Xoài Bao Nhiêu Calo? Ăn Xoài Có Tác Dụng Gì? - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Tìm hiểu về quả Xoài
  • 2. Ăn xoài có tác dụng gì?
  • 3. Các món ăn từ Xoài
  • 4. Lưu ý khi ăn xoài

Xoài không chỉ là loại trái cây ngon mà còn tốt cho sức khỏe. Hãy cùng Youmed tìm hiểu những công dụng nổi bật mà loại trái cây này mang lại cho sức khỏe nhé!

1. Tìm hiểu về quả Xoài

1.1. Nguồn gốc cây Xoài

Xoài là một loại trái cây phổ biến trên thế giới
Đây là một loại trái cây phổ biến trên thế giới

Xoài là một loại trái cây vị ngọt thuộc chi Xoài, phần lớn được tìm thấy trong tự nhiên là các loại xoài hoang dã. Tất cả đều thuộc họ thực vật có hoa Anacardiaceae.

Loại trái cây này có nguồn gốc ở Nam Á và Đông Nam Á, từ đó nó đã được phân phối trên toàn thế giới, đặc biệt là được trồng hầu hết ở vùng nhiệt đới.

Diện tích trồng trên thế giới hiện nay khoảng 1,8 – 2,2 triệu hécta bao gồm 87 nước. Châu Á chiếm 2/3 diện tích này, trong đó đứng đầu là Ấn Độ (chiếm gần 70% sản lượng xoài thế giới với 9,3 triệu tấn), Thái Lan, Pakistan, Phillippin, và phía Nam Trung Quốc,…

Để chat, gọi điện và đặt khám bác sĩ chuyên về Dinh Dưỡng, tải ngay ứng dụng YouMed.

1.2. Các loại xoài tại Việt Nam

Có rất nhiều giống hiện được trồng tại Việt Nam:

1.2.1. Xoài Cát Hòa Lộc

Đây được coi là giống có phẩm chất ngon nhất. Nguồn gốc xuất phát từ Cái Bè (Tiền Giang), có trái to, trọng lượng trái 400 – 600gr, thịt trái vàng, dẽ, thơm, ngọt, hạt dẹp.

1.2.2. Xoài Cát Chu

Cây cho phẩm chất trái ngon, thịt thơm ngọt có vị hơi chua, dạng trái hơi tròn, trọng lượng trái khoảng 250 – 350gr, vỏ trái mỏng. Cây cho ra hoa rất tập trung và dễ đậu trái, năng suất rất cao.

1.2.3. Xoài Xiêm

Loại xoài này có phẩm chất tương đối ngon, cơm vàng, thịt dẽo, mịn, hạt nhỏ, vỏ trái dày. Đây cũng là một giống dễ đậu trái, năng suất cao.

1.2.4. Xoài Bưởi

Có nguồn gốc từ Cái Bè (Tiền Giang), còn gọi là xoài ghép hay xoài 3 mùa mưa, trọng lượng trái trung bình 250 – 350gr. Giống nầy có thể trồng được trên nhiều loại đất kể cả đất nhiễm phèn, mặn. Cây phát triển nhanh, nếu trồng từ hột cây cho trái sau 2,5 – 3 năm.

1.2.5. Nam-dok-mai (Thái Lan)

Loại cây này có tán thưa, lá to bản, mép gợn sóng. Trái vỏ mỏng láng, màu vàng đẹp, ngọt, thơm, hạt nhỏ, nặng trung bình 320gr, hình bầu dục, đầu trái nhọn. Đây là giống ăn sống, phiến lá lớn, phát triển, phẳng, đuôi lá tròn, cây sinh trưởng tốt và dễ ra hoa, trái từ 800gr – 1kg, cho trái từ 2-3 năm sau khi trồng.

1.2.7. R2E2 (xoài Úc)

R2E2 là giống có chất lượng trái ngon đang được phát triển trong thời gian gần đây ở vùng Nha Trang-Khánh Hoà, An Giang. Loại này có lá vặn hình xoắn ốc, trái tròn, màu sắc vỏ trái đẹp, có mùi thơm đặc trưng, thịt trái ngọt, chắc và ít xơ. Xoài Úc có giá khá cao và ổn định trong những năm gần đây.

1.3. Thành phần dinh dưỡng của xoài

Xoài là loại trái cây có nhiều dinh dưỡng
 Đây là loại trái cây có nhiều dinh dưỡng

Mỗi 100g xoài cho giá trị dinh dưỡng như sau:

Các chất dinh dưỡng cơ bản

  • Năng lượng 65 kCal
  • Chất béo 0,3g
  • Chất bột đường 17g
  • Protein 0,5g

Vitamin và khoáng chất

  • Vitamin A 765 IU
  • Vitamin C 27,7 mg
  • Vitamin E 1,1 mg
  • Vitamin K 4,2 mg
  • Vitamin B1 0,1 mg
  • Vitamin B2 0,1 mg
  • Vitamin B3 0,6 mg
  • Vitamin B6 0,1 mg
  • Vitamin B9 14 mcg
  • Vitamin B5 0,2 mg
  • Choline 7,6 mg
  • Canxi 10 mg
  • Sắt 0,1 mg
  • Magie 9 mg
  • Phốt pho 11 mg
  • Kali 156 mg
  • Natri 2 mg
  • Đồng 0,1 mg
  • Selen 0,6 mcg

2. Ăn xoài có tác dụng gì?

2.1. Hỗ trợ tiêu hóa

Xoài chứa nguồn chất xơ dồi dào giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa táo bón. Các enzyme trong quả có được dùng để chữa kiết lị, nhiễm trùng đường tiết niệu.

2.2. Tăng cường thị lực

Zeaxanthin có trong quả là một chất chống oxy hóa, có tác dụng giúp loại bỏ các tia tử ngoại xanh có hại khỏi tia UV của mặt trời và đóng vai trò giúp giảm thoái hóa điểm vàng.

Đây cũng là một loại trái cây giàu vitamin A. Một cốc xoài cắt lát tương đương 25% nhu cầu vitamin A hàng ngày giúp thúc đẩy thị lực tốt, tránh được chứng mù đêm và chống lại bệnh khô mắt.

2.3. Phòng chống ung thư

Xoài có chứa pectin hòa tan giúp ngăn ngừa tế bào ung thư hình thành. Hàm lượng cao vitamin C có trong loại trái cây này cũng giúp bảo vệ các tế bào khỏi tác hại của gốc tự do và làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

2.4. Giúp bổ não và cải thiện trí nhớ

Xoài cũng mang lại nhiều bổ ích cho bộ não đối với những người làm việc bằng trí óc, hay bị suy nhược thần kinh.

Vitamin B6 và các axit amin sẽ giúp cải thiện trí nhớ tốt, kích thích hoạt động của não bộ và duy trì sự tập trung. Bên cạnh đó xoài cũng giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer – Hội chứng suy giảm trí nhớ thường gặp ở những người lớn tuổi.

3. Các món ăn từ Xoài

Xoài có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn
 Xoài có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn

Xoài là loại trái cây dễ ăn, được nhiều người yêu thích. Cả xoài sống hay xoài chín đều có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến thành các loại món ăn khác nhau như gỏi, sinh tố, salad,…

Ngoài ra, trong Đông Y, toàn cây xoài còn được sử dụng như là một vị thuốc điều trị một số bệnh sau:

Trị giun

Hạt xoài phối hợp với hạt chanh, mỗi vị 5 – 20g, giã nát, sắc uống vào sáng sớm lúc đói.

Chữa kiết lỵ, tiêu chảy

Phơi trong râm đến khô là cây tươi, nghiền thành bột mịn. Uống ngày 2-3 lần, mỗi lần 1 – 2g.

Giã nát 5 – 10g hạt, ép lấy nước, thêm ít muối vào uống. Uống trong 3 ngày, ngày uống 2-3 lần.

Sắc kỹ với nước 15-20g hạt, chia làm 3 lần uống trong ngày. Để dễ uống có thể cho thêm đường.

Trị ngứa lở ngoài da, âm đạo

Ngâm rửa vỏ thân sắc đặc. Có thể dùng nhựa xoài hòa với nước chanh rồi bôi.

4. Lưu ý khi ăn xoài

Mặc dù xoài tốt cho cơ thể, nhưng không phải ai cũng ăn được nó. Dưới đây là một số điều bạn cần chú ý khi sử dụng:

  • Trong quả có hàm lượng chất xơ khoảng 3g. Việc hấp thụ quá nhiều chất xơ có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, nhất là tình trạng tiêu chảy.
  • Thận trọng với nhựa vì có thể gây ngộ độc dẫn đến hiện tượng nôn mửa, nếu dính vào da sẽ gây dị ứng viêm da.
  • Chú ý không nên ăn xoài chung với các loại trái cây có tính nhiệt cao như vải, sầu riêng, nhãn,…
  • Hạn chế không nên ăn quả sống lúc bụng đói, vì vị chua sẽ làm kích thích dịch vị trong dạ dày gây nguy cơ mắc bệnh đường ruột cao.

Qua bài viết trên, Youmed đã cung cấp cho bạn một số thông tin về lợi ích, công dụng và một số điều lưu ý khi sử dụng xoài. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì liên quan đến sức khỏe, bạn hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn hướng giải quyết nhé!

Dược sĩ Nguyễn Hoàng Bảo Duy

Từ khóa » Tìm Hiểu Về Quả Xoài