Xét Nghiệm FSH Chẩn đoán Vô Sinh Sớm ở Nữ - VnExpress Sức Khỏe

Theo lý thuyết, xét nghiệm FSH (Follicle Stimulating Hormone) được sử dụng để đánh giá khả năng dự trữ buồng trứng ở nữ giới. Dự trữ buồng trứng cho biết số lượng và chất lượng của trứng còn lại trong buồng trứng. Nồng độ FSH cao có thể cho thấy dự trữ buồng trứng bị suy giảm, điều này có thể khiến việc mang thai trở nên khó khăn hơn. Các phương pháp điều trị sinh sản có thể không hiệu quả bằng việc kích thích rụng trứng hoặc phát triển nang trứng, cụ thể là tiêm FSH vào cơ thể nữ giới.

Vai trò của hormone FSH

Mỗi tế bào trứng được bao bọc trong một nang trứng. Sự tăng trưởng và phát triển của các tế bào trứng diễn ra bình thường sẽ kích thích quá trình rụng trứng. Ở phụ nữ, hormone FSH được sản xuất từ tuyến yên có vai trò kích thích nang noãn phát triển, trứng sẽ giải phóng estrogen để đáp ứng. Theo vòng chu kỳ đó, khi các nang trứng lớn hơn, chúng sẽ tiết ra nhiều estrogen hơn, nếu nồng độ estrogen cao sẽ làm chậm quy trình giải phóng FSH. Nói cách khác, nồng độ FSH giảm tự nhiên khi các nang trứng lớn hơn và trứng trong buồng trứng đã trưởng thành. Nếu tế bào nang trứng không phát triển và tiết ra estrogen, thì mức FSH sẽ không giảm.

Kiểm tra nồng độ FSH có thể đánh giá khả năng mang thai ở nữ Ảnh: Healthline

Kiểm tra nồng độ FSH có thể đánh giá khả năng mang thai ở nữ Ảnh: Healthline

Trên thực tế, cơ thể sẽ tiết ra nhiều FSH nhằm kích thích sự phát triển của trứng. Mức FSH cao có thể cho thấy dự trữ buồng trứng thấp, nghĩa là cả số lượng và chất lượng của trứng đều thấp. Nồng độ FSH cũng được sử dụng để đánh giá quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm thuốc hỗ trợ sinh sản có hiệu quả hay không. Những phụ nữ có nồng độ FSH cao (dự trữ buồng trứng thấp) ít có khả năng đáp ứng với các loại thuốc hỗ trợ sinh sản liều cao. Tùy thuộc vào mức độ FSH như thế nào, bác sĩ sản khoa sẽ đưa ra các phương pháp điều trị IVF có tỷ lệ thành công cao hay thấp.

Mức FSH bình thường là bao nhiêu?

Xét nghiệm máu và phân tích chỉ số FSH có thể đưa ra kết quả về chẩn đoán khả năng sinh sản ở nữ giới. Thời gian xét nghiệm FSH cũng có vai trò quan trọng vì nồng độ hormone này thay đổi theo từng ngày trong suốt chu kỳ kinh nguyệt. Để kiểm tra sức khỏe sinh sản nữ giới cơ bản và đánh giá dự trữ buồng trứng chính xác, cần tiến hành xét nghiệm máu vào ngày thứ 3 của kỳ kinh (ngày 1 tính từ ngày bắt đầu có kinh nguyệt).

Một nghiên cứu về nồng độ FSH trong ngày thứ 3 của kỳ kinh và kết quả IVF cho thấy ở những phụ nữ có mức FSH thấp hơn 15 mIU/ ml có tỷ lệ thụ thai bằng IVF thành công hơn người có mức FSH từ 15 mIU/ ml đến 24,9 mIU/ ml. Với nồng độ FSH từ 25 mIU/ ml, tỷ lệ mang thai thấp hơn. Nồng độ FSH cao bất thường tức là cơ thể cần nhiều FSH hơn để kích thích trứng trưởng thành và rụng trứng. Điều này cũng cho thấy chất lượng và số lượng trứng trong buồng trứng ít hơn mức lý tưởng.

Tuy nhiên, nồng độ FSH cao không có nghĩa là không thể mang thai. Phụ nữ có nồng độ FSH quá thấp cũng không hẳn là tốt. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang có vấn đề với tuyến yên hoặc hoạt động bất thường ở buồng trứng do mức hormone hoàng thể (LH) xuống thấp.

Trong một số trường hợp, nồng độ FSH không đưa ra kết quả chính xác về khả năng mang thai ở nữ, đặc biệt ở những phụ nữ bị hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS). Hay khi nồng độ FSH ở mức bình thường nhưng nồng độ estradiol (hormone giúp đánh giá chức năng sinh sản nữ) trong ngày 3 của chu kỳ lại cao bất thường, bạn vẫn có thể bị dự trữ buồng trứng thấp.

Ngoài ra, độ tuổi không quy định nồng độ FSH nhưng lại có ảnh hưởng tới khả năng thụ thai. Nhiều chị em ngoài 35 khi kiểm tra nồng độ FSH ở mức bình thường nhưng lại khó mang thai do vấn đề tuổi tác. Do đó, phải kiểm tra đồng thời cả nồng độ FSH cùng LH và estrogen (cụ thể là estradiol hoặc E2) để đưa ra kết luận chính xác.

Bảo Bảo (Theo Very Well Family)

Từ khóa » Chỉ Số Fsh