Xông Hơi Hỗ Trợ điều Trị COVID-19: Coi Chừng Gặp Nạn Khi Làm Sai ...

Xông hơi hỗ trợ điều trị COVID-19: Coi chừng gặp nạn khi làm sai cách - Ảnh 1.

Xông phòng ở, xông mũi họng là giải pháp lý tưởng để vô hiệu hóa sự lây nhiễm của virus trong giai đoạn mới nhiễm COVID-19, tuy nhiên cần có nhiều lưu ý quan trọng, tránh hậu quả đáng tiếc - Ảnh: XUÂN MAI

TP.HCM và nhiều tỉnh thành cho người bệnh COVID-19 được cách ly tại nhà, nhu cầu xông phòng ở, xông hơi hỗ trợ điều trị của người mắc COVID-19 tăng cao.

Bỏng nặng vì ngã vào nồi xông

Bên cạnh duy trì uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của nhân viên y tế địa phương, anh T.L.T. (32 tuổi, ngụ TP.HCM) còn thường xuyên xông phòng và xông mũi trong quá trình điều trị COVID-19 tại nhà. Anh T. kể, thời điểm anh nhận thông báo có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính, người trong nhà ai cũng lo lắng, cuống cuồng tìm đủ loại nguyên liệu về xông nhà, xông người. Tham khảo trên mạng, gia đình anh T. thấy như mê hồn trận, rất nhiều tài khoản rao bán, kèm hình ảnh về những túi xông với hàng loạt công dụng, trong đó có "phòng và trị COVID-19" với giá vài chục nghìn đồng.

Trong lúc băn khoăn chưa biết chọn loại nào, một người bạn của anh T. từng mắc COVID-19 khuyên chọn mua nguyên liệu tươi về nấu.

Anh T. cho biết vào ngày đầu tiên của bệnh, anh chỉ xông 1 lần vào buổi tối. Tuy nhiên, sau khi có triệu chứng nghẹt mũi, không ngửi được mùi kèm ho nên anh đã tăng tần suất xông lên đến 3 - 4 lần/ngày.

Anh T. tin rằng việc xông hơi có hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19 nhưng anh vẫn chưa biết xông hơi với tần suất như thế nào là hợp lý. "Lúc triệu chứng nặng hơn thì tôi cố gắng nấu nước xông thường xuyên hơn, tranh thủ xông lúc nước nóng nhất để diệt virus hiệu quả", anh T. chia sẻ.

Cũng được gia đình cho xông hơi bằng lá thuốc khi mắc COVID-19 nhưng bé T.L.N.P. (14 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) lại không may mắn, bé bị bỏng nặng tại vùng đầu, mặt, cổ. Lý do, bé đột ngột lên cơn co giật và ngã úp mặt vào nồi nước xông đang sôi khoảng 1 phút, sau đó bất tỉnh.

P. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Tại bệnh viện, bé P. phải trợ thở bằng máy, truyền dịch nuôi ăn, khống chế nhiễm trùng từ các vết bỏng bằng kháng sinh mạnh. Tương lai bé có thể bị ảnh hưởng đến ngoại hình và sinh hoạt từ các sẹo dính về sau.

Chỉ xông mũi họng, không xông cả người

Kết quả thực tế từ những bệnh nhân COVID-19 có xông mũi họng bằng tinh dầu bạch đàn, chanh, sả tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 1 (TP.HCM) cho thấy họ cải thiện rõ rệt các triệu chứng hô hấp và cảm sau 3 - 5 ngày, nhưng không giảm thời gian điều trị so với những người không xông.

TS Trương Thị Ngọc Lan - phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, kiêm phó chủ tịch Hội Đông y TP.HCM - cho biết việc xông hơi nóng vào mũi, họng là một giải pháp lý tưởng để vô hiệu hóa sự lây nhiễm của virus trong giai đoạn mới nhiễm. Khi virus khu trú tại mũi, miệng, họng, thậm chí ở phổi nhưng chưa nhiễm vào máu, nhiệt độ cao sẽ tấn công virus và ngăn chặn quá trình nhân đôi của chúng.

Chính vì công dụng này, hiện nhiều người chọn xông hơi để phòng ngừa, giảm triệu chứng COVID-19. Tuy nhiên, theo TS Ngọc Lan, có nhiều lưu ý trong việc xông hơi để đạt được hiệu quả và tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Khi người dân cần xông phòng, xông mũi họng, tuyệt đối không xông toàn thân vì vào ngày thứ 3, người bệnh thường có triệu chứng vã mồ hôi. Nếu xông toàn thân sẽ làm cơ thể ra nhiều mồ hôi hơn, làm cơ thể mất nước, suy nhược thêm.

Thời gian xông mũi nên làm trong 10 - 20 phút với 2 lần/ngày. Nếu chọn tinh dầu thì mỗi lần xông nhỏ vài giọt. Nếu dùng thảo dược tươi thì rửa sạch, thảo dược khô thì không bị nấm mốc. Người bệnh không nên lạm dụng xông quá nhiều lần có thể làm cơ thể phản ứng (co thắt lại).

"Người dân không mua tinh dầu, các loại thảo dược trên mạng khi chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng ra sao. Nếu dùng hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc thì gây bất lợi sức khỏe nếu xông thường xuyên", TS Ngọc Lan khuyến cáo.

Điều dưỡng Lâm Lạc Thư - phó phòng điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho rằng xông thuốc lá, tinh dầu chỉ giúp làm dịu triệu chứng hô hấp, dịu thần kinh, giảm đau nhức nhưng không thể giúp ngăn ngừa hay chữa khỏi bệnh COVID-19.

Phụ huynh lưu ý không lạm dụng xông hơi, không được xông trực tiếp vào người, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 30 tháng, trẻ có tiền sử động kinh, sốt co giật hay người dị ứng với tinh dầu. Trẻ có bệnh lý nền cần tuân thủ theo tư vấn và chỉ định của bác sĩ.

Ngoài trẻ em, các bác sĩ cho hay người già yếu, mắc bệnh mãn tính, suy nhược cơ thể cũng không được tùy tiện xông hơi một mình mà cần người hỗ trợ. Trong quá trình xông, nếu choáng váng, khó thở, tức ngực... cần ngưng xông ngay.

Cách xông và chọn tinh dầu đúng

Về xông phòng ở, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM khuyến cáo có thể sử dụng các loại tinh dầu thực vật như: tràm, quế, bạc hà, chanh, bưởi... hoặc các loại lá có tinh dầu: chanh, sả, bưởi, ngũ sắc, ngũ trảo...

Dùng bếp từ cá nhân hoặc bếp hồng ngoại để đun, bắc nồi nhỏ với lượng nước vừa đủ, nhỏ 5 - 10 giọt tinh dầu, đun sôi để tinh dầu tỏa trong phòng, đồng thời người bệnh ngồi trong phòng đóng kín cửa từ 5 - 10 phút, ngày làm từ 2 - 3 lần.

Về cách xông mũi: dùng nồi nấu lá có tinh dầu hay các loại tinh dầu nấu sôi, trùm lên mặt xông, thời gian xông khoảng 15 - 20 phút. Các loại lá có tinh dầu có thể chọn lựa: lá lốt, lá trầu, lá trà, lá ngũ sắc, lá bạch đàn, tỏi, sả, bồ kết, gừng, lá bưởi... Tinh dầu có thể chọn tinh dầu khuynh diệp, tinh dầu bạc hà, tinh dầu sả...

Bộ Y tế hướng dẫn cách dùng y dược cổ truyền để phòng COVID-19 Bộ Y tế hướng dẫn cách dùng y dược cổ truyền để phòng COVID-19

TTO - Chiều 27-9, Bộ Y tế cho biết Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn vừa ký 'Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19'.

Từ khóa » Fo Thì Xông Gì