Xơ Vữa động Mạch - Suckhoe123
Xơ vữa động mạch là gì?
Xơ vữa động mạch hay xơ cứng động mạch là bệnh lý mà lòng động mạch bị hẹp lại do sự tích tụ mảng bám gây nên. Động mạch là các mạch máu mang oxy và chất dinh dưỡng từ trái tim đến khắp các bộ phận bên trong cơ thể.
Khi chúng ta già đi, chất béo, cholesterol và canxi sẽ tích tụ lại trong động mạch và hình thành mảng bám, khiến máu khó lưu thông qua. Sự tích tụ mảng bám có thể xảy ra trong bất kỳ động mạch nào trong cơ thể, bao gồm cả động mạch ở tim, chân hay thận.
Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu và oxy trong các mô của cơ thể. Mảng bám ở thành mạch máu có thể bị vỡ và bong ra, dẫn đến hình thành cục máu đông. Nếu không được điều trị, tình trạng xơ vữa động mạch có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc suy tim.
Xơ vữa động mạch là một vấn đề khá phổ biến ở tuổi già nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn và điều trị thành công.
Nguyên nhân gây xơ vữa động mạch
Sự tích tụ mảng bám sẽ làm cho động mạch bị cứng lại và hạn chế sự lưu thông máu, dẫn đến hậu quả là các cơ quan và mô trong cơ thể không được cung cấp đủ oxy để hoạt động bình thường.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây xơ vữa động mạch:
- · Nồng độ cholesterol cao: Cholesterol là một chất màu vàng, dạng giống như sáp có tự nhiên bên trong cơ thể và trong một số loại thực phẩm mà chúng ta ăn hàng ngày. Khi nồng độ cholesterol trong máu quá cao thì sẽ hình thành nên các mảng bám cứng làm tắc nghẽn động mạch, hạn chế hoặc chặn dòng máu đến tim và các cơ quan khác.
- · Chế độ ăn: Chế độ ăn nhiều chất béo xấu như chất béo bão hòa hay chất béo chuyển hóa, nhiều đường, muối cũng như là các loại thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao là nguyên nhân góp phần gây xơ vữa động mạch.
- Sự lão hóa: Khi có tuổi, tim và mạch máu sẽ phải làm việc nhiều hơn để bơm và lấy máu. Động mạch sẽ suy yếu và trở nên kém đàn hồi, khiến chúng dễ bị tích tụ mảng bám hơn.
Ai có nguy cơ xơ vữa động mạch?
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Một số trong đó là có thể thay đổi được nhưng một số thì lại không thể.
Tiền sử gia đình
Nếu trong gia đình có người thân bị xơ vữa động mạch thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh này bởi giống như các vấn đề tim mạch khác, xơ vữa động mạch cũng có thể di truyền.
Thiếu vận động
Tập thể dục thường xuyên là thói quen rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Điều này sẽ củng cố cơ tim và thúc đẩy sự lưu thông máu cùng với oxy đi khắp cơ thể.
Ngược lại, một lối sống ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe, bao gồm cả bệnh tim.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp có thể làm suy yếu và tổn hại đến các mạch máu. Trong khi đó, cholesterol và các chất khác trong máu có thể làm giảm sự linh hoạt của động mạch theo thời gian.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là điều rất có hại cho mạch máu và tim.
Bệnh tiểu đường
Những người mắc bệnh tiểu đường có tỷ lệ mắc bệnh mạch vành (CAD) cao hơn nhiều so với bình thường.
Các triệu chứng
Hầu hết các triệu chứng của bệnh xơ vữa động mạch đều chỉ xuất hiện khi mạch máu bị tắc nghẽn. Các triệu chứng thường gặp nhất gồm có:
- Đau ngực
- Đau ở chân, cánh tay và bất cứ vị trí nào có động mạch bị tắc nghẽn
- Thở gấp
- Mệt mỏi
- Đầu óc không tỉnh táo. Triệu này này thường xảy ra khi sự lưu thông máu đến não bị tắc nghẽn
- Suy yếu cơ ở chân do tuần hoàn kém
Bên cạnh đó, bạn cũng cần biết cả các triệu chứng của nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Cả hai vấn đề này đều có thể là do xơ vữa động mạch gây nên và cần được can thiệp ngay lập tức.
Các triệu chứng nhồi máu cơ tim thường là:
- Đau ngực hoặc khó chịu ở ngực
- Đau ở vai, lưng, cổ, cánh tay và hàm
- Đau bụng
- Hụt hơi
- Đổ mồ hôi
- Chóng mặt
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Cảm giác như sắp ngất
Các triệu chứng đột quỵ gồm có:
- Tê ở mặt hoặc chân tay
- Chân tay cử động yếu ớt
- Chậm hiểu
- Nói năng khó khăn
- Vấn đề về thị lực
- Mất thăng bằng
- Đau đầu đột ngột, dữ dội
Nhồi máu cơ tim và đột quỵ đều là những vấn đề khẩn cấp. Vì thế, cần gọi cấp cứu ngay nếu bạn gặp các triệu chứng nêu trên.
Phương pháp chẩn đoán
Nếu có triệu chứng xơ vữa động mạch, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để phát hiện:
- Mạch yếu
- Phình động mạch. Đây là tình trạng động mạch bị phình hoặc mở rộng bất thường do thành động mạch suy yếu
- Tốc độ lành vết thương chậm, điều này cho thấy sự lưu thông máu đang bị hạn chế
Ngoài ra, bác sĩ còn nghe tim để xem có âm thanh bất thường hay không. Nếu có tiếng rít hay tiếng thổi thì chứng tỏ động mạch đang bị nghẽn. Lúc này, nếu nghi ngờ bệnh nhân bị xơ vữa động mạch thì bác sĩ sẽ yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cholesterol
- Siêu âm Doppler, đây là phương pháp sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của động mạch nhằm phát hiện xem có bị tắc nghẽn hay không.
- Chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay (ABI). Đây là phương pháp giúp tìm ra vị trí mạch máu bị tắc ở cành tay hoặc chân bằng cách so sánh huyết áp ở mỗi chi.
- Chụp cộng hưởng từ (MRA) hay chụp cắt lớp vi tính động mạch (CTA) để tạo hình ảnh của các động mạch lớn trong cơ thể.
- Chụp động mạch vành (cardiac angiogram). Đây là phương pháp tiêm một loại thuốc nhuộm phóng xạ vào động mạch tim rồi chụp X-quang ngực.
- Điện tâm đồ (ECG hay EKG), là phương pháp đo hoạt động điện tim để phát hiện những vị trí bị giảm lưu thông máu.
- Điện tim gắng sức: phương pháp này giúp theo dõi nhịp tim và huyết áp trong khi vận động, ví dụ như khi chạy trên máy chạy bộ hoặc đạp xe tại chỗ.
Điều trị xơ vữa động mạch
Để điều trị xơ vữa động mạch, bệnh nhân cần điều chỉnh thói quen ăn uống để giảm lượng tiêu thụ chất béo và cholesterol. Ngoài ra, cần tập thể dục nhiều hơn để cải thiện sức khỏe của tim và mạch máu.
Khi mới chớm bị xơ vữa động mạch thì những thay đổi về lối sống này là phương pháp điều trị bước đầu. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, bạn sẽ cần đến các phương pháp điều trị bổ sung, ví dụ như dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Chế độ ăn
Ai cũng biết chế độ ăn uống lành mạnh có vai trò quan trọng như thế nào đối với sức khỏe. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị mọi người nên theo một chế độ ăn uống lành mạnh gồm có:
- Nhiều trái cây và rau củ
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt
- Các sản phẩm từ sữa ít béo
- Thịt gia cầm và cá, không nên ăn da
- Các loại hạt và đậu
- Dầu thực vật như dầu ô liu hoặc hướng dương
Ngoài ra còn có một số lời khuyên khác về chế độ ăn uống như:
- Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có nhiều đường, chẳng hạn như nước ngọt hay bánh kẹo. AHA khuyến nghị không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê (tương đương khoảng 100 calo) đường mỗi ngày đối với phụ nữ và không quá 9 muỗng cà phê (tương đương khoảng 150 calo) mỗi ngày đối với nam giới.
- Tránh thực phẩm chứa nhiều muối. Cụ thể là không nên ăn quá 2.300mg muối mà lý tưởng nhất là chỉ nên dưới 1.500 mg muối mỗi ngày.
- Tránh các loại thực phẩm có nhiều chất béo xấu, chẳng hạn như chất béo chuyển hóa (trans fat) và thay thế bằng chất béo không bão hòa (unsaturated fat). Nếu muốn giảm cholesterol trong máu thì cần hạn chế lượng chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn không quá 5 đến 6% tổng lượng calo. Ví dụ, đối với một người nạp vào 2000 calo mỗi ngày thì trong đó chỉ nên có khoảng 13g chất béo bão hòa.
Thuốc
Các loại thuốc có tác dụng ngăn tình trạng xơ vữa động mạch trở nên trầm trọng thêm.
Các loại thuốc thường được dùng để điều trị xơ vữa động mạch:
- Thuốc giảm cholesterol, bao gồm Statin và Fibrate
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitor) để ngăn ngừa hẹp động mạch
- Thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi để hạ huyết áp
- Thuốc lợi tiểu cũng để giúp giảm huyết áp
- Các loại thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu như aspirin để ngăn chặn hình thành cục máu đông và tắc nghẽn động mạch.
Aspirin đặc biệt có hiệu quả với những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch (ví dụ như nhồi máu cơ tim và đột quỵ). Việc điều trị bằng aspirin sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc một số vấn đề khác về sức khỏe tim mạch.
Nếu chưa từng bị bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch thì chỉ nên dùng aspirin như một loại thuốc phòng ngừa.
Phẫu thuật
Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng thì bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật để điều trị xơ vữa động mạch gồm có:
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, đây là phương pháp sử dụng một đoạn mạch được lấy từ một vị trí khác trong cơ thể hoặc một ống nhân tạo để chuyển hướng máu chảy ở động mạch bị nghẽn/hẹp.
- Dùng thuốc tiêu sợi huyết. Đây là phương pháp tiêm thuốc vào động mạch để làm tan cục máu đông.
- Nong mạch vành, trong đó bác sĩ sử dụng ống thông và bóng để mở rộng động mạch, đôi khi còn kết hợp đặt stent để giữ động mạch không bị hẹp trở lại.
- Cắt nội mạc động mạch nhằm loại bỏ mảng bám tích tụ khỏi thành động mạch
- Lấy mảng xơ vữa, đây là kỹ thuật loại bỏ mảng bám khỏi thành bên trong động mạch bằng cách sử dụng ống thông có lưỡi sắc.
Triển vọng sau điều trị
Sau khi được điều trị, bạn sẽ thấy sức khỏe có sự cải thiện dần theo thời gian. Tuy nhiên, mức độ thành công của việc điều trị còn phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng xơ vữa động mạch.
- Thời gian được điều trị kể từ khi mắc bệnh.
- Các cơ quan khác có bị ảnh hưởng hay không?
Một khi các động mạch cứng lại thì không thể khôi phục lại như bình thường được nữa. Tuy nhiên, việc điều trị nguyên nhân gốc rễ và thực hiện theo một lối sống lành mạnh sẽ giúp làm chậm tốc độ tiến triển và ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn về cách thay đổi thói quen sống cho phù hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng cần phải dùng thuốc đúng theo chỉ định để kiểm soát tình trạng bệnh và tránh xảy ra các biến chứng không mong muốn.
Các biến chứng
Xơ vữa động mạch có thể gây ra các biến chứng như:
- Suy tim
- Nhồi máu cơ tim
- Rối loạn nhịp tim
- Đột quỵ
- Tử vong
Xơ vữa động mạch cũng có thể gây ra bệnh sau đây:
Bệnh động mạch vành
Động mạch vành là các mạch máu cung cấp oxy và máu cho mô cơ tim. Bệnh động mạch vành (CAD) xảy ra khi các động mạch vành bị xơ cứng.
Bệnh động mạch cảnh
Động mạch cảnh là những động mạch ở cổ và có nhiệm vụ cung cấp máu cho não.
Những động mạch này cũng có thể bị tổn hại khi mảng bám tích tụ, gây gián đoạn sự tuần hoàn máu, từ đó làm giảm lượng máu và oxy đến mô và tế bào não.
Tìm hiểu thêm về bệnh động mạch cảnh.
Bệnh động mạch ngoại biên
Chân, cánh tay và phần dưới của cơ thể đều phải phụ thuộc vào động mạch cung cấp máu và oxy cho các mô. Động mạch bị xơ cứng có thể gây ra vấn đề về lưu thông máu ở những vùng này của cơ thể.
Bệnh thận
Các động mạch thận cung cấp máu cho thận. Đây là cơ quan có nhiệm vụ lọc các chất thải và nước thừa từ máu. Tình trạng xơ vữa động mạch có thể gây suy thận.
Ngăn ngừa xơ vữa động mạch
Việc thay đổi một số thói quen sống sẽ giúp ngăn ngừa cũng như là điều trị xơ vữa động mạch, đặc biệt là với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Những thay đổi về thói quen sống này gồm có:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, ít chất béo bão hòa và cholesterol
- Tránh đồ ăn dầu mỡ, nhiều chất béo
- Ăn cá ít nhất hai lần mỗi tuần
- Tập luyện ít nhất 75 phút (cường độ cao) hoặc 150 phút (cường độ vừa) mỗi tuần
- Bỏ thuốc lá
- Giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì
- Hạn chế căng thẳng
- Điều trị các vấn đề liên quan đến xơ vữa động mạch, như tăng huyết áp, nồng độ cholesterol cao và bệnh tiểu đường
- Thông tin về bảng giá Xơ Vữa Động Mạch
- Hỏi đáp về Xơ Vữa Động Mạch
- Video Xơ Vữa Động Mạch của các khách hàng
- Hình ảnh trước sau Xơ Vữa Động Mạch
Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá
Click để đánh giá bài viếtTừ khóa » Các Loại Xơ Vữa
-
5 Loại Xơ Vữa động Mạch Phổ Biến Và Triệu Chứng Nhận Biết
-
Xơ Vữa động Mạch - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia - MSD Manuals
-
Xơ Vữa động Mạch: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và điều Trị
-
Chẩn đoán Và điều Trị Xơ Vữa động Mạch | Vinmec
-
Xơ Vữa động Mạch - Bệnh Viện Nhân Dân 115
-
Xơ Vữa động Mạch Nên ăn Gì Kiêng Gì? [Chuyên Gia Giải đáp]
-
Bệnh Xơ Vữa động Mạch Và TOP 6 điều Cần Biết - CarePlus
-
Bệnh Xơ Vữa động Mạch Là Gì? Triệu Chứng Và điều Trị • Hello Bacsi
-
5 Loại Thực Phẩm Tốt Cho Bệnh Nhân Xơ Vữa động Mạch
-
Xơ Vữa động Mạch Là Gì, Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Cách điều Trị
-
Xơ Vữa Xơ Cứng động Mạch | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Xơ Vữa động Mạch: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách điều Trị
-
Cách Nhìn Mới Về Xơ Vữa động Mạch