Xét Nghiệm định Lượng HBV-DNA Là Gì? Ý Nghĩa ... - .vn

Viêm gan B là bệnh lý khá phổ biến về gan gây ra do virus. Virus viêm gan B (HBV) khi xâm nhập vào cơ thể có thể khiến chức năng gan suy giảm và dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Xét nghiệm định HBV-DNA là xét nghiệm có ý nghĩa quan trọng, giúp đánh giá lượng virus cũng như theo dõi đáp ứng trong điều trị bệnh viêm gan B. Cùng tìm hiểu chi tiết về xét nghiệm này thông qua những thông tin sau đây.

Xét nghiệm định lượng HBV-DNA là gì? Ý nghĩa định lượng HBV DNA 1

Mục lục

  • 1. Xét nghiệm HBV-DNA là gì?
  • 2. Xét nghiệm định lượng virus viêm gan B (HBV DNA) có ý nghĩa gì?
    • 2.1. Định lượng virus để cân nhắc điều trị
    • 2.2. Theo dõi điều trị
    • 2.3. Xét nghiệm phát hiện đột biến kháng thuốc
    • 2.4. Quyết định ngưng sử dụng thuốc kháng virus
  • 3. Trường hợp nào cần thiện xét nghiệm HBV-DNA?
  • 4. Xét nghiệm HBV-DNA được lấy mẫu như thế nào?
  • 5. Cách đọc kết quả xét nghiệm HBV-DNA
  • 6. Giá xét nghiệm HBV-DNA bao nhiêu tiền?

Xét nghiệm HBV-DNA là gì?

Xét nghiệm HBV-DNA hay hay định lượng HBV-DNA (HBV-DNA Taqman) sẽ cho biết nồng độ virus viêm gan B trong máu.

Theo đó, kết quả xét nghiệm HBV-DNA Taqman giúp xác định số lượng hay nồng độ của virus viêm gan B trong một đơn vị thể tích huyết tương/huyết thanh. Sử dụng đơn vị IU/ml hoặc copy/ml (1IU tương ứng 5-6 copy).

Từ kết quả xét nghiệm này, bác sĩ có thể đánh giá mức độ nhân lên của virus trong các tế bào gan. Trong đó, nồng độ virus được coi là cao khi trên 10.000 IU/ml, mức độ trung bình từ 2000-10.000 IU/ml và mức độ thấp khi dưới 2000 IU/ml.

☛ Tìm hiểu chi tiết: HBV là gì?

Xét nghiệm định lượng virus viêm gan B (HBV DNA) có ý nghĩa gì?

Xét nghiệm virus HBV-DNA có ý nghĩa quan trọng giúp kiểm tra, theo dõi mức độ virus HBV trong máu theo thời gian. Điều này góp phần quan trọng trong việc quản lý tiến triển của bệnh viêm gan B, quyết định thời điểm điều trị và theo dõi đáp ứng quá trình điều trị cũng như đánh giá thời điểm dừng điều trị.

Cụ thể:

Định lượng virus để cân nhắc điều trị

Định lượng virus để cân nhắc điều trị 1

Trường hợp người khỏe mạnh mang virus viêm gan B, kết quả xét nghiệm máu sẽ cho thấy dương tính với HBsAg, tuy nhiên, việc xác định có virus hoàn chỉnh cần dựa vào kết quả HBV-DNA.

Theo đó, khi hệ miễn dịch không ức chế được virus mà để nhân bản lên nhiều trong tế bào gan sẽ tạo ra nhiều virus hoàn chỉnh vào máu của người bệnh. Khi này thử máu sẽ thấy HBsAg dương tính, đồng thời có virus hoàn chỉnh ở trong máu với số lượng khá cao được phát hiện thông qua xét nghiệm HBV – DNA cho kết quả dương tính (số lượng vượt trên 100.000 copies/ml).

Xét nghiệm HBV-DNA cho kết quả dương tính với số lượng virus quá 100.000copies/ml. Trường hợp này cần kiểm tra các chỉ số men gan, xem kết quả men gan của người bệnh có cao không?

  • Nếu cao vượt ngưỡng 2 lần bình thường (ALT bình thường là 19 IU ở nữ và 33 IU ở nam) thì được coi là viêm gan mạn tính và người bệnh cần phải điều trị.
  • Nếu men gan bình thường, cần phải chắc chắn tế bào gan có tổn thương hay không. Kiểm tra dựa vào các xét nghiệm về hình thái tế bào gan (sinh thiết gan, fibrotest, fibroscan). Kết quả cho thấy gan bị tổn thương thì được xem là đang bị viêm gan mạn tính và cần được điều trị đặc hiệu mặc dù men gan bình thường.

☛ Xem thêm: Cách điều trị viêm gan B theo từng giai đoạn

Theo dõi điều trị

Xét nghiệm định lượng HBV-DNA được dùng nhằm theo dõi hiệu quả điều trị của các thuốc kháng virus mà bác sĩ đã chỉ định trên người bệnh. Quá trình điều trị được đánh giá có mang lại hiệu quả khi nồng độ HBV giảm dần cho tới khi HBV DNA về dưới ngưỡng phát hiện dựa vào phương pháp sinh học phân tử.

Nồng độ HBV-DNA trong máu giảm dưới 10 lần sau khoảng 12 tuần điều trị hoặc giảm dưới 100 lần sau 24 tuần điều trị được cho rằng điều trị không đáp ứng. Ngược lại, nếu sau 1 – 3 tháng mà kết quả xét nghiệm cho thấy định lượng virus giảm 100 lần thì đánh giá là thuốc kháng virus có hiệu quả.

Theo dõi điều trị 1

Hiện nay, có nhiều loại thuốc kháng virus dành cho người bệnh viêm gan B mạn tính mang lại hiệu quả. Virus HBV bị ngăn chặn nhân bản rất nhanh, nên HBV – DNA biến mất khỏi máu sớm hơn so với HBeAg. Do đó, xét nghiệm HBV – DNA được coi là dấu ấn rất tốt nhằm theo dõi đáp ứng khá sớm của điều trị. Hiện nay, các nhà y học thống nhất sử dụng  HBV-DNA làm chỉ số theo dõi đáp ứng điều trị hơn là HBeAg.

☛ Tham khảo: Tổng hợp thuốc chữa bệnh viêm gan B

Xét nghiệm HBV-DNA được chỉ định cứ mỗi 3 tháng trong quá trình điều trị viêm gan B mạn tính để đánh giá hiệu quả điều trị và nguy cơ kháng thuốc của virus trên cơ thể người bệnh. Nếu kết quả cho thấy có sự xuất hiện trở lại của virus viêm gan B trên ngưỡng bác sĩ phải lưu ý. Bởi đây là dấu hiệu cho thấy virus đang kháng thuốc hoặc người bệnh không tuân thủ liệu pháp điều trị mà bác sĩ đã chỉ định.

Xét nghiệm phát hiện đột biến kháng thuốc

Xét nghiệm phát hiện đột biến kháng thuốc 1

Trong khoảng thời gian điều trị viêm gan B mạn, nhiều trường hợp xét nghiệm HBV – DNA bỗng dưng dương tính trở lại. Lượng virus HBV tăng lên dần chính là dấu hiệu cho biết virus có khả năng kháng thuốc lúc đang điều trị. Trường hợp này, cần phải làm xét nghiệm để phát hiện xem có thuốc có bị virus kháng lại không.

Xét nghiệm máu người bệnh có sự xuất hiện HBeAg thì có nghĩa là có sự nhân bản của virus trong cơ thể. Nếu người bệnh đang sử dụng thuốc kháng virus, virus sẽ bị chặn lại không nhân bản được. Xảy ra sự đột biến kháng thuốc nếu kết quả xét nghiệm cho thấy HBeAg âm tính, AntiHBeAg dương tính, nhưng HBV-DNA lại xuất hiện dương tính. Đồng thời men gan của người bệnh tăng giảm thất thường thì chính là dấu hiệu báo động nguy cơ virus đột biến.

Quyết định ngưng sử dụng thuốc kháng virus

Xét nghiệm định lượng virus viêm gan B cũng có ý nghĩa trong quyết định có ngưng sử dụng thuốc kháng virus hay không. Từ đó quyết định xem người bệnh đã có thể ngưng dùng thuốc ức chế virus hay chưa cần có đầy đủ các xét nghiệm về :

  • Nồng độ virus HBV-DNA
  • Chức năng gan
  • Các dấu ấn HbeAg, HbeAb, HbsAg
  • Siêu âm gan,… kết hợp và bệnh nhân cần tuân thủ theo y lệnh của bác sĩ.

Người bệnh không được tự ý bỏ thuốc trong quá trình điều trị. Bởi việc bỏ thuốc có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm sau này.

Trường hợp nào cần thiện xét nghiệm HBV-DNA?

Xét nghiệm HBV-DNA thường được chỉ định thực hiện trong trường hợp người bệnh mắc viêm gan B mạn tính đang trong quá trình theo dõi, điều trị nhằm đánh giá sự phát triển của virus trong các tế bào gan.

Ngoài ra, xét nghiệm này cũng có thể được thực hiện với các trường hợp bị suy giảm chức năng gan hoặc tổn thương tế bào gan.

Cứ sau mỗi 3 – 6 tháng bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm HBV-DNA 1 lần để theo dõi nồng độ virus, đồng thời thực hiện các xét nghiệm khác như định lượng men gan AST, ALT, xác định HBeAg, Anti-HBe để đánh giá đáp ứng điều trị cũng như kiểm soát tái phát sau khi kết thúc điều trị.

Xét nghiệm HBV-DNA được lấy mẫu như thế nào?

Xét nghiệm HBV-DNA được lấy mẫu như thế nào? 1

Để thực hiện xét nghiệm HBV-DNA, người bệnh sẽ được lấy khoảng 4ml huyết tương hoặc huyết thanh (chống đông bằng  EDTA). Sau đó lượng huyết tương/huyết thanh này sẽ được bảo quản ly tâm trong vòng 6 giờ, tiếp đến chúng được đựng trong ống có nắp đậy và lưu lại trong tủ đông.

Để tránh kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng cần lưu ý:

  • Không dùng ống chống đông Heparin để tránh tình trạng phản ứng PCR bị ức chế.
  • Phân tích mẫu sớm sau khi lấy máu để kết quả chính xác. Trường hợp chờ quá lâu cần tách huyết tương/huyết thanh bảo quản tủ âm.

Cách đọc kết quả xét nghiệm HBV-DNA

Như đã nói ở trên, kết quả xét nghiệm HBV-DNA có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá tình trạng viêm gan B.

Cách đọc kết quả xét nghiệm HBV-DNA 1

Cách đọc kết quả xét nghiệm HBV-DNA cơ bản như sau:

Chỉ số HBV-DNA âm tính hoặc dưới ngưỡng phát hiện: lượng virus trong cơ thể là rất thấp hoặc hoàn toàn không có. Điều này có thể chỉ ra rằng bệnh đã được kiểm soát hoặc đã được chữa khỏi.

Kết quả xét nghiệm HBV-DNA là dương tính: Virus vẫn còn trong máu, cần đánh giá mức độ nồng độ virus bằng cách đếm số lượng bản sao (copies) hoặc sử dụng đơn vị quốc tế (IU) trên mỗi ml máu. Có thể phân loại thành ba mức độ:

  • Chỉ số HBV-DNA chỉ từ 2.000 IU/ml hoặc dưới 10.000 copies/ml: Nồng độ virus ở mức thấp, có thể do virus không hoạt động hoặc do liệu pháp điều trị đang phát huy hiệu quả.
  • Chỉ số HBV-DNA từ 2.000 đến 20.000 IU/ml hoặc từ 10.000 đến 100.000 copies/ml: Nồng độ virus ở mức trung bình. Có thể virus đang hoạt động yếu hoặc liệu pháp điều trị chưa đạt được mục tiêu mong muốn.
  • Chỉ số HBV-DNA vượt quá 20.000 IU/ml hoặc 100.000 copies/ml: Nồng độ virus ở mức cao. Ngoài ra, điều này cũng chỉ ra rằng virus đang hoạt động mạnh, gây ra tổn thương gan và nguy cơ các biến chứng nguy hiểm.
Chỉ số HBV-DNA có thể là một trong những dấu hiệu cho thấy nguy cơ cao của các biến chứng như xơ gan ung thư gan… Đặc biệt, khả năng lây nhiễm cũng rất mạnh, ở mức đáng báo động.

Ngoài ra, để đưa ra đánh giá chính xác về tình trạng sức khỏe, kết quả HBV-DNA thường cần được kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác. Bệnh nhân nên tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ để hiểu rõ hơn về kết quả xét nghiệm và cách điều trị phù hợp với tình trạng của mình.

Giá xét nghiệm HBV-DNA bao nhiêu tiền?

Giá xét nghiệm HBV-DNA bao nhiêu tiền sẽ tùy thuộc vào từng cơ sở thực hiện. Mức giá tham khảo có thể dao động từ 600.000 – 1.800.000đ/lần.

Để đảm bảo tính chính xác, an toàn khi thực hiện xét nghiệm, người bệnh cần lựa chọn cơ sở khám chữa uy tín, trang thiết bị hiện đại, dụng cụ đảm bảo vô trùng với đội ngũ y bác sĩ và kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm.

Hy vọng những thông tin trên giúp bạn đọc hiểu hơn về xét nghiệm định lượng virus viêm gan B, đặc biệt trong quá trình điều trị viêm gan B mạn tính. Thường xuyên ghé thăm Viemgan.com.vn mỗi ngày để liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về sức khỏe bệnh gan bạn nhé.

Từ khóa » Chỉ Số Hbv Dna Là Gì