Xét Nghiệm Sinh Hóa Gan

Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể người và có nhiều chức năng quan trọng. Chức năng của gan được thực hiện bởi các tế bào gan.

- Chức năng tạo mật (muối mật, sắc tố mật, Cholesterol, acid béo, lecithin, phosphase kiềm…)

- Chức năng chuyển hóa: Gan đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa Carbohydrate (tân tạo đường, phân giải Glycogen, tạo Glycogen…), chuyển hóa Protein (tổng hợp amin và khử amin, tổng hợp các yếu tố đông máu, tham gia vào hệ thống miễn dịch…), chuyển hóa Lipid (tổng hợp Cholesterol, sản xuất Triglyceride…)

- Chức năng chống độc: Cố định và thải trừ các kim loại nặng (đồng, chì…), chuyển hóa thuốc, chuyển ammoniac thành urea…

- Chức năng dự trữ: Gan dự trữ máu, Glucose, Vitamin B12, sắt và đồng.

Ngày nay, các xét nghiệm thường quy về gan được chia làm ba nhóm lớn:

- Nhóm xét nghiệm về chức năng tổng hợp sinh học của gan: Protein, Albumin, Globulin, Prothrombin…

- Nhóm xét nghiệm chức năng khử độc và vận chuyển ion của gan: Bilirubin máu, bilirubin niệu, Uro-Bilirubinogen niệu, NH3.......

- Nhóm xét nghiệm đánh giá tổn thương viêm, hủy hoại nhu mô gan (nhóm xét nghiệm mà mọi người vẫn hiểu là xét nghiệm chức năng gan): ALT, AST, γ-GT (gamma-GT), Phosphatase kiềm,...

1. Nhóm xét nghiệm chức năng tổng hợp

- Phần lớn các Protein huyết tương được tổng hợp từ gan. Bình thường Protein huyết tương giao động trong khoảng 60-80 g/l. Một số protein quan trọng có liên quan đến quá trình đông máu và phân hủy Fibrin (các yếu tố đông máu: α2-antiplasmin, đồng yếu tố II của Heparin, Kininogen trọng lượng phân tử cao, Prekallikrein, Protein C và S) được tổng hợp tại gan. Quá trình tổng hợp của các yếu tố II, VII, IX, X và protein C và S phụ thuộc vào sự có mặt của vitamin K. Đánh giá đầy đủ chức năng tổng hợp của gan có thể được ước tính bằng thời gian Prothrombin (Prothrombin Time – PT). Thời gian Prothrombin là thời gian chuyển Prothrombin thành Thrombin khi có sự hiện diện của Thromboplastin và Ca++ cùng các yếu tố đông máu. Để chuẩn hóa kết quả PT, người ta thường chuyển đổi thành INR (International Normalized Ratio). Bình thường INR = 0,8-1,2. PT/INR kéo dài có thể là kết quả của giảm quá trình tổng hợp yếu tố đông máu hoặc thiếu hụt Vitamin K. Thiếu vitamin K do tắc mật kéo dài hay rối loạn hấp thu mỡ (tiêu chảy mỡ, viêm tụy mạn) làm PT kéo dài nhưng khi tiêm 10 mg vitamin K, PT sẽ trở về ít nhất 30% mức bình thường trong vòng 24 giờ (nghiệm pháp Kohler). Trước khi phẫu thuật hoặc làm sinh thiết gan, phải kiểm tra chức năng đông máu.

- Albumin huyết thanh: Gan là nơi duy nhất tổng hợp Albumin cho cơ thể. Albumin duy trì áp lực keo trong lòng mạch và là chất vận chuyển các chất trong máu, đặc biệt là thuốc. Bình thường Albumin 35-55 g/l. Lượng Albumin máu chỉ

giảm trong các bệnh gan mạn tính (xơ gan) hoặc khi tổn thương gan rất nặng. Ở bệnh nhân xơ gan cổ trướng, lượng Albumin giảm còn do bị thoát vào trong dịch cổ trướng (báng bụng). Ngoài ra còn gặp trong suy dinh dưỡng hoặc bị mất Albumin bất thường qua đường tiểu (hội chứng thận hư) hoặc qua đường tiêu hóa (viêm đại tràng mạn).

- Globulin huyết thanh: Được sản xuất từ nhiều nơi khác nhau trong cơ thể, bao gồm nhiều loại protein vận chuyển các chất trong máu và các kháng thể tham gia hệ thống miễn dịch thể dịch. Bình thường Globulin 20 – 35 g/l. Trong xơ gan Globulin tăng cao. Ngoài ra, kiểu tăng của các loại Globulin cũng có thể gợi ý đến một số bệnh gan đặc biệt, ví dụ IgG tăng trong viêm gan tự miễn, IgM tăng trong xơ gan ứ mật nguyên phát.

- Cholesterol: Là một thành phần của mật và có mặt trong hồng cầu - màng tế bào - cơ. Gan là cơ quan chủ yếu tổng hợp cholesterol và cũng là bộ phận duy nhất este hóa cholesterol. Trong cơ thể con người có khoảng 70% cholesterol được este hóa (kết hợp với acid béo) và 30% còn lại tồn tại dưới dạng tự do trong máu (huyết tương). Khi xét nghiệm, cả 2 dạng Cholesterol trên không phân biệt ra mà thường được đo chung với nhau. Chính vì vậy, xét nghiệm Cholesterol toàn phần (TP) là sự kết hợp của Cholesterol tự do và Cholesterol ester. Bình thường Cholesterol TP 2,9 - 5,2 mmol/l. Bệnh nhân có bệnh gan tiến triển có thể có nồng độ Cholessterol rất thấp. Tuy nhiên, trong xơ gan mật nguyên phát nồng độ Cholesterol trong huyết thanh có thể tăng rõ rệt.

2. Nhóm xét nghiệm khảo sát chức năng bài tiết và khử độc

Nhóm xét nghiệm khảo sát chức năng bài tiết và khử độc là xét nghiệm chức năng gan phổ biến.

- Bilirubin huyết thanh

+ Bilirubin là sản phẩm thoái hóa của Hemoglobin và Hemoproteins Nonerythroid (VD: Cytochrome, Catalases…). Bilirubin toàn phần trong huyết thanh gồm Bilirubin liên hợp (Bilirubin trực tiếp) và Bilirubin không liên hợp (Bilirubin gián tiếp). Bình thường: Bilirubin toàn phần (TP): 0,8–1,2 mg/dL (5-17 mmol/L), Bilirubin gián tiếp (GT) 0,6 – 0,8 mg/dL, Bilirubin trực tiếp (TT) 0,2 – 0,4 mg/dL (chiếm 30% Bilirubin TP). Vàng da chỉ biểu hiện trên lâm sàng khi Bilirubin TP tăng > 2,5 mg/dL.

+ Tăng Bilirubin GT: có thể do tăng sản xuất Bilirubin (Vàng da sơ sinh hoặc vàng da sinh lý, huyết tán và thiếu máu tan huyết, tạo hồng cầu không hiệu quả, tái hấp thu từ khối máu tụ) hoặc do giảm sự bắt giữ Bilirubin tại tế bào gan (hội chứng Gilbert và do dùng các thuốc như Fifampin và Probenecid).

+ Tăng Bilirubin TT: có liên quan đến bệnh lý gan mật, có thể do giảm bài tiết Bilirubin vào tiểu quản mật hoặc do ứ mật trong gan hay ngoài gan.

- Bilirubin niệu: Chỉ hiện diện ở dạng Bilirubin TT. Khi có Bilirubin niệu, chắc chắn có vấn đề về gan mật. Bilirubin niệu được phát hiện nhanh chóng nhờ que nhúng. Kết quả có thể dương tính trước khi có vàng da rõ trên lâm sàng nhưng đến khi bệnh nhân hết vàng da, Bilirubin niệu trở về âm tính trước khi giảm Bilirubin huyết.

- Urobilinogen: Là chất chuyển hóa của Bilirubin tại ruột, được tái hấp thu vào máu theo chu trình ruột - gan và sau đó cũng được bài tiết qua nước tiểu. Trong trường hợp tắc mật hoàn toàn, sẽ không có Urobilinogen trong nước tiểu. Urobilinogen tăng trong nước tiểu gặp trong trường hợp huyết tán (tăng sản xuất), xuất huyết tiêu hóa hoặc bệnh lý gan. Bình thường Urobilinogen 0,2 - 1,2 đơn vị (phương pháp Watson).

- Acid mật được tạo ra trong gan và được bài tiết vào ruột, nới cần acid mật để tiêu hóa và hấp thụ chất béo. Tăng nồng độ acid mật trong huyết thanh là dấu hiệu đặc hiệu, nhưng không nhạy trong chẩn đoán bệnh lý gan mật. Nồng độ acid mật của bệnh nhân không giúp ích trong chẩn đoán phân biệt các rối loạn gan. Việc đánh giá acid mật không được thực hiện thường xuyên ở bệnh nhân bị bệnh gan.

- α-Fetoprotein (AFP) được tạo ra bởi các tế bào gan của thai nhi. Nồng độ giảm xuống mức bình thường ở người lớn (dưới 10ng/ml) trong năm đầu tiên của cuộc đời. AFP là một chỉ số không có độ nhạy cao với ung thư biểu mô tế bào gan (Hepatocellular Carcinoma – HCC). VD ngưỡng chẩn đoán 20 ng/ml có độ nhạy là 60% trong phát hiện ung thư biểu mô tế bào gan. Một phần ba số trường hợp bệnh nhân HCC không tăng AFP và chỉ có 30% có nồng độ AFP trên 50 ng/ml. Nồng độ trên 400 ng/ml hoặc tăng nhanh gấp đôi là dấu hiệu gợi ý của HCC; các mức tăng từ nhẹ đến trung bình cũng có thể gặp trong viêm gan cấp tính và mạn tính.

- Amoniac máu (NH3)

NH3 được sản xuất từ chuyển hóa bình thường của Protein trong cơ thể và do vi khuẩn sống ở đại tràng. Gan giữ nhiệm vụ khử độc NH3 bằng cách chuyển thành urê để thải qua thận.

Bình thường NH3 máu 5-69 mg/dL. NH3 tăng trong các bệnh gan cấp và mạn tính. NH3 máu không phải là xét nghiệm đáng tin cậy để chẩn đoán bệnh não gan. NH3 có thể trở về bình thường khoảng 48 - 72 giờ trước khi có cải thiện tình trạng thần kinh.

3. Nhóm xét nghiệm đánh giá tình trạng hoại tử tế bào gan

- AST (Aspartate Aminotransferase) hiện diện ở cơ tim và cơ vân nhiều hơn ở gan. Ngoài ra, AST còn có ở thận, não, tụy, phổi, bạch cầu và hồng cầu. Bình thường AST < 40 UI/L.

- ALT (Alanine aminotransferase) hiện diện chủ yếu ở bào tương của tế bào gan cho nên sự tăng ALT nhạy và đặc hiệu hơn AST trong các bệnh gan. Bình thường ALT < 40 UI/L.

Các Transaminase tăng nồng độ gợi ý tổn thương và hoại tử tế bào gan nhưng không hoàn toàn đặc hiệu cho gan vì còn tăng trong các bệnh khác như nhồi máu cơ tim, tổn thương cơ vân (viêm cơ, loạn dưỡng cơ), cường giáp hoặc nhược giáp, bệnh celiac... Ngược lại, các Enzyme này có thể bị giảm giả tạo khi có tăng Urê máu.

Các mức tăng Transaminase có liên quan đến một số bệnh gan như sau:

Tăng cao (> 3000 UI/L) có thể gặp trong các trường hợp hoại tử tế bào gan như viêm gan virus cấp hoặc mạn tính, tổn thương gan do thuốc, độc chất, trụy mạch kéo dài.

Tăng vừa (< 300 UI/L) gặp trong viêm gan do rượu. Transaminase tăng chủ yếu là AST nhưng trị số không quá 2-10 lần giới hạn trên mức bình thường.

Tăng nhẹ (< 100 UI/L) có thể gặp trong viêm gan virus cấp, nhẹ và bệnh gan mạn tính khu trú hay lan tỏa (xơ gan, viêm gan mạn, di căn gan), tình trạng tắc mật hoặc gan nhiễm mỡ. Đối với vàng da tắc mật, đặc biệt là sỏi ống mật chủ, ALT thường tăng < 500 UI/l.

- Lactate Dehydrogenase (LDH) Là xét nghiệm không chuyên biệt cho gan vì men này có ở khắp các mô trong cơ thể (tim, cơ, xương, thận, hồng cầu, tiểu cầu, hạch bạch huyết). LDH tăng cao và thoáng qua gặp trong hoại tử tế bào gan, sốc gan. Tăng LDH kéo dài kèm tăng ALP gợi ý đến các tổn thương thâm nhiễm ác tính ở gan.

Tỷ số ALT/LDH có thể giúp phân biệt viêm gan virus cấp (ALT/LDH >1,5) với tình trạng sốc gan hoặc ngộ độc Acetaminophen (ALT/LDH <1,5).

- Phosphatase kiềm (Alkaline Phosphatase, ALP)

ALP là enzym thủy phân các Ester Phosphat trong môi trường kiềm (pH = 9). ALP có mặt trong nhiều mô (xương, ruột, thận, bạch cầu, gan và nhau thai). Bình thường ALP 25 - 85 U/L hoặc 1,4 - 4,5 đơn vị Bodansky.

ALP tăng nhẹ và vừa (hai lần bình thường) có thể gặp trong trường hợp viêm xơ chít đường mật nguyên phát, xơ gan mật nguyên phát gây ứ mật trong gan, tắc mật, tổn thương khối choán chỗ, di căn hoặc thâm nhiễm ở gan (bệnh bạch cầu, Lymphoma, Sarcoidosis). ALP tăng cao (3-10 lần bình thường) thường do tắc mật trong hoặc ngoài gan, tuy nhiên không gợi ý được vị trí hoặc nguyên nhân gây tắc mật.

- 5’ Nucleotidase (5NT)

Nồng độ ALP tăng đồng thời với 5’ Nucleotidase hướng tới nguyên nhân có nguồn gốc tại gan. Bình thường 5 NT 0,3 - 2,6 đơn vị Bodansky/dL. 5’ Nucleotidase giúp xác định tình trạng tăng ALP là do gan hay do xương hoặc do các trạng thái sinh lý như trẻ em đang tuổi tăng trưởng hoặc phụ nữ có thai.

- G-Glutamyl Transferase, G-Glutamyl Transpeptidase (GGT, g-GT)

GGT là Enzym có mặt trong nhiều loại mô. Bình thường GGT 30 U/L ở nữ và 50 U/L ở nam. GGT thường tăng ở những bệnh nhân nghiện rượu mạn tính, tắc mật, sau uống một số thuốc gây cảm ứng enzym ở gan (Acetaminophen, Phenytoin) và một số trường hợp gan nhiễm mỡ không do rượu. Ngoài ra, GGT còn tăng trong suy thận, nhồi máu cơ tim, viêm tụy cấp, đái tháo đường, cường giáp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Từ khóa » đơn Vị U/l Là Gì