Xu Hướng “đặt Hàng” Nhân Lực Chất Lượng Phục Vụ Công Nghiệp ...

Đà Nẵng: Xu hướng “đặt hàng” nhân lực chất lượng phục vụ công nghiệp công nghệ cao

TP. Đà Nẵng đang được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế lựa chọn là điểm đặt các dự án công nghiệp công nghệ cao. Thay vì tuyển nhân lực qua thông báo tuyển dụng, các doanh nghiệp đang có xu hướng “đặt hàng” với các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố.

Nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

Là đơn vị đã có 15 năm hoạt động trên địa bàn TP. Đà Nẵng, ông Ikeda Naoatsu – Tổng giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam - cho rằng, Đà Nẵng có lợi thế về nguồn lực con người. “Nhân lực làm việc tại công ty chúng tôi khá nghiêm túc và xuất sắc. Đặc biệt, người Đà Nẵng khá thân thiện. Trong giới kinh doanh, người ta nói “con người, hàng hóa, tiền bạc” là 3 nguồn lực của thành công. Tôi chắc rằng có rất nhiều nhân lực trẻ tại các tỉnh, thành lân cận muốn đến Đà Nẵng làm việc và sinh sống”, ông Ikeda Naoatsu nói.

Đà Nẵng: Xu hướng “đặt hàng” nhân lực chất lượng phục vụ công nghiệp công nghệ cao
Đà Nẵng đang có nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao

Tuy nhiên, theo ông Ikeda Naoatsu, vấn đề thiếu hụt nhân lực rất tiềm tàng. “Trong tương lai, khi du lịch được khôi phục và công nghiệp hóa được mở rộng, vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, chúng tôi rất mong muốn thành phố nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường sinh sống, đảm bảo nguồn nhân lực”, ông Ikeda Naoatsu đề xuất.

TP. Đà Nẵng đang đẩy mạnh thu hút công nghiệp công nghệ cao. Đáp lời kêu gọi, nhiều nhà đầu tư là các tập đoàn lớn của thế giới như UAC, LG… đã chọn Đà Nẵng là nơi đặt dự án. Trong đó, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao được đặc biệt quan tâm. Ông Trần Hồng Sơn - Tổng giám đốc Công ty CP Long Hậu, chủ đầu tư dự án nhà xưởng công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng - cho hay, trong quá trình xúc tiến đầu tư cũng như đưa các nhà đầu tư đến Đà Nẵng tham quan, tìm hiểu, công ty nhận thấy có hai điểm chính đang gây cản trở trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Đó là nguồn lao động chất lượng cao và hạ tầng xã hội hỗ trợ người lao động tại khu vực xung quanh Khu công nghệ cao Đà Nẵng chưa đủ đáp ứng nhu cầu.

Theo Giám đốc VCCI Đà Nẵng - ông Nguyễn Tiến Quang, chất lượng nhân lực để đáp ứng cho các ngành, lĩnh vực có hàm lượng chất xám, công nghệ cao tại Đà Nẵng vẫn còn hạn chế. “TP. Đà Nẵng cần chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thu hút đầu tư những lĩnh vực, dự án có hàm lượng công nghệ cao và gắn với từng dự án cụ thể, ví dụ thông qua đặt hàng nhân lực hoặc ký kết hợp tác đào tạo - cung ứng nguồn nhân lực”, ông Nguyễn Tiến Quang đề xuất.

Đà Nẵng: Xu hướng “đặt hàng” nhân lực chất lượng phục vụ công nghiệp công nghệ cao
Năm 2020, nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã ký kết hợp tác đào tạo - cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp

Xu hướng đặt hàng nguồn nhân lực

Trong năm 2020, TP. Đà Nẵng đã chứng kiến nhiều chương trình ký kết hợp tác cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, nhà đầu tư với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. Đà Nẵng.

Ký kết hợp tác với Đại học Đà Nẵng và có những chương trình tuyển dụng trực tiếp tại Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, ông Liviu Lese - Giám đốc điều hành Công ty TNHH UAC Việt Nam - cho biết, nguồn nhân lực chất lượng cao được tuyển dụng đã đáp ứng các yêu cầu và nhu cầu tuyển dụng cho sự vận hành của công ty.

Theo ông Jung Seung Min – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu LG VS, những trường đại học (tại Đà Nẵng) mà công ty tiếp xúc đều đã cho thấy những nỗ lực và chiến lược đào tạo nhân tài, đặc biệt trong lĩnh vực IT. “Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững với các trường đại học chính của Đà Nẵng. Không chỉ tuyển dụng nguồn nhân lực cần thiết trong thời gian ngắn mà còn nhằm xây dựng nguồn nhân lực cho tương lai”, ông Jung Seung Min cho hay.

Trường ĐH CNTT&TT Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) là một trong những đơn vị đào tạo đã ký kết cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có hoạt động đầu tư trên địa bàn Đà Nẵng, trong đó có Tập đoàn LG. PGS.TS Huỳnh Công Pháp - quyền Hiệu trưởng Trường đại học CNTT&TT Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) - cho biết, trước những tiêu chuẩn tuyển dụng ngày càng cao của các doanh nghiệp, trường xác định việc đào tạo gắn nhu cầu tuyển dụng nhân lực của doanh nghiệp là yêu cầu đặc biệt quan trọng. Vai trò của doanh nghiệp trong công tác đào tạo của trường được chú trọng, từ việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức giảng dạy đến việc đánh giá tổ chức tuyển dụng….

PGS.TS Huỳnh Công Pháp cho rằng, để đẩy mạnh hoạt động hợp tác cung ứng nguồn nhân lực công nghệ cao cần hội đủ 3 yếu đó là phát triển, thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao hơn nữa thông qua chính sách thu hút đầu tư; cần có sự tham gia của doanh nghiệp trong công tác đào tạo để việc đào tạo gắn sát với thực tiễn; cuối cùng là các trường đại học cần nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Đà Nẵng: Xu hướng “đặt hàng” nhân lực chất lượng phục vụ công nghiệp công nghệ cao
PGS.TS Huỳnh Công Pháp (ngoài cùng, bên trái) cho rằng, trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cần gắn liền với thực tiễn, yêu cầu của doanh nghiệp và cần thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng định hướng dựa trên nền tảng giáo dục STEM (kết hợp giữa khoa học công nghệ - kỹ thuật và toán học), các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, các dịch vụ có nhu cầu nhân lực lớn, phù hợp với xu thế thị trường lao động trong nước và quốc tế, trong đó bám sát nhiều lĩnh vực, ngành nghề như Nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật số, Điện tử viễn thông và Tự động hóa; Nhóm ngành Dịch vụ.

Thời gian tới, Đại học Đà Nẵng sẽ tăng cường phát triển mạnh mẽ mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong và ngoài nước; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa “ba nhà”: Doanh nghiệp dự báo, đặt hàng nhu cầu nhân lực; Nhà nước dự báo, quy hoạch các dự án đầu tư trọng điểm; Nhà trường xác định ngành nghề, chỉ tiêu và tập trung đào tạo có địa chỉ sử dụng nguồn nhân lực, có lộ trình, phân kỳ đối với mỗi dự án trọng điểm, gắn với các địa chỉ “khát” nhân lực chất lượng cao.

Vũ Lê - Báo Công Thương

Print 689 Rate this article: 5.0

Từ khóa » Các Công Ty Lớn ở đà Nẵng Tuyển Dụng