Xét Nghiệm định Lượng IgE Trong Các Bệnh Dị ứng - Benh Vien 108

01:42 PM 08/03/2021 Globulin miễn dịch E (IgE) là một trong 5 nhóm globulin miễn dịch (IgM, IgG, IgD, IgA, IgE). Là globulin cuối cùng của họ immunoglobulin được phát hiện, IgE có cấu trúc hóa học đặc biệt và có một số các chức năng sinh lý như phản ứng quá mẫn loại I, nhiễm ký sinh trùng, quá trình tự miễn dịch …

1. Khái niệm về IgE

- Immunoglobulin E (IgE) là các kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch. IgE chủ yếu được niêm mạc đường hô hấp và tiêu hóa tiết ra, có đặc tính cố định trên các tương bào và bạch cầu ưa bazơ là các tế bào có khả năng giải phóng các chất trung gian hóa học gây dãn mạch như histamin, serotonin và một số chất khác nh: tryptase, prostaglandin, leucotrien và eosinophil. IgE tham gia vào phản ứng loại tăng quá mẫn tức khắc (phản ứng dị ứng).

- Vai trò của Immunoglobulin E là trung tâm trong dị ứng mẫn cảm và rối loạn dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen suyễn và viêm da dị ứng. Những rối loạn này biểu hiện do phản ứng quá mẫn loại I liên quan đến Immunoglobulin E và các tế bào miễn dịch khác để cuối cùng tạo ra các triệu chứng lâm sàng thấy trong các rối loạn đó.

- Khi bị dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ phản ứng quá mức với chất gây dị ứng bằng cách sản xuất kháng thể có tên là Immunoglobulin E. Những kháng thể này di chuyển đến các tế bào giải phóng ra chất gây phản ứng dị ứng. Phản ứng này thường gây ra các triệu chứng ở mũi, phổi, họng hoặc trên da: Khi cơ thể tiếp xúc ban đầu với một kháng nguyên hoặc chất gây dị ứng, cơ thể sẽ xử lý bằng cách cho tế bào đuôi gai hoặc đại thực bào trình bày kháng nguyên trên tế bào T. Với sự hiện diện của các chất trung gian cytokine IL-4 và IL-13, các tế bào T này được tạo ra để biệt hóa thành các tế bào T trợ giúp có khả năng trình diện kháng nguyên cho các tế bào B. Sau đó, các tế bào B trải qua quá trình chuyển đổi lớp để cuối cùng tạo ra các kháng thể Immunoglobulin E có khả năng liên kết với kháng nguyên được trình bày tại vị trí gắn ban đầu. Khi có phản ứng ban đầu này với kháng nguyên thì quá trình miễn dịch sẽ diễn ra để đảm bảo quá trình đáp ứng của IgE mạnh mẽ hơn.

- Mỗi loại Immunoglobulin E có "sóng bắt" cụ thể cho từng loại chất gây dị ứng. Đó là lý do tại sao một số người chỉ dị ứng với lông mèo (họ chỉ có kháng thể IgE đặc hiệu với lông mèo); trong khi những người khác có phản ứng dị ứng với nhiều chất gây dị ứng khác vì họ có nhiều loại kháng thể IgE hơn.

- Immunoglobulin E còn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh ký sinh trùng, đặc biệt là những bệnh gây ra bởi giun và một số động vật nguyên sinh.

2. Các biểu hiện của tình trạng dị ứng

- Cần biết rằng không phải tất cả những người tiếp xúc với các kháng nguyên đều có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Một số người bị “dị ứng” có tính chất gia đình khi có phản ứng quá mẫn loại I đối với các kháng nguyên ở môi trường. Biểu hiện của phản ứng quá mẫn loại I là do tác động của các chất trung gian hóa học được giải phóng như histamin, leucotrien và các cytokine khác. Giải phóng histamin gây tăng tính thấm thành mạch, co thắt cơ trơn và tăng tiết chất nhầy. Leukotriene B4, C4, D4 và E4 cũng thường được tiết ra, gây ra các tình trạng viêm và phản vệ. Khi những chất này tiết ra nhiều và không được kiểm soát có thể dẫn đến sốc phản vệ và tử vong.

- Các triệu chứng có thể xảy ra ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể. Tùy vào đường xâm nhập và tác nhân gây dị ứng mà có những triệu chứng khác nhau.

+ Nếu tác nhân tiếp xúc qua đường hô hấp trên có thể gây ra các triệu chứng hắt xì, ngứa mũi, mắt đỏ và ngứa, viêm kết mạc dị ứng, sưng niêm mạc mũi, chảy nước mũi, ho và các triệu chứng khác. Ngoài ra, sự liên quan của đường hô hấp dưới ở bệnh nhân hen suyễn gặp phải phản ứng miễn dịch với aeroallergens dẫn đến co thắt cơ trơn đường thở, tăng sản xuất chất nhầy và viêm có biểu hiện là bệnh phổi tắc nghẽn, giãn mạch gây phù ở da, nổi mề đay…

+ Tác nhân tiếp xúc qua đường tiêu hóa có thể gây đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy, nôn mửa, môi, lưỡi bị sưng, nề, tê.

+ Dị ứng do bị côn trùng cắn có thể xuất hiện các triệu chứng sưng, ngứa, đổi màu da ở khu vực bị cắn, cơ thể xuất hiện các nốt phát ban gây ngứa, nặng hơn có thể gây hắt hơi, ho, tức ngực, khó thở, nghiêm trọng hơn có thể gây ra sốc phản vệ.

+ Dị ứng do sử dụng thuốc có thể gây ra các triệu chứng như đau bụng, ho, hắt hơi, tức ngực, khó thở, phát ban, nổi mề đay, nặng hơn nữa có thể dẫn đến sốc phản vệ.

3. Xét nghiệm IgE

- Xét nghiệm Immunoglobulin E là xét nghiệm đo tổng lượng kháng thể IgE trong máu bằng cách sử dụng công nghệ hóa phát quang trên hệ thống máy miễn dịch tự động

- Xét nghiệm thường được dùng để:

+ Sử dụng như một test dị ứng.

+ Được chỉ định đối với một loạt các bệnh ký sinh trùng.

+ Để chẩn đoán bệnh đa u tủy xương IgE.

+ Nồng độ IgE bình thường thay đổi theo độ tuổi.

+ Nồng độ bình thường ở người trưởng thành <100 IU/ml.

- Nồng độ IgE huyết thanh tăng có thể do các nguyên nhân:

+ Các bệnh dị ứng như: hen phế quản ngoại sinh, viêm da dị ứng, dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, viêm mũi dị ứng, bệnh sốt cỏ khô,...

+ Bệnh đa u tủy xương loại IgE.

+ Bệnh bọng nước da dạng pemphigus.

+ Viêm xoang.

+ Các bệnh về nhiễm ký sinh trùng như nhiễm giun đũa, giun móc, bệnh sán máng, nhiễm nấm echinococcus,...

- Nồng độ IgE giảm có thể do:

+ Thiếu hụt IgE bẩm sinh.

+ Giãn mạch não thất.

+ Ung thư biểu mô giai đoạn nặng.

+ Không có gamma globulin máu.

+ Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).

+ Bệnh đa u tủy xương không thuộc loại IgE.

Các triệu chứng của tình trạng dị ứng xuất hiện từ nhẹ đến nặng và có thể diễn biến rất nhanh. Triệu chứng nặng nhất chính là sốc phản vệ nếu không được xử trí kịp thời đúng cách có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy khi cơ thể xuất hiện những thay đổi bất thường sau khi tiếp xúc với một tác nhân lạ cần đến trung tâm y tế để được thăm khám và điều trị sớm tránh để tình trạng bệnh nặng.

Nếu bạn có bất cứ câu hỏi thắc mắc nào về kết quả xét nghiệm định lượng IgE hãy gọi điện thoại theo số: 024.3821.2644 - gặp TS. BS Nguyễn Thị Tuấn, phụ trách Khoa Miễn dịch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (trong giờ hành chính).

TS.BS Nguyễn Thị Tuấn

Khoa Miễn dịch – Bệnh viện TWQĐ 108

Từ khóa » Chỉ Số Ige Máu