Xoài Campuchia Tấn Công Thị Trường Việt - Báo Người Lao động

Khảo sát tại các cửa hàng, chợ TP HCM cho thấy xoài Campuchia được bày bán ở hầu hết các quầy hàng trái cây. Tại chợ Văn Thánh (Bình Thạnh) đa phần các tiểu thương đều cho biết, hai năm trở lại đây, xoài được họ nhập phần lớn có nguồn gốc Campuchia. Riêng xoài cát hay xoài miên thì chỉ nhập với số lượng nhỏ và bán và dịp Tết.

“Xoài Việt Nam chủ yếu là xoài ăn chín, mẫu mã lại không bắt mắt, trong khi đó, xoài Campuchia trái đẹp, giá lại bình dân nên được nhiều tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng. Nếu xoài cát giá cả lên xuống thất thường 35.000–70.000 đồng một kg thì xoài keo Campuchia chỉ quanh mức 20.000-30.000 đồng, hay xoài Miên ăn chín như xoài cát giá cũng chỉ 30.000-40.000 đồng” - chị Hoa, tiểu thương tại chợ Văn Thánh cho biết.

 Mặc dù được trung bày ở vị trí bắt mắt hơn so với xoài keo Campuchia nhưng xoài cát Việt Nam vẫn kén khách. Ảnh: Thi Hà.

Mặc dù được trung bày ở vị trí bắt mắt hơn so với xoài keo Campuchia nhưng xoài cát Việt Nam vẫn kén khách. Ảnh: Thi Hà.

Chị Thanh, tiểu thương tại chợ Thị Nghè cho biết mỗi ngày bán được 50 kg đến một tạ xoài keo. Trong khi đó, các loại xoài của Việt Nam chủ yếu chỉ đắt khách vào ngày rằm hoặc mùng Một vì khách mua về thờ cúng.

“Xoài keo Campuchia trái to, mùi vị thơm ngon, có thể ăn sống hoặc chín nên rất dễ tiêu thụ. Thông thường tôi mua qua thương lái với giá 15.000-20.000 đồng một kg và khi bán ra thị trường mỗi kg được lời 5.000 đồng. Do bán với số lượng nhiều nên thu lãi hơn hẳn hàng Việt” - chị Thanh nói.

Chị Thanh cũng cho biết, 2 năm nay, thay vì bán xoài cát, chị thay bằng xoài keo. Bởi, xoài cát chỉ ăn chín mới ngon nhưng nếu để chín rất dễ dập nên hư hao nhiều. Trong khi đó, xoài keo giá rẻ, lại để được lâu nên buôn bán thuận lợi hơn. Mặt khác, chị Thanh cho biết xoài keo không chỉ được nhiều khách hàng tiêu dùng lẻ ưa chuộng mà các quán ăn, quán nhậu hay nhà hàng cũng tiêu thụ vì chúng còn dùng để chế biến món ăn.

Chia sẻ với PV, anh Phát - một thương lái chuyên thu mua xoài ở cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), cho biết thông thường xoài keo Campuchia có vụ chính vào tháng 10-11 nhưng thời gian gần đây, nông dân nước này đã cải thiện và chăm sóc để cây ra hoa 2 vụ trong năm nên số lượng khá dồi dào. Thổ nhưỡng của Campuchia phù hợp với xoài keo nên sản phẩm của nước này chất lượng tốt, mẫu mã đẹp hơn so với xoài cùng loại của Việt Nam. Ngoài ra, còn khá nhiều sản phẩm xoài xuất khẩu của Campuchia có chất lượng khá tốt được thị trường Việt đón nhận nhưng vì hàng không nhiều nên người tiêu dùng ít biết đến.

“Campuchia có tới 3 - 4 cấp độ sản phẩm cho nhu cầu của từng thương lái. Riêng hàng xuất khẩu giá dao động 35.000 - 40.000 đồng một kg. Còn loại 2, 3 chỉ 10.000-20.000 đồng một kg. Ngoài sản phẩm xoài keo chiếm số lượng lớn tại Việt Nam thì xoài cát, xoài Miên cũng bán đầy thị trường” - anh Phát cho biết.

Anh Phát cũng cho hay nhập khoảng 5-7 tấn mỗi ngày qua cửa khẩu Tịnh Biên, với những ngày thấp điểm khoảng 2-3 tấn. Trung bình, sản lượng xoài từ Campuchia qua Việt Nam 30 – 40 tấn một ngày, được phân phối ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, miền Tây và TP HCM là nơi tiêu thụ lớn nhất.

Theo anh Phát, sở dĩ xoài Campuchia được ưa chuộng vì chúng có vị chua chua, ngọt thanh, mẫu mã bắt mắt, lượng hàng ổn định. Ngược lại, xoài Việt, giá và lượng hàng bấp bênh. Đặc biệt, thời gian gần đây, xoài Việt Nam chăm sóc kém, cứ thu hoạch được 3-4 năm là ra trái chất lượng không ổn định, thân cây hay bị bệnh sâu thân nên sản lượng thấp.

Cũng thừa nhận xoài Việt đang bị sức ép từ xoài Campuchia, ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm hợp tác xã Hòa Lộc (Tiền Giang), cho biết hiện lượng xoài cung ứng cho thị trường không đủ mà giá lại cao 60.000–70.000 đồng một kg nên các thương lái nhập ồ ạt mua hàng Campuchia về bán.

“Vụ mùa năm nay, toàn xã dự kiến thu hoạch 500-600 tấn, tuy nhiên, số lượng này có thể sẽ không đủ cung ứng cho thị trường vào dịp Tết” - ông Nhơn nói.

Là một doanh nghiệp chuyên xuất xoài sang thị trường Australia, Mỹ, Algeria, giám đốc công ty xuất khẩu trái cây tại Long An cũng cho biết, mỗi tháng, công ty ông xuất khẩu 5 container xoài, trong đó, xoài keo chiếm đa số.

“Xoài keo được chúng tôi thu mua lại của các thương lái ở cửa khẩu Tịnh Biên. Số khác là của nông dân Việt trồng tại Campuchia. Vì quốc gia này có thổ nhưỡng rất tốt cho cây xoài nên nhiều người Việt qua đây làm giàu bằng việc trồng xoài. Mỗi năm họ thu hàng trăm triệu đồng từ nông sản này. Vì là sản phẩm được nhiều quốc gia trên thế giới ưa chuộng nên tới nay có khoảng gần chục công ty nhập xoài Campuchia về Việt Nam chế biến và xuất khẩu đi các nước khác” - Giám đốc công ty trên cho biết.

Ông cũng cho biết thêm mới đây, một đối tác của ông tại Hàn Quốc cũng đã ký thỏa thuận hợp tác nhập khẩu xoài keo Campuchia về kinh doanh. Bước đầu họ sẽ nhờ Việt Nam gia công và xuất sang thị trường Hàn Quốc với số lượng lên tới hàng trăm tấn.

Theo công bố của Bộ Nông nghiệp Campuchia, cả nước này có 65.000ha trồng xoài, sản lượng mỗi năm đạt 2,6 triệu tấn. Các thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Pháp, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường có lượng hàng xuất lớn nhất. Mới đây, Bộ Nông nghiệp nước này có ký một biên bản ghi nhớ với Hàn Quốc, mở rộng thị trường xuất khẩu xoài sang Campuchia. Nếu Campuchia đạt được tiêu chuẩn về chất lượng thì xoài nước này sẽ sớm được xuất sang Hàn Quốc.

Từ khóa » Xoài Campuchia Bao Nhiêu Tiền