Xơ Vữa động Mạch Là Gì? Những điều Cần Biết Về Xơ Vữa động Mạch

Nhiều người cho rằng xơ vữa động mạch chỉ xảy ra ở người cao tuổi, nhưng thực ra căn bệnh này xảy ra ở mọi lứa tuổi, nó thậm chí bắt đầu từ khi bạn còn trẻ. Căn bệnh này như một sát thủ âm thầm bởi không có biểu hiện gì cho đến khi bệnh nặng hơn. Vì vậy hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về xơ vữa động mạch để có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Mục lục

  • Xơ vữa động mạch là gì?
  • Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch
    • Rối loạn lipid máu
    • Huyết áp cao
    • Lượng đường trong máu cao
  • Dấu hiệu nhận biết bệnh xơ vữa động mạch
  • Chuẩn đoán bệnh xơ vữa động mạch như thế nào?
  • Điều trị bệnh xơ vữa động mạch như thế nào?
    • Thay đổi lối sống
    • Sử dụng thuốc
    • Phẫu thuật
  • Cách phòng tránh xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa động mạch (tên tiếng anh Arteriosclrosis) là tình trạng thành động mạch bị xơ cứng và lòng mạch bị tắc hẹp bởi các mảng xơ vữa, do chất mỡ thặng dư đọng vào thành mạch, qua nhiều cơ chế phức tạp, lâu dần đọng thêm Calci làm hạn chế lưu lượng máu dẫn đến thiếu máu nuôi các cơ quan trong cơ thể.

Trong đó các cơ quan quan trọng nhất là tim, não và động mạch chủ, gây ra ba bệnh lý rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân nền tảng quan trọng của đột quỵ (tai biến mạch máu não), nhồi máu cơ tim và tử vong tim mạch.

Xơ vữa động mạch là một loại xơ cứng động mạch, còn được gọi là xơ vữa mạch máu. Các thuật ngữ xơ vữa động mạch và xơ cứng động mạch, xơ vữa mạch máu đôi khi được sử dụng thay thế cho nhau.

Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch

Cho đến hiện nay, nguyên nhân gây xơ vữa động mạch chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên các nhà khoa học đã chứng minh được sự hình thành các mảng xơ vữa có liên quan đặc biệt đến sự tổn thương của các tế bào nội mạc.

Nội mạc là lớp tế bào mỏng trong cùng của thành mạch, có vai trò bảo vệ thành mạch và sinh ra các chất chống lại xơ vữa động mạch. Do vậy, ta có thể hiểu đơn giản, căn nguyên gây xơ vữa động mạch chính là do tổn thương lớp nội mạc, các yếu tố tác động làm lớp nội mạc bị tổn thương được xếp vào nguyên nhân gây xơ vữa động mạch bao gồm:

Rối loạn lipid máu

Rối loạn mỡ máu ( máu nhiễm mỡ) là tình trạng tăng giảm bất thường của các thành phần mỡ máu, bao gồm cholesterol, HDL, LDL và triglyceride. Lúc này, cơ thể không thể sử dụng hết lượng mỡ đưa vào, khiến các thành phần mỡ máu lắng đọng ở nhiều nơi, trong đó có thành mạch máu.

Khi cholesterol trong máu cao, chúng sẽ lắng đọng ở bề mặt nội mô và lớp cơ trơn của thành mạch máu, tạo nên những mảng xơ vữa. Theo thời gian, các mảng vữa này sẽ trở nên dày và lớn hơn, dần dần gây hẹp lòng các mạch máu, làm giảm cung cấp máu đến các cơ quan tương ứng, trong đó quan trọng nhất là não và tim.

Huyết áp cao

Huyết áp cao là tác động của máu lên thành động mạch gây rối loạn chức năng nội mạc. Nội mạc là lớp tế bào mỏng trong cùng của thành mạch, nơi tiếp xúc trực tiếp giữa thành mạch và các thành phần của máu có vai trò sinh ra các chất chống lại xơ vữa động mạch.

Huyết áp cao tác động lên động mạch khiến nội mạc tổn thương. Khi nội mạc suy yếu, nó không còn khả năng chống lại sự hình thành xơ vữa động mạch, ngược lại còn thu hút các cholesterol xấu cùng các tế bào bạch cầu, lâu dần sẽ hình thành nên các mảng xơ vữa động mạch.

Lượng đường trong máu cao

Tiểu đường sẽ gây rối loạn chuyển hóa lipid làm tăng triglicerit, giảm HDL, giảm khả năng tổng hợp PGI2 là một chất giãn mạch

Khi lượng đường trong máu cao, độ nhớt của máu cao sẽ làm tăng sự lắng đọng và bám dính của tế bào mỡ lên thành mạch, tạo nên các mảng xơ vữa.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã phát hiện thấy có một số các yếu tố tuy không phải là nguyên nhân trực tiếp nhưng lại có nhiếu ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển các mảng xơ vữa là các yếu tố như :

Tuổi tác: Tuổi càng cao thì xơ vữa càng phát triển, có nhiều nghiên cứu cho thấy độ đày nội mạc mạch máu tăng dần theo tuổi

Về giới tính: Nữ tổn thương mạch máu chậm hơn nam, nhưng sau tuổi mãn kinh thì tiến triển bệnh ở hai nhóm ngang nhau.

Thuốc lá làm giảm nồng độ HDL, làm giảm cung cấp oxy các mô, làm tổn thương tế bào nội mạc tạo điều kiện cho xơ vữa động mạch phát triển, đông thời nó còn làm tăng kết dính tiểu cầu, kích thích hệ giao cảm gây co mạch và tăng huyết áp

Trạng thái ít hoạt động thể lực:  nhiều nghiên cứu cho thấy người lao động trí óc, người ở thành phố, người chịu nhiều stress… sẽ bị xơ vữa động mạch nhiều hơn.

Hút thuốc lá:  thuốc lá chính là nguyên nhân làm giảm HDL đồng thời tăng LDL trong máu. Người hút thuốc càng nhiều thì lượng mỡ được đào thải càng kém khiến lượng mỡ bị thừa trong máu. Lượng mỡ thừa trong máu thường chọn mạch máu ở tim, mạch não để tụ lại khiến dòng chảy của máu bị ngăn lại và cục máu đông xuất hiện gây nhồi máu, đột quỵ

Dấu hiệu nhận biết bệnh xơ vữa động mạch

Được ví như sát thủ âm thầm, bệnh xơ vữa động mạch không xuất hiện triệu chứng ngay lập tức mà xuất hiện từ từ cho đến khi bệnh trở nặng. Các triệu chứng từ trung bình đến nghiêm trọng, tùy thuộc vào động mạch bị ảnh hưởng.

  • Xơ vữa động mạch vành ( động mạch cung cấp máu giàu oxy nuôi trái tim) sẽ có những dấu hiệu nhận biết như: đau ngực hoặc đau thắt ngực, khó thở, khó thở khi gắng sức, có cơn khó thở về đêm.
  • Xơ vữa động mạch cảnh ( động mạch cung cấp máu giàu oxy lên não) sẽ có những dấu hiệu nhận biết như: suy giảm ý thức nhanh chóng, nhìn mờ đột ngột, nói khó hoặc nói lắp.
  • Xơ vữa động mạch ngoại biên ( động mạch cung cấp máu đi tay, chân) sẽ có những dấu hiệu nhận biết như: vết thương ở chi lâu lành, cảm thấy nặng nề, đau đớn khi hoạt động, thường xuyên bị chuột rút ở các cơ bắp.
  • Xơ vữa động mạch thận sẽ có những dấu hiệu để nhận biết như: ăn mất ngon, sưng tay chân, khó tập trung.

Xơ vữa động mạch khi để lâu sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: liệt, đột quỵ, cụt chi thâm chí là tử vong. Chuẩn đoán và điều trị sớm có thể ngăn chặn tình trạng xơ vữa động mạch trở nên nghiêm trọng. Do đó, khi bắt đầu có những dấu hiệu trên, bạn hãy đến khám bác sĩ ngay để có được phương pháp điều trị thích hợp nhất

Chuẩn đoán bệnh xơ vữa động mạch như thế nào?

Trong khi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ có thể phát hiện bạn có những dấu hiệu của xơ vữa động mạch. Tùy vào kết quả kiểm tra, bạn sẽ phải làm một số chuẩn đoán theo yêu cầu bác sĩ để đưa ra tình trạng bệnh của bạn.

Đối với những người có nguy cơ mắc xơ vữa động mạch hoặc đã mắc bệnh nhưng ở giai đoạn sớm, chưa có triệu chứng cụ thể nhưng cần chuẩn đoán sớm đề đề phòng và chữa trị hiệu quả, thì cần làm xét nghiệm máu

  • Xét nghiệm máu: giúp đo nồng độ cholesterol trong máu, lượng đường trong máu. Thông thường bạn sẽ phải nhịn ăn uống ( trừ nước lọc) từ 9-12 tiếng trước khi làm xét nghiệm

Đối với những trường hợp bệnh đã phát triển, bác sĩ sẽ yêu cầu làm những chuẩn đoán cao hơn

  • Siêu âm Dopper: phương pháp giúp đo huyết áp tại các điểm khác nhau dọc tay, chân để đánh giá mức độ tắc nghẽn của động mạch
  • Chụp động mạch: bác sĩ sẽ cho bạn xem hình ảnh cụ thể về mức độ tổn thương động mạch của bạn, từ đó đưa ra các phương án giải quyết cụ thể

Điều trị bệnh xơ vữa động mạch như thế nào?

Mục đích của việc điều trị căn bệnh xơ vữa động mạch này là  nhằm làm giảm thiểu tối đa các yếu tố và nguy cơ gây xơ vữa động mạch, làm tan các mảng xơ vữa và hạn chế các cục máu đông ngăn ngừa các biến chứng do xơ vữa động mạch gây ra.

Thay đổi lối sống

Đối với những người đang có nguy cơ bị mắc xơ vữa động mạch, hoặc xơ vữa mức độ nhẹ thì thay đổi lối sống là phương pháp điều trị thích hợp nhất. Bạn nên chủ động tập thể dục kết hợp ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và từ bỏ các thói quen xấu để ngăn chặn triệt để các nguy cơ gây xơ vữa động mạch

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều chất xơ như rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Cung cấp đạm từ thực vật hoặc từ các loại thịt trắng như cá, gia cầm. Thay thế chất béo bão hòa bằng các chất béo lành mạnh có nguồn gốc từ thực vật như dầu ô liu, các loại hạt,…. Không nên ăn các loại thịt chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, các loại tinh bột tiêu hóa nhanh như bánh mỳ trắng, gạo trắng, … và các loại nước ngọt.
  • Bỏ thuốc lá: Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Trong khói thuốc chứa nicotin – là kẻ tù của các bệnh như ung thư phổi, ung thư thanh quản, … nicotin còn là chất kích thích làm tăng nhịp tim và làm co mạch máu tăng nguy cơ xơ vữa động mạch.
  • Tránh đồ uống có cồn: Cồn là chất gây nghiện, khi sử dụng quá nhiều sẽ gây đến các bệnh về gan, dạ dày,… Ngoài ra, cồn còn gây huyết áp cao – một trong những nguyên nhân gây xơ vữa động mạch. Vì vậy hạn chế sử dụng cồn không những tiết kiệm chi phí mà còn bảo vệ sức khỏe chính bản thân bạn
  • Tập thể dục thường xuyên:Tập thể dục đều đặn có thể làm tăng tuần hoàn và thúc đẩy phát triển các mạch máu khác xung quanh chỗ hẹp, bên cạnh đó còn giúp giảm huyết áp và giảm nguy cơ đái tháo đường. Thời gian tập thể dục tốt nhất theo các chuyên gia là khoảng 30-60 phút mỗi ngày.
  • Kiểm soát cân nặng: Kiểm soát cân nặng sẽ làm tăng HDL loại cholesterol có lợi cho cơ thể, làm giảm LDL là cholesterol có hại cơ thể, đồng thời làm tiểu cầu ít kết dính như vậy quá trình xơ vữa động mạch ít phát triển.
  • Hạn chế tiêu thụ muối: Muối làm tăng huyết áp – một trong những yếu tố gây xơ vữa động mạch. Do đó, hạn chế tiêu thụ muối sẽ giúp cải thiện huyết áp và ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Trong chế độ ăn tốt cho tim mạch, bạn không nên tiêu thụ quá 2400 mg muối mỗi ngày, tiêu thụ càng ít càng tốt.

Sử dụng thuốc

Bạn nên sử dụng thuốc khi các chỉ số cholesterol trong máu ở mức gây hại cho sức khỏe ( cholesterol toàn phần > 6,2 mmol/L), bạn có thể tham khảo một số thuốc dưới đây

  • Thuốc trị cholesterol: Một số loại thuốc có thành phần statin, ngoài việc giảm cholesterol, statin còn có tác dụng ổn định niêm mạc động mạch tim và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
  • Thuốc chống tiểu cầu: làm giảm khả năng tiểu cầu sẽ đóng cục trong các động mạch bị hẹp, hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn thêm.
  • Thuốc chẹn beta. Những loại thuốc này thường được sử dụng cho bệnh động mạch vành. Chúng làm giảm nhịp tim và huyết áp của bạn, giảm nhu cầu về tim và thường làm giảm các triệu chứng đau ngực.
  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin(ACE): Những loại thuốc này có thể giúp làm chậm quá trình xơ vữa động mạch bằng cách hạ huyết áp và tạo ra các tác dụng có lợi khác trên động mạch tim. Thuốc ức chế men chuyển cũng có thể làm giảm nguy cơ đau tim tái phát.
  • Thuốc chặncanxi: Những loại thuốc này làm giảm huyết áp và đôi khi được sử dụng để điều trị đau thắt ngực.

Thuốc chỉ có tác dụng đẩy nhanh quá trình kéo các chỉ số cholesterol về mức an toàn, bạn cần kết hợp với luyện tập thể thao và ăn uống lành mạnh để giúp kiểm soát các triệu chứng của xơ vữa động mạch một cách tốt nhất.

Phẫu thuật

Phẫu thuật là biện pháp cấp bách đối với những trường hợp bị xơ vữa động mạch nặng. Lúc này việc bạn cần làm đó là hợp tác, nghe theo lời khuyên và sự tư vấn của bác sĩ để cuộc phẫu thuật xảy ra thành công.

  • Đặt nong mạch vành và đặt stent. Trong thủ tục này, bác sĩ sẽ chèn một ống dài, mỏng vào phần bị thu hẹp của động mạch. Một ống thông thứ hai với một quả bóng xì hơi trên đầu của nó sau đó được đưa qua ống thông đến khu vực bị thu hẹp.Bong bóng sau đó được bơm phồng lên, nén các cặn vào thành động mạch của bạn. Một ống lưới (stent) thường được để lại trong động mạch để giúp giữ cho động mạch mở.
  • Phẫu thuật nội soi. Phẫu thật loại bỏ chất béo khỏi thành động mạch bị hẹp. Thường được sử dụng cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh
  • Điều trị tiêu sợi huyết. Nếu bạn có một động mạch bị chặn bởi cục máu đông, bác sĩ có thể sử dụng thuốc làm tan cục máu đông để phá vỡ nó.

Cách phòng tránh xơ vữa động mạch

Tại Việt Nam những năm gần đây, tỷ lệ người mắc các biến chứng tim mạch từ xơ vữa động mạch ngày càng tăng cao và trẻ hóa. Việc phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây ra xơ vữa động mạch rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, kiểm soát các yếu tố nguy cơ giúp ngăn cản mảng xơ vữa hình thành trên thành mạch ngay từ sớm. Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống với chế độ ăn ít mỡ, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, vận động thường xuyên… sẽ là giảm sự hình thành và phát triển các mảng xơ vữa.

Xơ vữa động mạch là bệnh nguy hiểm cần đề phòng. Bệnh sẽ trở về bình thường nếu bạn phát hiện ra sớm và áp dụng các phương pháp phòng tránh hiệu quả. Bạn nên thực hiện các thói quen tốt từ khi còn trẻ, đó là biện pháp mang lại hiệu quả lâu dài. Hãy luôn nhớ “Phòng bệnh hơn Chữa bênh” bạn nhé!

Từ khóa » Xơ Vữa Là Cái Gì