Xây Nhà Dạng 3D: Mọi Người Vẫn Mơ Hồ - Vnbusiness

Xuất hiện tại Việt Nam cách đây chừng 15 năm, phương án thi công công trình dân sinh bằng các tấm 3D – Panel được đánh giá là rút ngắn 1/3 tốc độ hoàn thiện, giảm 20% tổng chi phí đầu tư hay khả dụng cho nhiều loại địa hình.

Lợi nhiều đường

Điểm cốt lõi trong phương án thi công này là sử dụng các tấm 3D được sản xuất theo công nghệ của Cộng hòa LB Đức, với đa dạng cách thiết kế riêng biệt tương ứng với nhiều loại công trình. Hầu như những công trình từng áp dụng công nghệ này đều cho thấy ưu điểm lắp dựng nhanh chóng và thuận tiện, rút ngắn được thời gian thi công, kèm theo lợi thế không bị ảnh hưởng lớn trong các điều kiện bất lợi của thời tiết như (mưa bão, độ ẩm cao). Trong trường hợp muốn tháo dỡ hoặc di dời, nâng cấp các công trình được xây dựng bằng công nghệ 3D cũng rất nhanh gọn. Được mệnh danh là vật liệu 3 trong 1 (nhẹ, chịu lực tốt, rẻ), tấm 3D khác với các tấm panel bê tông cốt thép truyền thống.

Ưu điểm của công nghệ vật liệu nhẹ này đã phổ biến sâu rộng trong giới làm nghề và những chuyên gia ngành. Về cơ bản, nhà xây bằng panel 3D dựa trên nguyên lý phân tán lực trải ra trong không gian 3 chiều (không tác dụng lực lên cột, dầm nhà). Các chân tường sẽ là chịu lực tản đều nên nền đất yếu cũng không giới hạn cách thi công này.

 

Xây dựng bằng kết cấu 3D panel vẫn còn rất hạn chế tại Việt Nam, bất chấp ưu điểm gần như tuyệt đối của giải pháp này

Thứ hai, tấm panel 3D chịu lực kéo, uốn và chấn động tốt nhờ hai lưới thép hàn cường lực cao, hạn chế nứt, thấm… Sản phẩm này còn cách âm, cách nhiệt, không cháy, tiết kiệm 30% chi phí điều hoà nhiệt độ (giảm được rất nhiều chi phí chống nóng cho công trình). Theo Ts. Cao Kiên Cường, Công ty CP Đầu tư CKC, tấm 3D dùng làm tường, sàn, cầu thang, mái, ô văng, đặc biệt làm sàn kiên cố tương tự như sàn bê tông cốt thép.

Phương pháp thi công tấm 3D chủ yếu là lắp đặt lại với nhau; mối liên kết, gia cố ở các cột, đà chìm bên trong cấu kiện. Nếu dựng sàn 1.000m2 theo kiểu ghép cốp pha truyền thống mất 5 ngày, với 20 công nhân. Còn thi công với panel 3D, 1.000m2 chỉ mất 3 ngày. Điều này đã được thử nghiệm rõ nhất tại các công trình ở Bắc Ninh như trường Quốc tế Kinh Bắc và nhiều địa phương khác.

Giới nghiên cứu thực nghiệm vật liệu xây dựng cũng đồng thuận cho rằng vật liệu 3D hoàn toàn có thể áp dụng cho nhà ở dân sinh, công trình nhà ở cao tầng hay thậm chí công trình công cộng. Trong đó, panel 3D có thể áp dụng với từng loại công trình: công trình dưới 5 tầng có thể xây dựng 100% panel 3D; công trình từ 6-12 tầng (có sử dụng thang máy) có thể phối hợp 3D với bê tông cốt thép truyền thống; công trình từ 12-32 tầng kết hợp giữa kết cấu 3D và hệ khung bê tông cốt thép… Đây chính là lối mở của nhiều chủ đầu tư đang gặp khó trong việc tìm phương án thi công chung cư cao tầng tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng.

Với rất nhiều ưu điểm khó có thể chối bỏ như bền vững trước gió bão, địa chấn (chịu được sức gió giật trên 300km/h, chịu được dư chấn động đất lên đến 7,5 độ Richer), chống cháy, đa dạng địa hình địa vật thi công, kết cấu 3D panel đã được quy chuẩn bằng bộ Tiêu chuẩn Xây dựng năm 2007 do Bộ Xây dựng ban hành với đầy đủ chi tiết, định mức, quy định cụ thể.

Nhưng chưa phổ cập

Thực tế cho thấy, công nghệ này đã được áp dụng cho thi công cả biệt thự lẫn chung cư cao tầng tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Nhưng số lượng các công trình nhà ở cao tầng áp dụng loại hình thi công 3D vẫn rất hạn chế, đặc biệt đối với các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng, gần như chưa biết tới.

Việc chưa thể phổ biến kết cấu 3D vào xây dựng có nguyên do chủ quan từ phía các đơn vị sản xuất VLXD trong nước. Cụ thể, tấm panel 3D vốn được sử dụng rất linh hoạt về kích cỡ đối với từng loại công trình, từng hạ phần thi công chứ không hề giới hạn. Ví dụ, xây dựng một tòa nhà chung cư 15 tầng, tầng dưới cùng sẽ chịu lực lớn nhất – sử dụng tấm panel 3D phi 8, càng lên cao, độ dày của panel càng giảm đi để tối ưu chi phí mà vẫn an toàn.

Nhưng thực tế ở thị trường VLXD Việt Nam mới chỉ dừng ở việc sản xuất panel 3D phi 4. Vậy nên mới có chuyện nhiều công trình chung cư cao cấp ở Hà Nội và Tp.HCM áp dụng "vô tội vạ" tấm panel 3D làm vách ngăn (thay vì làm tường chịu lực lẽ ra phải có). Tính ra, chi phí lớn mà hiệu quả kinh tế, độ bền vững công trình chẳng được như ý muốn, trong khi khách hàng vẫn "ù ù cạc cạc" trước cái gọi là giải pháp thi công hiện đại, siêu nhẹ mà chủ đầu tư quảng cáo.

Việc chưa phổ biến tấm 3D panel trong đời sống xây dựng của người dân còn do thực tế khi xây 2 nhà sát vách nhau sẽ không thể phun beton và tô vữa được cạnh giáp nhau giữa 2 ngôi nhà. Vì sát vách nên khoảng hở quá nhỏ, dẫn tới khó xử lý chống thấm từ bên ngoài công trình. Ngoài ra, các công ty nhận thi công bằng 3D panel trên thị trường hầu như còn non trẻ về kinh nghiệm, cộng với chưa đủ kiến thức tư vấn cho khách hàng, nên hạn chế của phương án áp dụng kết cấu 3D panel là điều tồn tại từ nhiều năm nay.

Đông Hưng (tổng hợp)

Từ khóa » Nhược điểm Của Tấm 3d Panel