Xét Nghiệm Công Thức Máu để Làm Gì? Tìm Hiểu ... - Medi Health Care

Xét nghiệm công thức máu để làm gì là câu hỏi mà đường dây nóng của Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe Tại nhà Medi Health Care tiếp nhận nhiều nhất. Trong bài viết này, Medi Health Care xin giải đáp thắc mắc này của Quý khách hàng cũng như Quý bạn đọc.

xet-nghiem-cong-thuc-mau-tai-nha-tphcm
Nếu chỉ cần xét nghiệm công thức máu, điều dưỡng sẽ lấy 2 CC máu của bạn.

1. Xét nghiệm công thức máu là gì?

Bạn có để ý thấy, dù bạn đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, dù bạn bị sốt hay mệt mỏi kéo dài,… thì bạn cũng có thể được bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm công thức máu. Vậy xét nghiệm công thức máu là gì và tại sao nó lại hay được sử dụng đến vậy?

Công thức máu là một trong những xét nghiệm thường quy được sử dụng nhiều nhất trong các xét nghiệm huyết học cũng như xét nghiệm y khoa.

Trước đây công thức máu được thực hiện bằng các dụng cụ đếm tay, để xác định số lượng của từng loại tế bào máu, ngày nay mẫu máu được đưa vào và nhờ các máy đếm tự động, do vậy việc thực hiện công thức máu trở nên đơn giản hơn nhiều.

Máu bao gồm ba loại tế bào lơ lửng trong chất lỏng gọi là huyết tương (plasma) : các tế bào máu trắng (bạch cầu), các tế bào máu đỏ (hồng cầu), và tiểu cầu (PLTs). Tình trạng các tế bào trong máu sẽ giúp tầm soát, đánh giá một số tình trạng bệnh lý. Xét nghiệm đánh giá tình trạng các tế bào có trong máu được gọi là xét nghiệm công thức máu toàn bộ (hay còn gọi là huyết đồ; Complete Blood Count; CBC; Hemogram; CBC with Differential).

Xét nghiệm công thức máu thường được thực hiện bằng cách sử dụng một công cụ tự động để đo các thông số khác nhau, bao gồm cả số lượng của các tế bào có mặt trong mẫu máu của một người. Các kết quả của một xét nghiệm công thức máu có thể cung cấp thông tin không chỉ về số lượng các loại tế bào cũng có thể cung cấp một chỉ số của các đặc tính vật lý của một số tế bào.

Xét nghiệm công thức máu thường được sử dụng để:

  • Sàng lọc những bệnh lý đặc trưng bởi những thay đổi nghiêm trọng về số lượng tế bào máu (ví dụ trong các bệnh nhiễm trùng, một số bệnh ung thư, ở các bệnh nhân tiếp xúc với hóa chất độc hại…).
  • Theo dõi diễn biến của một số bệnh như: bệnh bạch cầu (máu trắng), u bạch huyết, các bệnh liên quan tới máu, bệnh mạn tính…
  • Theo dõi tác dụng phụ của một số thuốc có khả năng ức chế hoạt động của tủy xương. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân bị một số bệnh ung thư (nhất là ung thư máu, u bạch huyết), và những người phải điều trị hóa trị hoặc xạ trị. Nếu số lượng tế bào máu giảm xuống mức quá thấp, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nhập viện ngay vì lúc này họ rất dễ bị nhiễm trùng, chảy máu hoặc bị các biến chứng  nghiêm trọng khác, gây nguy hiểm cho tính mạng.

2. Các thông số trong công thức máu

2.1. Dòng hồng cầu

  • Số lượng hồng cầu: thường được ký hiệu là RBC (red blood cell) hay ở một số tờ kết quả xét nghiệm được ghi là HC, là số lượng hồng cầu có trong một đơn vị máu (thường là lít hay mm³).
  • Nồng độ hemoglobin trong máu: thường được ký hiệu là HGB hay Hb (đơn vị tính bằng g/l hay g/dl). Hemoglobin là một loại protein nằm trong hồng cầu, có nhiệm vụ mang ôxy tới mô.
  • Hematocrit – dung tích hồng cầu: thường được ký hiệu là Hct, đây là phần trăm thể tích của máu mà các tế bào máu (chủ yếu là hồng cầu) chiếm. Hct phản ánh tình trạng thiếu máu hoặc cô đặc máu.
  • Các chỉ số hồng cầu:
    • MCV – thể tích trung bình hồng cầu, đơn vị thường dùng là femtolit (1 fl = 10-15lit). MCV được tính bằng công thức: MCV = Hct / số lượng hồng cầu. Giá trị MCV cho phép phân biệt các loại thiếu máu sau:
      • Thiếu máu hồng cầu nhỏ: khi MCV < 80 fl
      • Thiếu máu hồng cầu bình: khi 80 fl < MCV < 105 fl
      • Thiếu máu hồng cầu đại: khi MCV > 105 fl
    • MCHC – nồng độ hemoglobin trung bình hồng cầu, đơn vị thường dùng là (g/dl hay g/l). MCHC được tính theo công thức: MCHC = Hb / Hct. MCHC cho phép phân biệt thiếu máu:
      • Thiếu máu đẳng sắc: khi MCHC trong giá trị bình thường
      • Thiếu máu nhược sắc: khi MCHC < 320g/l
    • MCH – lượng hemoglobin trung bình trong một hồng cầu, đơn vị thường dùng là picogram (1 pg = 10-12g). MCH được tính theo công thức: MCH = Hb / số lượng hồng cầu, hay MCH = Hb / RBC.

Tóm lại, các trị số của dòng hồng cầu cho những thông tin về tình trạng hồng cầu của máu người được làm xét nghiệm, tất nhiên không đầy đủ, gợi ý bệnh lý thiếu máu và nguyên nhân gây thiếu máu.

Thông thường, các bác sỹ dựa vào nồng độ hemoglobin để chẩn đoán và đánh giá mức độ thiếu máu, và dựa theo định nghĩa sau:

Thiếu máu khi nồng độ Hb thấp hơn:

  • 13 g/dl (130 g/l) ở nam giới
  • 12 g/dl (120 g/l) ở nữ giới
  • 11 g/dl (110 g/l) ở người lớn tuổi

2.2. Dòng bạch cầu

  • Số lượng bạch cầu: là số lượng bạch cầu có trong một đơn vị máu, được ký hiệu là WBC (white blood cell). Số lượng bạch cầu tăng cao trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, và đặc biệt cao trong các bệnh bạch huyết cấp hoặc mãn tính (ung thư máu).
  • Công thức bạch cầu: là tỷ lệ phần trăm các loại bạch cầu trong máu. Sự thay đổi tỷ lệ này cho nhiều ý nghĩa quan trọng.
    • Bạch cầu trung tính: là những tế bào trưởng thành ở trong máu tuần hoàn và có một chức năng quan trọng là thực bào, chúng sẽ tấn công và phá hủy các loại vi khuẩn, virus ngay trong máu tuần hoàn khi các sinh vật này vừa xâm nhập cơ thể. Vì vậy bạch cầu đa nhân trung tính tăng trong các trường hợp nhiễm trùng cấp. Đôi khi trong trường hợp nhiễm trùng quá nặng như nhiễm trùng huyết hoặc bệnh nhân suy kiệt, trẻ sơ sinh, lượng bạch cầu này giảm xuống. Nếu giảm quá thấp thì tình trạng bệnh nhân rất nguy hiểm vì sức chống cự vi khuẩn gây bệnh giảm sút nghiêm trọng. Bạch cầu cũng giảm trong những trường hợp nhiễm độc kim loại nặng như chì, arsenic, khi suy tủy, nhiễm một số virus…
    • Bạch cầu đa nhân ái toan: khả năng thực bào của loại này yếu, nên không đóng vai trò quan trọng trong các bệnh nhiễm khuẩn thông thường. Bạch cầu này tăng cao trong các trường hợp nhiễm ký sinh trùng, vì bạch cầu này tấn công được ký sinh trùng và giải phóng ra nhiều chất để giết ký sinh trùng. Ngoài ra bạch cầu này còn tăng cao trong các bệnh lý ngoài da như chàm, mẩn đỏ trên da…
    • Bạch cầu đa nhân ái kiềm: đóng vai trò quan trọng trong một số phản ứng dị ứng.
    • Mono bào: là dạng chưa trưởng thành của đại thực bào trong máu vì vậy chưa có khả năng thực bào. Đại thực bào là những tế bào có vai trò bảo vệ bằng cách thực bào, khả năng này của nó mạnh hơn của bạch cầu đa nhân trung tính. Chúng sẽ phân bố đến các mô của cơ thể, tồn tại tại đó hàng tháng, hàng năm cho đến khi được huy động đi làm các chức năng bảo vệ. Vì vậy mono bào sẽ tăng trong các bệnh nhiễm khuẩn mãn tính như lao, viêm vòi trứng mãn…
    • Lympho bào: đây là những tế bào có khả năng miễn dịch của cơ thể, chúng có thể trở thành những tế bào “nhớ” sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và tồn tại lâu dài cho đến khi tiếp xúc lần nữa với cùng tác nhân ấy, khi ấy chúng sẽ gây ra những phản ứng miễn dịch mạnh mẽ, nhanh và kéo dài hơn so với lần đầu. Lympho bào tăng trong ung thư máu, nhiễm khuẩn máu, nhiễm lao, nhiễm virus như ho gà, sởi… Giảm trong thương hàn nặng, sốt phát ban…

2.3. Dòng tiểu cầu

  • Số lượng tiểu cầu: được ký hiệu là PLC/PLT (Platelet Cell), cho biết số lượng tiểu cầu có trong một đơn vị máu. Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông cầm máu, vì vậy khi số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm³ máu thì nguy cơ xuất huyết tăng lên.

3. Khi nào cần phải làm xét nghiệm công thức máu?

Công thức máu toàn bộ là xét nghiệm thông thường được thực hiện trong nhiều trường hợp:

  • Để đánh giá sức khỏe tổng thể: Bác sĩ có thể chỉ định làm công thức máu toàn bộ như là một phần của một cuộc kiểm tra y tế thường xuyên theo dõi sức khỏe chung.
  • Để chẩn đoán bệnh: Bác sĩ có thể chỉ định làm công thức máu toàn bộ nếu bạn cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi, sốt, viêm, bầm tím hoặc chảy máu,… công thức máu toàn bộ có thể giúp bác sỹ chẩn đoán nguyên nhân gây ra các dấu hiệu và triệu chứng. Nếu bác sĩ nghi ngờ bị nhiễm trùng, kiểm tra công thức máu toàn bộ cũng có thể giúp khẳng định chẩn đoán
  • Để theo dõi một tình trạng bệnh lý: Nếu đã được chẩn đoán một số tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến số lượng tế bào máu, chẳng hạn như bệnh thiếu máu, bệnh bạch cầu hoặc đa hồng cầu vera,…. bác sĩ có thể sử dụng công thức máu toàn bộ để theo dõi tình trạng và tiến triển của bệnh. Để theo dõi quá trình điều trị: công thức máu toàn bộ được sử dụng để theo dõi sức khỏe nếu đang dùng thuốc có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào máu.

4. Xét nghiệm công thức máu có cần nhịn ăn không?

Nếu mẫu máu của bạn chỉ xét nghiệm công thức máu toàn bộ, có thể ăn uống bình thường trước khi lấy máu xét nghiệm. Nếu mẫu máu được sử dụng cho các xét nghiệm khác như sinh hóa hoặc miễn dịch, bạn cần nhịn ăn trước thời điểm lấy máu ít nhất 06 giờ.

5. Lời kết

Các kết quả bất thường trong xét nghiệm công thức máu toàn bộ phản ánh rất nhiều tình trạng bệnh lý của cơ thể, vì vậy người bệnh cần nói chuyện với bác sĩ để có thể nhận được các tư vấn cần thiết. Người bệnh không nên tự đọc và suy luận kết quả xét nghiệm của mình.

Nếu bạn có thắc mắc gì hoặc cần tư vấn thêm về xét nghiệm công thức máu, bạn có thể liên hệ số Hotline của Medi Health Care: 093.179.5050. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.

5/5 - (3 bình chọn)

Từ khóa » Công Thúc Mau