Xếp Lương Giáo Viên: Gỡ Vướng Khi Thực Hiện

Trong những bất cập cần điều chỉnh có nội dung liên quan đến xếp lương cho nhà giáo.

Tiếng nói người trong cuộc

Gần 30 năm dạy học ở ở vùng khó, cô Hoàng Thị Thanh Bình - giáo viên Trường Tiểu học Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) cho hay: Đến nay thu nhập của cô được hơn 10 triệu/tháng (bao gồm các khoản phụ cấp). Khi Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT được ban hành, cô tin sẽ giải tỏa những bất cập khi cơ sở giáo dục xếp hạng giáo viên và là “cứu cánh” cho nhiều thầy cô có thể bị “rớt hạng”. Tuy nhiên, thực tế đã nảy sinh một số bất cập. Có trường hợp giáo viên dù thâm niên công tác ít năm nhưng hệ số lương cao hơn giáo viên nhiều năm công tác. Thế nên mới có trường hợp, giáo viên sau khi chuyển hệ số lương có thể cao hơn cả thầy của mình, hiệu trưởng, tổ trưởng.

Thầy N.T.T ở Mường Khương (Lào Cai), có 29 năm công tác. Khi xếp lương theo Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT, thầy N.T.T thấy bất cập; trong đó giáo viên lâu năm như thầy có phần thiệt thòi. Hiện, một số giáo viên tốt nghiệp đại học đã và đang giữ ngạch giáo viên hạng II, có hệ số lương 3,0; 3,33; 3,66 được đề nghị xếp vào bậc 1 của bảng lương viên chức hạng II giữ hệ số 4,0. Như vậy, có người được lợi từ 3 năm đến 9 năm công tác. Trong khi, thầy N.T.T là giáo viên hạng II cũ, tháng 12/2021 được nâng lương thường xuyên đến bậc 9/9 hệ số 4,98 nay lại được đề nghị xếp vào bậc 3/8; hệ số 4,68.

Từ thực tế trên, thầy N.T.T cho rằng: Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông; trong đó có nội dung đề xuất: Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm là phù hợp với thực tiễn và khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên.

Cô Phạm Thuý Khanh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ vui mừng khi Bộ GD&ĐT đã có đề xuất trên. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập mà Thông tư 01 - 04 chưa giải quyết được. Đơn cử, giáo viên mầm non khi chưa đạt các tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp hạng II nên được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng III, được chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A0 (2,10). Tuy nhiên, Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT chưa hướng dẫn cụ thể việc xếp lương trong trường hợp này. “Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT sẽ tháo gỡ “điểm nghẽn” này”, nữ hiệu trưởng nhận định.

Chùm Thông tư 01 - 04 có nhiều bất cập khi triển khai vào thực tiễn. Ảnh minh hoạ: TG
Chùm Thông tư 01 - 04 có nhiều bất cập khi triển khai vào thực tiễn. Ảnh minh hoạ: TG

Tháo gỡ vướng mắc

Đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, khi các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT được địa phương thực hiện đã nảy sinh một số vướng mắc. Chẳng hạn như: Giáo viên tiểu học, THCS khi chuyển từ hạng II cũ sang hạng II mới được chuyển xếp lương từ viên chức loại A1 (2,34) sang A2.2 (4,0). Những giáo viên đang được hưởng hệ số lương 2,34; 2,67; 3,00 (là trường hợp được bổ nhiệm hạng cao ngay sau tuyển dụng do có trình độ đào tạo cao hơn trình độ chuẩn theo quy định) và 3,33; 3,66; 3,99 đều được chuyển xếp vào hệ số lương 4,0.

“Do đó, khi rà soát, xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu các phương án bổ nhiệm, xếp lương để khắc phục vướng mắc nói trên và bảo đảm nguyên tắc công bằng giữa giáo viên lâu năm và giáo viên có thời gian công tác ít hơn khi chuyển xếp lương trên cơ sở tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan” - đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khẳng định.

Trong quá trình nghiên cứu và tham vấn ý kiến của các cơ quan có liên quan, Bộ GD&ĐT dự kiến vẫn giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn: Trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Đối với giáo viên phổ thông: Giữ nguyên thời gian giữ hạng III từ 9 năm trở lên. Đối với giáo viên mầm non: Điều chỉnh thời gian giữ hạng III từ 9 năm thành 3 năm trở lên, điều chỉnh thời gian giữ hạng II từ 6 năm thành 9 năm trở lên.

Theo đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, dự kiến sửa đổi, bổ sung như trên sẽ giúp công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết. Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2,34; 2,67; 3,00 được bổ nhiệm hạng II và chuyển xếp vào hệ số lương 4,00. Bảo đảm thống nhất về quy định thời gian giữ hạng giữa các cấp học và quy định của Bộ Nội vụ về thời gian giữ ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính.

Ngày 2/2/2021, Bộ GD&ĐT ban hành theo thẩm quyền các Thông tư 01 - 04. Sau một thời gian thực hiện, để đảm bảo thống nhất với quy định mới và khắc phục một số bất cập trong thực tiễn, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư 01 - 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông.

Từ khóa » Cách Xếp Lương Theo Thông Tư 02/2021