Xôn Xao Về Những Con Bướm Khổng Lồ ở Miền Tây Nam Bộ

ThienNhien.Net – Sau những cơn mưa kéo dài ở miền Tây, những ngày qua, nhiều người dân ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang hoang mang khi phát hiện nhiều con bướm có sải cánh khủng xuất hiện ở vườn nhà. Đây là loài bướm mà trước giờ người dân ít khi thấy.

Một con bướm khế khủng được người dân chụp hình lại

Đàn bướm khủng!

Trong những ngày qua nhiều người dân tại ấp 17, xã Vĩnh Bình, H.Hòa Bình, và một số nơi ở H.Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu đang xôn xao trước sự xuất hiện của đàn bướm lạ mỗi con có kích thước khổng lồ.

Chúng tôi đã tìm đến để tận mắt chứng kiến. Ông Nguyễn Minh Đắc (54 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hưng A, H.Vĩnh Lợi) cung cấp 1 tấm ảnh chụp 1 con bướm to tướng đang đậu trên bình nước 20 lít. Sải cánh của con bướm gần như che hết chiều ngang của chiếc bình này!

Ông Đắc cho biết: “Con bướm này bay vào nhà tôi vào buổi tối khoảng hơn 1 tuần trước. Sải cánh nó khá dài, mấy đứa cháu tôi thấy nên chụp hình lại. Người dân gọi đây là loài bướm bà, chúng rất ít khi xuất hiện”.

Nhiều người dân khác ở xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình cũng cho biết thời gian qua đã chứng kiến bướm khế khủng bay vào nhà. Ông Lê Huy Cầm (67 tuổi, ngụ ấp 17) nói: “Có 1 con bướm bà rất hay bay vào nhà tôi, nó bay đậu một lúc rồi lại bay đi. Mấy ngày sau lại thấy bay lại. Tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao nó hay xuất hiện gần đây. Con bướm bay vào nhà tôi rất to, chiều ngang phải bằng viên gạch tàu lát nền lận (30cm – PV). Chúng tôi cũng không dám đuổi nó đi làm gì, nó bay vào rồi lại bay ra thôi. Loài bướm này chắc hiếm lắm, nhưng tôi đã từng thấy. Cứ vài năm, tôi lại thấy nó xuất hiện một lần”.

Chúng tôi tiếp tục hỏi thăm một người dân ở chợ Bàu Sàng (xã Vĩnh Bình), chị này cho biết: “Lúc trời chưa mưa, tui vừa thấy 1 con bướm bà đậu sau vườn, con này không to lắm, sải cánh nó chừng 1 gang tay thôi à”. Chúng tôi theo chân chị ra sau vườn để coi nhưng con bướm đã bay đi mất.

Còn anh Phạm Thành Nhớ ở xã Vĩnh Bình, H.Hòa Bình (Bạc Liêu), cho biết chú ruột của anh đã phát hiện những con bướm có đôi cánh to bằng 2 bàn tay người lớn xòe ra. Đầu tiên là ở vườn khế, sau đó đến vườn chuối và các cây khác cũng xuất hiện bướm bà, thân to hơn ngón tay người lớn và 2 cánh sải rộng khoảng 35-40cm.

Hay như anh Trần Thoại Phong, ở phường 6, TP.Sóc Trăng, cho biết gần tháng trước anh cũng thấy bướm thật to bay vào nhà. Nhiều người hiếu kỳ đến xem, chụp ảnh và dùng thước đo con bướm dài khoảng 7cm, ngang khoảng 15cm.

Công phu nhất là anh Hồng Bỉnh Hiếu ở H.Kế Sách (Sóc Trăng). Thanh niên này theo dõi cả dòng đời của bướm khế bắt đầu từ lúc bướm đực và cái “yêu” nhau cho đến lúc đẻ trứng, trứng thành sâu, sâu làm kén và bướm phá kén bay ra ngoài.

Không có chuyện bướm khủng xuất hiện cả đàn

Ông Phan Văn Hôn, Trưởng ấp 17, cho biết: “Nhưng cùng lắm là bướm chỉ xuất hiện vài con, không có chuyện cả đàn kéo đến. Nếu ở ấp này có hiện tượng xuất hiện cả đàn, dân xôn xao đi xem thì tôi phải biết. Thông tin bướm bà xuất hiện cả đàn chỉ là tin đồn trên mạng. Loài bướm này thỉnh thoảng tôi vẫn thấy, nếu chú đi dọc ngoài đường ruộng chịu khó để ý có khi thấy ngay”.

Một số người dân ấp này cung cấp thêm thông tin có thấy bướm khổng lồ đậu trên cây ổi, chuối và sâu bướm làm kén rất to chứ không thấy cả đàn. Theo nhiều người dân nơi đây, bướm bà chủ yếu xuất hiện vào buổi chiều tối ở cây cối sau vườn nhà họ. “Khi trong nhà thắp đèn thì bướm bay vào, có lẽ ánh sáng đã thu hút loài bướm này”, một người dân cho biết.

Ông trưởng ấp 17 cũng bác bỏ thông tin bướm bà xuất hiện có liên quan đến vấn đề tâm linh nào đó. Ông cho biết việc bướm khủng xuất hiện là bình thường và người dân cũng không sợ loài bướm này. “Cái đặc biệt của loài bướm này là ở kích thước của nó, thấy nó quá lớn người ta giật mình, trẻ em không biết thì sợ chứ nó chẳng có hại gì”, một người dân lý giải.

Nhiều nông dân ở đây giải thích thêm về hiện tượng loài bướm này ít xuất hiện là bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu, diệt cỏ trong quá trình nông dân canh tác. “Việc loại bướm này xuất hiện trở lại, có lẽ do môi trường tự nhiên đã có phần tốt hơn trước, do mưa nhiều “rửa trôi” bụi bẩn, chất độc… tạo điều kiện cho bướm tìm đến sinh sản”, một nông dân nêu ý kiến.

Đây là loại bướm gì?

Theo chúng tôi tìm hiểu, tên khoa học của loài bướm nói trên  là Attacus atlas Linnaeus 1758, Saturnia atlas Linnaeus, họ bướm ma Saturniidae thuộc bộ cánh vẩy Lepidoptera. Loài bướm này hiện được đưa vào Sách đỏ Việt Nam, danh sách động vật bị đe dọa bậc nguy cấp cần được bảo vệ. Và đây là 1 trong 3 loài bướm có tên trong Sách đỏ!

Theo tư liệu, bướm khế hay bướm bà có tên khoa học là bướm đêm Atlas. Dân gian gọi là bướm khế vì chúng thường đẻ trứng và phát triển trên cây khế. Đây là loài bướm đêm được xem là lớn nhất thế giới với sải cánh từ 25 – 30cm. Thông thường, con bướm cái lớn và nặng hơn con đực. Trên bề mặt của loài bướm này có nhiều màu sắc, nhưng chủ yếu là màu nâu cánh gián, trắng và có hoa văn ở viền cánh.

Hai con bướm đang giao hợp được một người dân ở Sóc Trăng theo dõi và chụp hình lại

Trong Sách đỏ Việt Nam, cấp độ đe dọa của loài bướm này được xếp vào mức R. (Rate: hiếm, có thể nguy cấp). Đây cũng là loài bướm được giới sưu tầm tiêu bản bướm săn lùng ráo riết. Ở một số nước, loài bướm này được nghiên cứu đem vào nuôi để phục vụ ngành thủ công mỹ nghệ.

Có khoảng 150.000 – 250.000 loài bướm đêm khác nhau (khoảng gấp 10 lần so với số lượng các loài bướm ngày), với hàng ngàn loài chưa được mô tả. Hầu hết các loài sâu bướm hoạt động về đêm, nhưng có loài lại xuất hiện lúc hoàng hôn và hoạt động vào ban ngày. Hầu như các loại này ăn lá cây, có một số loại ăn lá dâu, lá sắn…

Việc loài bướm đêm khổng lồ xuất hiện ở miền Tây Nam Bộ cũng có thể do biến đổi khí hậu thời gian qua khu vực này. Tuy nhiên, dù lý do gì thì đây vẫn là loài nằm trong Sách đỏ với mức độ hiếm. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học khuyến cáo người dân nên để bướm sinh sản, phát triển tự nhiên, không nên bắt, giết hay tìm cách đuổi chúng đi.

Nguồn: Thanh Thanh/ Motthegioi.vn

Bài liên quan:

  1. Các loài bướm vườn quốc gia Cát Bà
  2. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  3. Các loài rùa nguy cấp trước mối đe dọa từ buôn bán và tiêu thụ
  4. Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ
  5. Bẫy thú – Loại sát thủ động vật hoang dã quý hiếm
  6. Buôn bán trái phép ĐVHD cần được xem là hình thức tội phạm nghiêm trọng nhất
  7. Sách đỏ IUCN bổ sung bướm vua di cư vào danh mục loài nguy cấp
  8. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  9. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam

Từ khóa » Con Bướm Gọi Là Gì