Xem Tướng Mũi Người Phụ Nữ Giàu Sang Phú Quý - Chơi Phong Thuỷ

bo%20vi

Cổ tướng pháp Trung Quốc xem Ngũ quan cho mũi là quan trọng nhất. Tuy nhiên, không lúc nào được quên nguyên tắc phối hợp, nếu quên là dẫn đến phán đoán sai lầm. cũng cần phải phân biệt người châu Á, châu Phi và người châu Âu. Người Âu là giống mũi cao, người Phi là giống mũi thấp, người Á mũi thấp hơn người Âu nhưng cao hơn người Phi da đen, nếu thấp dẹp xuống là hỏng hay cao vọt lên như người Âu cũng là hỏng. Mũi tốt đối với người Á là cao nhưng nếu cao như người Âu lại hóa xấu tướng vì nó thành cô phong tị. Kiểu mũi lý tưởng của người đàn bà Á châu (và đàn ông) là Tị cao thông Thiên đình. Sao gọi là thông Thiên đình? Gọi như vậy là mũi có Sơn căn cao nối liền với Ấn đường, những người mũi dọc dừa thường có tướng cách thông Thiên đình. Mũi thông Thiên đình nói lên tài năng dư đủ, đàn ông thuộc loại quý nhân, đàn bà thuộc loại sang trọng.

 

Tổng quan các bộ vị của mũi phụ nữ

 

Dựa theo cấu tạo của mũi các nhân sĩ tướng học đã chia mũi thành sáu phần như sau:

– Sơn căn là phần gốc mũi nằm ở hai đầu mắt.

– Tỵ lương là phần sống mũi tính từ Sơn căn xuống tới phần giới hạn bởi hai cánh mũi.

– Phần trên của Tỵ lương, kế tiếp sơn căn chính là Niên thượng và phần bên dưới nó gọi là Thọ thương.

– Phần chóp mũi được gọi là Chuẩn đầu.

– Cánh mũi bên trái được gọi là Giản đài, cánh mũi bên phải gọi là Đình úy.

– Khoảng chân của sống mũi chạy dài từ đầu mắt phải tới Đình úy gọi là Quang điện, từ đầu mắt trái tới Giản đài gọi là Tịnh xá.

 

Độ dài ngắn của mũi phụ nữ

 

Độ dài ngắn được thẩm định theo khuôn mặt của cá nhân đó. Ta có thể xác định bằng cách đo chiều dài của mũi từ Sơn căn đến chuẩn đầu rồi đem so sánh chiều dài đó với chiều dài toàn thể của khuôn mặt được tính từ chân tóc của người bình thường không bị tật bệnh tới cuối cằm.

Nếu chiều dài của mũi bằng 1/3 chiều dài khuôn mặt thì coi như trung bình, còn trên tiêu chuẩn đó thì là dài, còn dưới tiêu chuẩn đó thì là ngắn.

Trong thực tế cách đo trên không phải là đơn giản vì khuôn mặt của chúng ta có phần lồi phần lõm nên không thể dùng thước mà đo được. Ta có thể dùng bề ngang của ba đầu ngón tay, bao gồm ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út duỗi thẳng khít vào nhau để làm tiêu chuẩn trung bình, nếu bề dài của mũi vượt quá bề ngang nói trên là dài, còn ngược lại là ngắn.

 

Độ cao thấp của mũi phụ nữ

 

Từ trung điểm của mũi ta hình dung kẻ một đường thẳng song song với mặt phẳng của trán, nếu đường thẳng này trùng khít với mặt phẳng cảu trán là mũi trung bình, không cao cũng không thấp, còn nếu đường thẳng này không tiếp xúc với mặt phẳng của trán thì gọi là cao, còn nếu nó chìm sâu dưới mặt phẳng của trán thì là thấp. Một điều cần chú ý ở đây đó là ta phải xét mặt phẳng trung bình, tức là chỗ bằng phẳng nhất làm tiêu chuẩn để định lượng, không tính với trán vát hoặc trán lồi, nếu vậy chảy lấy mặt phẳng đi qua trung tâm điểm của trán làm chuẩn.

Ngoài ra, ta còn có thể dùng cách so sánh sự cân đối giữa chiều cao của mũi với chiều cao của mũi với chiều cao Lưỡng quyền hay chiều cao của cằm để nhận biết độ cao thấp của mũi đàn bà.

Độ rộng và hẹp của mũi chính là độ ngang rộng nhất của hai cánh mũi so với bề ngang thực sự của khuôn mặt nhìn trực diện. Nếu khoảng cách hai cánh mũi vượt quá 1/3 bề ngang thực sự của khuôn mặt thì đây là mũi rộng, còn ở dưới mức đó thì là hẹp.

 

Xương mũi lồi lên.

 

Người có mũi thẳng đều là người khí khái và nghĩa khí, có tướng lãnh đạo người khác. Nhưng nếu mũi thẳng mà lại mỏng thì lại là người cứng nhắc, hay cáu kỉnh. Người nào mà xương mũi lồi lên là người hay tiểu tiết, chấp vặt, có thể vì chuyện nhỏ mà gây hấn.

 

Mặt dẹo và xương mũi to quá khổ

 

Đây là người cực kì coi trọng cái tôi của mình, bản thân không muốn nhưng tự nhiên lại thành cô lập với mọi người xung quanh. Tính cách thì độc đoán.

 

Mũi lệch, xương xẩu

 

Mũi phản ánh tài vận, vì thế nếu mũi xương xẩu thì đây là người tuy rất khí khái nhưng lại không có tài khí, dễ làm liên lụy đến người khác. Người này tuy là người cứng cỏi nhưng lại rất cứng nhắc, cho nên khi gặp phải khó khăn thì ít khi xử lí được.

Bên cạnh đó nếu mũi lại thêm bị lệch thì đây lại là người dễ phản bạn, bán người thân.

Khi xem tướng mũi ta cần phải phối hợp với Lưỡng quyền vì mũi lớn đẹp mà Lưỡng quyền thấp thì không được và tướng mũi cần phải đi đôi với tướng mắt bởi vì mũi lớn đẹp mà tướng mắt hỏng thì cho dù có giàu cũng không sang được.

 

Tướng mũi và các tính cách của người phụ nữ

 

Tính cách keo bẩn qua tướng mũi

 

Hai cánh mũi đầy đặn cân xứng. Lỗ mũi nhỏ không thể để lọt đầu ngón tay út là biểu hiện của sự tham lam. Giải đài, Đình úy càng nảy nở, mũi càng đầy là người tham lam chỉ biết ăn của người mà không muốn bỏ bất cứ cái gì của mình. Nếu Giản đài và Đình úy không rõ ràng, lỗ mũi rộng là người hào phòng, coi tiền bạc vật chất như phù du. Mũi càng mỏng, càng dài thì đây đúng là người “sẵn tay đốt nhà táng giấy”.

 

Tính cách thông minh qua tướng mũi

 

Mũi có Sơn căn cao, sống mũi thẳng và không lệch.

Từ Sơn căn lên đến Ấn đường ngay phía đầu lông mày có hình dáng của chữ “bát” là dấu hiệu não bộ luôn luôn hoạt động quá mức bình thường.

Lỗ mũi rộng khiến đầu ngón tay có thể thọc vào bên trong dễ dàng, hoặc trong lỗ mũi tự nhiên có sợi long duy nhất mọc dài ra ngoài là biểu hiện của những người thông thái mẫn tuệ.

Sống mũi cao, thẳng, Chuẩn đầu có sắc tươi trắng là người trí tuệ và sở trường riêng.

Hai cánh mũi trông chắc chắn, cân xứng, tay chân nhanh nhẹn thì là người khóe tay, thông minh, học nghề nhanh.

 

Tính cách chính trực qua tướng mũi

 

Mũi có độ dài vừa phải, cao và rộng trung bình, Chuẩn đầu tròn, sống mũi ngay ngắn, hai cánh mũi cân xứng mà không lộ.

Người ta vẫn nghĩ mũi to là dấu hiệu cát tường, nhưng nếu to quá mức thì lại trở thành “phản tướng” biểu thị của người ham mê nhục dục, tâm địa cố chấp, bướng bỉnh.

Mũi dài, lỗ mũi rộng, hình thế chắc chắn.

Sống mũi và cánh mũi cứng cáp, thể hiện ý chí mạnh mẽ.

Sơn căn cao nhưng bền ngang hẹp là người có trí tuệ, có năng lực nhưng cũng là người cố chấp. Còn người mũi nhỏ lại ngắn thì suy nghĩ thường nông cạn. Mũi nhỏ, ngắn, nhưng mảnh khảnh cân đối thì là người hiền lành tốt tính.

 

Xem người gian xảo qua tướng mũi

 

Mũi nhỏ lại ngắn, hình dạng ẻo lả là kẻ tâm tính nhu nhược, nếu lại thêm lộ không thì tâm địa bất chính.

Thân mũi ngay thẳng, nhưng mũi hơi lệch về một hướng nào đó, hoặc hếch lên, hoặc lõm xuống là người bất nhân, bất nghĩa.

Thân mũi nhỏ, sống mũi mảnh và lồi, xương trông giống như sống kiếm là kẻ cố chấp, thiếu nhẫn nại.

Mũi hình cong lên tựa cái móc câu hoặc quặp xuống như mỏ chim ưng, Chuẩn đầu lại nhỏ và nhọn là người đã gian ngoan còn xảo quyệt.

 

Tướng mũi người phụ nữ thể hiện phú quý, bần hàn.

 

Phàm mũi ngay thẳng, cân xứng, có sắc tươi nhuận, không to quá mà cũng không nhỏ quá, là thượng cách, không giàu sang phú quý thì cũng thuộc hàng trung lưu.

Sống mũi nhìn tròn thẳng tựa ống trúc, hoặc chóp mũi rộng như túi mật treo là quý tướng, đặc biệt là từ trung vận trở đi thì rất thành đạt.

Mũi lớn, cánh mũi đầy đặn là tướng giàu có.

Mũi cao, thế chắc chắn là tướng quý hiển.

Cánh mũi cao tròn, cân xứng cũng thuộc hàng quý tướng, nếu cánh mũi to quá khổ chủ đến trung vận mới phát tướng và được quý hiển.

Mũi có nhiều lằn ngang dọc là tướng phá tài.

Thân mũi ngay thẳng nhưng lại hơi gầy là tướng bần tiện.

Chuẩn đầu nhọn, mũi trên nhỏ, phía dưới to mà mỏng là tướng bần hàn.

Lỗ mũi quá lớn và lộ thì cho dù các bộ vị khác có đoan chính cũng chẳng giàu có được.

Lỗ mũi quá nhỏ, cánh mũi quá dày dù hình thể hơi hẹp là tướng không giữ được của cải.

 

Tướng mũi người phụ nữ và gia vận.

 

Vận tốt

 

– Mũi ngay thẳng, đầy đặn, khí sắc tươi nhuận (như mũi tiêm đồng huyền đảm) là người sống tình cảm.

– Chuẩn đầu tròn, sống mũi thẳng và gần như thông suốt tới tận Ấn đường, mũi không gầy, không mập là tướng lấy được chồng tài đức, gia đình được con dâu thảo.

– Sống mũi ngay thẳng, phần cuối mũi nở rộng và đẹp là người có số nhiều con.

 

Vận xấu

 

Mũi bất kể là xấu hay tốt mà có những lằn dọc rõ rệt là tướng tuyệt tự, hoặc phải nuôi con chồng.

Thân mũi gấp khúc nhiều đoạn là tướng cô độc và tán gia bại sản, nếu phối hợp với lông mày và mắt không đắc cách là dấu hiệu cốt nhục tương tranh.

Sống mũi hoặc hai cánh mũi lệch là dấu hiệu cha mẹ bất toàn, mũi lệch về phía trái thì cha chết trước mẹ, mũi lệch về phía phải thì ngược lại.

Mũi lớn mà trơ xương thì là dấu hiệu cốt nhục và tình thân tương tàn, cả đời khốn khó.

Nhìn chính diện thấy sống mũi trũng xuống so với Lưỡng quyền đó là dấu hiệu gia vận không tốt, vợ chồng sớm phải chịu cảnh chia tay đôi ngả.

Mũi có nhiều nếp xếp nằm ngang cũng là dấu hiệu vợ chồng phải chịu cảnh chia ly, một là do chồng trăng hoa, hai là vợ có tính lẳng lơ.

Nốt ruồi xuất hiện trên sống mũi là dấu hiệu sắp tán gia phá sản, hoặc tử vong bất thường.

Trán thấp, Lưỡng quyền trũng, cằm lẹm nhưng mũi lại đặc biệt tốt thì có số vinh hoa phú quý nhưng lại không được lâu bền, trung niên phá sản, hậu vận trắng tay.

Bên trái của mũi mà lõm, còn bên phải bình thường là người khắc cha, nếu ngược lại thì số khắc mẹ.

Sống mũi có gân máu nổi lên rõ rệt, dấu hiệu từ trung vận trở đi sẽ phải sống cảnh cô độc, ghẻ lạnh.

Nữ giới mà Sơn căn hay Ấn đường bị khuyết hãm thì trung vận sẽ có đại biến động khiến thân xác bị tổn thương, tiền tài hao phí.

 

Tướng mũi người phụ nữ thể hiện sự thọ yểu

 

Tướng mũi thể hiện Trường thọ

 

Mũi cao ráo, ngay thẳng, vững chãi, lại thêm sắc thái tươi nhuận là dấu hiệu trường thọ.

Mũi dài mà không cong không lệch.

Sụn mũi cứng cáp đầy khí thế.

Sống mũi cao tròn, xương thịt tương xứng.

Hai cánh mũi nở nang, cân xứng, dáng vẻ mạnh mẽ.

Sơn căn cao, mập, nở nang tương hợp hài hòa với mũi.

Sống mũi đầy đặn, ngay thẳng, màu sắc tươi nhuận.

 

Tướng mũi thể hiện Yểu mệnh

Thịt mũi dường như không có, chỉ thấy màu đen xám nổi bật.

Thân mũi có nhiều nốt ruồi đen là dấu hiệu nhiều bệnh trong cơ thể hoặc nội tảng suy yếu.

Thân mũi trơ xương, hình dáng mũi cong lên như hình lưỡi câu là dấu hiệu chết bất đắc kì tử nơi đất khách quê người.

Thân mũi không ngay thẳng, một là lệch hoặc là lồi, hoặc là lõm, hoặc gãy gập lại.

Hai bên cánh mũi nổi rõ những tia máu màu hồng hoặc đỏ tía là dấu hiệu chết vì độc tố từ rượu.

Thân mũi xuất hiện những chấm đen như dấu móng chim sẻ in trên mặt đất  ướt là dấu hiệu nội tảng có bệnh và có nguy cơ tử vong cao.

Sơn căn thấp, hoặc lệch quá, hoặc hẹp quá.

 

Tướng mũi và con người người phụ nữ

 

Tướng học nhận mũi là thổ tinh. Nếu thổ tinh hãm, vạn vật không có đất nuôi nấng sẽ chết khô héo. Mũi hỏng tất nhiên lục phủ ngũ tạng hư. Đến tuổi trung niên tất vì bệnh tật mà hết nghiệp. Trên thế gian không có giai nhân nào mũi lệch (có thể miệng lệch vẫn là giai nhân) cũng như không có vị anh hùng hào kiệt nào mũi hin, mũi nhỏ và mũi hãm, mũi tẹt dí mà thành công. Người nào mũi thẳng, đầu mũi tròn trịa có da thịt thì tính tình nhân từ, bộc trực.  Người nào mũi ngưỡng thiên thì vô nhân vô nghĩa.  Người nào mũi nhọn, đầu mũi không có thịt thì tính tình xảo trá.  Người nào mũi khoằm như lưỡi câu thì tính tình hiểm độc.  Sống mũi có đốt lộ ra ngoài là vợ chồng lục đục, đôi khi khắc, sát. (Dân Tàu đi hỏi vợ bao giờ cũng trông tướng mũi trước).

Núi không ngại cao, đất không ngại dày mới có thể sinh thành vạn vật. Qua đó có thể thấy rằng, mũi thẳng cao, đầy đặn, kéo dài đến tận trán tựa như cây cột chống trời, tương ứng với Thiên đình, dân gian vẫn thường gọi là mũi huyền đảm, mũi này có màu sắc sáng sủa, lại mang bản chất đó là độ dày, tương ứng với hai bộ phận Giản đài, Đình úy thì mới gọi là đắc cách, chủ được tài lộc, trường thọ, công danh sự nghiệp hanh thông.

Niên thượng, thọ thượng có màu sắc vàng là tướng có nhiều tiền của. Còn ngược lại nếu có màu đỏ, màu xanh, màu đen là tướng bần hàn, trong cược đời gặp nhiều hoạn nạn.

Đầu mũi đầy đặn, dày, cao là tướng trung hậu, còn đầu mũi nhọn, nhỏ lại là tướng gian xảo. Lỗ mũi to lại ngưỡng thiên là tướng không có tích trữ.

Giản đài, Đình úy rõ ràng là tướng sung túc, còn nếu ngược lại cả hai cái trên mà mờ nhạt thì lại là người khó thăng tiến trong cuộc sống.

Ngoài ra mũi còn được phân biệt qua hình trạng như mũi rồng thì tôn quý, mũi hổ thì đại quý, mũi sư tử thì cực quý, mũi trâu thì tích tài, mũi củ tỏi thì hậu vận hanh thông, mũi khỉ thì gian dâm, mũi chó thì trung nghĩa, mũi lân thì phúc lộc, mũi như mỏ chim ưng thì hại người ….

 

Các loại tướng mũi điển hình của người phụ nữ

 

mui%20tui%20mat

 

Huyền đảm tỵ (mũi túi mật)

 

Đây là một dạng tướng mũi có số phú quý bẩm sinh. Đặc điểm của người có dạng mũi này là đầu mũi tròn đầy, Sơn căn hơi hẹp. Nhìn bền ngoài thì nó giống như một túi mật treo, nên nó được gọi là “huyền đảm tỵ” (mũi túi mật).

Người có dạng mũi này đa số trước nghèo sau giàu, trước khổ sau sướng. Thường phát tài ở tuổi trung niên, đặc biệt vận tiền tài của người này không phải tự dưng mà có được, mà thường là phải qua một quá trình phấn đấu gian khổ lâu dài mới được thành công.

 

Long tỵ (Mũi rồng)

 

Đặc trưng của loại mũi rồng là Sơn căn rộng và khá đầy đặn, lỗ mũi thì kín, sống mũi cao nhưng lại không lộ cốt, chạy thẳng lên đến Sơn căn, phía trên thông với Ấn đường đại đình, cho nên nó còn được gọi là “Thông thiên tỵ”.

Loại mũi này chủ về thông minh tài giỏi, có số phú quý, nhiều may mắn, có tướng làm lãnh đạo. Nếu được phối hợp đắc cách là số được phúc lộc thọ toàn vẹn.

 

Tiệt đồng tỵ

Đặc trưng của loại mũi này là sống mũi cao thẳng, bóng bẩy, nhìn nghiêng giống như một đoạn ống tre, Sơn căn hơi thấp, Niên thọ thì nhiều thịt, Chuẩn đầu đầy đặn nở nang, cánh mũi chắc chắn, lỗ mũi tròn trịa kín đáo chủ về người nếu gặp thời sẽ nổi lên phát tài phát quý, trong thời loạn thì có thể tạo nên những chiến công hiển hách.

 

Thịnh nang tỵ

Đặc trưng của loại mũi này là Sơn căn nhỏ hơn long tỵ, nhưng thế mũi dài hơn, đường nét rõ ràng, lỗ mũi kín. Chủ về người có tính lương thiện, siêng năng cần kiệm, công chính thanh liêm, có thể được phú quý, phùng hưng hóa cát, chồng giỏi con ngoan.

 

Mũi củ tỏi (toản tỵ)

 

Đặc trưng của loại mũi này là Sơn căn hơi thấp và hẹp; sống mũi bằng và nhỏ; hai bên đầu mũi và cánh mũi to nở ra, nhưng lỗ mũi lại nhỏ. Vận khí đến trung niên sẽ phát tài phát lộc. Trong cong việc, nhất là những công việc liên quan đến kinh doanh thì dễ bị lợi dụng và phá sản vì bản tính hay tin người.

Ngoài ra còn có một dạng tướng mũi nữa cũng tương tự như vậy là có hai đường Pháp lệnh xung phá hai bên cánh mũi, khiến cho Giản đài và Đình úy bị xung phá. Người nào mà có tướng mũi kiểu này thì đến giai đoạn trung niên dễ gặp được hạn lớn.

 

Mũi phát tài

 

Mũi phát tài gọi là “mũi quán đỉnh”, ngoài ra còn có một tên gọi nữa là “phó tê”. Dạng mũi này có hình dáng khá đẹp, sống mũi thẳng và đầy đặn, Sơn căn đặc biệt cao hơn người khác và thông thẳng lên trán. Người có dạng mũi này không chỉ đại phú mà còn đại quý, là người có quyền lực và còn có cả địa vị. Người có mũi này không sớm thì muộn cũng sẽ thành danh, phát tướng phát tài.

 

Hồ dương tỵ (mũi dê rừng)

 

Đặc trưng của loại mũi này là to lớn, Chuẩn đầu đầy và đầu mũi hơi rủ xuống, Sơn căn hơi thấp nhưng nhìn rất có khí thế, chủ về phú nhiều hơn quý. Nếu đầu mũi to lại vuông vắn thì ngược lại quý nhiều hơn phú, thậm chí là đại quý.

Đặc trưng của loại mũi này là cánh mũi tròn lớn, lỗ mũi không lộ, Sơn căn nhỏ thấp và hơi bằng. Mũi này nếu phối hợp với hình thế của tướng sư tử thì rất phát tài phát lộc, còn ngược lại thì là người có chí nhưng luôn phải chịu thất thế.

 

Lộc tỵ.

 

Đặc trưng của loại mũi này là Chuẩn đầu và cánh mũi đầy dặn, kín đáo, nhưng Sơn căn và Niên thọ hơi to ngang, chủ về tâm tính trung hậu nhân nghĩa, sống tình cảm, thích sống dĩ hòa vi quý, không thích bon chen, bình sinh thường phùng hung hóa cát, là người có tướng thọ và cũng có số phú quý.

 

Ngưu tỵ

 

Đây là người có cái mũi to quá khổ, trong cuộc sống thường là người rất tự tin và rất quyết đoán. Đặc điểm của dạng mũi trâu là đầu mũi khá to, lỗ mũi hoàn toàn không lộ ra ngoài. Người có mũi này chắc chắn sẽ rất giàu có nhưng là do cả một quá trình làm lung vất vả và tích tụ mà nên.

 

Lộ táo tỵ (mũi lộ khổng)

 

Loại mũi này còn có một tên gọi nữa là “Lộ khổng tỵ”, sống mũi ngay thẳng, Sơn căn hơi cao, đầu mũi và cánh mũi khá đầy đặn, lỗ mũi to nhưng lại không kín, lông mũi lộ ra ngoài, là người tính tình hiếu thắng, mạnh mẽ, dám làm dám chịu, trong cuộc sống và công việc thì là thất bại nhiều hơn thành công, đến cuối cuộc đời cũng chẳng đạt được thành tựu gì như ý muốn.

 

Tam loan tỵ (mũi gấp khúc)

 

Đặc trưng của loại mũi này là sống mũi gãy khúc, không có thế, Sơn căn rất thấp, Niên thọ nổi lên, chuẩn đầu nhọn, cuộc sống hay gặp phải nhiều tai bay vạ gió, hình khắc thân thuộc, đồng thời tính tình lập dị, khó gần, xảo giá và nghèo hèn.

 

Phục tê tỵ (Mũi thông thiên)

 

Đặc trưng của loại mũi này là sống mũi tròn cao, thẳng tắp và ăn thông lên tận trán. Chuẩn đầu tròn, không to quá và cũng không nhỏ quá, ngang bằng với hai cánh mũi, hai cánh mũi cũng không nở quá, lỗ mũi không lộ. Đây là loại mũi thành tựu nếu được phối hợp đắc cách với Bảo thọ quan và Giám sát quan thì đây đúng là tướng đại quý cách.

 

Viên tỵ (Mũi vượn)

 

Mũi vượn thuộc loại dưới mức trung bình so với khuôn mặt. Đặc trưng là sống mũi ngay thẳng, bề ngang và bề dài của mũi dưới mức trung bình, lỗ mũi nhỏ nhưng không lộ, cánh mũi nhỏ và trễ xuống hơn phần Chuẩn đầu. Đây là loại mũi bình thường, không tốt cũng không xấu. Nếu phối hợp với người hình vượn và khí thì đây là người nhanh nhẹn, hay cáu bẳn, hay buồn vu vơ. Còn nếu mũi này mà được phối hợp với Ngũ quan chính thì được tướng, cả đời ấm no, an nhàn.

 

Mũi khỉ

 

Đặc trưng của loại mũi này là Sơn căn rộng và hơi thấp. Phần sống mũi bao gồm cả Niên thượng và Thọ thượng khá cao và rộng. Phần Giản đài, Đình úy, Chuẩn đầu đều đặn, nở nang và màu hồng nhạt. Mũi không lộ không và có chiều dài trung bình. Đây cũng là loại thẩm biện quan thành tựu thuộc quý cách hơn là phú cách, hoặc nếu nó kiêm cả hai thì phần quý luôn trội hơn hẳn. Nếu phối hợp đắc cách với tướng khỉ, mũi khỉ là tướng đại phú quý, có tài năng văn chương, nhưng đây cũng là kẻ ham mê sắc dục và vật chất.

 

Tiêm đồng tỵ (Mũi ống trúc)

 

Đặc trưng của loại mũi này là sống mũi ngay thẳng, vừa cao lại rộng, Chuẩn đầu bằng phẳng, dạng mũi này hay được gọi là mũi dọc dừa. Là Thẩm biện quan thành tựu về cả phú và quý nhưng vẫn xếp sau ngưu tỵ, long tỵ, thông thiên tỵ. Nếu phối hợp được với người có tướng hình hạc, hình phượng, Ngũ quan cân đối không khuyết hãm thì sẽ được cả giàu sang lẫn danh vọng. Nếu phối hợp với người hình ngựa, nai, lừa haowjc tướng gà tướng vịt chủa già có ở tuổi trung niên. Đặc điểm của người có mũi ống trúc thường là những người ngay thẳng, tính tình trung hậu, ôn nhu.

 

Mũi cá diếc

 

Hình dạng mũi dài, thiếu bề ngang, phần Sơn căn và Niên thượng thấp hẹp, Thọ thượng và Chuẩn đầu thì nổi cao lên và mảnh như lưng cá diếc, Giản đài và Đình úy không rõ hoặc quá nhỏ, lỗ mũi che phủ kín, Chuẩn đầu tuy ít thịt nhưng lại không nhọn. Đây là loại Thẩm biện quan bất thành tựu, nếu phối hợp với Ngũ quan không khuyết hãm chủ về tiền của trung bình, tuy có của ăn của để nhưng cũng phải chịu khó nhọc mới nên, là người thiếu thốn tình cảm gia đình.

Mũi cá diếc phối hợp với tướng người hình thú sẽ được đắc cách hơn là phối hợp với tướng người hình chim.

 

Cẩu tỵ (Mũi chó)

 

Đặc trưng của loại mũi này là mũi ngắn, Sơn căn thấp hẹp, Niên thượng và phần đầu của Thọ thượng nở nang theo bề ngang, còn phần cuối của Thọ thượng thì hẹp lại và kéo dài cho đến tận Chuẩn đầu; Giản đài, Đình úy mỏng và yếu. Lỗ mũi có thể lộ hoặc kín tùy theo từng trường hợp.

Đây là loại Thẩm biện quan trung hòa, không tốt cũng không xấu. Nếu mũi này hợp cách mà không lộ không, lại được phối hợp với Ngũ quan cân đối, không có khuyết hãm thì được đắc thế, là người sống có nghĩa khí, cuộc đời tuy chẳng bao giờ túng thiếu nhưng cũng an nhàn hơn người khác. Nếu lỗ mũi hổng thì người có loại mũi này vận mệnh lận đận, hay tham nhũng.

 

Thien ao tỵ (Mũi lệch, mũi lõm)

 

Loại mũi này khá nhỏ so với khuôn mặt, Sơn căn nhỏ hẹp, sống mũi dường như ẩn xuống mặt phẳng chính diện của khuôn mặt, cho nên nhìn từ phía trước mặt gần như chỉ thấy Sơn căn và Chuẩn đầu chứ không thấy sống mũi đâu cả. Trái lại với phần thân mũi và hai cánh mũi thì lại nở nang đẫy dà, to lớn gần giống sư tử tỵ. Đây là loại Thẩm biện quan bất thành tựu. Mặt mày cân xứng, sáng ngời chỉ cso mũi là cao thấp bất thường, người có mũi này cả đời nghèo khó túng quẫn. Nếu tất có Ngũ quan cũng lệch lạc như mũi nữa thì đó là tướng chết yểu.

 

Hổ tỵ (Mũi hổ)

 

Mũi này đặc trung là hơi ngắn, bề ngang thì lại nở rộng ra, nhưng thân mũi lại ngay thẳng và cao ráo hơn sư tử tỵ, nếu như Giản đầu và Đình úy của sư tử tỵ ngang hàng với Chuẩn đầu thì ở hổ tỵ hai phần này nhỏ hươn và nổi bật hơn, lỗ mũi cũng nhỏ nhưng không lộ, Sơn căn cao và khá nở nang.

Hổ tỵ được xếp vào loại Thẩm biện quan thành tựu và ở giữa thượng cách và trung cách về vận mệnh. Nếu đi đôi với hổ nhân, hổ mi, hổ khẩu, và cả hình hổ thì đắc cách vô cùng.

 

Chương tỵ (Mũi cheo)

 

Đây là một loại thú giống như con hoẵng, có điều nó nhỏ hơn hoẵng. Chương tỵ rất nhỏ so với toàn thể khuôn mặt. Chương tỵ thân thẳng, phần Sơn căn, Niên thượng và Thọ thượng đều nhỏ hẹp nhưng cao thẳng. Chuẩn đầu nhỏ và nhọn, hai bên thân mũi không có thịt giống như mũi lộ khổng. Chương tỵ  bị xếp vào loại Thẩm biện quan bất thành, bởi vì đây là loại mũi tán tài, nếu được phối hợp với Ngũ quan đaon chính, tứ nhạc không bị khuyết hãm thì hậu vận còn có chút sáng sủa, tuy có vất vả nhưng không đến nỗi khốn cùng. Những người có tướng chương tỵ thường là những kẻ bất lưng, lòng dạ phản trắc khôn lường, tâm tính gian manh hiểm độc.

 

Tính tinh tỵ (mũi đười ươi)

 

Đặc trưng của loại mũi này là Sơn căn hơi hẹp, thân mũi thẳng, kéo dài một mạch từ Sơn căn cho đến tận Chuẩn đầu, hơi tròn và ngang bằng với lằn mức của Giản đài, Đình úy.

Hai bộ vị này nổi cao hợp với thân mũi thành một khối thống nhất chứ không phân ranh rõ ràng như sư tử tỵ và lỗ mũi cũng hơi lộ. Mũi này thường hay đi cùng đôi mắt sâu sát gần chân mày và cũng được xếp vào loại thẩm biện quan thành tựu.

Nếu được phối hợp đắc cách với tướng người hình khỉ hoặc hình vượn, cộng với khuôn mặt vuông vức nảy nở, cặp lông mày hơi thô, môi trên hơi dày và cong lên, dáng người nhanh nhẹn thì được gọi là quý cách. Người có mũi này thì là người hào sảng, nghĩa khí, ăn to nói lớn, hậu vận đặc biệt quý hiển.

 

Biên oa tỵ

 

Đặc trung của loại mũi này là Sơn căn thấp, Niên thọ lõm, đầu mũi hơi ngang, cánh mũi lộ, mũi ngắn không có khí thế, nói về người gan nhỏ bất tài, cả đời sự nghiệp không thành, ở tuổi trung niên gặp nhiều bệnh tật, khó sống thọ.

 

Ưng chủy tỵ.

 

Đặc trưng của loại mũi này là Chuẩn đầu nhọn lại hơi quặp xuống, cánh mũi nhỏ nhưng lại hở, là người tâm tính ác độc, cả đời và sự nghiệp chông gai, hình khắc thân thuộc.

 

Cô phong tỵ (Mũi chỏm núi chơ vơ)

Đặc trưng của loại mũi này là mũi lớn mà không có thịt, Chuẩn đầu nhọn và hơn nhô cao, cánh mũi nhỏ và kín, nhưng Lưỡng quyền thấp và bằng. Chủ về tính tình cô độc, ít nhờ được người thân, cả đời học nhiều nhưng lại khó thành đạt, làm nhiều mà hưởng ít.

 

Mũi của người Do Thái

 

Người nào có được loại mũi này thì đúng là sinh ra để kinh doanh, có tài trong lĩnh vực này. Đặc điểm là sống mũi cao, mũi vừa to vừa cong xuống giống mũi của người phương Tây. Trong kinh doanh cũng là kẻ có nhiều mưu sâu kế hiểm, thủ đoạn khó lường, bởi lẽ đặc trưng của con người có cái mũi này là tính tự tư tự lợi.

 

Kiếm phong tỵ (Mũi sống kiếm)

 

Thân mũi dài, nổ cao lên nhưng lại khá mảnh mai, không có bề ngang, khiến khi nhìn thẳng người ta có cảm giác sống mũi giống như thanh kiếm ghim vào thân cây chỉ còn nhìn thấy sống kiếm nổ lên. Loại mũi này thì Chuẩn đầu thường nhỏ hẹp, không có thịt, Giản đài vàn Đình úy rất nhỏ và mỏng, lỗ mũi hơi lộ.

Loại kiếm phong tỵ rất xấu cả về vận mệnh và phẩm cách nên bị xếp vào loại Thẩm biện quan bất thành tựu, thuộc mũi ác tính. Nếu phối hợp với Ngũ quan đầy đặn, khuôn mặt phương phi thì đây là kẻ gian ác thâm hiểm, sống vô tình vô nghĩa, đường gia vận không được an lành, anh em bạc bẽo, khắc hãm chồng con, tuổi già luôn sống trong cô độc.

 

Lộ tích tị (Mũi lộ sống)

 

Sống mũi cần có thịt đắp lên cho mềm mại, tròn trịa, nếu sống mũi lộ rõ ra gọi là lộ tích tị. Mũi này nói lên thân phận khổ, ly phu.

Sách “Thần tướng toàn biên” có thwo về lộ tích tị như sau:

“Tị sưu lộ tích Sơn căn tiểu

Hình dung thô tụ cốt thần hôn

Thổ vô vạn vật giai linh lạc

Túng nhiên bình ổn dã cô bần”.

Nghĩa là:

“Mũi gãy trơ xương, Sơn căn lại nhỏ, hình dung thô tục là thổ tinh hư hoại, vạn vật bất sinh, cuộc đời lưu lạc, cuộc đời lưu lạc, nếu sống yên ổn thì cũng nghèo và cô đơn”.

 

Tổng luận về xem tướng mũi người phụ nữ:

 

Đàn bà có cái lỗ mũi đẹp thường lấy chồng sang, giỏi. Đàn bà mũi xấu, gẫy, gồ, Tỵ lương hãm, Sơn căn lõm thường vất vả về đường chồng con.

Sách tướng viết: “Quyền cao tị tiểu định sát tam phu” (quyền cao mũi nhỏ giết tới ba chồng) chứng tỏ sự quan hệ của mũi về đường chồng.

Mũi cũng chịu ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tiền bạc và tâm tính của nữ nhân nữa. Vậy thì xem “Phu tinh” cần nên nhớ phải phối hợp cùng các bộ vận khác có liên hệ với Phu tinh để thêm phần chính xác.

Cổ tướng pháp bảo: “Nữ tị chủ Phu tinh” (cái mũi đàn bà thế nào chồng sẽ như thế”. Không rõ cổ nhân căn cứ vào đâu mà đưa ra định lý chắc nịch như vậy.

Khoa tướng học vốn là khoa quy tập kinh nghiệm của cả triệu trường hợp trong nhiều năm, nên căn cứ của nó chắc chỉ ở kinh nghiệm rộng lớn ấy ra mà thôi. Tuy nhiên, kinh nghiệm càng thêm lên thì càng thấy định lý Phu tinh là cái mũi đàn bà càng đúng.

Lư Nhị An trong cuốn “Tân nhân tướng học” viết:

“Cái mũi đẹp ỷ lệ như hoa, không mang chất điểm khuyết hãm thì đàn ông sẽ lấy được mỹ nhân, đàn bà sẽ lấy được chồng tài giỏi”.

Chữ đẹp của tướng học khó hơn cái đẹp của mỹ học vì đẹp của tướng đòi hỏi sự hợp cách, tương xứng và phối hợp. Còn cái đẹp của mỹ học chỉ cần mũi người con gái nhỏ và cao, thẳng.

Mũi mà gãy khúc, lệch bên trái, lệch bên phải, đàn bà chắc chắn sẽ thiệu “phu huệ” nghĩa là dễ bị lạnh nhạt, chia lìa cả tới ba bốn phen, khó lòng an thân hạnh phúc. Danh từ tướng học bảo đó là mũi quả phụ.

Những cặp vợ chồng cả hai đều có mũi quá cao thường là cặp vợ chồng ưa cãi lộn và dễ chia lìa nhất. Cho nên lúc kén vợ kén chồng nếu thấy người mũi thấp một chút hãy lấy, ngược lại nếu thấy người quá thấp thì cũng chớ vội vàng, để kiếm xem ai mũi cao hơn một chút hãy lấy. Cứ như thế mới mong đời sống lứa đôi êm ấm.

Mũi đàn bà cần hình thái vừa phải không lớn quá, nhỏ quá hoặc ao quá.

Mũi phải sáng, mịn màng đầy đặn, lỗ mũi phải kín đáo không hoắc ra hoặc hếch lên như mũi lợn, hoặc thịt mỏng.

Giản đài, Đình úy bằng nhau, không bên cao bên thấp.

Từ gốc mũi tới đầu mũi phải cân xứng, không gốc lép đầu lớn hoặc chạy xệ, không đầu lép gốc gồ.

Sống mũi phải thẳng, cao không thiên lệch, gẫy khúc, phải khỏe mạnh, kiên thực, không yếu nhược, nhũn nhẽo.

Trên mũi không nên có văn ngang, văn dọc hay chí (nốt ruồi chết)

Hội đủ những điều kiện kể trên đây là mũi hợp cách. Nếu mũi thịt mỏng, xương lộ thì tâm tán và phúc bạc.

Nếu mũi quá cao thì kiêu ngạo, gây thành phu phụ vô duyên, con cái khó ở, lục thân bất hòa nên cảnh cô độc.

Nếu mũi nhỏ quá dễ làm hại chồng, vận khí mỗi lúc mỗi suy, lười biếng và ỷ lại.

Nếu mũi vừa nhỏ lại vừa sống mũi thấp hãm thì tiền không dính túi, chồng chẳng ra gì.

Nếu mũi bỗng dưng có vài tia máu ở lỗ mũi chạy ra thì đại hao tán tiền bạc.

Nếu hai lỗ mũi ửng đỏ lên là tâm tính tán loạn.

Nếu đầu mũi đỏ gay hoặc nhiều tia máu hội tụ là người gian trá, dã tâm có thể hại chồng.

Nếu đầu mũi lớn quá khổ là triệu chứng của lòng tham, lòng dục vọng cực mạnh.

Mũi chắc chắn, cứng cáp thì tâm trí bền vững; mũi èo uột, nhũn nhẽo thì hay chán nản.

Đầu mũi như có dầu mỡ chảy ra thì đa dâm.

 

Giai thoại về tướng mũi người phụ nữ.

 

Giai thoại tướng mũi phụ nữ 1.  

 

Cổ tướng pháp Trung Quốc xem Ngũ quan cho mũi là quan trọng nhất. Tuy nhiên, không lúc nào được quên nguyên tắc phối hợp, nếu quên là dẫn đến phán đoán sai lầm. cũng cần phải phân biệt người châu Á, châu Phi và người châu Âu. Người Âu là giống mũi cao, người Phi là giống mũi thấp, người Á mũi thấp hơn người Âu nhưng cao hơn người Phi da đen, nếu thấp dẹp xuống là hỏng hay cao vọt lên như người Âu cũng là hỏng.

Mũi tốt đối với người Á là cao nhưng nếu cao như người Âu lại hóa xấu tướng vì nó thành cô phong tị. Kiểu mũi lý tưởng của người đàn bà Á châu (và đàn ông) là Tị cao thông Thiên đình. Sao gọi là thông Thiên đình? Gọi như vậy là mũi có Sơn căn cao nối liền với Ấn đường, những người mũi dọc dừa thường có tướng cách thông Thiên đình. Mũi thông Thiên đình nói lên tài năng dư đủ, đàn ông thuộc loại quý nhân, đàn bà thuộc loại sang trọng.

Bên Trung quốc, ông Tưởng giới Thạch có cái mũi Thông Thiên đình rất đẹp. Cũng ở bên Trung Quốc, hai bà Trần Bích Quân tức vợ của Uông Tinh Vệ và vợ của Ngô Bội Phu nổi tiếng về mũi thông Thiên đình. Cả hai bà đều có bộ mặt, thân hình và thái độ rất giống nhau, nếu ai biết xem tướng thì lại cảm thấy nhiều điểm giống nhau hơn nữa, nhất là cái mũi cao thông Thiên Đình.

Đàn bà mà có cái mũi cao như vợ Uông Tinh Vệ và vợ Ngô Bội Phu rất hiếm. Nếu họ là đàn ông chắc chắn phải là xuất tướng nhập tướng, gây mưa gây gió một thời.

Theo lời kể thì Ngô Bội Phu phu nhân lúc còn nhỏ gia đình dẫn đi xem tướng được thấy tướng phê mấy chữ nhất phẩm phu nhân. Sỡ dĩ bà được chú ý đến là vì trong đám trẻ cười nói ầm ỹ, bà chỉ nói có mấy tiếng, âm thanh tuyệt hảo khiến tướng sư lưu tâm ngay, ông nói với thân phụ bà rằng.

– Ngài sinh được tiểu thư đây, chắc chắn chỉ 10 năm nữa nhà có tấm biển ngang treo trước cổng. Chỉ tiếc là con gái, nếu tướng là nam tử chắc chắn sẽ làm tướng hay thượng thư. Xin cung hỉ, cung hỉ!

Cả nhà hỏi tướng tốt của cô bé ở đâu? Thầy tướng đáp”

– Ở nơi gốc mũi, Sơn căn rất cao nối liền mũi với trán (Thiên đình).

Đang lúc đàm luận kẻ hỏi người đáp thì một người đàn bà vứa đến bà ta độ ba mươi tuổi.

Có tiếng hỏi:

– Khan tướng tiên sinh, xin đáon hộ xem bà ấy ra sao? Mũi bà ta cũng cao đấy chứ, vậy tốt hay không?

Ông thầy tướng nhìn người đàn bà nhưng bà ta rảo bước vào nhà sau, hình như bà không ưa xem tướng số. Tuy nhiên, Khán tướng tiên sinh cũng vẫn đủ thời giờ nhìn rõ tướng bà ta để giải thích.

– Đúng, tục nhân nhận ra cái mũi cao rất đúng không khác mũi tiểu thư đây bao nhiêu, nhưng cái khác về tướng lại xa vô cùng. Bà này có cái mũi nắm đầu chồng, mặc dù phúc lộc đầy đủ nhưng cái mũi đó vừa hung vừa sát, chắc chắn trước 30 tuổi, bà này đã phải một lần khắc phu.

Tại sao lại khác xa như vậy? Tại vì Sơn căn cao của bà ta lộ cốt trong sắc như dao, sách tướng dạy rằng tị tước như đao khắc phu nan đào, mũi như sống dao mới có thể gọi là tị thông Thiên đình.

Mọi người trong gia đình nhao nhao lên hỏi, sở dĩ quan tâm là vì gia đình này biết bà ấy:

– Thế bà ta có con không? Bà ta là người như thế nào? Bà ta sẽ tái giá hay không? Đàn bà tị tước như đao khắc phu, vậy đàn ông tị tước như đao khắc thê không? Khắc phu với khắc thê, khắc nào mạnh hơn?

Thầy tướng giải thích cho tất cả:

– Bà này hiện tại góa nhưng không cô quả vì ít nhất bà cũng phải có hai ba đứa con. Tướng mũi trai gái quan hệ ở Sơn căn, nếu Sơn căn bằng mà sống mũi hữu lực thì là quý tướng, nếu sơn căn gãy lõm là bần tiện tướng.

Sách tướng có thơ rằng: “Đoạn khước Sơn căn tiêm khước tị. Hình phu vị liễu lưu hình nhi”. Đàn bà mà Sơn căn gẫy hẵm, mũi nhọn là tướng hình phu khắc tử. Bà đó thấy sống mũi cao lộ cốt, đầu mũi nhọn nhưng không đến nỗi vì vẫn có dáng tròn và sáng nhuận, trông toàn thể cái mũi còn hữu lực lắm, nên chưa hoàn toàn tuyệt vọng, bản lĩnh trung trinh chi phụ khả dĩ vượt mọi nỗi khó khăn ở đời.

Về tướng mũi liên quan đến phúc trạch, phú quý của nữ nhân. Cổ tướng thư có một bài thơ quyết rằng:

“Tả văn quản gia hào nữ mô

Thần thanh thể nhuận phát do ô

Sơn căn túng thượng Ấn đường lý

Thử nữ tự nhiên giá quý phu”.

Nghĩa là: Con gái nhà ai hình dáng thanh tú, da dẻ mịn màng, Sơn căn thông lên Ấn đường, tóc mai đen lay láy, cô này tất nhiên sẽ lấy chồng sang quý.

Phàm đàn bà Sơn căn một khi đã cao thông với Thiên đình đều là loại có tài năng.

 

Giai thoại tướng mũi phụ nữ 2:

 

Thời trước có một danh sĩ tên là Hứa Doãn vừa học giỏi, vừa đẹp trai, chỉ có mỗi một khueest điểm là mũi không mấy thanh nhã, vừa thấp lại vừa nhỏ không tương xứng với các bộ vị khác của khuôn mặt.

Thời xưa người ta thường có lệ hứa hôn ngay từ thuở lọt lòng và việc gả chồng lấy vợ cho con cái tùy thuộc hoàn toàn và cha mẹ đôi bên. Hai họ Nguyễn và Hứa quen nhau từ lâu lắm, nhưng bên đằng trai thấy gái họ Nguyễn quá xấu xí đã không hài lòng, nên trước khi quyết định cuối cùng đã nhờ một nhà tướng thuật nổi tiếng đến quan sát kỹ càng diện mão cô dâu tương lai. Thầy tướng quan sát xong nói cho cha mẹ Hứa Doãn biết rằng cô gái đó có tướng giúp đỡ, phò tá chồng một cách đắc lực cả trong lẫn ngoài. Nghe lời quả quyết của thầy tướng họ Hứa yên tâm cử hành hôn lễ cho đôi trẻ.

Theo tập quán, nam nữ “thọ thọ bất thân” thời đó, Hứa Doãn và Nguyễn Thị chỉ biết tiếng đồn về nhau chứ chưa từng được gặp mặt hay có dịp chuyện trò. Sau khi thành hôn, Hứa Doãn thấy vợ thật là xấu xí, còn mình thì khôi ngô, học giỏi, con nhà giàu, bèn tự nghĩ là con gái họ Nguyễn lấy được mình là phúc lớn lắm rồi. Nhớ lời thấy tướng nói là phải nhờ có cô gái xấu xí kia, giúp đỡ mình mới mong thành đạt được, Hứa Doãn rất lấy làm hoài nghi, không biết ông ta căn cứ vào đâu mà dám nói như vậy.

Do đó, một hôm trong chốn phòng the, Hứa Doãn mới hỏi vợ rằng: “Tôi nghe thấy tướng nói mình có tướng lãnh đạo chồng, mình có tin như thế không?.

Ngày xưa, vợ rất trọng chồng nên nghe chồng hỏi như vậy, Nguyễn Thị tủm tỉm cười đáp rằng: “Thiếp không tin rằng mình lại có tướng đó, nhưng thiếp tin chắc rằng mình là kẻ có phúc”. Hứa Doãn hỏi: “Mình có phúc gì?”.  Nguyễn Thị đáp: “Thiếp có cái phúc trời ban là khiến chồng”. Người chồng nghe thấy hai chữ “khiến chồng” lấy làm thắc mắc bèn hỏi: “Khiến chồng là gì?”. Vợ đáp: “Đó là khiến cho chồng yêu mình, nể mình, khiến cho chồng phú quý vinh hoa. Một cô gái xấu xí như thiếp nếu trời không ban cho phúc đó thì làm sao sánh duyên với người tài mạo như chàng”.

Dẫu không biết tướng học, nhưng là kẻ lanh lợi, học thức nên nghe vợ đối đáp một cách thông minh như vậy, Hứa Doãn thấy quả nàng cũng có điểm khiến cho mình tâm phục. Tuy nhiên, vì vẫn chưa giải được nghi ngờ nên Hứa Doãn hỏi tiếp:

– Mình có nghe thấy ông thầy tướng nói qúy tướng của mình ở chỗ nào không? Cái quý tướng đó có phải là ở chỗ mắt đẹp, mũi tốt không? Có phải trời sinh ra toàn thân xấu xí là quý tướng khiến cho chồng phải yêu chiều mình không? Hoặc giả quý tướng đó là cái gì khác nữa chăng?

Nguyễn Thị thấy qua những điều chồng thắc mắc rõ ràng là chàng ta không ưng ý về dung mạo của mình nhưng không dám tỏ vẻ bất bình mà chỉ nhỏ nhẹ đáp lại”

– Thiếp có nghe thầy tướng nói, thiếp cũng tự biết mình không được xinh đẹp, nhưng thiếp có một điểm tướng rất tốt là Phu tinh cực tốt.

– Phu tinh, Phu tinh của mình chính là tôi, giữa cái đó và diện mạo của mình có quan hệ gì?

– Thấy tướng nói rằng: Mũi là cung Thê của đàn ông và là cung Phu – chủ về người chồng của đàn bà. Ông ta nói trong Ngũ quan của thiếp hầu hết đều không tốt, nhưng mũi lại cực tốt, ngay thẳng, cao mập, lỗ mũi không lộ cho nên mới gọi là Phu tinh cực tốt. Bây giờ quả là đúng. Hiện giờ chàng chẳng phải là Phu tinh của thiếp hay sao? Sách tướng có câu: “Coi tướng đàn bà không cần coi mệnh của họ, chỉ cần coi Phu tinh của họ, cho nên muốn biết số kiếp tốt hay xấu chỉ cần coi cách đối xử của chàng với thiếp tốt xấu ra sao là đủ”.

Nghe vợ nói đến mũi, Hứa Doãn tiện tay lấy gương soi mặt để quan sát chính khuôn mặt của mình thấy mũi tuy khá thẳng nhưng lỗ mũi hơi lộ và Sơn căn nhỏ, thấp so với vợ thì kém xa lắm, bèn quay sang nói với vợ.

– Nếu nói như mình, thì mũi của mình mới được xem là tốt thì quả là mũi tôi không tốt bằng mũi của mình phải không? Như thế thì tôi cần phải nương dựa vào mình chứ gì?

Nói xong, Hứa Doãn tỏ vẻ bực dọc và không tin rằng mình tướng cách lại thua vợ vì thấy rõ là vợ xấu xí còn mình vừa khôi ngô vừa học giỏi.

Người vợ thấy chồng không hiểu rõ bèn tủm tỉm cười nói rằng:

– Thiếp thấp chàng cái gì cũng sáng suốt thế mà đối với phép xem tướng chàng có một điểm hết sức tối tăm chẳng thông minh chút nào cả?

Hứa Doãn nói:

– Tại sao lại tối tăm? Tôi dựa theo điều mình nói cả mà. Mình nói rằng mũi của mình tốt như thế này thế nọ, còn mũi tôi so với mũi mình không tốt bằng, như thế có gì gọi là không thông minh?

Vợ đáp:

– Chàng không thông minh chính là ở điểm đó. Thiếp đã chẳng từng nói rõ là thầy tướng nói rõ là thầy tướng nói rằng mũi của vợ chính là ngôi sao chủ về chồng còn mũi của chồng chính là ngôi sao chủ về vợ. Mũi thiếp cực tốt nghĩa là chồng thiếp sẽ là một văn nhân tài mạo song toàn, được hưởng vinh hoa phú quý, còn mũi chàng không được hoàn toán tốt đẹp có nghĩa là cung Thê của chàng không được hoàn hảo. Nói khác đi là thiếp xấu xí vô tài. Thực tế quả đúng như vậy, cho nên chàng đừng thắc mắc bực mình gì cả chỉ thêm vô ích.

Sau lời bàn luận với vợ về tướng học, Hứa Doãn cảm thấy vợ mình không còn là một co gái đang chê một cách ghê gớm như trước, vì Doãn thấy vợ là người thông minh, hiền thục. Hơn nữa, vợ xấu là bởi cái mũi của mình không được đẹp, cái đó là số mạng tiền định, đâu phải do lỗi của nàng. “Cái nết đánh chết cái đẹp”, nghĩ vậy, nên trong lòng Hứa Doãn không còn ấm ức với và đối với vợ, mối thiện cảm ngày càng một gia tăng. Càng chung sống với nhau lâu ngày. Hứa Doãn càng thấy vợ mình quả là tướng lãnh đạo thật.

Một hôm, hai vợ chồng đàm luận về việc vợ chồng tương hỗ nhau, Hứa Doãn hỏi vợ:

– Đàn bà có tứ đức là “Công, dung, ngôn, hạnh”. Mình tự xem xét có được mấy đức?

Nguyễn Thị nghe hỏi biết ngay là chồng nhạo báng mình xấu xí nên đáp lại:

– Đàn bà có bốn đức thì thiếp đây chỉ thiếu có một đức về dung mạo không được xinh đẹp mà thôi. Nhưng xấu đẹp là do trời xếp đặt chẳng phải cha mẹ hay bản thân muốn mà được, nên việc thiếu sót về dung mạo không phải tội lỗi của thiếp và cũng chẳng lấy thế làm nhục.

Hứa Doãn nói:

– Đàn bà phải có đủ tứ đức thì mới gọi là hoàn hảo. Thế mà mình thiếu mất một đức tức là chỉ được ba phần, có phải vậy không?

Vợ đáp”

– Đúng vậy, “nhân vô thập toàn”. Thiếp được tới ba phần đức tính của phụ nữ, cũng đã được kể là nhiều rồi chứ quả là không được hoàn toàn đầy đủ.

Doãn nói:

– Nhưng mà otoi lại thích người đàn bà đẹp vì vậy cần phải có người vợ đầy đủ tức đức mới hoàn toàn thỏa nguyện. Mình nghĩ xem, nguyện vọng của tôi như vậy có đúng không? Có nên có tư tưởng đó không?

Nghe chồng nói như vậy, Nguyễn thị nhịn hết nổi, nàng nhận thấy chồng kiêu ngạo, vô lễ, không còn giữ được truyền thống “tương kính như tân” của kẻ sĩ. Nàng tự nhủ, cần phải cho anh chàng kêu ngạo, háo sắc này một bài học đạo lý để anh ta bới lố lăng, bởi thế nàng bèn đáp:

– Đúng, chàng nói đúng, nghĩ đúng, nguyện vọng cũng chính đáng luôn nhưng chàng cũng nên tự xem xét mình có phải là người hoàn hảo hay hoàn toàn tốt không đã?

Nghe vợ vặn lại, Hứa Doãn có vẻ không được vui, nhưng ý đã quyết răn chồng, Nguyễn Thị giả bộ như không thấy, lại tiếp tục hỏi bồi thêm:

– Đàn bà có tứ đức, thiếp tự biết mình thiếu một đức. Vậy xin phép được hỏi chàng là kẻ sĩ có cả trăm nết tốt, chẳng hay chàng có được bao nhiêu nết?

Hứa Doãn vênh váo đáp ngay lập tức.

– Ta đây có đủ trăm nết.

Vợ hỏi thêm:

– Cháng cho phép thiếp hỏi thêm một câu nữa được chăng?

Hứa Doãn đáp”

– Được lắm chứ! Mình có gì cứ việc nói ra ngay đi.

Lúc đó, Nguyễn Thị mới thủng thẳng nói:

– Trong năm nết tốt của kẻ sĩ thì đức độ là nết tốt đứng đầu, trong muôn ngàn nết xấu thì dâm xếp vào số một. Vậy mà giờ đây chàng nói ra miệng là rất trọng đàn bà có sắc đẹp, chứng tỏ rằng chàng là kẻ rất háo sắc. Như thế rất là tai hại cho nết tốt số một trong 100 nết rồi thì làm sao có thể nói là mình có đủ cả trăm đức tính cần thiết của kẻ sĩ? Thiếp chỉ khuyết có phần dung mạo là phần phụ thuộc nên chỉ dám nhận mình chỉ ¾ đức tính đàn bà, chứ không dám nói là mình có đủ nết na. Nay chàng thiếu mất ngay cái nết số một của kẻ sĩ thì chẳng hiểu trong số 100 nết đó chàng còn thiếu những gì nữa?

Nghe vợ nói đến đây thì Hứa Doãn chết điếng, đứng ngay như trời trồng, vô phương chống chế. Từ đó, hết sức nể nang vợ và gần như bị vợ thuần phục.

Theo truyền thuyết còn lưu lại thì trong lúc thầy tướng khuyên cha mẹ Hứa Doãn hay cưới hỳ được con gái họ Nguyễn cho con trai mình, nếu muỗn Hứa Doãn nên người, vì cô gái đso có tướng “tướng phu chi tướng”, nhiều bà con bên trai đều nghi hoặc cho là đứa con gái xấu xí như ma lem lấy được trai họ Hứa là phúc rồi chứ làm gì lại mang phúc đến cho chồng. Bị gặng hỏi quá quắt, thầy tướng buộc phải giải thích: “Ngôi sao vợ của Hứa Doãn đã không đẹp mà cái tính Hứa Doãn lại là kẻ háo sắc, nếu lấy một người con gái bình thường thì sau khi cưới vợ rồi sẽ không dứt được thói trăng hoa, khiến cho gia đình sinh tai tiếng hoặc mình bị mang vạ đào hoa. Nếu phối hợp với con gái họ Nguyễn là kẻ có bản lĩnh, đủ sức kìm hãm chồng, không cho sa đọa vào con đường hư hỏng thì hắn mới nên người và gia đình mới có hạnh phúc”.

Trong tướng học, khi nói là kẻ có tướng vượng phu (tốt cho chồng) thì phải hiểu rằng không phải chỉ đơn thuần giỏi nấu nướng may vá, mà còn có nghĩa là hiểu rõ được cá tính và sở thích của chồng, khiến chồng được cảm thấy thoải mái về cả tinh thần lẫn vật chất … Điều đó giải thích được rằng tại sao có nhiều người giàu có, đẹp trai mà lại say mê, cảm mến những người phụ nữ nghèo túng, xấu xí hoặc già hơn mình.

Nguồn: choiphongthuy.com

Từ khóa » Cánh Mũi Nở Rộng