Xét Nghiệm Rối Loạn đông Máu Là Gì? Các Chỉ Số Bạn Cần Lưu ý

Nội dung bài viết

  • Tổng quan về tình trạng đông máu của cơ thể
  • Xét nghiệm đông máu cơ bản là gì?
  • Các loại xét nghiệm đông máu cơ bản
  • Chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý
  • Những đối tượng cần phải xét nghiệm đông máu
  • Xét nghiệm đông máu để làm gì?
  • Nguyên lý và ý nghĩa các xét nghiệm đông máu cơ bản
  • Quy trình, cách lấy mẫu xét nghiệm đông máu
  • Cách đọc kết quả xét nghiệm đông máu
  • Các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm đông máu
  • Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm đông máu
  • Xét nghiệm đông máu bao nhiêu tiền và ở đâu?

Xét nghiệm đông máu là một trong những xét nghiệm huyết học được nhiều người quan tâm. Rối loạn đông máu có thể gây nên nhiều biến chứng cho sức khỏe của người bệnh. Vậy xét nghiệm đông máu là gì? Như thế nào là xét nghiệm đông máu cơ bản? Cách đọc xét nghiệm đông máu? Hãy cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu các thông tin về xét nghiệm đông máu thông qua bài viết dưới đây.

Tổng quan về tình trạng đông máu của cơ thể

Máu là một thành phần cần thiết của cơ thể con người, và việc mất máu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Máu được tạo ra thông qua quá trình tạo máu và cuối cùng trở thành phương thức phân phối oxy đến các mô và tế bào.1

Cơ thể hạn chế việc mất máu thông qua cơ chế đông máu. Cơ chế mạch máu, tiểu cầu, các yếu tố đông máu, prostaglandin, enzym và protein là những yếu tố góp phần vào cơ chế đông máu. Chúng hoạt động cùng nhau để tạo thành cục máu đông và ngăn chặn sự mất máu.1

Thông qua co mạch, kết dính, kích hoạt và tập hợp, các yếu tố trên tạo thành một nút tạm thời để hoạt động như nút thắt cho dòng máu bị rò rỉ. Ngay sau đó, fibrin, dạng hoạt động của fibrinogen sẽ ổn định nút tiểu cầu yếu này.1

Cục máu đông giúp ngăn chặn sự mất máu khi có vết thương nhỏ
Cục máu đông giúp ngăn chặn sự mất máu khi có vết thương nhỏ

Xét nghiệm đông máu cơ bản là gì?

Xét nghiệm đông máu cơ bản có công dụng đo khả năng đông máu và thời gian máu đông lại. Xét nghiệm loại này giúp bác sĩ đánh giá nguy cơ chảy máu quá mức hay sự hình thành cục máu đông (huyết khối). Các xét nghiệm đông máu tương tự hầu hết những loại xét nghiệm máu khác.2

Xét nghiệm rối loạn đông máu có vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Có được điều này vì xét nghiệm hỗ trợ việc phát hiện ra các cục máu đông. Nó giúp người bệnh đề phòng đau tim, đột quỵ và giảm nguy cơ tử vong. Bên cạnh đó, rối loạn đông máu còn phản ánh các bệnh khác như: Chảy máu lâu cầm, bệnh gan, thiếu vitamin C,…3

Các loại xét nghiệm đông máu cơ bản

Một số loại xét nghiệm đông máu cơ bản như:

  • Xét nghiệm đo thời gian Prothrombin (PT).
  • Xét nghiệm APTT.
  • Xét nghiệm thời gian Thrombin (TT).
  • Xét nghiệm định lượng Fibrinogen.
  • Xét nghiệm định lượng D-Dimer.
Một trong những xét nghiệm đông máu cơ bản là xét nghiệm định lượng Fibrinogen
Một trong những xét nghiệm đông máu cơ bản là xét nghiệm định lượng Fibrinogen

Chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý

Sau đây là quy trình chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý theo Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương:4

  • Thực hiện các xét nghiệm vòng đầu: bao gồm xét nghiệm PT, APTT, TT và số lượng tiểu cầu.
  • Phân tích và đánh giá các kết quả vòng đầu: dựa trên kết quả xét nghiệm để chẩn đoán bệnh lý hoặc tiến hành chỉ định xét nghiệm vòng 2.
  • Thực hiện các thăm dò vòng 2: định lượng các yếu tố đông máu, đánh giá thời gian chảy máu và một số phát hiện liên quan khác.
  • Chẩn đoán rối loạn đông máu: xác định loại rối loạn, mức độ rối loạn… Ở bước này cần phải đánh giá đúng tình trạng để xác định hướng xử lý phù hợp tiếp theo.

Chỉ định xét nghiệm đông máu hợp lý sẽ tối ưu hóa việc xác định tình trạng rối loạn đông máu của bệnh nhân.

Những đối tượng cần phải xét nghiệm đông máu

Nếu rơi vào một trong các trường hợp sau, bạn hãy đến bệnh viện để kiểm tra tình trạng đông máu của cơ thể:5 6

  • Sử dụng thuốc làm ảnh hưởng quá trình đông máu như: Warfarin, Aspirin, Heparin,…
  • Gia đình có tiền sử bị rối loạn đông máu, bản thân có tiền sử sảy thai nhiều lần, tiền sử đột quỵ “nhẹ”.
  • Xuất hiện các triệu chứng sau: có máu trong nước tiểu hoặc phân, chảy máu quá nhiều (chảy máu cam; vết thương hoặc phẫu thuật; sau sinh con; kinh nguyệt); vết bầm tím xuất hiện thường xuyên; các đốm màu tím đỏ hoặc nâu xuất hiện dưới da; khớp bị đỏ, cứng, hoặc đau.
  • Sử dụng một số thuốc để điều trị ung thư như: tamoxifen, bevacizumab, thalidomide và lenalidomide.
  • Các yếu tố nguy cơ gây tăng đông máu như: mắc bệnh ung thư; chấn thương hoặc phẫu thuật gần đây; béo phì; mang thai; đặt catheter tĩnh mạch trung tâm; sử dụng estrogen (viên uống tránh thai, hormone,…); nằm bất động lâu ngày; đau tim, suy tim sung huyết, đột quỵ; giảm tiểu cầu; di chuyển bằng máy bay kéo dài; hội chứng kháng thể kháng phospholipid; tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc phổi; bệnh đa hồng cầu hoặc tăng tiểu cầu; đái huyết sắc tố kịch phát về đêm; HIV/AIDS; hội chứng thận hư.
  • Trẻ sơ sinh bị chảy máu cuống rốn khoảng 1 đến 2 tuần sau khi cắt dây rốn. Thậm chí chảy máu không ngừng.

Xét nghiệm gen đông máu khi mang thai7

Bệnh máu khó đông là một nhóm các rối loạn di truyền khiến máu đông bất thường. Bệnh huyết khối có liên quan đến tình trạng sẩy thai nhiều lần, hạn chế sự phát triển của thai nhi, sảy thai muộn, thai chết lưu và tiền sản giật. Một thai kỳ thành công đòi hỏi một tuần hoàn tử cung hiệu quả.

Nghiên cứu bao gồm 459 phụ nữ mang thai với tuổi thai từ 14 – 28 tuần và đã được kiểm tra bệnh huyết khối di truyền. Loại đột biến huyết khối phổ biến nhất được tìm thấy là đột biến MTHFR (25,7%), tiếp theo là đột biến gen prothrombin (20,9%) và đột biến yếu tố V Leiden (15,7%). Cũng có 15,03% bệnh nhân được chẩn đoán là TSG và 6,75% phụ nữ mang thai có thai nhi IUGR.

Vì vậy nên xét nghiệm gen đông máu trước khi mang thai nên thực hiện để đảm bảo thai phụ có một thai kỳ khỏe mạnh.

Xét nghiệm gen đông máu khi mang thai là khuyến nghị để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh
Xét nghiệm gen đông máu khi mang thai là khuyến nghị để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh

Xét nghiệm đông máu để làm gì?

Nhờ có xét nghiệm này, người ta có thể xác định được những nguyên nhân gây rối loạn đông máu khi bệnh nhân không dùng thuốc chống đông. Những triệu chứng có thể gặp khi bị rối loạn đông máu như:3

  • Chảy máu quá nhiều và không dừng lại (khi không có áp lực).
  • Cơ thể dễ bầm tím.
  • Có máu trong nước tiểu hoặc phân.
  • Chảy máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi sinh con.
  • Chảy máu dưới da.
  • Chảy máu ở cuống rốn của trẻ sơ sinh.

Xét nghiệm đông máu có thể xác định sơ lược tình trạng của gan bởi tổn thương gan ảnh hưởng đến việc hình thành các yếu tố đông máu (fibrinogen, prothrombin). Xét nghiệm này còn có thể giúp đánh giá khả năng đông máu của bệnh nhân trước khi tiến hành các tiểu/đại phẫu.2

Nguyên lý và ý nghĩa các xét nghiệm đông máu cơ bản

Xét nghiệm đo thời gian Prothrombin (PT)8

Nguyên lý

Xét nghiệm PT giúp đo hoạt tính đông máu của con đường ngoại sinh và cả con đường chung. Nó phụ thuộc vào chức năng của các yếu tố II, X, VII, X và Fibrinogen.

Ý nghĩa

Bất thường Phân tích kết quả
PT kéo dài đơn độc Giảm yếu tố VII.
PT kéo dài cùng với các kết quả bất thường khác
  • Vitamin K bị suy giảm, do:
    • Sử dụng các chất đối kháng vitamin K (warfarin, phenidione)
    • Bệnh lý gan kém hấp thu (làm suy giảm lượng vitamin K)
  • Sử dụng những chất ức chế thrombin trực tiếp như lepirudin, argatroban
  • Bệnh lý mất fibrinogen máu hoặc rối loạn chức năng fibrinogen
  • Suy giảm nhiều yếu tố đông máu.
  • Bất thường chu trình vitamin K.
  • Bất thường NST.

Xét nghiệm APTT9

Nguyên lý

Ngược lại với PT, xét nghiệm APTT đo hoạt tính con đường đông máu nội sinh và con đường chung. Trong xét nghiệm này, một chất tên là cephallin sẽ dùng để thay thế cho phospholipid tiểu cầu.

Ý nghĩa

APTT có thể kéo dài do:

  • Rối loạn đông máu nội sinh.
  • Yếu tố đông máu bị tiêu thụ (hội chứng DIC).
  • Tổn thương gan: không tổng hợp được các yếu tố đông máu.
  • Điều trị bằng heparin.

Xét nghiệm thời gian Thrombin (TT)10

Nguyên lý

Xét nghiệm TT sẽ tiến hành bằng cách cho thrombin của người/bò vào huyết tương. Nó sẽ phản ánh hiệu quả của sự chuyển fibrinogen thành fibrin.

Ý nghĩa

TT sẽ tăng nếu fibrinogen bị bất thường. Ngoài ra kết quả thời gian thrombin sẽ tăng nếu sử dụng một số thuốc chống đông (ngoại trừ warfarin).

Xét nghiệm định lượng Fibrinogen11

Nguyên lý

Xét nghiệm này dùng để xác định mức độ fibrinogen trong máu của bạn. Fibrinogen (yếu tố I), là một protein huyết tương được tạo ra trong gan. Nó là một trong 13 yếu tố đông máu chịu trách nhiệm cho quá trình đông máu bình thường.

Ý nghĩa

Fibrinogen có thể tăng trong tình trạng viêm nhiễm.

Fibrinogen có thể giảm do hội chứng DIC hay mắc bệnh không có fibrinogen.

Xét nghiệm D-Dimer12

Nguyên lý

Xét nghiệm định lượng D-Dimer là phương pháp chẩn đoán bệnh giúp loại trừ sự hiện diện của cục máu đông “nặng”.

Ý nghĩa

Nếu xét nghiệm dương tính, có thể có nguy cơ bạn sẽ bị huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) hoặc thuyên tắc phổi (PE).

Quy trình, cách lấy mẫu xét nghiệm đông máu

Quy trình lấy mẫu xét nghiệm rối loạn đông máu cũng tương tự như các xét nghiệm máu khác.

  • Bạn sẽ được sát trùng vùng da lấy mẫu bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Nhân viên lấy mẫu sẽ dùng một cây kim nhỏ chuyên dụng để lấy mẫu máu của bạn bằng đường tĩnh mạch. Một lượng máu nhỏ sẽ được thu thập vào lọ đựng mẫu.
  • Bạn có thể cảm thấy khó chịu khi kim đi vào và đi ra. Quá trình này thường kéo dài ít hơn 5 phút.
  • Sau khi lấy mẫu, nhân viên sẽ cầm máu cho bạn bằng một gạc y tế.

Cách đọc kết quả xét nghiệm đông máu

Loại xét nghiệm rối loạn đông máu Phân tích kết quả xét nghiệm
Xét nghiệm đo thời gian Prothrombin (PT)13
  • Kết quả thường được báo cáo dưới dạng tỉ lệ chuẩn hóa quốc tế INR (biểu thị dưới dạng một bộ số).
  • Mức độ bình thường của người không dùng thuốc chống đông là 0,9 đến khoảng 1,1. Đối với người dùng warfarin, INR dự kiến ​​thường từ 2 đến 3,5.
  • Nếu máu đông trong khoảng thời gian bình thường, có thể bạn không bị rối loạn chảy máu.
  • Nếu bạn đang dùng thuốc chống đông máu, cục máu đông sẽ mất nhiều thời gian hơn để hình thành. Khi đó, bác sĩ sẽ xác định thời gian đông máu “chuẩn” của bạn.
  • Huyết tương thường mất từ ​​11 đến 13,5 giây để đông nếu chúng ta không dùng thuốc chống đông.
Xét nghiệm APTT14
  • Giá trị bình thường của APTT là 30 đến 40 giây, với PTT là 60 giây đến 70 giây. Các số liệu này  của người không dùng heparin.
  • Nếu bạn đang sử dụng heparin, kết quả PTT rơi vào khoảng 120 giây đến 140 giây và APTT là 60 giây đến 80 giây.
  • Nếu chỉ số của bạn cao hơn bình thường, có thể bạn đang gặp vấn đề rối loạn đông máu.
  • Thông thường, bạn sẽ nhận được các xét nghiệm khác cùng lúc. Các loại xét nghiệm đi kèm tùy thuộc vào những thông tin bác sĩ của bạn cần. Sự phối hợp này vớ mục đích đủ dữ liệu kết luận bệnh.
  • Hiếm khi chỉ số APTT của một người thấp hơn bình. Nếu điều này xảy ra, bạn có nguy cơ cao sẽ bị cục máu đông. Trường hợp này thường gặp hơn ở phụ nữ bị sảy thai vài lần. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định nhiều bài kiểm tra hơn để đưa ra kết luận chính xác.
Xét nghiệm thời gian Thrombin (TT)10
  • TT sẽ kéo dài nếu mức fibrinogen có chức năng < 1g/L
Xét nghiệm định lượng Fibrinogen11
  • Nồng độ bình thường của fibrinogen là từ 2 đến 4 gam trong 1 lít máu.
  • Kết quả bất thường có thể cao hơn hoặc thấp hơn phạm vi tham chiếu.
  • Nguyên nhân dẫn đến kết quả bất thường: sử dụng quá nhiều fibrinogen, thiếu hụt fibrinogen, tiêu sợi huyết bất thường, xuất huyết.
Xét nghiệm D – Dimer12
  • Nếu kết quả “âm tính”, bạn không gặp vấn đề với việc đông máu.
  • Nếu kết quả “cao”, bạn sẽ cần xét nghiệm thêm để kết luận liệu bạn có bị rối loạn đông máu hay không.
  • Bạn cũng có thể nhận được kết quả cao vì những lý do khác ngoài cục máu đông, chẳng hạn như: nhiễm trùng, bệnh gan, một số bệnh ung thư.

Các yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm đông máu

Dưới đây là một số yếu tố sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm:15

  • Vận động thể chất.
  • Căng thẳng tinh thần.
  • Giai đoạn thai kỳ, thời kỳ kinh nguyệt.
  • Thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế nội tiết tố.
  • Tư thế khi lấy máu.
  • Chế độ ăn uống.

Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm đông máu

Trong quá trình bác sĩ tiến hành các xét nghiệm rối loạn đông máu, bạn cần biết những điều sau:

  • Tại vị trí lấy máu sẽ để lại cảm giác đau nhức hoặc bầm tím nhẹ.
  • Nếu bạn bị rối loạn đông máu, tại vị trí lấy máu xét nghiệm sẽ khó cầm máu hoặc tụ máu nhiều hơn bình thường.
  • Mặc dù hiếm xảy ra nhưng ở một số người, sau khi lấy máu làm xét nghiệm sẽ có nguy cơ nhiễm trùng tại vị trí tiêm. Bạn có thể cảm thấy hơi đau nhức tại đó. Hãy báo cho nhân viên y tế nếu bạn cảm thấy chóng mặt và sắp ngất xỉu.
  • Bạn không cần phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm. Tuy nhiên hãy đề cập với bác sĩ về chế độ ăn của mình phòng trường hợp bữa ăn có quá nhiều thực phẩm ảnh hưởng đến sự đông máu như vitamin K.
  • Hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc kháng đông.
Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng thuốc kháng đông
Thông báo với bác sĩ nếu bạn đang sử dụng thuốc kháng đông

Xét nghiệm đông máu bao nhiêu tiền và ở đâu?

Xét nghiệm đông máu cơ bản hoặc xét nghiệm rối loạn đông máu là các xét nghiệm phổ biến. Một mối quan tâm không thể không nhắc tới của người dân là nên lựa chọn cơ sở xét nghiệm nào để xét nghiệm đông máu? Xét nghiệm đông máu bao nhiêu tiền? Hiểu được điều đó YouMed xin gửi đến bạn bài viết Xét nghiệm đông máu bao nhiêu tiền và ở đâu?

Trên đây là toàn bộ những thông tin về xét nghiệm đông máu. Trong đó, mỗi loại xét nghiệm đông máu sẽ mang kết quả và ý nghĩa riêng. Mong rằng qua những nội dung YouMed đã chia sẻ, độc giả sẽ có cho mình những thông tin cần thiết về loại xét nghiệm này. Khi phát hiện bản thân có những bất thường, hãy đi khám ngay để được bác sĩ chỉ định xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Từ khóa » Chỉ Số Aptt Bình Thường