Xếp Lương Khi Nâng Ngạch đối Với Công Chức, Viên Chức Như Thế Nào?

Xếp lương khi nâng ngạch đối với công chức, viên chức như thế nào? Luật sư tư vấn về vấn đề: Hiện đang hưởng hệ số lương 2,41 mà nộp bằng đại học thì được chuyển sang hệ số 2,34 hay 2,67? Thời gian nâng bậc lương tính từ thời điểm nào? Giải quyết các vấn đề có liên quan.

Nội dung tư vấn: Hiện tôi đang làm việc tại 1 ban QLDA - tháng 1/2016 tôi được nâng bậc lương từ 2,1 (bậc 1 cao đằng) lên 2,41 (bậc 2 cao đẳng) đến tháng 8/2017 tôi nộp bằng Đại hoc và được xếp lương theo hệ số 2.34 (bậc 1 đại học).

Hỏi: Vậy cho tôi hỏi luật sư như sau:1): tôi đang hưởng hệ số lương 2,41 mà nộp bằng đại học thì được chuyển sang hệ số 2,34 hay 2,67 mới đúng? 2) trường hợp của tôi thì lần nâng bậc lương tiếp theo của tôi được tính từ thời điểm tháng 1/2016 hay tháng 8/2017? Mong luật sư trả lời cụ thể giúp tôi. Chân thành cảm ơn.

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp bạn hiện đang làm việc ở ban QLDA tuy nhiên bạn không nói rõ bạn hiện đang là người lao động hay là công chức, viên chức do đó sẽ chia làm 2 trường hợp như sau:

Thứ nhất, là bạn là công chức, viên chức:

Căn cứ theo quy định tại Điều 2, Mục II của Thông tư 02/2007/TT-BNV về hướng dẫn xếp lương nâng ngạch chuyển loại công chức viên chức.

1. Xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức :

a. Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới. Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.

Theo thông tin bạn cung cấp tháng 1/2016 bạn được nâng bậc lương từ 2,1 (bậc 1 cao đằng) lên 2,41 (bậc 2 cao đẳng) và đến tháng 8/2017 bạn nộp bằng Đại học để nâng ngạch lương thì theo quy định tại điểm a Điều 1, Mục II của Thông tư 02/2007/TT-BNV Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Do đó, sau khi nộp bằng đại học bạn sẽ được chuyển sang hệ số 2.67.

Về thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ, tức từ tháng 1/2016.

Thứ hai, bạn là người lao động muốn được nâng bậc lương:

Căn cứ theo quy định tại Điều 90 về Tiền lương của Bộ luật lao động năm 2012 như sau:

"1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau".

Đối với trường hợp này của bạn, nếu bạn là người lao động và muốn nộp bằng đại học để nâng bậc lương thì dựa vào sự thỏa thuận của hai bên giữa bạn và lãnh đạo công ty. Tiền lương có thể bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Về thời gian nâng bậc lương tiếp của bạn căn cứ vào sự thỏa thuận của bạn và lãnh đạo công ty.

Trân trọng.

Phòng Luật sư tư vấn lao động - Công ty Luật Minh Gia.

Từ khóa » Hệ Số Lương 2 01