Xoa Bóp - Bấm Huyệt điều Trị Cơ Nhị đầu Cánh Tay

Cơ nhị đầu là cơ vùng cánh tay trước. Cơ có hai đầu, bám nguyên ủy vào xương vai ở củ trên khớp (đầu dài) và vào mỏm quạ xương vai (đầu ngắn). Cơ bám tận vào lồi củ xương quay. Đây là một cơ hai khớp nên chức năng của nó ở khớp vai là gập cánh tay và là cơ ổn định chỏm xương cánh tay ở khớp này. Tại khớp khuỷu, nó làm gập và ngửa cẳng tay. Vì hai đầu của cơ là đầu dài và đầu ngắn bám vào xương vai cách nhau một khoảng nên chức năng của chúng đối với cánh tay không giống nhau. Đầu dài của cơ này làm gập và dang cánh tay (khi cánh tay xoay ngoài hoàn toàn), trong khi đầu ngắn lại gập và khép cánh tay.

Nguyên nhân

Tổn thương thường gặp trên cơ nhị đầu là tổn thương sụn viền và gân nhị đầu: đối với những người chơi thể thao, đặc biệt là các môn thể thao thường phải sử dụng tay qua đầu như tennis, cầu lông, bóng ném, bóng rổ… Tình trạng đau vai do có tổn thương sụn viền và chỗ bám của gân nhị đầu dài. Tổn thương này gây đau trong các động tác sinh hoạt hàng ngày. Đau trong những trường hợp này thường dai dẳng, tăng lên khi thực hiện các động tác đưa tay qua đầu và làm giảm khả năng vận động của tay khi bị chấn thương. Sụn viền khớp vai là một cấu trúc giải phẫu, bao quanh ổ chảo xương vai, là phần tiếp khớp với xương cánh tay và có vai trò làm sâu thêm ổ chảo để tăng khả năng chống trật khớp cho khớp vai. Gân nhị đầu dài xương cánh tay là 1 trong 2 đầu gân của cơ nhị đầu cánh tay. Cơ này có tham gia vào động tác gấp và sấp khuỷu tay. Gân nhị đầu dài chạy vào trong khớp và bám vào bờ trên ổ chảo xương vai và liên tục với phần trên của sụn viền. Đoạn trong khớp này của gân nhị đầu có vai trò phức tạp trong đó có một vai trò được nhắc đến là định hướng cho chuyển động của chỏm xương cánh tay trong động tác dạng vai. Cấu trúc sụn viền và gân nhị đầu ở chỗ bám vào bờ trên ổ chảo xương cánh tay dễ bị thương tổn khi dư lực của cơ nhị đầu tác động vào chỗ bám ở bờ trên ổ chảo gây nên thương tổn. Cơ chế chấn thương thường gặp là khớp vai xoay trong khi khuỷu tay duỗi đột ngột, thường gặp trong động tác ném bóng, nâng vật nặng (đẩy tạ) hoặc động tác phát bóng mhamh và mạnh trong tennis. Chấn thương có thể nặng ngay lập tức hoặc tăng dần do bị tác động lặp đi, lặp lại.

Xoa bóp - bấm huyệt điều trị cơ nhị đầu cánh tay

Cơ nhị đầu cánh tay dễ bị chấn thương, viêm

Xoa bóp - bấm huyệt điều trị cơ nhị đầu cánh tay

Chẩn đoán

Triệu chứng chính của tổn thương này là đau, tùy mức độ tổn thương có thể đau khi vận động vai ở một số động tác hoặc đau ê ẩm thường xuyên nếu kèm theo tình trạng viêm của gân. Đau có thể lan xuống vùng cánh tay hoặc cẳng tay. Đôi khi đau cảm giác mơ hồ, không rõ ràng. Bên cạnh đau là tình trạng giảm vận động do đau, bệnh nhân có thể không thực hiện được động tác do đau hoặc khi cố thực hiện sẽ bị mất lực để thực hiện động tác. Đôi khi triệu chứng đau giống với đau do các nguyên nhân khác của bệnh lý nội khoa như viêm gân cơ, viêm quanh khớp vai... nên cần phải thăm khám kỹ mới có thể phân biệt được.

Siêu âm cơ: siêu âm khớp vai là biện pháp hữu hiệu nhất cho phép chẩn đoán đánh giá tình trạng gân và túi hoạt dịch gân. Siêu âm còn giúp cho việc theo dõi tiến triển của tổn thương và hiệu quả của việc điều trị.

Chụp MRI: cho phép đánh giá tình trạng gân và bao hoạt dịch gân một cách chính xác

Việc chẩn đoán dựa vào việc thăm khám kỹ bằng những nghiệm pháp thăm khám lâm sàng chuyên khoa kết hợp với siêu âm cơ vùng vai hoặc chụp phim cộng hưởng từ khớp vai.

Chẩn đoán viêm gân và viêm bao hoạt dịch gân: có đau khớp vai, có điểm đau ở rãnh nhị đầu, đau tăng khi làm động tác xoay ngoài và gấp cẳng tay có trở kháng. Siêu âm: có hình ảnh viêm gân hoặc viêm túi hoạt dịch gân dài cơ nhị đầu.

Chẩn đoán trượt gân dài cơ nhị đầu ra khỏi rãnh nhị đầu: có thể thấy tiếng “bật” khi vận động cánh tay nhất là động tác gấp cánh tay ra trước, xoay trong và nâng cánh tay lên. Gân lại trở về rãnh khi cánh tay trở về vị trí cạnh thân mình. Không thấy điểm phồng của cơ nhị đầu ở 1/3 dưới cánh tay và không thấy hố lõm vùng  bụng cơ khu trú như là đứt gân. Siêu âm: cho bệnh nhân xoay trong cánh tay, đưa cánh tay ra trước lên trên. Ở động tác này, gân sẽ trượt ra khỏi rãnh, có hình ảnh rãnh nhị đầu trống. Đưa tay về vị trí dọc thân mình, gân trở về nằm trong rãnh, siêu âm lại thấy gân trong rãnh nhị đầu.

Chẩn đoán đứt hoàn toàn gân dài cơ nhị đầu: lâm sàng: có tiếng “phựt” và cảm giác đau nhói ở mặt trước khớp vai sau một gắng sức của cơ nhị đầu. Sưng nề và có vết tím bầm ở vùng rãnh nhị đầu, dưới cơ delta phía trước, có thể không có triệu chứng này nếu đứt gân do thoái hóa. Xuất hiện một điểm phồng ở hố trụ trước 1/3 dưới cánh tay, và một hố nơi bụng cơ nhị đầu khu trú trước đây. Làm động tác gấp và ngửa cẳng tay có sức đề kháng thấy tăng độ phồng ở 1/3 dưới cánh tay. Siêu âm: thấy rãnh nhị đầu trống, không có gân trong rãnh. Chụp MRI để chẩn đoán chính xác tình trạng đứt gân.

Điều trị bằng xoa bóp - bấm huyệt

Xoa xát vùng mặt trước cánh tay: chủ yếu bôi trơn chuẩn bị xoa bóp bấm huyệt nếu vùng da mặt trước cánh tay da khô thoa dầu, nếu vùng mặt trước cánh tay da ẩm thì sử dụng phấn rơm.

Day cơ nhị đầu cánh tay: dùng gốc lòng bàn tay day cơ nhị đầu cánh từ khuỷu tay đến vai chú ý mặt trước cánh tay.

Miết cơ nhị đầu cánh tay: 1 bàn tay vịn cẳng tay người được xoa bóp bấm huyệt bàn tay kia gập các ngón tay 2, 3, 4, 5 về phía lòng bàn tay, sử dụng các khớp liên đốt gần nhấn vào mô, trượt dọc theo cơ tới đầu xương cánh tay (đầu dài cơ nhị đầu), sau đó miết hơi lệch về sau một chút về phía nách (đầu ngắn của cơ nhị đầu). Từ 3 - 5 lần.

Bóp nắn cơ nhị đầu cánh tay: dùng 2 tay ngón cái 1 bên các ngón còn lại 1 bên, bóp nhẹ nhàng từ khuỷu tay lên  mặt trước vai. Từ 3 - 5 lần.

Nhào cơ nhị đầu: dùng tay bóp nhẹ trên cơ nhị đầu cách nhau 5cm, di chuyển 2 tay theo chiều nhược nhau. Từ 3 - 5 lần

Ấn day điểm đau: dùng ngón tay day điểm đau chú ý nhẹ nhàng vừa sức chịu đựng.

Ấn các huyệt: Kiên ngung, Liệt khuyết, Xích trạch...

Rung cơ nhị đầu: người xoa bóp bấm huyệt áp sát bàn ngón tay rung với tần số cao từ vai đến khuỷu tay.

Vận động khớp vai: nếu có giới hạn vùng khớp vai.

Quay vòng nhỏ: người xoa bóp bấm huyệt 1 tay để ở vai, 1 tay để ở khuỷu tay người được xoa bóp bấm huyệt, di chuyển khớp vai nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ theo vòng nhỏ, chủ yếu là thăm dò biên độ vận động của khớp, sau đó quay ngược lại bằng số vòng đã quay trước đó.

Quay vòng rộng ra trước: giống như quay vòng nhỏ nhưng  mở rộng biên độ của khớp vai về phía trước theo chiều kim đồng hồ, sau đó quay ngược lại bằng số vòng đã quay trước đó.

Ấn giãn vai: người xoa bóp bấm huyệt 1 tay để ở vai, 1 tay để ở khuỷu tay người được xoa bóp bấm huyệt di chuyển khớp vai nhẹ nhàng bằng cách nâng khớp khuỷu lên ngang vai hoăc cao hơn tùy theo sức chịu đựng.

Xoa bóp - bấm huyệt điều trị cơ nhị đầu cánh tayẤn giãn vai

Quay vòng rộng ra sau: người xoa bóp bấm huyệt 1 tay để ở vai, 1 tay để ở khuỷu tay người được xoa bóp bấm huyệt, di chuyển khớp vai nhẹ nhàng mở rộng biên độ của khớp vai về phía trước theo chiều kim đồng hồ, sau đó di chuyển khuỷu tay về phía đầu.sao cho cẳng tay kết thúc ở đỉnh đầu, lập lại 3 - 5 lần.

Xoa bóp - bấm huyệt điều trị cơ nhị đầu cánh tayQuay vòng rộng ra sau

Vận động khớp khuỷu: người xoa bóp bấm huyệt một tay giữ phía trên khớp khuỷu, tay kia nắm cổ tay người được xoa bóp bấm huyệt, rồi làm động tác gấp, duỗi và quay sấp ngửa ba đến năm lần.

Xoa bóp - bấm huyệt điều trị cơ nhị đầu cánh tayGấp

Xoa lại kết thúc: chú ý xem lại vùng xoa bóp bấm huyệt vùng mặt trước cánh tay có ửng đỏ vùng da là đạt, mỗi lần xoa bóp bấm huyệt và vận động khớp vai, khuỷu là 20 phút, ngày làm 1 - 2 lần, liệu trình 2 tuần. đánh giá lại bằng thăm khám và siêu âm cơ.

Xoa bóp - bấm huyệt điều trị cơ nhị đầu cánh tayDuỗi

Khi tay không làm được động tác gập và dang. khép cánh tay cũng như không làm gập và ngửa cẳng tay trong bệnh lý gân cơ nhị đầu thì xoa bóp - bấm huyệt là lựa chọn thích hợp giúp sơ thông kinh lạc, lưu thông khí huyết, làm cho dinh vệ được điều hòa, trấn thống giúp cải thiện các triệu chứng và điều trị các tổn thương do viêm gân cơ nhị đầu gây nên.

Từ khóa » Gân Cơ Nhị đầu Cánh Tay