Xét Nghiệm Đông Máu - Vai Trò Trong Phát Hiện, Chẩn đoán Và Xử Trí ...

I. Tổng quan

Khi thành mạch bị tổn thương, máu được cầm nhờ chỗ tổn thương được che phủ bởi cục máu đông chứa tiểu cầu và sợi huyết.

Quá trình đông máu

Hình 1: Quá trình đông máu

Quá trình đông máu huyết tương có thể được phát động bằng hai con đường: nội sinh và ngoại sinh. Kết quả khởi động hai con đường đều tạo ra phức hệ prothrombinase làm nhiệm vụ chuyển prothrombin thành thrombin. Fibrinogen dưới tác động của thrombin sẽ tạo ra lưới fibrin giam giữ tiểu cầu và các thành phần khác của máu tạo nên cục máu ổn định vững chắc có đủ khả năng cầm máu.

Các yếu tố đông máu huyết tương sẽ bị hoạt hóa theo kiểu dây chuyền và được ví như dòng thác.

Xét nghiệm đánh gía con đường đông máu ngoại sinh: PT (Prothrombin Time)

- Kết quả của PT thường được thể hiện ở các dạng:

+ Thời gian: giá trị bình thường khoảng 11-13 giây, kéo dài khi PT bệnh dài hơn PT chứng 3 giây.

+ %: giá trị bình thường khoảng 70-140%, giảm khi <70%.

+ INR: được sử dụng cho những bệnh nhân điều trị kháng vitamin K.

Xét nghiệm đánh giá con đường đông máu nội sinh: APTT (Activated Partial Thromboplastin Time)

- Kết quả của xét nghiệm đông máu APTT thường được thể hiện ở các dạng:

+ Thời gian: bình thường 25-33 giây.

+ Chỉ số (Ratio) APTT bệnh/APTTchứng: bình thường 0,85-1,25; APTT kéo dài khi chỉ số này >1,25.

Xét nghiệm đánh giá con đường chung: TT (Thrombin Time)

- Kết quả của TT thường được thể hiện ở các dạng:

+ Thời gian: bình thường 12-15 giây.

+ Chỉ số (Ratio) TT bệnh/TTchứng: bình thường: 0,80-1,25; TT kéo dài khi chỉ số này >1,25.

Sơ đồ đông máu theo con đường nội sinh và ngoại sinh

Hình 2: Sơ đồ đông máu theo con đường nội sinh và ngoại sinh

Xét nghiệm định lượng Fibrinogen

- Nồng độ fibrinogen bình thường: 2-4 g/l.

II. Chỉ định

- Chỉ định xét nghiệm nhằm mục đích sàng lọc, phát hiện nguy cơ chảy máu

- Chỉ định xét nghiệm khi bệnh nhân có triệu chứng trên lâm sàng hoặc tiền sử gợi ý có rối loạn đông cầm máu

- Chỉ định khi bệnh nhân điều trị thuốc chống đông

- Chỉ định cho bệnh nhân tiền phẫu.

III. Nguyên lý và ý nghĩa các xét nghiệm đông máu cơ bản

1. Xét nghiệm đo thời gian Prothrombin (PT)

1.1 Nguyên lý

Máu ra khỏi lòng mạch, máu sẽ bị đông theo con đường ngoại sinh. Khi cho thừa thromboplastin và calci vào máu chống đông bằng citrat thì con đường đông máu ngoại sinh được thực hiện ồ ạt. Đo thời gian từ khi bổ sung calci và nhiều thromboplastin đến lúc huyết tương đông lại để phản ánh hoạt tính các yếu tố đông máu tạo nên Prothrombin là yếu tố II, V, VII, X còn gọi là yếu tố đông máu theo con đường ngoại sinh.

1.2 Ý nghĩa

Thời gian Prothrombin kéo dài có thể do thiêu hụt yếu tố đông máu hoạt động theo con đường ngoại sinh. Trong 4 yếu tố đó thì 3 yếu tố II, VII, X được sản xuất tại gan và phụ thuộc vitamin K, vì vậy khi gan bị suy hay dùng thuốc kháng vitamin K thì PT héo dài. Mức độ kéo dài phụ thuộc vào mức độ giảm yếu tố và liều vitamin K đã dùng. Do vậy có thể dùng xét nghiệm này để theo dõi kháng vitamin K. Chỉ số điều trị có hiệu quả là PT đạt 25-30%. Kết quả xét nghiệm có thể được thể hiện theo chỉ số INR (International normalised Ratio) đó là (PT bệnh/PT chứng)^ISI. ISI là một chỉ số liên quan đến hóa chất sử dụng do đó khách quan hơn. Khi điều trị thuốc kháng vitamin K thì để có hiệu quả mà vẫn an toàn người ta khuyên dùng liều để xét nghiệm PT có INR đạt 2,5-3.

2. Xét nghiệm APTT (Activated partial thromboplastin time)

2.1 Nguyên lý

Xét nghiệm APTT đo thời gian đông của huyết tương từ khi phục hồi calci khi cho huyết tương ủ với Kaolin (hoạt hóa yếu tố tiếp xúc) và cephalin (có chức năng như yếu tố 3 tiểu cầu).

Xét nghiệm APTT

2.2 Ý nghĩa

APTT kéo dài là tình trạng rối loạn đông máu nội sinh (giảm đông) do thiếu hụt yếu tố bẩm sinh (hemophilia) hay do yếu tố đông máu đã bị tiêu thụ ( hội chứng DIC) hoặc do suy gan nặng không tổng hợp được yếu tố, cũng có thể trong máu có chất ức chế đông máu nội sinh, APTT kéo dài khi điều trị bằng heparin.

3. Thời gian Thrombin (TT)

3.1 Nguyên lý

Là đo thời gian đông khi cho thrombin vào huyết tương

3.2 Ý nghĩa

TT kéo dài là do thiếu fibinigen hoặc phân tử fibrinogen bất thường. TT còn kéo dài do sự có mặt heparin hay một số chất trung gian như PDF.

4. Xét nghiệm định lượng Fibrinogen

4.1 Nguyên lý

Huyết tương bệnh nhân được pha loãng và xét nghiệm thời gian đông với thrombin rồi đối chiếu đường cong chuẩn sẽ biết nồng độ fibrinogen (Fibrinogen được pha ở các nồng độ khác nhau rồi cho thrombin. Kết quả xét nghiệm này sẽ tạo được một đường cong chuẩn nồng độ fibrinogen- thời gian.)

4.2 Ý nghĩa

Fibrinogen tăng trong viêm nhiễm

Fibrinogen giảm có thể do tiêu thụ (hội chứng DIC), tiêu fibrin, hay mắc bệnh không có fibrinogen.

IV. Cách lấy mẫu, thời gian trả kết quả

- 2 ml máu chống đông citrat 3,8% hoặc 3,2%.

- Mẫu được bảo quản 22-28oC và chuẩn về labo trước 4h từ khi lấy mẫu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Nữ (2006), Tăng đông, huyết khối: cơ chế bệnh sinh và phác đồ xét nghiệm tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Một số chuyên đề Huyết học – Truyền máu, tập 2, NXB Y học, tr. 158 – 169.

2. Nguyễn Anh Trí (2008), Đông máu ứng dụng trong lâm sàng, NXB Y học.

3. Bài viết: Chỉ định xét nghiệm đông máu – Viện Huyết học

Từ khóa » Số đồ đông Máu Nội Sinh Và Ngoại Sinh