Xin đừng "ôm Rơm Nặng Bụng!" - Tuổi Trẻ Online

TT - Đọc xong bài "" - ông Nguyễn Quốc Kỳ - tổng giám đốc Vietravel - liên hệ ngay với Tuổi Trẻ bày tỏ ý định muốn tài trợ cho VĐV Huỳnh Phương Đài Trang...

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Chiều 10-10, tay vợt trẻ Đài Trang cùng gia đình đã có cuộc gặp với ông Nguyễn Quốc Kỳ. Sau khi lắng nghe, tìm hiểu mọi vấn đề của Đài Trang, ông Kỳ cho biết: "Không khó lắm trong việc tài trợ cho VĐV trẻ này những điều kiện để thi đấu quốc tế, nhằm trở thành một tay vợt chuyên nghiệp thật sự.

Tuy nhiên, là một doanh nghiệp, tôi muốn mọi chuyện thật rõ ràng, đó là Đài Trang phải không còn chịu sự quản lý về mặt hành chính của ngành thể thao TP.HCM. Tôi muốn cô bé phải thật sự độc lập, có như thế thì mới hi vọng tiến xa. Vì vậy, điều tiên quyết là gia đình phải giải quyết cho xong các vướng mắc với thể thao TP.HCM".

Dù là giám đốc đứng đầu một công ty du lịch lớn, nhưng ông Kỳ xuất thân từ thể thao nên quá hiểu những yếu kém tồn tại trong ngành này. Ông chia sẻ vấn đề mà Tuổi Trẻ nêu, đó là tình trạng HLV giỏi thì bỏ ra ngoài kiếm sống, hoặc có mặt trong bộ máy nhà nước thì cho có lệ. Vì vậy, việc một tay vợt trẻ như Đài Trang không có khả năng phát triển nếu cứ tiếp tục gắn bó với ban huấn luyện quần vợt TP.HCM là điều dễ hiểu.

Cũng ngày 10-10, qua câu chuyện của Đài Trang, chúng tôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp về mô hình quản lý VĐV quần vợt của TP.HCM. Tất cả đều cho rằng quần vợt là một môn thể thao có khả năng giao khoán cho xã hội, như cái cách mà các nước tiên tiến vẫn làm. Đặc thù của môn này là tính cá nhân rất cao. Vì vậy, không thể "lùa trâu vô rú”, dàn hàng ngang huấn luyện được khi mà các VĐV bắt đầu bước vào thời điểm thi đấu độc lập. Chẳng hạn nhìn từ quần vợt Nga, kể từ khi mở tung cửa cho quần vợt, nước này đã trình làng được hàng loạt gương mặt tài năng như Safin, Kournikova, Sharapova...

Vì vậy, quần vợt VN nói chung và TP.HCM nói riêng muốn phát triển mạnh mẽ về đỉnh cao, cần phải kết thúc cách làm "ôm rơm nặng bụng" như hiện nay. Nghĩa là Nhà nước không cần phải suy nghĩ vắt óc để làm những chương trình như kiểu Thế hệ vàng, không cần phải thành lập trường lớp, các tuyến đào tạo như một số môn khác.

Thực tế hiện nay ở TP.HCM hay Hà Nội, đông đảo phụ huynh tầng lớp khá giả đã chi tiền không ít cho con em mình học quần vợt. Ngành thể thao hãy cứ để phong trào này phát triển một cách tự nhiên. Số tiền bạc tỉ mà ngành vẫn đầu tư hằng năm cho bộ môn này chỉ cần chia thành giải thưởng một cách cụ thể. Ví dụ, vô địch U-14 châu Á thì bao nhiêu, U-18 thì bao nhiêu... nhằm kích thích sự đầu tư của gia đình.

Hãy lấy trường hợp của Đài Trang mổ xẻ để thấy sự phi lý: trong ba năm có tên trong danh sách VĐV năng khiếu, Trang chỉ nhận số tiền lương trên 30 triệu đồng như nhiều VĐV không có thành tích. Và cũng trong ba năm này, bản thân Trang cũng chẳng học được gì từ các HLV mà Nhà nước phải trả lương, bởi thực tế gia đình phải bỏ tiền để thuê thầy riêng. Tất cả những khoản chi vô ích, nếu gom lại, chắc chắn sẽ là những khoản thưởng không nhỏ đủ để kích thích cho sự phát triển đỉnh cao.

Mong làm sao một sự thay đổi mang tính đột phá trong quản lý của thể thao TP.HCM...

TRƯỜNG HUY

Từ khóa » Hình ảnh ôm Rơm Nặng Bụng