đồng thời, người cán bộ, công chức phải có phong cách làm việc dân chủ, cụ thể: cần phải gần dân để có thể hiểu được nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của quần chúng, để người dân hiểu rõ hơn về đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Do đó, đối với người cán bộ, công chức phải biết học hỏi quần chúng, biết tập trung tài năng, trí tuệ của quần chúng thành sức mạnh chung. Ngoài ra, người cán bộ, công chức phải giữ nghiêm minh kỷ luật công tác trong quá trình thực thi công vụ. Đối với công việc được giao phải gắng sức hoàn thành theo chức trách, nhiệm vụ của mình. Điều này chính là biểu hiện thiết thực, cụ thể của ý thức và tinh thần trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Thứ hai, người cán bộ, công chức cần hiểu thấu và tích cực thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để có thể hoàn thành công vụ được giao theo chức trách, nhiệm vụ, người cán bộ, công chức phải đi đầu trong việc nắm bắt và vận dụng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Muốn vậy, họ phải luôn đi sâu, đi sát thực tiễn, nắm tình hình một cách toàn diện; phải nắm người, nắm việc, nắm các vấn đề có liên quan đến đời sống của nhân dân, liên quan đến nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương… một cách cụ thể, chính xác. Chỉ có tăng cường quan điểm thực tiễn, khéo đi sâu điều tra nghiên cứu, phân tích và giải quyết đúng mâu thuẫn trong đời sống thực tiễn thì tinh thần phục vụ mới đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Thứ ba, phải cải thiện quan hệ của cơ quan hành chính với dân.Theo đó, cần phải loại bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà khi giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp; chấn chỉnh bộ máy, ngăn chặn và đẩy lùi quan liêu, tham nhũng; cải cách triệt để các thủ tục hành chính theo nguyên tắc thống nhất, công khai, đơn giản, đúng pháp luật. Tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính, phát hiện và sớm loại bỏ những thủ tục không cần thiết, bất hợp lý, gây phiền hà cho dân và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông …
Trong giai đoạn hiên nay, nhất là trong lúc cả nước nói chung, tỉnh Quảng trị nói riêng đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid – 19 với mục tiêu sớm đưa cuộc sống sớm trở lại trạng thái bình thường, thì những yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức, về ý thức phục vụ nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức vẫn còn nguyên tính thời sự, khoa học và cách mạng. Với giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức chính là ngọn đuốc sáng, là kim chỉ nam soi đường, chỉ lối cho đội ngũ cán bộ, công chức nước ta trong việc hoàn thiện, nâng cao các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 -2025 đã đề ra./. Tân Linh
Từ khóa » độ Phục Vụ Nhân Dân
-
Thái độ Phục Vụ Nhân Dân Của Cán Bộ Đảng Viên Theo Tấm Gương ...
-
Nâng Cao Tinh Thần, ý Thức Trách Nhiệm Phục Vụ Nhân Dân
-
Tân An: Nâng Cao Tinh Thần Trách Nhiệm, Thái độ Phục Vụ Nhân Dân
-
Nâng Cao Tinh Thần Phục Vụ Nhân Dân Theo Tư Tưởng, đạo đức ...
-
Văn Hóa Công Vụ: Tinh Thần, Thái độ Làm Việc Của Cán Bộ, Công Chức ...
-
Nâng Cao Trách Nhiệm, Thái độ Phục Vụ Nhân Dân Của đội Ngũ Cán Bộ ...
-
Quy Tắc ứng Xử Của Cán Bộ, Công Chức, Viên Chức Trong Ngành Thanh ...
-
[DOC] PHIẾU ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ NĂM 20
-
Nghị định 217-CP Chế độ Trách Nhiệm, Chế độ Kỷ Luật, Chế độ Bảo Vệ ...
-
Nâng Cao Trách Nhiệm, Thái độ Phục Vụ Nhân Dân Của Cán Bộ Và ...
-
Lắng Nghe để Phục Vụ Nhân Dân Tốt Hơn - Báo Cần Thơ Online
-
Học Bác Tinh Thần Phục Vụ Nhân Dân
-
Vì Nhân Dân Phục Vụ - Báo Quảng Ninh điện Tử
-
Tinh Thần, Thái độ Làm Việc; Chuẩn Mực đạo đức, Lối Sống Và ứng Xử ...