Xét Xử Phúc Thẩm Vụ án Hành Chính, Những điều Người Khởi Kiện ...
Có thể bạn quan tâm
Theo Điều 173, Luật Tố tụng hành chính (TTHC): “xét xử phúc thẩm là việc Toà án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị”. Theo đó, chúng ta hiểu rằng việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính diễn ra khi có một trong hai điều kiện là kháng cáo hoặc kháng nghị.
Tuy nhiên, việc kháng cáo hay kháng nghị vẫn phải đáp ứng những điều kiện về chủ thể, thời hạn… Vì kháng nghị thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nên trong phạm vi bài viết, chúng tôi sẽ tập trung làm rõ những vấn đề liên quan đến kháng cáo của đương sự.
Từ trước đến nay, đại đa số chúng ta vẫn sử dụng thuật ngữ kháng cáo , tuy nhiên trong phần giải thích từ ngữ của các văn bản luật lại thường không nêu cụ thể khái niệm này. Theo từ điển tiếng Việt thì “kháng cáo là chống án lên Tòa án cấp trên yêu cầu xét xử lại”. Đây là một định nghĩa rất sát với những gì chúng ta ngầm hiểu. Tuy nhiên, định nghĩa này chưa chỉ ra được những đặc trưng về chủ thể, đối tượng, thời hạn… trong hoạt động kháng cáo.
Trong lĩnh vực pháp lý, cũng tồn tại khá nhiều khái niệm của các nhà nghiên cứu đưa ra, tựu chung lại ta có thể định nghĩa: Kháng cáo là quyền theo luật định của những người tham gia tố tụng được đề nghị Tòa án cấp trên trực tiếp xét lại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đang còn trong thời gian kháng cáo.
Ai được quyền kháng cáo?
Theo Điều 174, Luật TTHC “Đương sự hoặc người đại diện của đương sự có quyền làm đơn kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”.Đương sự ở đây bao gồm cả người khởi kiện và người bị kiện. Đo đó, những trường hợp dẫn tới việc xét xử phúc thẩm có thể là do người khởi hoặc người bị kiện kháng cáo hoặc Viện kiểm sát kháng nghị. Người khởi kiện cần biết họ tham gia phiên tòa xét xử phúc thẩm trong trường hợp nào để chuẩn bị những kỹ năng, tài liệu chứng cứ… cần thiết để bảo vệ tốt nhất cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ví dụ, trong trường hợp mà người khởi kiện là người kháng cáo thì họ cần phải xem xét kỹ những kết luận trong bản án sơ thẩm của Tòa án xem vì sao Tòa án lại kết luận như vậy và kết luận đó có cơ sở không? Từ đó để chuẩn bị cho mình những tài liệu, chứng cứ thuyết phục hơn để Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét; trường hợp người bị kiện kháng cáo, người khởi kiện không nên chủ quan cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm xử cho mình thắng kiện nghĩa là chứng cứ và lý lẽ của họ đã đủ thuyết phục và họ chắc chắn nắm lợi thế trong phiên tòa phúc thẩm. Trong nhiều trường hợp, sau phiên tòa sơ thẩm, bên bị kiện phát hiện ra những điểm còn “yếu” trong luận cứ của bên khởi kiện nên họ quyết định kháng cáo để “đánh” vào những điểm yếu ấy. Do đó, người khởi kiện cần biết bên bị kiện kháng cáo những phần nào để chuẩn bị cho mình những cơ sở vững chắc nhất nhằm bác bỏ những luận điểm trong kháng cáo của bên bị kiện; tương tự với trường hợp viện kiểm sát có kháng nghị thì người khởi kiện cũng cần tìm hiểu lí do kháng nghị và chuẩn bị những phương án tốt nhất để bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Làm sao để biết được những điều đó? Cách tốt nhất là sau khi nhận được thông báo kháng, kháng nghị của Tòa án, người khởi kiện nên trực tiếp đến Tòa án cấp phúc thẩm để xin được xem, ghi chép, sao chụp lại những nội dung mà mình quan tâm (Điều 49, 50 Luật TTHC).
Đối tượng kháng cáo và nội dung kháng cáo?
Đối tượng kháng cáo: Theo Điều 174, Luật TTHC và hướng dẫn tại khoản 1, Điều 20, Nghị quyết 02/HĐTP ngày 29/07/2011 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTHC thì đối tượng mà đương sự, người đại diện của đương sự có quyền làm đơn kháng cáo để yêu cầu Toà án cấp trên trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm bao gồm: bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm.
Nội dung kháng cáo: Người có quyền kháng cáo có thể kháng cáo toàn bộ hoặc một phần nội dung của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
Thời hạn kháng cáo?
Đối với mỗi đối tượng khác nhau, thời hạn kháng cáo cũng khác nhau. Theo quy định tại Điều 176, Luật TTHC thì:
- Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày Toà án tuyên án; trường hợp đương sự vắng mặt tại phiên toà thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở, trong trường hợp đương sự là cơ quan, tổ chức.
- Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Toà án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định.
Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua bưu điện thì ngày kháng cáo được tính căn cứ vào ngày bưu điện nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Ngoài ra, Luật TTHC còn có quy định kháng cáo quá hạn đối với những trường hợp có lý do khách quan, gặp trở ngại vì các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh… khiến cho người có quyền kháng cáo không thực hiện được quyền kháng cáo; trong trường hợp này người làm đơn kháng cáo quá hạn phải có bản tường trình ghi rõ lý do; sau đó Tòa án cấp phúc thẩm sẽ tiến hành xem xét việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn kháng cáo quá hạn.
Thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo; bổ sung chứng cứ mới
Khoản 1, Điều 188, Luật TTHC có quy định “Trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo đã hết…”.
Người kháng cáo cần lưu ý quy định này để đảm bảo cho việc chuẩn bị nội dung kháng cáo và hạn chế tối đa việc thay đổi bổ sung quá nhiều lần nội dung kháng cáo. Nếu bất đắc dĩ cần thiết phải thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu thì nên thực hiện trước thời hạn kháng cáo (đã được đề cập ở phần trên).
Khoản 2, Điều 188, Luật TTHC quy định“Trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo… Toà án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo”.
Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trước khi mở phiên toà phải được làm thành văn bản và gửi cho Toà án cấp phúc thẩm.
Theo quan điểm của người viết, mặc dù pháp luật quy định việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo trong giai đoạn phúc thẩm nhưng người có quyền kháng cáo nên cân nhắc thật kỹ việc có kháng cáo hay không để tránh tình trạng phải thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Song song với quyền kháng cáo và các quyền liên quan đến việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, người làm đơn kháng cáo có quyền bổ sung chứng cứ mới theo quy định tại Điều 189, Luật TTHC :“Trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà phúc thẩm, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền bổ sung chứng cứ mới...”
Từ khóa » Xét Xử Lại
-
Phạm Vi Xét Xử Phúc Thẩm Vụ án Dân Sự Và Thực Tiễn Xét Xử Tại Tòa án
-
Xét Xử Phúc Thẩm Trong Vụ án Dân Sự - Agribank
-
Xét Xử Lại Vụ án Theo Thủ Tục Sơ Thẩm Sau Khi Có Quyết định Giám đốc ...
-
Thủ Tục Hủy Bản án Hình Sự để điều Tra, Xét Xử Lại - Luật Hoàng Sa
-
Khái Niệm Xét Lại Bản án, Quyết định Dân Sự đã Có Hiệu Lực Pháp Luật ...
-
Xét Xử Phúc Thẩm Trong Tố Tụng Hình Sự - Ánh Sáng Luật
-
Xét Xử Lại Vụ án Theo Thủ Tục Sơ Thẩm Sau Khi Có Quyết định - Luật ACC
-
Mở Lại Phiên Tòa Xét Xử Vụ Tịnh Thất Bồng Lai | Tin Tức 24h | ANTV
-
Ngày Thứ 2 Phiên Tòa Xét Xử Vụ án Tại Tịnh Thất Bồng Lai - YouTube
-
Ngày 20/7: Mở Lại Phiên Tòa Sơ Thẩm Xét Xử “Thầy Ông Nội” Và 5 ...
-
Xét Xử Phúc Thẩm Có được Xem Xét Lại Những Phần Nội Dung Trong ...
-
Benchbook Online >> 2.9. Ra Bản án, Quyết định Phúc Thẩm
-
Một Số Trao đổi Về Thời Hạn Chuẩn Bị Xét Xử Vụ án Dân Sự Khi Có ...
-
Thẩm Quyền Kháng Nghị Giám đốc Thẩm - Hỏi đáp Trực Tuyến