Xin Xăm Không Hại, Cấm Làm Chi! - PLO
Có thể bạn quan tâm
Xin xăm nhân dịp đầu năm mới. Ảnh: HTD
Chỉ là trò chơi "hên xui may rủi"
Trong xã hội nhiều khi có những niềm tin mà nếu suy gẫm kỹ trên cơ sở khoa học thì thấy nó thật vô lý, huyền hoặc nhưng lâu ngày đã được nhiều người tin theo, thực hiện bằng những cách thức sùng phụng, tôn kính, thể hiện qua những việc làm cụ thể… Nó đã hình thành nét văn hóa đặc thù, nét đẹp tinh thần của một địa phương, dân tộc. Thí dụ: niềm tin quốc tổ của nhiều dân tộc trên thế giới có bề dày lịch sử mấy ngàn năm (như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Việt Nam…) đều bắt đầu bằng những câu chuyện huyền hoặc, chắc chắn không có thật… Nhưng đó lại là niềm hãnh diện chung của cả một dân tộc, chẳng lẽ bây giờ phân tích ra thấy đó là niềm tin vô lý, không có cơ sở khoa học, không thể nào có được… rồi ra lệnh hủy bỏ, cấm đoán vì cho đó là “mê tín viển vông”.
Tôi nghĩ đối với những sinh hoạt nào trong xã hội mang tính “vô thưởng vô phạt”, không gây nguy hại đáng kể nào cho nhà nước, cho xã hội, cho ai; trái lại bản thân nó có thể là một niềm vui tinh thần cho bộ phận nhân dân thì pháp luật nhà nước không cần phải ngăn cấm. Hiện tượng xin xăm cũng vậy thôi. Tuy thấy nó như “mê tín dị đoan” nhưng bản chất nó lại là một trò chơi “hên xui may rủi”. Nó có khả năng góp phần làm hấp dẫn, vui vẻ trong những ngày sinh hoạt lễ hội ở những nơi thờ tự những vị thần thánh, những anh hùng dân tộc được người đời ngưỡng mộ mà không đem lại sự nguy hại đáng kể nào cho ai thì tại sao nhà nước phải can thiệp, cấm đoán làm gì? Một khi hễ cấm thì tất nhiên sẽ dẫn đến hậu quả là pháp luật cũng có biện pháp xử lý, xử phạt để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh lệnh cấm đó. Có nên chăng?
TRẦN ANH KHOA (611 đường 3 tháng 2, phường 8, quận 10, TPHCM)
Phân loại chứ đừng đánh đồng
Việc ngăn cấm, xử phạt những hành vi như lên đồng, bói toán, phù chú… cần phải làm triệt để do đó là những hoạt động mê tín dị đoan, gây ra nhiều tác hại. Nhưng còn việc liệt kê hoạt động xin xăm vào nhóm mê tín là không cần thiết và không khách quan. Xét cho cùng đây chỉ là những hoạt động nhằm đem lại niềm tin, an ủi cho mỗi người.
Trong những dịp lễ tết, gia đình tôi vẫn xin xăm ở các chùa mình đến lễ Phật. Mỗi quẻ xăm sẽ có lời giải tương ứng trong các tờ giấy giải (được một số người trao đổi tương đương với giá giấy phôtô ở khu vực xung quanh).
Thực tế, khi xin xăm tôi cũng hiểu rằng mình sẽ không sống phụ thuộc hoàn toàn vào lời giải từ xăm. Ngoài ra, khi gặp phải những khó khăn chồng chất trong cuộc sống, lời giải tốt từ xăm đôi khi lại có tác dụng như những liều thuốc tinh thần để giúp tôi vượt qua.
Nên nhớ ở một số nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… việc xin xăm vẫn diễn ra như một hoạt động truyền thống mà chẳng thấy ai cấm đoán.
PHẠM HẢI HƯNG (2/24 Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình)
Xấu, tốt không phải ở các lá xăm
Mỗi dịp đầu năm, rằm tháng Giêng..., nhiều người hay rủ nhau đi xin xăm rồi lại lục tục tìm đến hai, ba thầy để thử đoán vận mạng. Nếu xin được xăm thượng - thượng thì sung sướng, còn khi gặp lá xăm hạ - hạ thì lại lo lắng. Nhưng rõ ràng ai mà chẳng có rủi, có may. Đã là con người thì phải biết chấp nhận hoàn cảnh, phải tự tin là mình có khả năng quyết định vận mạng của mình. Xin xăm chỉ để cho vui chứ không nên tin vào đó để sống và tuyệt nhiên không thể giao số mệnh của mình cho những ông (bà) thầy bói.
Có lẽ vì nhìn thấy một số tiêu cực của việc xin xăm của một số người nên các cơ quan hữu quan đang tính toán đến việc cấm đoán. Nhưng như tôi đã nêu ở trên, tốt hay xấu do chính ý thức của người tiếp nhận chứ không phải ở những lá xăm. Do vậy, thay vì chủ quan ngăn cấm, chúng ta nên tìm cách giúp mọi người hiểu sâu quy luật nhân quả. Nếu luôn biết hành thiện, bỏ ác thì chúng ta sẽ cải tạo được nghiệp xấu của mình và sẽ được hạnh phúc, bình an. Việc cấm đoán đơn thuần e không hiệu quả và khi đó dễ làm pháp luật không có tính khả thi.
MINH HÒA (An Giang)
Chỉ nên cấm những kẻ trục lợi
Bản chất của việc xin xăm theo tôi là không xấu, những tiêu cực chỉ phát sinh khi có một số người lợi dụng, trục lợi từ hoạt động này. Trong những lần hành hương tới miếu Bà chúa xứ ở Châu Đốc hay núi Bà Đen ở Tây Ninh, tôi thấy ngoài những hoạt động tín ngưỡng trang nghiêm thì ở những nơi này cũng có đông đảo dịch vụ ăn theo, chèo kéo khách thập phương gây cảnh chen lấn, chửi bới, tranh giành khách giữa những đội ngũ “cò mê tín”.
Xin xăm cũng là một hình thức bị các đối tượng này lợi dụng. Trên lối đi vào miếu, hàng chục “cò” và “thầy gieo quẻ” sẵn sàng phục vụ. Khách muốn xin xăm phải đặt 10.000 đồng. Thế nhưng đó mới chỉ là “tiền tổ”. Muốn giải quẻ phải mất thêm 20.000 đồng nữa. Chẳng may khách bắt phải quẻ xăm không tốt thì thầy khuyên phải bỏ ra một số tiền khá lớn giải hạn để tai qua nạn khỏi.
Từ những phát sinh thực tế trên, chúng ta cần phải có những quy định nghiêm cấm, xử phạt các đối tượng buôn thần bán thánh. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ đâu là đối tượng trục lợi phải xử lý nghiêm, đâu là những gì có thể giữ lại. Đừng đổ đồng tất cả đều là mê tín rồi nghiêm cấm tất.
NGUYỄN HOÀI THU (Huyện Đức Hòa, Long An)
Từ khóa » Bốc Xăm Hạ Hạ
-
Xin Quẻ Xăm Hạ Hạ N - Xin Xăm Ra Xăm Hạ Hạ - Phật Giáo
-
[THTT] Là Hạ Hạ Cũng Là Thượng Thượng - YBOX
-
Quẻ Hạ Hạ Là Gì - Cùng Hỏi Đáp
-
Nghĩ Về Thói Quen Xin Xăm, Giải Hạn...
-
XIN XĂM HẠ HẠ TỐT HAY XẤU - Tử Vi Cổ Học
-
Xin Xăm Là Gì? Các Loại Xin Xăm Phổ Biến Hiện Nay
-
Xin Quẻ đầu Năm - Vườn Hoa Phật Giáo
-
Huhu, Đầu Năm Xin Xăm Hạ Hạ, 3 Điều Không Nên Làm ... - Vietmac
-
Top 14 Hạ Xăm Là Gì
-
Huhu, đầu Năm Xin Xăm Hạ Hạ... - Webtretho
-
Quẻ Xăm | BÁO QUẢNG NAM ONLINE - Tin Tức Mới Nhất
-
Xin Xăm - Xem Bói Chính Xác Nhất
-
Xin Xăm Quan Thánh Chính Xác Hôm Nay - Tử Vi Số Mệnh
-
Xin Xăm Là Gì? Xin Xăm đầu Năm đem Lại May Mắn Gì