Xe Bánh Bò Dừa 40 Năm ở TP HCM - VnExpress Du Lịch

Kế nghiệp từ anh rể, ông Trang Vĩnh Phát (60 tuổi, người Hoa) miệt mài nướng bánh bò dừa để bán suốt 40 năm nay. Nguyên liệu làm bánh bò dừa, hay được gọi tắt là bánh dừa, khá đơn giản, gồm có bột mì, trứng gà, đường cát và các loại nhân bánh.

Sau khi pha bột xong, ông Phát phải đánh bột đều tay trong vòng 15-20 phút để bột nhuyễn mịn và sánh lại. Đây là một trong những khâu quan trọng nhất quyết định chất lượng bánh.

Công đoạn quan trọng thứ hai là nướng. Bánh phải được nướng trên lò than với mức nhiệt phù hợp. Người nướng phải sờ bằng tay để kiểm tra độ nóng của khuôn rồi mới đổ bột vào. Các đầu ngón tay của ông Phát vì thế mà cũng chai sạn đi. Mỗi bánh sẽ được nướng trong khoảng 1-2 phút.

Tiệm bánh dừa 40 năm ở TP HCM Tiệm bánh dừa 40 năm ở TP HCM

Bánh bò dừa được làm ra như thế nào. Video: Như Quỳnh

Trong suốt 40 năm, ông Phát không thay đổi vị bánh nhiều. Ông luôn cố gắng nâng tầm chất lượng bánh bằng cách cho thêm nhiều trứng gà vào bột và bổ sung các loại nhân bánh.

Trước kia, ông Phát chỉ bán loại bánh truyền thống với nhân dừa. "Thị hiếu khách hàng thay đổi, quán cũng phải đa dạng các loại bánh để đáp ứng nhu cầu thì mới giữ chân khách được", ông Phát chia sẻ. Hiện tại, quán có bánh bò dừa lá dứa và các loại nhân như ca dé (được làm từ trứng, cốt dừa, sữa tươi, đường), sầu riêng, bơ đậu phộng, bơ sữa, bơ đường.

Bánh nhân dừa có thể để bảo quản ở nhiệt độ thường trên 10 tiếng. Riêng bánh nhân bơ sữa và ca dé thì để ngoài được ít hơn, tầm 8 tiếng. Giá bánh dao động từ 40.000 đến 50.000 đồng một chiếc tùy loại nhân.

Mỗi ngày, từ lúc 6h, ông Phát nướng sẵn bánh ở nhà, tại số 315 đường Nguyễn Duy, phường 10, quận 8. Sau đó, ông mới đem thành phẩm đã được đóng gói ra 45 Tản Đà, quận 5 để bán. Gắn bó với góc đường này đã lâu, ông Phát lấy "Bánh dừa Tản Đà" làm tên thương hiệu. Ngày đắt khách nhất, ông bán được khoảng 200 chiếc. Không chỉ bán lẻ, ông còn nhận đơn hàng khách sỉ và giao liên tỉnh đến Đăk Lăk, Nha Trang... Những ngày đó, ông cùng vợ và các con phải thức dậy lúc 2-3h mới kịp giao bánh.

Những ngày thức khuya dậy sớm như vậy vẫn không vất vả bằng thời ông Phát còn phải đi bán dạo bao năm về trước. "Tôi nhớ nhất thời còn đẩy xe dạo đi bán khắp cùng, vừa đi vừa rao. Đi bán dạo cũng phải có giờ giấc và địa điểm, chẳng hạn như khi nào thì qua trường học, còn đứng ngã tư vào lúc mấy giờ. Hồi đó nắng, chạy cực lắm. Lâu lâu tôi vẫn nằm mơ về những ngày tháng đó", ông kể. Sau này, khi đã có khách quen, ông Phát mới bắt đầu bán ở một điểm cố định tại góc đường Tản Đà.

Bánh nướng xong phải được để trên rổ tre cho ráo nước và không bị nhũn. Bánh bò dừa là món ăn vặt trong ẩm thực Triều Châu, Trung Quốc.  Ảnh: Như Quỳnh

Bánh nướng xong phải được để trên rổ tre cho ráo nước và không bị nhũn. Bánh bò dừa là món ăn vặt trong ẩm thực Triều Châu, Trung Quốc. Ảnh: Như Quỳnh

Với tuổi đời 40 năm, xe bánh bò dừa lá dứa đã gắn liền với tuổi thơ của khá nhiều người, đặc biệt là người dân quận 5 và 8. Nguyễn Thị Thu Linh (35 tuổi, quận 8) cho biết: "Vị bánh ở đây ngon, thơm, béo, ăn hoài không ngán. Chồng mình rất ghiền, một ngày không ăn là bực bội".

Còn "khách ruột" Lưu Ngọc Mạnh Hiếu (34 tuổi, quận 1) đã ăn bánh bò dừa Tản Đà mười mấy năm nay. "Bánh dừa mềm, xốp và thơm. Trước giờ mình vẫn ăn loại truyền thống vị nhân dừa. Cơm dừa khá ngon, không quá ngọt và thơm mùi bơ", Mạnh Hiếu chia sẻ trong lúc đợi bánh.

Như Quỳnh

  • Xe bánh kalochi gốc Hoa hơn 40 năm ở Sài Gòn
  • Ngôi đình đầu tiên của người Hoa ở Sài Gòn

Từ khóa » Bò Lá Dứa Quận 5