Xét Nghiệm Rubella ở Thai Phụ Là Gì? Có Cần Nhịn ăn Không?

Bệnh Rubella tuy không ảnh hưởng không nhiều đến người bình thường nhưng có thể tác động đến sự phát triển của thai nhi và gây tình trạng dị tật thai nhi. Xét nghiệm Rubella giúp thai phụ phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, tránh biến chứng thai kỳ.

xét nghiệm rubella

Tổng quan về bệnh Rubella

Bệnh Rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức/ bệnh sởi ba ngày là loại bệnh nhiễm trùng xảy ra do sự hiện diện của virus Rubella trong cơ thể. Thuật ngữ Rubella có nguồn gốc từ tiếng Latinh “little red”, nghĩa là phát ban đỏ. Phát ban đỏ cũng được xem là biểu hiện đặc trưng của bệnh, cùng với đặc tính lây lan nên dễ nhầm lẫn với bệnh sởi.

Bệnh thường sẽ khỏi trong vài ngày. Virus Rubella có thể được ngăn ngừa bằng vắc xin sởi – quai bị – rubella (MMR), thường được tiêm khi còn nhỏ hoặc độ tuổi đi học. (1)

Xét nghiệm Rubella là gì?

Xét nghiệm chẩn đoán Rubella căn cứ vào định lượng Rubella IgM và IgG – hai kháng thể của virus Rubella. Khi tiếp xúc với virus Rubella, hệ thống miễn dịch sẽ sản sinh ra protein đặc hiệu (kháng thể), ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng do virus gây ra. Vì thế khi mắc bệnh, xét nghiệm Rubella sẽ tìm thấy hai kháng thể IgM và IgG trong máu.

banner tâm anh quận 7 content

Xét nghiệm Rubella có hai loại, bao gồm: xét nghiệm kháng thể IgM (chẩn đoán sàng lọc người nghi ngờ nhiễm virus Rubella) và xét nghiệm kháng thể IgG (kiểm tra có hay không miễn dịch với Rubella trong cơ thể).

Định lượng Rubella IgG và Rubella IgM là gì?

IgM và IgG là hai loại kháng thể của virus Rubella. Khi cơ thể bị nhiễm virus Rubella, kháng thể IgG và IgM sẽ được tạo ra. Các kháng thể này bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Kháng thể IgM được tạo ra vài ngày sau khi tình trạng nhiễm trùng bắt đầu diễn ra và cho thấy một bệnh nhiễm trùng gần đây.

Nếu xét nghiệm Rubella IgG cho biết bạn đã từng bị nhiễm trùng hoặc đã tiêm vắc xin trong quá khứ thì xét nghiệm Rubella IgM giúp chẩn đoán tình trạng nhiễm Rubella gần đây trong cơ thể.

Xét nghiệm kháng thể Rubella IgM

Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm Rubella IgM bởi những lý do sau:

  • Nghi ngờ bạn đã mắc bệnh sởi, Rubella hoặc quai bị.
  • Xét nghiệm có thể được thực hiện trong thời kỳ đầu mang thai để xác minh khả năng miễn dịch ở mẹ và thai nhi.
  • Rubella khi mang thai có thể gây ra Hội chứng Rubella bẩm sinh hoặc thai chết lưu, sẩy thai, dị tật bẩm sinh, điếc và thậm chí tử vong cho thai nhi đang phát triển.

Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh Rubella thường xuất hiện trong vòng 14 đến 21 ngày sau khi bị nhiễm trùng. Vì vậy, bác sĩ cũng có thể yêu cầu xét nghiệm Rubella IgM nếu người bệnh có các triệu chứng sau:

  • Xuất hiện ban đỏ trên mặt, lan dần xuống toàn thân, tay, chân
  • Sốt nhẹ
  • Nghẹt mũi
  • Đỏ hoặc viêm mắt
  • Đau các khớp
  • Dị vật của các hạch bạch huyết

Xét nghiệm Rubella IgM cũng có thể được thực hiện với: người đang có các triệu chứng Rubella, phụ nữ muốn phòng ngừa khi có ý định mang thai, phụ nữ mang thai nghi ngờ mắc bệnh, trẻ bị dị tật bẩm sinh hoặc mắc hội chứng rubella bẩm sinh, trẻ sơ sinh có mẹ đã được xét nghiệm Rubella, sinh viên đang có ý định học liên thông hoặc đi du học nước ngoài hoặc nhân viên y tế đã tiếp xúc với bệnh nhân Rubella hoặc đã được chủng ngừa trong quá khứ.

Xét nghiệm kháng thể Rubella IgG

Xét nghiệm này nhằm kiểm tra một người đã có miễn dịch với Rubella hay chưa. Kháng thể Rubella IgG không giảm dần như kháng thể Rubella IgM. Chúng sẽ tồn tại trong máu ngay cả khi đã điều trị khỏi bệnh, giúp chống lại virus Rubella tấn công cơ thể vào những lần sau. Vì thế, khi đã nhiễm Rubella, bạn có thể sẽ không bị tái nhiễm virus này.

Xét nghiệm IgG thường thực hiện đối với nhân viên y tế, phụ nữ trước khi mang thai, người chuẩn bị đi công tác hay du lịch đến vùng dịch,… để xác định cơ thể đã có miễn dịch với Rubella hay chưa.

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm Rubella

Kết quả xét nghiệm Rubella sẽ cho biết một người có đang mắc bệnh hay đã có kháng thể với mầm bệnh này hay chưa. Với phụ nữ đang mang thai, xét nghiệm Rubella có ý nghĩa rất quan trọng, giúp sớm phát hiện virus, từ đó đưa ra phương pháp xử trí phù hợp, hạn chế tối đa các trường hợp trẻ em mắc các dị tật bẩm sinh do người mẹ nhiễm Rubella. (2)

ý nghĩa kết quả xét nghiệm rubella
Xét nghiệm Rubella cho biết cơ thể đã có 2 kháng thể IgM và IgG hay chưa

Kết quả xét nghiệm Rubella IgM

  • Kết quả xét nghiệm Rubella IgM cho biết bạn đã nhiễm bệnh này hay chưa. Nếu kết quả xét nghiệm cho ra chỉ số nhỏ hơn 0,8 AI, đồng nghĩa bạn âm tính và không có sự hiện diện của nhiễm trùng trong máu.
  • Tuy nhiên, ở một số trường hợp, thời điểm xét nghiệm Rubella diễn ra quá sớm, khi kháng thể chưa hình thành trong máu, kết quả cho ra cũng âm tính. Bên cạnh đó, một số trường hợp bệnh nhân không tạo đủ kháng thể IgM để xét nghiệm nhận diện do hệ miễn dịch yếu, đang điều trị với thuốc ức chế miễn dịch hoặc nhiễm HIV,… có thể cho kết quả xét nghiệm Rubella IgM âm tính giả.
  • Còn nếu kết quả xét nghiệm IgM dương tính, bạn đã nhiễm virus Rubella, và đang ở giai đoạn ủ bệnh hoặc khởi phát bệnh. Bạn nên theo dõi các triệu chứng sốt, phát ban, viêm đỏ mắt, đau khớp,… Nếu bệnh có dấu hiệu chuyển nặng, cần đến cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời.
  • Kết quả xét nghiệm IgM không chính xác cũng có thể do thành phần trong kít test phản ứng với một số loại protein trong máu, gây ra dương tính giả. Ngoài ra, một số loại virus cũng tạo ra kháng thể tương tự nên vẫn cho kết quả dương tính. Nếu phát hiện bất thường trong xét nghiệm Rubella, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm bổ sung để đảm bảo chính xác.

Kết quả xét nghiệm Rubella IgG

  • Xét nghiệm IgG để xác định một người đã có miễn dịch với Rubella hay chưa.
  • Nếu kết quả Rubella IgG > 10 IU/L, cơ thể đã có miễn dịch bảo vệ. Trường hợp kết quả ≤ 10 IU/L, bạn không có hoặc có ít kháng thể nên không đủ bảo vệ cơ thể khi nhiễm virus Rubella. Bạn cần tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh.
  • Kết quả xét nghiệm IgG có nồng độ 0.8-0.9 cho thấy có thể người bệnh vừa tiêm vắc xin Rubella nên chưa xuất hiện kháng thể trong máu. Người bệnh nên chờ một thời gian để thực hiện lại xét nghiệm.

Những kiến thức cần biết về xét nghiệm Rubella ở thai phụ

Bệnh Rubella rất nguy hiểm cho phụ nữ mang thai và thai nhi đang phát triển. Bất kỳ ai không được tiêm vắc xin phòng bệnh Rubella đều có nguy cơ mắc bệnh. Mặc dù rubella đã được tuyên bố loại trừ khỏi Hoa Kỳ vào năm 2004, các trường hợp có thể xảy ra khi những người chưa được tiêm chủng tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh, chủ yếu là qua du lịch quốc tế. Phụ nữ nên đảm bảo rằng họ được bảo vệ khỏi bệnh rubella trước khi mang thai.

Nhiễm vi rút rubella gây tổn thương nặng nề nhất khi người mẹ bị nhiễm sớm trong thai kỳ, đặc biệt là trong 12 tuần đầu (tam cá nguyệt đầu tiên). Trong giai đoạn 2005-2018, 15 trẻ sơ sinh mắc Hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS) đã được báo cáo ở Hoa Kỳ.

Hội chứng rubella bẩm sinh là tình trạng xảy ra ở trẻ đang phát triển trong bụng mẹ có mẹ bị nhiễm virus rubella. Phụ nữ mang thai nhiễm rubella có nguy cơ bị sẩy thai hoặc thai chết lưu, và những đứa trẻ trong bụng mẹ có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh nghiêm trọng với hậu quả tàn khốc suốt đời. CRS có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi thứ trong cơ thể của em bé đang phát triển.

Các dị tật bẩm sinh phổ biến nhất do CRS có thể bao gồm:

  • Điếc
  • Đục thủy tinh thể
  • Khuyết tật tim
  • Thiểu năng trí tuệ
  • Tổn thương gan và lá lách
  • Cân nặng khi sinh thấp
  • Phát ban da khi sinh

Các biến chứng ít phổ biến hơn từ CRS có thể bao gồm:

  • Bệnh tăng nhãn áp
  • Tổn thương não
  • Các vấn đề về tuyến giáp và hormone khác
  • Viêm phổi

Phụ nữ mang thai có cần xét nghiệm Rubella không?

phụ nữ mang thai có cần xét nghiệm rubella không
Phụ nữ cần được tiêm phòng trước khi mang thai để tránh gây dị tật thai nhi
  • Mặc dù các triệu chứng cụ thể có thể được điều trị, nhưng đến nay vẫn chưa có cách chữa khỏi bệnh. Vì vậy, phụ nữ có ý định mang thai cần phải được tiêm phòng hoặc đi kiểm tra để đảm bảo rằng họ đã được tiêm phòng trước khi mang thai.
  • Vì vắc xin sởi – quai bị – rubella là vắc xin virus sống giảm độc lực (được làm suy yếu) nên phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc xin này mà đợi sau khi sinh xong mới thực hiện chủng ngừa MMR.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tránh mang thai ít nhất bốn tuần sau khi chủng ngừa MMR.
  • Phụ nữ mang thai không nên chủng ngừa MMR.

Xét nghiệm được thực hiện như thế nào?

  • Sau khi sát khuẩn khu vực lấy máu, buộc garo làm phồng tĩnh mạch giúp lấy máu dễ dàng hơn, kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ thực hiện việc lấy mẫu máu.
  • Một cây kim nhỏ sẽ được đưa vào tĩnh mạch ở cánh tay người bệnh
  • Máu sẽ được rút ra từ từ và bơm vào lọ đựng nhỏ
  • Garô được tháo ra
  • Một miếng bông nhỏ sẽ được ấn vào chỗ vừa rút kim tiêm để cầm máu và dán lên 1 miếng băng cá nhân
  • Ống máu sau đó sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm.

Khi nào bạn sẽ nhận được kết quả xét nghiệm?

Bạn sẽ nhận được kết quả xét nghiệm trong vòng một hoặc hai ngày sau đó.

Xét nghiệm Rubella có cần phải nhịn ăn?

Bạn không cần chuẩn bị gì và cũng không cần nhịn ăn trước khi thực hiện xét nghiệm. Trường hợp bác sĩ yêu cầu bạn thực hiện thêm xét nghiệm máu, bạn cần nhịn ăn, uống vài giờ trước khi thực hiện xét nghiệm.

Chi phí xét nghiệm Rubella là bao nhiêu?

Tùy thuộc vào quy định về mức phí, máy móc, tiêu chuẩn phòng xét nghiệm… mà mỗi cơ sở y tế (công hay tư) sẽ đưa ra mức giá khác nhau cho dịch vụ xét nghiệm Rubella. Bạn có thể tham khảo mức giá trước khi thực hiện xét nghiệm Rubella bằng cách liên hệ bộ phận chăm sóc khách hàng hoặc số hotline, website của bệnh viện.

Biện pháp phòng ngừa bệnh Rubella ở thai phụ

Virus Rubella không nguy hiểm đối với người bình thường, nhưng gây nhiều hệ lụy đến thai phụ và thai nhi. Mẹ bầu có thể sinh non, dọa xảy thai, lưu thai hoặc thai nhi sẽ mắc các dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến cả cuộc đời.

Do vậy, việc phòng ngừa bệnh Rubella ở thai phụ rất cần thiết. Phụ nữ trước khi mang thai khoảng 3-4 tháng cần xét nghiệm và tiêm ngừa Rubella để bảo vệ sức khỏe chính mình và thai nhi.

Với phụ nữ mang thai chưa tiêm phòng Rubella, ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ, chị em nên đi khám thường xuyên tại các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín để được xét nghiệm, chẩn đoán bệnh Rubella kịp thời, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp xử trí hợp lý, tránh tối đa tình trạng sức khỏe mẹ bị tác động xấu, thai nhi mắc các dị tật bẩm sinh.

Để đặt lịch khám tại BVĐK Tâm Anh khách hàng có thể điền thông tin tại đây, hoặc liên hệ qua:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Trung tâm Xét nghiệm, BVĐK Tâm Anh được đầu tư xây dựng khang trang, bố trí hệ thống trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, đạt tiêu chuẩn An toàn sinh học cấp 2. Đồng thời, các dịch vụ xét nghiệm được thực hiện bằng hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại. Xét nghiệm Rubella định lượng kháng thể IgM; IgG Rubella được thực hiện trên hệ thống máy tự động Cobas 6000 và Cobas Pro của hãng Roche.

Từ khóa » Chỉ Số Igg Bao Nhiêu Là Bình Thường