Xóa Bỏ Bao Cấp Doanh Nghiệp Nhà Nước - Báo Tuổi Trẻ

Kinh tế dân doanh trong nước đã đạt tỉ trọng trên 40%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gần 20%; doanh nghiệp nhà nước gần 40%. Sự biến đổi về cơ cấu thành phần kinh tế như vậy thể hiện xu hướng tất yếu tiến bộ là chuyển mạnh chức năng tích lũy, đầu tư và điều hành sản xuất kinh doanh từ Nhà nước sang khu vực kinh tế dân doanh.

Tuy vậy, trên thực tế hơn 10 năm qua, chuyện bao cấp đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn chưa dứt. Nếu từ khoảng năm 1990 về trước là bao cấp hiện vật trong hoàn cảnh Nhà nước rất túng thiếu thì từ trên 10 năm gần đây đã chuyển thành bao cấp dưới hình thức tài chính hào phóng hơn nhiều.

Gần đây nhất mới có một số quyết sách cơ bản tạo khả năng xóa bỏ cơ chế bao cấp với DNNN; trong đó quan trọng nhất là chủ trương xóa bỏ chính sách phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, giành đặc quyền đặc lợi cho DNNN và chính sách nhất quán chủ động hội nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Từ đó đã đưa ra giải pháp tầm chiến lược: xây dựng hệ thống Luật kinh tế và Luật kinh doanh áp dụng thống nhất với tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Việc thực hiện giải pháp chiến lược này đang vấp phải khó khăn lớn, cụ thể là: việc sắp xếp, chuyển đổi DNNN sang loại hình doanh nghiệp có thể hoạt động theo Luật doanh nghiệp thống nhất sẽ không thể làm được, nếu vẫn giữ tính chất DNNN về sở hữu cũng như về tổ chức quản lý.

Đây là nguyên nhân trực tiếp đưa tới sự bế tắc kéo dài cho đến nay trong chuyển đổi DNNN cũng như trong đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế, thể hiện trên hai mặt: Một là, nhiều cơ quan nhà nước vẫn còn sa lầy trong chức năng chủ đầu tư và chủ quản quá nhiều DNNN và dự án đầu tư.

Mọi giải pháp đã và đang làm về “bỏ chủ quản” vẫn chỉ là di chuyển địa chỉ chủ đầu tư và chủ quản, chứ chưa thể giảm tải đi tới trút gánh nặng. Hai là, sự trì trệ kéo dài trong việc chuyển DNNN sang công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn, do cổ phần hóa khép kín nội bộ, hoặc giữ cổ phần nhà nước khống chế, gắn liền với việc giữ nguyên cách tổ chức quản lý bên trong doanh nghiệp.

Để vượt ra khỏi cục diện trì trệ kéo dài đó, đã có rất nhiều kiến nghị công bố trên sách báo. Nhưng điều quan trọng nhất là Nhà nước phải chủ động rút khỏi chức năng đầu tư và điều hành doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh cạnh tranh, theo phương châm Nhà nước chỉ làm DNNN khi khu vực dân doanh chưa thể làm và chưa muốn làm.

Sự nhất quán theo xu hướng này sẽ đẩy nhanh quá trình tạo lập kinh tế thị trường đầy đủ với khu vực dân doanh làm nền tảng trong kinh doanh cạnh tranh. Dẫu sao vẫn còn không ít DNNN, mà ở cấp trung ương thường là những doanh nghiệp lớn rất quan trọng và một số doanh nghiệp loại đặc biệt. Trong trường hợp đó cũng không thể giữ cơ chế tổ chức quản lý cùng với chế độ chủ quản như hiện nay.

Chỉ khi xóa bỏ được cơ chế nhà nước công quyền đồng thời làm chức năng nhà đầu tư và điều hành sản xuất kinh doanh, chúng ta mới có thể thúc đẩy nhanh việc xây dựng đồng bộ nền kinh tế thị trường năng động, với sự quản lý nhà nước ngày càng lành mạnh, đủ sức chủ động thích nghi và vươn lên trong cuộc hội nhập và đua tranh phát triển vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Từ khóa » Xoá Bỏ Chế độ Bao Cấp