“Xé Rào” Và Bài Học “khoán Hộ Chui” - Tiền Phong

Một Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh thời gian gần đây được đánh giá là năng động trong thu hút đầu tư và đương nhiên cũng nằm trong danh sách “xé rào” đã nói với người viết: “Tôi đã báo cáo với Thủ tướng Phan Văn Khải rằng nếu như 3 tỉnh “xé rào” thì đó có thể là hiện tượng không lành mạnh, thế nhưng có tới hơn một nửa số tỉnh, thành trong cả nước phải làm như vậy thì cần phải có cách nhìn nhận thận trọng”. Đó quả là ý kiến đáng được suy nghĩ.

Khi sức ép về thu hút đầu tư đang đè nặng lên những nhà quản lý cả ở Trung ương lẫn các địa phương và chính sách không phải bao giờ cũng đồng hành với thực tiễn thì việc vận động tìm lối thoát, tạo ra một tiền lệ mới tiến bộ và phù hợp hơn là điều đáng được ghi nhận.

Và lãnh đạo tỉnh, thành nào đó thấy rõ những vướng mắc, những bất cập của cơ chế hiện hành mà cứ bình chân như vại nhìn thiên hạ tiến, không dũng cảm “xé rào”, vượt lên cơ chế thì đó chính là bi kịch. Đương nhiên tỉnh, thành nào “xé rào” vì lợi ích cục bộ, vì tư túi, vì lợi ích trước mắt mà gây ảnh hưởng đến chính sách chung cũng phải cần được làm rõ và xử lý.

Cũng chưa thấy ai đặt vấn đề nếu như 33 tỉnh, thành phố này không “xé rào” thì con số thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, số người lao động đã tìm được việc làm sẽ giảm đi bao nhiêu? Nền kinh tế có đạt được mức tăng trưởng như đã thấy? Ngân sách sẽ giảm đi chừng nào?

Nhưng cũng chưa có một con số thống kê cụ thể để xác định những hậu quả của hiện tượng “xé rào” gây thiệt hại bao nhiêu cho việc thu ngân sách, gây tác động xấu đến môi trường đầu tư chung ra sao?

Những vấn đề này rất cần được tính toán một cách khoa học để tìm lời giải cho bài toán 33 tỉnh, thành “xé rào”. Bài học của “khoán hộ chui” trong nông nghiệp dẫn đến sự đổi mới trước đây dường như rất cần được ôn lại một cách kỹ càng trong thời điểm này.

Hữu Khôi

Từ khóa » Hiện Tượng Xé Rào Khoán Chui