Xóm 'cầu Sài Gòn' Bên Bờ Sông Basac - VnExpress

untitled-6-1348712221_480x0.jpg

Xóm người Việt bên bờ sông Basac ở Phnom Penh. (Tuổi Trẻ)

Có một xóm người Việt ở ngay cầu, cất nhà san sát nhau cặp bờ sông. Xóm này được coi như “trạm” dừng chân đầu tiên của người Việt lúc mới qua đây, trước khi bắt đầu cuộc sống mới nơi xứ người.

Chiếc cầu lớn bắc qua sông Basac ấy có tên là Chba Om Pau. Nhưng người Việt ở Campuchia quen miệng gọi là “cầu Sài Gòn”, vì muốn về Sài Gòn chỉ có con đường duy nhất là qua cầu này. Từ đây theo quốc lộ 1 của Campuchia về Nekloeung (tỉnh Can Dal), rồi qua một cái phà, sau đó vào đường Xuyên Á về cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Sống ở hai bên chân cầu, bà con nương dựa nhau, người qua trước giúp người qua sau tìm việc làm, thuê chỗ ở trọ, gửi con cái đi học và chạy “mánh”.

Xóm “cầu Sài Gòn”

Đường đi vô xóm nắng bụi, mưa bùn. Phía ngoài “mặt tiền” là nhà đúc từ một đến hai tầng lầu, nhưng chủ nhà đa số là người Campuchia. Bên trong, đi sâu vô hẻm mới là xóm nhà người Việt. Những con hẻm đâm ngang xẻ dọc ô vuông như bàn cờ. Nhà được cất chen chúc nhau, đủ kiểu, từ mái tôn vách lá cho tới ván ép, nẹp tre. Buổi chiều, con nít, người lớn đua nhau ra hẻm chơi đùa, đá banh, tán gẫu. Rác xả thoải mái. Hàng quán “cóc ổi” cũng nhô ra thụt vô với đủ loại bánh kẹo cho con nít; rau cải, tạp hóa, đường đậu cho các bà nội trợ.

Chúng tôi ghé một căn nhà vách ván, mái tôn thấp lè tè. Chủ nhà là một phụ nữ mập mạp, đứng tuổi đang ngồi trước hiên ăn cơm cùng với con. Chị tên Trần Thị Hương, quê ở Tân Châu (An Giang), mới qua đây chưa đầy hai tháng. Chị bẽn lẽn: “Trong nhà chật chội quá, ra ngoài này cho sáng”. Thấy tôi có vẻ ái ngại, chị cho biết: “Cực khổ riết rồi quen. Chỉ cần điện đủ thắp sáng là được rồi, muốn coi tivi thì chạy ra đầu xóm coi ké. Nước chỉ cần đủ tắm rửa, nấu ăn”.

Căn nhà vuông vức rộng chừng 16m2, tiền mướn nhà 150.000 riel/tháng (tiền Campuchia) đủ chỗ ngủ cho bốn người, hai vợ chồng, hai đứa con lớn. Bên trong buồng, cái giường chỉ là miếng ván ép kê trên bốn cục gạch. Buồng được che tấm riđô bằng vải bao giáp bốn phía. Ra khỏi buồng là tới ngay vòi nước. Trên vòi nước là cái bếp dầu. “Cả nhà chỉ tập trung ăn buổi tối, còn sáng trưa thì ăn “bụi” qua quít cho xong, cho nên cũng ít nấu nướng”, chị giải thích.

Chị Hương cho biết ở đây ai cũng vậy, kiếm cái nhà thuê ở đỡ là được. Phần điện nước chủ nhà người Campuchia lo hết. Họ có đất, thường cắt đất ở “đuôi” nhà ra cất tạm rồi cho thuê. Người có “đuôi” rộng thì cất nhiều nhà hơn để cho thuê. “Ở đây nhà cho thuê đắt như tôm tươi, người cũ chưa dọn đi đã có người mới “hườm” sẵn chờ thuê. Xóm này ước chừng 400 căn nhà cho thuê như vậy mà vẫn không đủ. Người Việt mình cứ qua liên tục, hết tốp này tới tốp khác”, chị Hương cho biết.

Đi ra mé bờ sông, không khí có phần thoáng mát hơn. Nhà cửa có vẻ khấm khá hơn với những căn nhà xây tường lợp tôn kiên cố. Ghé vào quán cà phê có tên “Hello”, ông chủ người Campuchia gốc Việt có tên Chu Bỉnh Hồng niềm nở ra chào. Anh cho biết: “Tôi có may mắn là đã ở đây hơn 20 năm. Căn nhà này do cha tôi để lại, cứ sửa chữa rồi ở thôi. Quán cà phê do vợ tôi bán, còn tôi lái xe tải chở hàng mỗi ngày. Nếu ở đây lâu dài, chăm chỉ làm ăn, ít tiêu xài thì có dư”. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Na, quê ở Hồng Ngự (Đồng Tháp), hớn hở khoe: “Cứ mỗi tháng tôi mua một chỉ (vàng) để dành. Nhà này năm tới sẽ lên thêm hai tấm (lầu) nữa. Cái “đuôi” nhô ra mé sông tôi sẽ mở nhà hàng”.

Anh Hồng cho biết xóm này đa số là người ở Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp. Xóm hình thành từ gần 20 năm qua, với khoảng 2.000 người Việt sinh sống. Họ không cần hộ khẩu gì cả, vì kẻ đến người đi liên tục, như nước ra vô trong hồ. Được cái chính quyền Campuchia cũng không làm khó dễ gì với cư dân xóm này. Miễn đừng để xảy ra trộm cắp, đánh nhau gây mất trật tự là được.

Kiếm sống

Buổi sáng, chúng tôi ghé uống cà phê ở một quán bình dân trong xóm. Điều khá đặc biệt của quán này là có một tấm bảng ghi kết quả xổ số to đùng để ngay trước cửa. Chị chủ quán cứ loay hoay vừa ghi số vừa kéo ngăn tủ đưa tiền cho một vài người vừa trúng số. Anh Hồng nói: “Ở đây dễ làm ăn lắm. Mở quán cà phê, bán cơm bình dân cả năm trời hổng thấy ông cán bộ thuế nào tới hỏi thăm”.

untitled-4-1348712221_480x0.jpg

Điểm ghi số đề của chị Lan. (Tuổi Trẻ)

Chủ quán - chị Trần Thị Lan, quê ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) - lúc này mới rảnh tay góp chuyện: “Chẳng những vậy mình còn được thoải mái bán số đề, không sợ ai bắt bớ. Chính quyền Campuchia cũng có xổ số kiến thiết và cũng không cấm người dân chơi số đề. Chỉ cần chủ thầu đóng thuế đầy đủ cho nhà nước, không ăn gian, giựt dọc lẫn nhau dẫn đến mất trật tự là được”.

Quanh bàn thu tiền của bà chủ không lúc nào ít hơn năm người đến dò số, ghi đề. Chị chỉ là người trung gian lo việc ghi đề, chi tiền thay cho chủ thầu. Chị hưởng hoa hồng tính trên số lời sau mỗi ngày xổ số.

Những người có được cái nghề nhàn hạ như chị Lan cũng không nhiều. Đa số người trong xóm đều đi làm mướn. Có người đi phụ hồ, chạy bàn quán cơm, rửa chén; cũng có người mua một cái xe đẩy rồi gọt trái cây đem bán. Buổi chiều, chúng tôi thả bộ đi dạo trước cửa Thành Vua, giống như khuôn viên trước cửa dinh Thống Nhất ở TP.HCM. Bên lề đường, có rất nhiều người kê một cái bàn nhỏ, trên để đủ thứ đồ nhậu: hột vịt lộn, khô mực, cá đuối xen lẫn các loại bia, nước ngọt.

Một trong những chủ quán “cóc ổi” đó là chị Nguyễn Thanh Loan, quê ở Sóc Trăng, đang sống ở “cầu Sài Gòn”. Từ bốn năm nay, hai vợ chồng chị dắt díu qua đây làm ăn và chọn khu này để buôn bán. Chị Loan cho biết từ ngày qua đây tới nay, hầu như ngày nào cũng vậy, vợ chồng chị không dám nghỉ ngơi. Nay đã để dành được hơn 6 lượng vàng, đã có nhà thuê rộng hơn, việc làm tạm ổn định. Chị Loan báo tin mừng “tụi tôi chuẩn bị sinh con”.

Đối với cánh đàn ông, họ thường chọn nghề chạy honda ôm. Chỉ cần bỏ ra hai chỉ vàng là có thể mua được một chiếc xe cà tàng. Anh Lê Văn Long, quê ở Trà Vinh, khoe mới chở hai người khách đi từ khách sạn “342” ở phố 136 ra bến xe Capitol, cách 3km mà được 10.000 riel (khoảng 40.000 VND). Tính ra “mở hàng” buổi chiều bằng một cuốc xe như vậy là “ấm”, bởi dân xe ôm ở đây cạnh tranh khá quyết liệt.

Họ cũng lập nhóm, chia phe phái, phân bến bãi riêng biệt. Biết người Việt giành mối chạy là có người tới hăm he, thậm chí gí dao vào cổ cấm tới khu vực này. Ở đây chuyện thanh toán nhau kiểu xã hội đen diễn ra như cơm bữa, dân Việt mình lơ mơ là bị chém. Long nói ở bên này chuyện đụng xe xảy ra như cơm bữa nhưng ít thấy cảnh sát giao thông tới xử lý. Với dân honda ôm lại càng không vì họ coi đó là chuyện lặt vặt.

Tuy vậy, nếu biết điều thì cũng sống được, cứ chịu khó rủ họ nhậu vài độ làm quen là kết thân, hoặc lỡ rước khách rồi thì “cò” cho họ vài phần trăm. Một ngày chạy xe ôm tà tà cũng kiếm được 30.000 riel (120.000 đồng). Phnom Penh lại không có taxi, đó là điều kiện thuận lợi để nghề xe ôm sống được. Tính ra dân xe ôm cũng khá đông, bạn đồng nghiệp Việt Nam của Long có hơn trăm người sinh sống bằng nghề này.

Những người Việt mới qua đây nếu không khéo tìm người đỡ đầu rất dễ bị ăn hiếp.

Anh Chu Bỉnh Hồng bật mí: “Cứ kết thân với mấy anh cán bộ xã phường địa phương là yên tâm. Lâu lâu mời nhậu, “lì xì” mấy ảnh chừng 100.000-200.000 riel là xong. Có chuyện, alô một cái là họ có mặt liền”.

Lờ mờ chuyện học

Ở xóm người Việt này, có người mới qua mang theo con cái, cũng có người ở lâu, sinh con bên này luôn. Bọn trẻ lớn lên cũng cần đi học. Lo tìm chỗ học cũng “trầy vi tróc vảy”. Cái khó của bà con là cho con em mình học chữ gì, Việt hay Campuchia. Chữ Campuchia thì dễ rồi vì trường học có sẵn, không có tiền thì cho vô lớp học miễn phí trong chùa. Khó ở chỗ tìm trường học chữ Việt như mò kim đáy biển.

Chị Trần Thị Lan cho biết muốn cho con học chữ Việt chính qui, chỉ có cách duy nhất là gửi vô Đại sứ quán Việt Nam. Ở đó có trường cho con em người Việt. Nhưng học phí quá cao, mỗi tháng cả trăm ngàn riel, với thu nhập cư dân xóm này thì không kham nổi, chưa kể đưa đón mỗi ngày từ đây vô thành phố cả chục cây số. Trong thời gian dài, không ít con em mình bị mù chữ. Có người gỡ bí bằng cách gửi tạm con mình vô chùa học tiếng Campuchia.

Rồi “cái khó cũng ló cái khôn”. Năm ngoái, bà con phát hiện có một “ma mới” nhập cư, có gốc là thầy giáo dạy tiểu học ở Việt Nam. Đó là anh Nguyễn Minh Luân ở Hồng Ngự (Đồng Tháp). Anh mới qua là được ký hợp đồng liền: đứng lớp dạy tiếng Việt cho trẻ con trong xóm. Giá cả đàng hoàng: cứ mỗi buổi học, mỗi em đóng cho thầy 1.000 riel (bằng 4.000 đồng tiền Việt). Học ngày nào đóng tiền ngày ấy.

Cũng có khi cha mẹ gom cuối tuần đóng luôn cho thầy một lần. Cứ vậy mà lớp học đông dần, từ 10 em lên 20 em, bây giờ là 40 em. Đông quá thầy phải chia làm hai buổi sáng chiều. Các cháu đủ mọi lứa tuổi, từ 6-10 tuổi, cả 12-13 tuổi cũng có, vì từ trước tới giờ có học hành gì đâu. Lớp học là một cái chòi mát ở trong chùa cạnh xóm. Các nhà sư thấy trẻ em Việt hiếu học nên sẵn lòng cho mượn.

(Theo Tuổi Trẻ)

 

Từ khóa » Cầu Sài Gòn Tại Campuchia