Xơ Phổi Là Gì Và Có Chữa được Không? • Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Xơ phổi là một bệnh phổi xảy ra khi mô phổi bị tổn thương và sẹo hoá. Các cách điều trị xơ phổi có thể bao gồm dùng thuốc, trị liệu oxy, phục hồi chức năng phổi, ghép phổi tùy vào tình trạng bênh, các triệu chứng và tiên lượng ở từng bệnh nhân.
Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu xơ phổi là gì và cách điều trị bệnh xơ phổi qua bài viết này nha!
Tìm hiểu chung
Xơ phổi là bệnh gì?
Xơ phổi là một bệnh phổi xảy ra khi mô phổi bị tổn thương và sẹo hoá. Mô phổi dày và cứng gây khó khăn cho hoạt động của phổi. Khi bệnh tiến triển, hơi thở của bạn ngắn dần.
Sẹo hoá liên quan đến xơ phổi có thể được gây ra bởi rất nhiều yếu tố. Đa số các trường hợp, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Khi không xác định được nguyên nhân, tình trạng này được gọi là xơ phổi tự phát.
Các tổn thương phổi do bệnh gây ra không thể chữa trị, thuốc và các phương pháp điều trị chỉ có thể giúp giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Phương pháp ghép phổi có thể thích hợp với một số trường hợp.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của xơ phổi?
Các triệu chứng phổ biến của xơ phổi là:
- Khó thở
- Ho khan
- Mệt mỏi
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Đau nhức cơ bắp và khớp
- Đầu ngón tay hoặc ngón chân to bè.
Quá trình xơ hoá phổi và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng có thể khác nhau rất nhiều từ người này sang người khác. Một số người bị bệnh nặng ngay trong một thời gian ngắn. Những người khác có triệu chứng vừa phải, sau đó nặng dần sau vài tháng hoặc vài năm.
Một số người có các triệu chứng chuyển biến xấu đi nhanh chóng (đợt cấp tính) như khó thở nặng, có thể kéo dài trong vài ngày đến vài tuần. Những người trở nặng cấp tính có thể phải dùng đến máy thở. Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm corticosteroid hoặc các thuốc khác để điều trị một đợt cấp tính.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân nào gây ra xơ phổi?
Trong hầu hết các trường hợp, không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh này.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Một số bệnh nhiễm trùng do virus
- Tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm môi trường như silica và bụi kim loại cứng, vi khuẩn và protein động vật, các loại khí và khói
- Sử dụng các loại thuốc nhất định
- Di truyền. Một số gia đình có ít nhất hai thành viên cùng bị xơ phổi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở những thành viên còn lại
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). GERD là một tình trạng axit dạ dày trào vào cổ họng. Một số người bị xơ phổi có thể do hít vào phổi vài giọt a-xít từ dạ dày của họ gây ra tổn thương ở phổi.
Nguy cơ mắc phải
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc xơ phổi?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ như:
- Tuổi. Mặc dù xơ phổi đã được chẩn đoán ở trẻ em và trẻ sơ sinh, bệnh này xuất hiện chủ yếu ở tuổi trung niên trở lên.
- Giới tính. Xơ phổi vô căn ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới.
- Hút thuốc. Những người hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc có khả năng mắc bệnh nhiều hơn những người chưa từng hút thuốc. Xơ phổi có thể xảy ra ở bệnh nhân bị khí phế thũng.
- Một số ngành nghề. Bạn có nguy cơ phát triển bệnh nếu làm việc trong ngành khai thác mỏ, nông nghiệp, xây dựng hoặc nếu bạn đang tiếp xúc với các chất ô nhiễm gây hại cho phổi.
- Các phương pháp điều trị ung thư. Xạ trị ở ngực hoặc sử dụng các loại thuốc hóa trị liệu nhất định có thể làm tăng nguy cơ xơ hóa phổi.
- Yếu tố di truyền. Một số loại xơ phổi có yếu tố gia đình và các yếu tố di truyền có thể là nguyên nhân.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán xơ phổi?
Có rất nhiều loại bệnh phổi có thể gây xơ phổi. Để chẩn đoán đúng, bạn cần đến khám với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và hỏi về lịch sử hút thuốc lá, không khí tại nơi bạn làm việc có thể gây kích ứng phổi, lịch sử dùng thuốc của bạn, các tình trạng sức khỏe khác, bệnh sử gia đình và các sở thích của bạn.
Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:
- X-quang phổi
- Kiểm tra sức thở để xác định mức độ tổn thương ở phổi
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ oxy trong máu, các bệnh tự miễn và các bệnh nhiễm trùng
- Chụp CT ngực với độ phân giải cao (HRCT- Phương pháp này giúp chẩn đoán chính xác được tình trạng của phổi)
- Sinh thiết phổi nếu chẩn đoán không thể thực hiện bằng HRCT. Các sinh thiết được thực hiện để lấy vài mảnh nhỏ của mô phổi làm xét nghiệm.
- Kiểm tra gắng sức để xác định khả năng phổi điều tiết oxy và cacbonic vào và ra khỏi máu.
Những phương pháp nào dùng để điều trị?
Quá trình sẹo hoá xảy ra trong xơ phổi không thể đảo ngược và chưa có điều trị nào chứng minh hiệu quả trong việc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh. Một số phương pháp điều trị có thể cải thiện triệu chứng tạm thời hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh. Ở một số bệnh nhân điều trị có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng để xác định cách điều trị thích hợp nhất cho tình trạng của bạn.
Thuốc
Bác sĩ có thể khuyên dùng các loại thuốc mới như pirfenidone (Esbriet®) và nintedanib (Ofev®). Các loại thuốc này có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh tự phát.
Nintedanib có thể gây tác dụng phụ như tiêu chảy và buồn nôn. Tác dụng phụ của pirfenidone bao gồm phát ban, buồn nôn và tiêu chảy.
Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các loại thuốc để điều trị bệnh.
Bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc chống axit để điều trị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), một tình trạng tiêu hóa hay xảy ra ở những người bị xơ phổi di căn.
Trị liệu oxy
Sử dụng oxy không thể dừng tổn thương phổi, nhưng nó có thể giúp:
- Thở và tập thể dục dễ dàng hơn
- Ngăn chặn hoặc giảm bớt các biến chứng gây ra do nồng độ oxy trong máu thấp
- Giảm huyết áp phần tim phải
- Cải thiện giấc ngủ và giúp tăng cảm giác thoải mái
Bạn có thể nhận oxy khi ngủ hoặc tập thể dục.
Phục hồi chức năng phổi
Phục hồi chức năng phổi có thể giúp bạn quản lý các triệu chứng và cải thiện các hoạt động hàng ngày. Chương trình phục hồi chức năng phổi tập trung vào:
- Tập thể dục để cải thiện sức chịu đựng
- Các kỹ thuật thở giúp nâng cao chức năng phổi
- Tư vấn dinh dưỡng
- Tư vấn và hỗ trợ.
- Giáo dục về tình trạng sức khỏe của bạn
Ghép phổi
Ghép phổi có thể là lựa chọn cho những người bị xơ phổi. Ghép phổi có thể cải thiện chất lượng sống và kéo dài cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, ghép phổi có thể liên quan đến các biến chứng như thải ghép và nhiễm trùng. Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn nếu phương pháp ghép phổi thích hợp cho tình trạng của bạn.
Có thể bạn quan tâm: Bệnh xơ phổi sống được bao lâu? Biện pháp sống chung với bệnh
Chế độ sinh hoạt hợp lý
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của xơ phổi?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với xơ phổi:
- Dừng hút thuốc lá. Nếu bạn bị bệnh phổi, bạn không nên hút thuốc. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết thêm về các chương trình cai thuốc lá thành công phù hợp. Hơn thế nữa, hít khói thuốc thụ động cũng có thể gây hại cho phổi, vì vậy bạn hãy tránh ở cạnh những người đang hút thuốc.
- Chế độ ăn uống tốt. Những người bị bệnh phổi có thể bị giảm cân do khó chịu khi ăn và cơ thể sử dụng nhiều năng lượng hơn để thở. Tuy nhiên, chế độ ăn uống dinh dưỡng giàu calo là cần thiết. Bạn cố gắng ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên hơn.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, ít chất béo hoặc các sản phẩm sữa không có chất béo và ăn thịt nạc. Bạn nên tránh chất béo công nghiệp và chất béo bão hòa, giảm muối và đường. Tham vấn ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng nếu cần thiết để có chế độ ăn uống lành mạnh.
- Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn duy trì chức năng phổi và giúp bạn giảm căng thẳng. Kết hợp các hoạt động thể chất như đi bộ hoặc đi xe đạp vào các thành thói quen hàng ngày của bạn. Nếu bạn phải dùng xe lăn để di chuyển, hãy tìm các hoạt động hoặc sở thích bạn có thể làm mà không cần đi bộ.
- Hãy dành thời gian để nghỉ ngơi. Bạn hãy bảo đảm thời gian nghỉ ngơi đầy đủ. Nghỉ ngơi giúp bạn có nhiều năng lượng hơn để đối phó với sự căng thẳng gây ra do bệnh xơ phổi.
- Tiêm phòng. Nhiễm trùng hô hấp có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của xơ phổi. Bạn hãy tiêm vắc-xin viêm phổi và vắc-xin ngừa cúm hàng năm. Tốt nhất là các thành viên trong gia đình bạn cũng được chủng ngừa. Tránh các đám đông trong mùa cúm.
- Tuân thủ kế hoạch điều trị. Bạn sẽ nhận được các chỉ dẫn điều trị liên tục từ bác sĩ. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc theo quy định, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục khi cần thiết. Bạn cũng cần tái khám theo lịch đều đặn.
Có thể bạn quan tâm: 7 cách làm sạch phổi tự nhiên, đơn giản có thể bạn chưa biết
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]
Từ khóa » Xơ Phổi 1/3 Là Gì
-
Bệnh Xơ Phổi: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, điều Trị Và Phòng Ngừa
-
Xơ Phổi Có Chữa được Không Và Lối Sống Khoa Học Cho Bệnh Nhân
-
Bệnh Xơ Phổi Có Nguy Hiểm Không? | Vinmec
-
Xơ Phổi 1/3 Phổi Giữa Có Nguy Hiểm Không? | Vinmec
-
Bệnh Xơ Phổi Có Nguy Hiểm Không? Cách điều Trị Bệnh - Hello Bacsi
-
Bệnh Xơ Phổi – Căn Nguyên Dẫn đến Khó Thở Và Những Biến Chứng ...
-
Bệnh Xơ Phổi điều Trị Như Thế Nào? - YouMed
-
Xơ Phổi
-
Xơ Phổi Vô Căn - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia - MSD Manuals
-
Bệnh Xơ Phổi Có Nguy Hiểm Không? Có Chữa Được Không?
-
Xơ Phổi
-
Ai Dễ Mắc Xơ Phổi Hậu COVID, Di Chứng Này Có Nguy Hiểm Không?
-
Bệnh Lý Xơ Phổi
-
Xơ Phổi Là Gì? Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị