Xét Nghiệm Cấy Phân Chẩn đoán Căn Nguyên Gây Bệnh Tiêu Chảy ở ...

Tiêu chảy là bệnh lý rất hay gặp ở trẻ em, luôn là nỗi lo lắng và ám ảnh với các bà mẹ và người nhà bệnh nhi. Đối với cơ thể trẻ, nếu không được phát hiện căn nguyên sớm và điều trị kịp thời, bồi phụ nước và điện giải dẫn đến việc rối loạn nước và điện giải gây hậu quả nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Do đó cấy phân là một xét nghiệm quan trọng và có giá trị trong việc chẩn đoán nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em

1. Khái niệm

Cấy phân là xét nghiệm nuôi cấy mẫu phân trong môi trường thạch dinh dưỡng nhằm phát hiện vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh. Môi trường thạch có các chất xúc tác đặc biệt giúp vi sinh vật sinh sôi và phát triển. Nếu không có vi khuẩn gây bệnh mọc chứng tỏ kết quả âm tính. Ngược lại nếu có vi khuẩn gây bệnh phát triển thì sẽ tiến hành định danh chủng vi sinh vật gây bệnh và thực hiện kháng sinh đồ cho vi khuẩn đó.

Xét nghiệm cấy phân được yêu cầu thực hiện trong các trường hợp như:

- Tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng bất thường về đường tiêu hóa như tiêu chảy, phân nhầy lẫn máu, trướng bụng, nôn, buồn nôn, chán ăn, đau bụng, đầy hơi, cơ thể mệt mỏi, sốt,...

- Tìm ra nguyên nhân gây nhiễm trùng đường ruột như vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng và các bệnh lý khác như tả, lỵ, thương hàn,... các bệnh về gan, mật, tuyến tụy.

- Theo dõi hiệu quả điều trị nhiễm trùng đường tiêu hóa.

Kết quả nuôi cấy là cơ sở để bác sĩ kịp thời chẩn đoán được nguyên nhân gây bệnh là gì và từ đó đưa ra những biện pháp điều trị kịp thời và hợp lý cho người bệnh. 

2. Cách lấy bệnh phẩm phân

- Mọi quy trình cấy vi sinh vật đều phải đảm bảo quy tắc vô trùng tuyệt đối. Do đó các bước lấy bệnh phẩm sao cho đúng cách và đạt tiêu chuẩn là điều vô cùng cần thiết.

- Thời điểm lấy mẫu phân tốt nhất là giai đoạn sớm của bệnh. Nếu bạn có dùng bất cứ loại thuốc kháng sinh hay thuốc tiêu hóa nào cần phải thông báo cho bác sĩ biết. Phân có thể lấy tại nhà hoặc tới các cơ sở y tế, bệnh viện để lấy. 

- Nên cho trẻ đi tiểu trước khi tiến hành lấy phân để đảm bảo không có nước tiểu dính vào mẫu bệnh phẩm. Phân được lấy vào lọ vô trùng có nắp đậy chặt hoặc dung sonde nhựa xoay nhẹ vào hậu môn và kéo phân ra sau đó cho vào tuýp vô trùng. Chú ý nên thu thập chỗ phân bất thường nhất như phân lỏng, nát, nhầy lẫn máu.

- Đặc biệt không được lấy phân từ bồn cầu, tránh dính giấy vệ sinh, xà phòng hay bất cứ tạp chất nào khác.

- Mẫu phân sau khi lấy cần được vận chuyển nhanh chóng về phòng xét nghiệm trong vòng 2h ở nhiệt độ thường. Nếu không thể đưa phân đến phòng xét nghiệm ngay cần phải giữ phân trong môi trường có chất bảo quản thích hợp. 

3. Quy trình thực hiện cấy phân

Tại phòng xét nghiệm vi sinh, kỹ thuật viên sẽ tiến hành chuẩn bị các dụng cụ và môi trường thạch cần thiết để cấy. Trước tiên cần quan sát đại thể của phân để đánh giá sơ bộ và có định hướng chẩn đoán. Ví dụ như tính chất phân nhầy máu thường do tác nhân như vi khuẩn Salmonella, Shigella,... phân nước trắng đục như nước vo gạo gợi ý nhiễm vi khuẩn tả (Vibrio cholerae).

Tiến hành nhuộm Gram mẫu phân và soi dưới kính hiển vi để đánh giá bạch cầu, vi khuẩn và ghi vào sổ theo dõi. 

Khi thực hiện kỹ thuật nuôi cấy phân, chú ý phải lấy những chỗ phân bất thường nhầy lẫn máu để cấy. Với tùy mục đích tìm vi khuẩn gây bệnh mà phân được cấy vào những môi trường thạch chuyên dụng.

Các đĩa thạch sau khi được cấy phải ủ ấm ở nhiệt độ 35 - 37 độ C và đọc kết quả sau 18 - 24h và 48h. Quan sát và đánh giá tính chất hình thái, màu sắc, kích thước, độ nhầy nhớt,... của các khuẩn lạc. Cần theo dõi thường xuyên xem vi khuẩn có mọc hay không để tiến hành các bước định danh tiếp theo, ngưng kết với các loại kháng huyết thanh.

Sau khi định danh ra vi khuẩn gây bệnh cần tiến hành thực hiện kỹ thuật kháng sinh đồ tương ứng với loại vi khuẩn đó để tìm ra kháng sinh nhạy cảm hữu ích cho việc điều trị bệnh. Nếu dương tính phải trả kết quả định danh vi khuẩn/ vi nấm đi kèm với kết quả kháng sinh đồ. Nếu sau 3 - 5 ngày trên đĩa thạch đã cấy không thấy có vi khuẩn mọc sẽ được trả kết quả âm tính. 

4. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả nuôi cấy phân

Kết quả nuôi cấy có thể gặp sai sót và không chính xác trong một số trường hợp sau:

- Bệnh nhân có sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng, tiêu hóa,...

- Mẫu phân lấy sai cách, bị tạp nhiễm chứa nhiều nước tiểu, giấy vệ sinh, xà phòng,...

- Thời gian vận chuyển phân quá lâu và bảo quản không đúng quy định, ảnh hưởng đến chất lượng phân.

Một yếu tố quan trọng khác góp phần đảm bảo kết quả chính xác đó chính là phụ thuộc vào tay nghề và chuyên môn của y bác sĩ - người trực tiếp thực hiện, đọc kết quả và điều trị cho bệnh nhân. Chính vì vậy, bạn cần phải lựa chọn một đơn vị y tế thực sự chất lượng, tin tưởng để khám chữa bệnh và thực hiện các xét nghiệm. Và Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng chính là một sự lựa chọn hoàn hảo.

Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng đã có kinh nghiệm hơn 40 năm trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.,là địa chỉ khám chữa bệnh uy tín, chất lượng cho người bệnh.

Khoa Vi sinh

Từ khóa » Xét Nghiệm Nuôi Cấy Vi Khuẩn