Xẹp Phổi: Kẻ Thù Thầm Lặng

Nội dung bài viết

  • Tổng quan
  • Cơ chế và nguyên nhân gây bệnh
  • Triệu chứng xẹp phổi
  • Điều trị

Xẹp phổi một trong những thử thách mà bác sĩ hay gặp phải trên phim X-quang (XQ) phổi. Đôi khi xẹp phổi có thể không được chú ý đặc biệt khi không có các tổn thương rõ trên XQ. Tương tự, nó cũng dễ dàng bị lầm lẫn với một số tổn thương khác. Xẹp phổi do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có những nguyên nhân rất nguy hiểm như ung thư phổi, bệnh màng trong.

Tổng quan

Xẹp phổi được định nghĩa là sự giãn nở không hoàn toàn của cả lá phổi hoặc chỉ một thuỳ phổi. Về mặt mô học, xẹp phổi là một cụm các phế nang xẹp, không có sự trao đổi O2 và CO2. Trong lịch sử, xẹp phổi được phát hiện lần đầu tiên qua xét nghiệm tử thi vào năm 1819.

Có nhiều nguyên nhân gây ra xẹp phổi. Xẹp phổi về bản chất là một biến chứng của nhiều loại bệnh lý cấp và mạn tính ở mọi độ tuổi. Bệnh có thể do bẩm sinh hoặc mắc phải, hoặc có thể do nguyên nhân ngoài và cả trong phổi.

xep-phoi
Hình từ trái sang phải: Phổi bình thường; Phế quản có chút đàm nhớt; Xẹp phổi do đàm nhớt bít tắc phế quản.

1. Về mặt sinh lý

Phế nang muốn nở ra cũng cần 1 lượng khí nhất định nằm bên trong, khi thở ra hết sức phế nang sẽ thu hẹp lại. Liệu thở ra quá lâu, mạnh thì phế nang sẽ xẹp hẳn lại hay không? Rất may là cơ thể chúng ta có cơ chế phòng ngừa, dẫn đến dù bạn có thở ra mạnh hết sức thì các phế nang này vẫn không xẹp. Điều đó là nhờ vai trò của Surfactant – một chất nằm trong lòng phế nang, chống sự xẹp phế nang quá mức khi người bình thường thở ra.

2. Giải phẫu căn bản của phổi

Trong đó, phổi trái chỉ có 2 thuỳ: trên, và dưới.

Phổi phải có 3 thuỳ: Trên, giữa và dưới.

xep-phoi-1
Hình minh họa giải phẫu căn bản của phổi

Khí quản sẽ phân chia thành 2 phế quản chính (trái và phải) đi vào 2 phổi, sau đó lại chia thành rất nhiều nhánh để đi vào từng thuỳ phổi, phế quản thuỳ lại chia thành nhiều phân thuỳ, tiểu phân thuỳ,… cho đến đơn vị nhỏ nhất là phế nang. Dễ nhận thấy rằng phế quản có hình dạng cành cây và phế nang là lá cây. Khi cành cây phía trước càng lớn (hoặc phế quản càng lớn) bị ảnh hưởng thì càng nhiều vùng lá cây phía sau bị ảnh hưởng.

Ở ngoài phổi được bao bọc trực tiếp, dính chặt bởi màng phổi tạng. Màng phổi thành sẽ dính chặt vào mặt trong thành ngực.

xep-phoi-2
Hình ảnh phổi phải bị xẹp và phổi trái bình thường

Ở người bình thường, 2 màng phổi thành và màng phổi tạng sẽ áp sát nhau, khi lồng ngực nở ra thì phổi nở ra, khi lồng ngực xẹp lại thì phổi xẹp lại, ngoài ra, khi hít vào phổi có thể nở xuống phía bụng, do màng phổi hoành (một phần của màng phổi tạng) sẽ đi xuống phía dưới, bởi vì phần màng phổi này dính chặt với một cơ hô hấp đặc biệt, tên là cơ hoành. Cơ quan này có vai trò là di chuyển xuống phía dưới để phổi nở ra.

Sự áp sát của màng phổi thành mà màng phổi tạng là do áp lực âm giữa 2 màng này.

Cơ chế và nguyên nhân gây bệnh

Xẹp phổi xảy ra do 3 cơ chế chính:

1. Phế nang tự hấp thụ hết oxy (resorptive atelectasis)

Còn được gọi là xẹp phổi do tắc nghẽn. Đây cũng là nguyên nhân thường gặp nhất.

Khi phế quản bị tắc nghẽn, không có hoặc có một ít không khí đi vào hoặc ra khỏi phế nang.

Trong khi đó, mạch máu ở phổi, phế nang vẫn đến và đi để trao đổi khí bình thường, dẫn đến lượng khí này sẽ bị dòng máu hấp thu và làm cho phế nang xẹp lại.

Tình trạng này diễn ra ở 1 cụm các phế nang sẽ dẫn đến tình trạng xẹp phổi, sự tắc nghẽn gần như hoàn toàn này xuất hiện ở vị trí phế quản càng lớn thì mô phổi bị xẹp càng nhiều.

2. Tắc nghẽn phế quản lớn

Do xuất hiện khối u:

  • Ung thư biểu mô phế quản (là loại thường gặp nhất của ung thư phổi).
  • Carcinoid (ung thư nội tiết).
  • Các khối u di căn.
  • Lymphoma (Ung thư hạch lympho thường là trong trung thất).
  • Ít gặp hơn là các loại u mỡ, u cơ.

Do viêm:

  • Lao (u hạt, viêm hẹp phế quản).
  • Sarcoidosis (bệnh lý do cơ quản miễn dịch bị rối loạn).

Nguyên nhân khác:

  • Nhĩ trái lớn: Đây là một trong 4 buồng tim, khi lớn sẽ đè ép phế quản của phổi trái.
  • Dị vật: Do bệnh nhân nuốt vào, nhưng không rơi vào thực quản mà vào phế quản. Đây cũng là nguyên nhân cấp tính duy nhất trong nhóm, thường xuất hiện triệu chứng của nuốt sặc (đột ngột da mặt tím tái, ho sặc, cảm giác nuốt phải dị vật). Sau khi tắc nghẽn xảy ra ở một người bình thường, xẹp phổi sẽ xảy ra trong 24 tiếng đầu tiên.

3. Tắc nghẽn phế quản nhỏ

Đây là nhóm nguyên nhân chủ yếu trong xẹp phổi do hấp thu.

Do đàm nhớt:

  • Thường gặp ở bệnh nhân hậu phẩu đặc biệt là mổ tim, đau ngực, đau bụng, chấn thương ngực.
  • Sử dụng thuốc ức chế hô hấp (đặc biệt là morphine, codein).
  • Bệnh lý ức chế thần kinh trung ương.
  • Hen.
  • Xơ nang.

Do viêm:

  • Viêm phế quản phổi.
  • Viêm phế quản.
  • Ở trẻ em có thể gặp Viêm tiểu phế quản.
  • Ở nhóm bệnh nhân thở oxy liều cao sẽ dễ dàng bị xẹp phổi hơn (tỷ lệ oxy / không khí bình thường là 21%, với 79% còn là là nitơ). Do nitơ di chuyển từ phế nang và máu chậm hơn nhiều so với oxy.
  • Ở đối tượng có tắc nghẽn phế quản cấp tính, nếu cho bệnh nhân thở với nồng độ oxy là 100% thì sau 1 tiếng, bệnh nhân sẽ bị xẹp phổi.

Do nhóm các phế nang bị đè ép, dẫn đến xẹp (compressive atelectasis):

Khối u lớn phía ngoài chèn ép vào phế nang (khối u không nằm trên phế quản).

Khí bị giữ lại trong nhóm các phế nang kế cận làm nhóm phế nang này căng phồng, chứa rất nhiều khí, nhóm phế nang này chèn ép làm xẹp các phế nang xung quanh.

Xẹp phổi do khối u đè ép phế nang.
Xẹp phổi do khối u đè ép phế nang.

Bệnh lý màng phổi

  • Tràn khí màng phổi (khí quá nhiều trong khoang màng phổi) sẽ đè xẹp các phế nang lân cận.
  • Tương tự đối với tràn dịch màng phổi (dịch quá nhiều trong khoang màng phổi).
  • Khối u màng phổi.
Chèn ép từ màng phổi dẫn đến xẹp phổi
Chèn ép từ màng phổi dẫn đến xẹp phổi.

Thoát vị hoành

Cơ hoành có 1 lổ bất thường bẩm sinh, ruột trong bụng sẽ đi lên lồng ngực, chèn ép phổi, làm xẹp phổi và thường nằm bên trái.

Xem thêm: Những kiến thức cần biết về bệnh thoát vị hoành

4. Rối loạn hoặc giảm tạo Surfactant (chất giúp các phế nang không bị xẹp dù bạn thở ra hết sức)

  • Bệnh màng trong (thường gặp ở trẻ sơ sinh rất non tháng).
  • Thuyên tắc phổi (cơ chế chưa rõ ràng).
  • Ngoài ra còn có xơ sẹo ở phổi, làm phổi co rút lại, gây xẹp phổi. Nhóm này thường liên quan đến lao, viêm xơ, và các bệnh lý phổi mạn tính khác:
  • Bệnh bụi phổi do than đá: Thường là công nhân ở mỏ than, xẹp đỉnh phổi 2 bên.
  • Lao phổi.
  • Viêm phổi do xạ trị: Liên quan đến các khối u vùng ngực được xạ trị. Vị trí xẹp phổi tương ứng với vùng xạ trị.

Triệu chứng xẹp phổi

Triệu chứng lâm sàng

Tuỳ thuộc một hay nhiều thuỳ phổi hơn bị ảnh hưởng, nguyên nhân gây ra xẹp phổi và tuổi của bệnh nhân.

Thông thường, hầu hết bệnh nhân xẹp phổi không có triệu chứng.

Khám có thể ghi nhận âm phổi giảm (rì rào phế nang), gõ ngực sẽ ghi nhận âm thanh đục hơn bên đối diện, rung động của phổi khi nói (rung thanh) cũng giảm so với bên đối diện.

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân mà có thể có ho, sốt, sụt cân, thở nhanh, đau ngực.

X – quang ngực thẳng

Là cận lâm sàng đầu tiên, cơ bản nhất để phát hiện xẹp phổi, đôi khi còn phát hiện cả nguyên nhân gây ra xẹp phổi.

1. Dấu hiệu trực tiếp

Mạch máu và phế quản co cụm: Dấu hiệu này chỉ được nhận diện khi trong thuỳ phổi bị xẹp còn chứa ít không khí, lúc này các phế quản, mạch máu tụ tập lại về vùng tốn thương.

Ngược lại, khi phổi đã xẹp hoàn toàn thì dấu hiệu này sẽ mất đi. Lúc này co kéo rãnh liên thuỳ bé sẽ là dấu hiệu còn lại duy nhất.

2. Dấu hiệu gián tiếp

Đám mờ ở phổi (màu trắng).

Khí quản, tim, vòm hoành, trung thất bị kéo lệch về phía tổn thương.

Khoang giữa 2 xương sườn kế nhau bị thu hẹp lại bên phổi xẹp.

Phổi còn lại tăng thông khí (đen hơn, bù trừ cho bên phổi mất chức năng)

Một điều thú vị là ở phổi bị xẹp, áp lực trong khoang màng phổi sẽ giảm. Và theo cân bằng áp lực, thì dịch trong mạch máu sẽ bị đẩy vào khoang này (do áp lực trong mạch máu lớn hơn áp lực trong khoang màng phổi).

xep-phoi
Tổn thương xẹp phổi điển hình

3. Những ví dụ về đặc trưng XQ của xẹp phổi, thuỳ phổi

Xẹp một bên phổi Đám mờ cả một bên phổi, co kéo toàn bộ tim, khí quản, thậm chí là phổi bên đối diện về phía tổn thương.
Thuỳ trên phổi phải Đám mờ nằm ở phía trên hoặc giữa, kéo cơ hoành lên trên, kéo rãnh liên thuỳ bé. Đôi khi có thể thấy dấu hình chữ S (hay Golden sign), gợi ý một khối u ác tính.
Thuỳ giữa phổi phải Xác định tốt nhất trên phim phổi nghiêng, khi rãnh liên thuỳ bé và lớn gần như thành một. Xoá mờ bóng tim trên phim XQ ngực thẳng.

Bên cạnh XQ ngực thì siêu âm phổi và CT scan cũng là những công cụ thích hợp để chẩn đoán xác định và nguyên nhân gây ra xẹp phổi.

Khi nghi ngờ tổn thương trong lòng phế quản gây xẹp phổi, khó xác định bản chất trên XQ thì nội soi phế quản là lựa chọn thích hợp, kể cả chẩn đoán cũng như điều trị những nguyên nhân như dị vật đường thở.

4. Những bệnh lý gần giống xẹp phổi trên X – Quang

  • Tổn thương tăng sinh (ung thư).
  • Viêm phổi.
  • Tràn dịch màng phổi.
  • Thuyên tắc phổi.
  • Dị vật.

Điều trị

Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây xẹp phổi, ta sẽ có cách điều trị khác nhau. Việc điều trị chung cho tất cả các trường hợp là không có.

Sau gây mê, có một số lưu ý:

  • Trong vòng 24 giờ sau mổ, hầu hết sau gây mê sẽ làm giảm chức năng phổi thoáng qua.
  • Cần đổi tư thế bệnh nhân từ nằm sang ngồi.
  • Tập cho bệnh nhân hít thở sâu.
  • Hoạt động trở lại sớm nhất có thể.
  • Hút đàm nhớt (ở bệnh nhân còn đặt nội khí quản).
  • Thở máy dưới áp lực dương.

Ngoài ra còn có thể điều trị thuốc như:

Loãng đàm (acetylcystein) đặc biệt là ở bệnh nhân xơ nang.

Nội soi phế quản như đã nêu, là một phương pháp chẩn đoán, điều trị tương đối xâm lấn, sẽ làm bệnh nhân khó chịu nhiều, nhưng có giá trị cao trong khoảng 76% các trường hợp xẹp phổi nói chung.

Xẹp phổi do ung thư là nguyên nhân đáng sợ nhất. Chúng ta đều biết hút thuốc lá là căn nguyên chủ yếu của ung thư phổi, đối tượng xung quanh chỉ cần hít mùi thuốc lá cũng có thể mắc ung thư. Do đó hãy chấm dứt hành động hút thuốc lá vì bản thân và gia đình bạn. YouMed chúc bạn nhiều sức khỏe!

Từ khóa » Ct Xẹp Phổi