Xin Việc Trong Lĩnh Vực Khoa Học – Một Số điểm đáng Lưu ý Cho Các ...
Có thể bạn quan tâm
Thị trường việc làm trong khoa học ở Việt Nam là vô cùng nhỏ (nếu không muốn nói là hầu như không có) với nhu cầu về nhân công khoa học rất bé, và chỉ chủ yếu theo nhu cầu về biên chế nhà nước. Hơn nữa, thu nhập của giới khoa học ở Việt Nam vẫn còn thấp so với mặt bằng xã hội. Do đó, tìm một học bổng du học ở nước ngoài (để vừa có thu nhập đủ sống và đồng thời hoàn thành việc học tập sau đại học), tìm việc làm ở nước ngoài có lẽ là những cách tốt nhất cho các bạn sinh viên muốn theo sự nghiệp khoa học. Gần đây, nhóm nghiên cứu của tôi (tại NUS) đăng tuyển dụng một vị trí research engineer (RE) cho đề tài về linh kiện spintronics, tôi đã nhận được khá nhiều hồ sơ tuyển dụng từ nhiều bạn sinh viên Việt Nam với mong muốn được làm ở vị trí này. Đọc qua nhiều hồ sơ và qua thư ứng cử, có thể thấy nhiều bạn sinh viên học rất giỏi, thiết tha muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và khiến tôi cảm thấy vui vì điều này. Tuy nhiên, phải nói một cách công bằng rằng các bạn sinh viên còn thiếu rất nhiều kỹ năng trong việc xin việc cũng như chuẩn bị hồ sơ cũng như cách tự ứng cử khi xin việc. Điều này cũng dễ hiểu vì những kỹ năng này không được trang bị ở Việt Nam (trước kia tôi cũng giống như họ). Đồng cảm với các bạn sinh viên bắt đầu bước chân vào sự nghiệp nghiên cứu, tôi muốn chia sẽ một số kỹ năng từ kinh nghiệm của bản thân mình trong những năm tôi chập chững bước vào con đường này, phải đánh vật “chiến đấu” với việc apply xin học bổng, xin việc. Chú ý là những thông tin dưới đây không áp dụng cho việc xin việc làm nghiên cứu ở Việt Nam và nói về những người chưa có bằng Tiến sĩ.
Trước hết, cần phải nói rằng, khoa học cũng là một nghề, bình thường như hàng trăm nghề khác trong xã hội. Mỗi nghề cần những kiến thức và kỹ năng riêng và khoa học cũng như vậy: cần kiến thức chuyên môn cho nghiên cứu và các kỹ năng phụ trợ cho nghiên cứu. Hoạt động nghiên cứu khoa học có thể tiến hành ở trường đại học, hay viện nghiên cứu hoặc thậm chí công ty (nếu có các phòng thí nghiệm nghiên cứu) và có nhiều lĩnh vực khác nhau trong khoa học: y, sinh, toán, lý, vật liệu, điện tử… Có lẽ điều này là bình thường với những người làm khoa học ở nước ngoài, nhưng tôi phải nhắc đến điều này với những người không làm khoa học hoặc chuẩn bị bước vào nghiệp khoa học từ Việt Nam bởi vì từ kinh nghiệm bản thân khi làm khoa học ở Việt Nam và cảm nhận chung tôi cảm thấy phần nhiều những “nhà nghiên cứu khoa học” ở Việt Nam không mấy nghiêm túc với khoa học, còn mọi người khác thì coi rằng khoa học là cái gì đó học hành, sách vở hơn một công việc bình thường như bao công việc khác. Nhiểu giảng viên ở trường đại học (nơi lẽ ra phải giành rất nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học hơn là chỉ có giảng dạy) thì coi khoa học chỉ như một việc phụ, làm chơi chơi để có thêm chút thu nhập và phụ cho việc kiếm bằng cấp, kiếm chức danh (giáo sư, phó giáo sư)… Nói tóm lại, muốn có những bước tiến trong khoa học, thì đầu tiên hãy nghiêm túc nhìn nhận khoa học là một nghề nghiêm chỉnh, có cả lao động trí óc và chân tay và để bước chân vào nó thì cần có sự chuẩn bị chu đáo cả về kiến thức và kỹ năng. Về kiến thức thì học ở nhà trường, tự học trong các sách…, có lẽ điều này tôi không cần nói thêm. Nhưng tôi cũng đặc biệt nhắc lại việc cần thiết trong việc học ngoại ngữ: khả năng đọc, viết tốt và giao tiếp. Tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ chính trong khoa học dù làm việc ở bất kỳ nước nào thì tiếng Anh vẫn luôn cần thiết. Vậy khi xin việc thì nên chuẩn bị thêm những gì?
1. Tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng: Tôi nhận được e-mail của một số bạn hỏi rằng: em tốt nghiệp đại học X, ngành Y, dưới sự hướng dẫn của thầy Z, sắp tốt nghiệp cao học…, vậy em có đủ tiêu chuẩn. Điều này rất không nên (mặc dù nhiều nhà tuyển dụng có ghi là: mọi thắc mắc xin e-mail về…), thay vào đó bạn nên đọc thật kỹ các yêu cầu tuyển dụng trong quảng cáo (ngoại trừ người nào đó chỉ viết có một dòng không có tin tức chi tiết) để thấy bạn có đủ yêu cầu hay không, chuyên môn của bạn liệu có phù hợp với công việc đó để từ đó chuẩn bị các hồ sơ và nộp hồ sơ tuyển dụng trực tiếp, thay vì hỏi: tôi có đủ điều kiện không? Nếu bạn hỏi câu đó, thì câu trả lời nhận được có thể là sự im lặng (khi nhà tuyển dụng quá bận rộn) hoặc “I don’t know” (vì tôi chỉ chọn người dựa theo hồ sơ và khả năng sau khi so sánh các ứng viên). Bên cạnh đó, bạn cũng nên vào internet, tìm đến trang web của nhóm nghiên cứu đó, tìm hiểu thông tin về chủ đề nghiên cứu của nhóm xem liệu nó có phù hợp với khả năng và niềm yêu thích của bạn.
2. Chuẩn bị hồ sơ tuyển dụng: sau khi chắc chắn rằng chuyên môn, khả năng của mình phù hợp với công việc, và công việc đáp ứng được những nguyện vọng của bạn, việc bạn cần làm ngay là chuẩn bị một hồ sơ xin việc được trình bày thật công phu và chuyên nghiệp. Hồ sơ này bao gồm những gì? Đầu tiên là cần chuẩn bị một lý lịch khoa học (curriculum vitae – CV) được viết bằng tiếng Anh. CV cần được viết một cách chuyên nghiệp và theo cách viết của các “academic CV”. Bạn nên tham khảo các mẫu academic CV đẹp trên mạng (ví dụ như một số trang Vitae, Prospects…) và không nên theo các chuẩn “Lý lịch khoa học” thường dùng trong các cơ quan nhà nước ở Việt Nam. Trong CV, bạn nên có list các publications (nếu có) mà mình đã công bố (điều này rất quan trọng cho các việc làm research) và kèm đó là danh sách từ 2 đến 3 người (gọi là References), là những nhà khoa học (càng danh tiếng càng tốt) hiểu rõ khả năng của bạn và sẵn sàng viết thư giới thiệu (letter of recommendation – LoR) bạn với nhà tuyển dụng. Thường thì trong số này nên có các supervisor gần nhất của bạn. Các thông tin liên lạc của references nên được đề chi tiết trong danh sách này để nhà tuyển dụng có thể tiện liên lạc với references. Và bạn cũng nên chuẩn bị trước với các references rằng họ sẽ sẵn sàng viết LoR nếu được yêu cầu. Cần chú ý là bạn sẽ phải viết academic CV, khác với working CV cho các công việc không phải là nghiên cứu. Academic nhấn mạnh đến các kiến thức, kỹ năng dành cho công việc hàn lâm và nghiên cứu. Nhưng cũng cần chú ý đến độ dài của CV. Nếu bạn xin các vị trí dưới cấp tiến sĩ, CV của bạn không nên dài quá 3 trang.
CV là một giấy tờ quan trọng nhất trong bộ hồ sơ mà ở đó nhà tuyển dụng có thể biết một cách sơ bộ về trình độ của bạn (bằng cấp đào tạo), khả năng và kinh nghiệm làm việc liệu có thích hợp cho công việc, các thành tích khoa học của bạn… Bên cạnh CV, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn các giấy tờ kèm theo: bản scanned bằng tốt nghiệp đại học, cao học mà ở đó thứ hạng tốt nghiệp của bạn có thể được biết đến, bảng điểm… (tất nhiên thông tin nên bằng tiếng Anh). Và một cách chuyên nghiệp hơn, bạn có thể gửi kèm một số các công trình nghiên cứu tốt nhất của bạn (nên là các articles mà bạn đứng ở tác giả chính) và một kế hoạch nghiên cứu chi tiết nếu được nhận làm (nếu bạn có thể).
3. Chuẩn bị một thư xin việc: khi bạn đã sẵn sàng các hồ sơ cá nhân, bạn sẽ cần nghĩ đến việc soạn một thư xin việc (cover letter) gửi cho nhà tuyển dụng. Một cover letter tốt cần phải cho nhà tuyển dụng thấy sự tự tin của bạn trong việc ứng cử vào vị trí, đồng thời cho nhà tuyển dụng thấy bạn có sự say mê như thế nào đối với công việc này và bạn cũng cho nhà tuyển dụng thấy những kỹ năng của bạn được đào tạo để có thể sẵn sàng với công việc. Một cover letter không nên dài quá 1 trang A4, lời lẽ vừa chứng tỏ sự tự tin, lại vừa không tỏ ra kiêu căng, vừa khiêm nhường mà không quỵ lụy xin xỏ. Trang Prospects có trình bày cách viết một cover letter khá chi tiết mà tôi nghĩ rất hữu ích cho các bạn sinh viên đang tìm việc trong lĩnh vực nghiên cứu.
4. Gửi thư ứng cử và giữ liên lạc: sau khi bạn gửi thư ứng cử, kèm theo các hồ sơ cá nhân được attached dưới dạng pdf, bạn nên bình tĩnh chờ đợi những phản hồi từ nhà tuyển dụng. Khi bạn nhận được những phản hồi tích cực từ nhà tuyển dụng, bạn nên đọc kỹ những thông tin từ e-mail và cố gắng phản hồi lại một cách tích cực nhất và nên trong thời gian sớm nhất có thể. Đừng bao giờ để tình trạng “mất hút con mẹ hàng lươn”, khi nhà tuyển dụng quan tâm đến bạn, phản hồi lại và đang chờ trả lời của bạn, bạn lại lượn mất tăm không hình bóng và không thèm trả lời lại lấy một lời, dù chỉ là một lời cảm ơn. Tôi chứng kiến nhiều bạn sinh viên gửi thư ứng cử cho vị trí RE trong nhóm của tôi, sau đó chúng tôi phản hồi yêu cầu gửi CV nhưng các bạn đó không hề phản hồi lại, dù là một câu hẹn. Điều này rất không hay và có thể khiến nhà tuyển dụng hiểu lầm rằng bạn chẳng có chút thiết tha gì cho công việc này. Một ấn tượng không tốt ngay từ những lời đầu tiên. Tôi đoán rằng ở Việt Nam thường không có văn hóa làm việc qua e-mail, vì thế nhiều bạn sinh viên thường không có thói quen theo dõi e-mail (dù có thể rất mong chờ công việc) và cũng không có văn hóa trả lời e-mail khi có những liên lạc đôi bên. Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy cả điều này trong các ứng viên đã ra nước ngoài học làm tôi có đôi chút thất vọng.
Một điều các bạn sinh viên cũng nên chú ý rằng đừng nên sử dụng các loại free e-mail (ví dụ như gmail, yahoo…) mà thay vào đó nên sử dụng các hòm thư công vụ để gửi thư dự tuyển. Các thư gửi từ thư miễn phí thường bị lọc bởi hệ thống lọc thư của các cơ quan và thư của bạn có thể bị hệ thống nhầm là một thư spam nếu nó được gửi từ các hòm thư miễn phí. Việc sử dụng thư công vụ cũng làm tăng hình ảnh chuyên nghiệp của bạn trong mắt nhà tuyển dụng. Nếu bạn là sinh viên của trường đại học nào đó, bạn sẽ có một hòm thư của trường (hiện nay nhiều trường ở VN đều đã làm điều này). Đây cũng là một dạng mail công vụ chuyên nghiệp mà bạn nên dùng để gửi thư xin việc. Bên cạnh đó, bạn nên đích thân gửi thư tuyển dụng, tránh việc nhờ cậy một ai đó xin xỏ hộ, sẽ làm giảm điểm số của mình trong con mắt nhà tuyển dụng. Tìm hiểu về văn hoá giao tiếp qua e-mail cũng là một điều quan trọng, để biết cách hành văn sao cho lịch sự, trang trọng đối với nhà tuyển dụng. Tôi nhận thấy điều này khá yếu đối với các bạn sinh viên Việt Nam, ngay cả những người đã có bằng thạc sĩ. Kinh nghiệm của cá nhân tôi là khi viết các thư ứng cử, tôi thường sử dụng Word để viết, vừa có tính năng tự động kiểm tra các lỗi tiếng Anh, đồng thời có thể dễ dàng sửa chữa một cách cẩn thận, trước khi copy nội dung sang trình duyệt mail và gửi đi. Chú ý rằng: bạn tỏ ra tự tin, nhưng không được nói quá về bản thân mình, khiêm tốn thật thà nhưng không nên tỏ ra bạn quá gà.
Các tuyển dụng kiểu phương Tây (áp dụng cả những nước “kiểu Tây” như Úc, Singapore) là bạn gửi hồ sơ cho nhà tuyển dụng trước, nhà tuyển dụng sẽ nghiên cứu hồ sơ, sau đó sẽ gửi thư hỏi các references (được list trong CV) để đề nghị viết LoR cho ứng viên mà mình quan tâm. Sau đó họ sẽ nghiên cứu LoR để xem references đánh giá về ứng viên ra sao, trước khi chọn ra một số ứng viên xuất sắc nhất cho vào vòng sau. Cũng có nhiều nơi tuyển dụng, họ yêu cầu gửi LoR kèm với hồ sơ apply.
4. Chuẩn bị phỏng vấn: Khi bạn đã vượt qua vòng sơ tuyển, tức là hồ sơ của bạn được quan tâm, bạn sẽ lọt vào một số người được nhà tuyển dụng phỏng vấn. Cách phỏng vấn thông dụng nhất nếu bạn apply ở nước ngoài sẽ là qua điện thoại hoặc voice chat trên internet (ví dụ qua Skype). Bạn cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho một cuộc phỏng vấn: chuẩn bị nói tiếng Anh cho trôi chảy, chuẩn bị các kiến thức liên quan để có thể tự tin bước vào cửa ải cuối cùng để hi vọng có được job offer. Phỏng vấn hoàn toàn không có khuôn mẫu, mà tùy thuộc vào từng nhà tuyển dụng cũng như từng loại công việc, điều quan trọng là bạn chuẩn bị tốt khả năng giao tiếp cũng như kiến thức. Nên hết sức chú ý sự ổn định của mạng internet, thiết bị chat nếu phỏng vấn qua mạng để tránh bị đứt quãng, nên sử dụng một căn phòng nhỏ, kín không bị ai quấy nhiễu.
Có thể tạm nói rằng trên đây là những thứ cơ bản nhất mà bạn nên chuẩn bị (Tất nhiên nó không hoàn toàn tuyệt đối cho mọi trường hợp), có thể áp dụng cho cả việc apply xin các học bổng PhD hoặc các công việc cho những người chưa có học vị tiến sĩ. Bên cạnh việc học tốt kiến thức ở trường, tham gia một cách nghiêm túc công việc nghiên cứu, việc chuẩn bị các hồ sơ apply và các bước cho apply cũng là những việc quan trọng không kém trong việc tìm các học bổng và việc làm trong nghiên cứu. Trong việc chuẩn bị này, một CV đẹp cộng với một thư xin việc hay có thể coi là yếu tố quyết định trong việc bạn có xin được việc (học bổng) hay không. Thế nào là một CV đẹp?
Điều này tất nhiên không thể nói chi tiết cụ thể vì nó tùy thuộc vào từng lĩnh vực hoặc đôi khi là do mong muốn của nhà tuyển dụng. Nhưng nhìn chung, một CV “đẹp” thì có thể tạm tóm tắt như sau: có quá trình đào tạo tốt (học ở trường danh tiếng, kết quả học tập tốt), có nhiều kinh nghiệm làm nghiên cứu phù hợp cộng với khả năng sử dụng các kỹ thuật cho nghiên cứu, có đầu ra nghiên cứu (publications) tốt và trong quan trọng không kém là có những references danh tiếng trong ngành support. Kinh nghiệm nghiên cứu là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc xác định khả năng của ứng viên. Vì thế, đừng bao giờ chỉ chúi mũi vào sách vở mà bỏ quên nghiên cứu khoa học – khoa học cũng là một công việc, một nghề. Nhiều người thường cho rằng các bạn sinh viên theo khoa học không cần sự năng động trong khi các sinh viên khối ngành kinh tế thường năng động hơn. Xét một cách chung, đúng là sinh viên khối kinh tế, xã hội thường năng động hơn, nhưng bản thân tôi cho rằng sinh viên bất cứ ngành nào cũng cần sự năng động, và tính năng động này mỗi ngành nghề có thể biểu hiện khác nhau để đạt được mục tiêu thành công trong công việc. Có nghĩa là ngành khoa học cũng cần phải năng động, nếu muốn thành công.
——————————–
Một trang web bằng tiếng Việt rất đáng theo dõi và nhiều thông tin hữu ích cho các bạn trẻ muốn hoàn thiện các kỹ năng cho nghiên cứu, đó là trang nhà của GS Nguyễn Văn Tuấn (http://nguyenvantuan.net/). GS Nguyễn Văn Tuấn đã bỏ rất nhiều công sức chuẩn bị nhiều bài viết công phu, hướng dẫn từ các kỹ năng mềm, cho đến nhiều kỹ năng nghiên cứu khoa học, vô cùng hữu ích cho nhiều đối tượng, kể cả sinh viên cho đến các nhà nghiên cứu.
Share this:
- X
Author: ducthe
Simple: I am Duc-The View all posts by ducthe
Từ khóa » Cv Nghiên Cứu Khoa Học
-
#12622 Mẫu CV Cộng Tác Viên Hỗ Trợ Nghiên Cứu Khoa Học Thiết Kế ...
-
#25003 Mẫu CV Viết Bài Tham Gia Nghiên Cứu Khoa Học Sinh Viên ...
-
Hướng Dẫn Viết CV & Resume Xin Học Bổng Cao Học Đúng Chuẩn
-
Hướng Dẫn Viết CV Xin Học Bổng Du Học Chuẩn - TopCV
-
Lý Lịch Khoa Học/CV | Tiến Sĩ Dương Thị Nguyên - Mysite Tuaf
-
CV Hướng Dẫn Công Tác SKKN, Nghiên Cứu Khoa Học
-
CV Các Nhà Khoa Học - Đại Học Nông - Lâm Bắc Giang
-
NCKH Khác Bạn Nghĩ (Phần 1) | RCES | Cộng đồng Sinh Viên Kinh Tế ...
-
[YRC CHIA SẺ THÔNG TIN] IMPRESSIVE CV CONTEST ... - Facebook
-
NCKH Xuất Sắc Của GV/NCV/CV - Văn Phòng Khoa Học Công Nghệ
-
CV 4856.pdf - Nhóm Nghiên Cứu Trẻ - HUST
-
KHCN-HTQT - Ctump
-
CÁCH VIẾT CV XIN VIỆC - Vnnet