Xu Hướng Phát Triển Dân Số Thế Giới

Những con số đáng chú ý

Báo cáo của LHQ cho hay, kể từ giữa thế kỷ 20, thế giới đã trải qua sự gia tăng dân số chưa từng có. Dân số thế giới đã tăng hơn gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2020. Tốc độ tăng trưởng dân số thế giới đạt mức cao nhất trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1970, khi số lượng người trên thế giới tăng trung bình 2,1% mỗi năm. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2020, mặc dù dân số toàn cầu tăng với tốc độ trung bình hằng năm là 1,2%, 48 quốc gia hoặc khu vực ở châu Phi và châu Á vẫn có tốc độ tăng nhanh hơn ít nhất hai lần.

Dân số thế giới được dự báo sẽ đạt mức cao nhất, khoảng 10,4 tỷ người trong những năm 2080 và duy trì ở mức đó đến năm 2100. Thế giới cần khoảng 12 năm để tăng từ bảy tỷ lên tám tỷ người, xấp xỉ thời gian để tăng từ sáu tỷ lên bảy tỷ người. Tuy nhiên, để tăng thêm một tỷ người tiếp theo thế giới dự kiến sẽ cần khoảng 14,5 năm.

Một nửa trong số một tỷ người được bổ sung để dân số thế giới có thể đạt mốc tám tỷ là người châu Á. Châu Phi là châu lục có mức đóng góp lớn thứ hai với gần 400 triệu người. 10 quốc gia đã đóng góp hơn một nửa mức tăng trưởng dân số từ bảy tỷ đến tám tỷ người, đứng đầu là Ấn Độ, tiếp đó là Trung Quốc và Nigeria. Châu Phi và châu Á được dự báo vẫn là hai châu lục sẽ thúc đẩy sự gia tăng dân số thế giới cho đến khi đạt mốc chín tỷ người vào năm 2037.

Tuổi thọ của người trưởng thành ở các nước phát triển đã tăng lên kể từ giữa thế kỷ 20. Lượng người có tuổi thọ trên 100 tuổi hiện nay là số lượng cao nhất từng ghi nhận trong lịch sử. Tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 tuổi năm 2019, tăng gần chín năm tuổi kể từ năm 1990. Tuy nhiên, năm 2021, tuổi thọ ở các nước kém phát triển nhất đã bị tụt hậu bảy năm tuổi so mức trung bình toàn cầu.

Nói về dấu mốc dân số thế giới có thể đạt tám tỷ người vào cuối năm nay, Giám đốc điều hành Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), TS Natalia Kanem cho rằng: Đây là câu chuyện thành công, không phải kịch bản về ngày tận thế. Bất chấp tất cả những thách thức, thế giới của chúng ta là thế giới mà tỷ lệ người được giáo dục và sống lành mạnh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử. Thế giới đã đạt những bước tiến lớn trong nỗ lực giảm nghèo và những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Dân số thế giới tăng chứng tỏ rằng một phần tuổi thọ tăng và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ giảm.

Xu hướng phát triển dân số thế giới ảnh 1

Dân số tăng nhưng hàng triệu người vẫn phải sống trong cảnh nghèo đói. Ảnh: THE CONVERSATION

Những thách thức cần lời giải

Theo Nghị quyết số 45/216 được thông qua vào tháng 12/1990, Đại hội đồng LHQ đã quyết định tổ chức Ngày Dân số thế giới vào ngày 11/7 hằng năm để nâng cao nhận thức về các vấn đề dân số, bao gồm cả mối quan hệ giữa dân số với môi trường và phát triển. Ngày 11/7/1990, hơn 90 quốc gia trên thế giới đồng loạt tổ chức các hoạt động kỷ niệm liên quan vấn đề dân số.

“Thế giới tám tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người cần khai thác cơ hội và bảo đảm quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người” là chủ đề UNFPA lựa chọn nhân Ngày Dân số thế giới năm 2022. TS Natalia Kanem cho rằng, việc chỉ tập trung hoàn toàn vào tổng dân số và tỷ lệ tăng trưởng là một thiếu sót và thường dẫn đến các biện pháp cưỡng chế, phản tác dụng, gây ảnh hưởng tới quyền con người. Giám đốc điều hành UNFPA nhấn mạnh: Trên thực tế, con người chính là giải pháp, không phải là vấn đề. Kinh nghiệm trước đây cho thấy đầu tư vào con người, vào quyền và sự lựa chọn của con người, là con đường dẫn đến xã hội hòa bình, thịnh vượng và bền vững.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng, con số tám tỷ người là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung trong việc quan tâm đến hành tinh cũng như để suy nghĩ về việc thế giới vẫn còn thiếu các cam kết, bởi dân số ngày càng gia tăng và già hóa cũng là một thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, tác động tới vấn đề bảo đảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến các nỗ lực bảo đảm khả năng tiếp cận phổ cập đến chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, vệ sinh, nước, thực phẩm, năng lượng…

UNFPA cũng đánh giá, bên cạnh các thành tựu, những thách thức mà nhân loại phải đối mặt là hết sức cấp bách, có thể ảnh hưởng tới nhiều thế hệ. Các vấn đề này đang gây ra những tác động không đồng đều tới những nhóm dân số yếu thế và dễ bị tổn thương.

Theo đó, hàng triệu người trên thế giới vẫn tiếp tục sống trong cảnh nghèo đói và thiếu dinh dưỡng, không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội, không thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học có chất lượng; khoảng cách kỹ thuật số khiến nhiều phụ nữ và những người ở các nước đang phát triển “ngoại tuyến”; vaccine ngừa Covid-19 vẫn được phân phối không đồng đều. Những mối quan tâm và thách thức tương tự được nêu ra khi thế giới chạm mốc bảy tỷ người vẫn còn tồn tại hoặc thậm chí trở nên tồi tệ hơn như biến đổi khí hậu, bạo lực, phân biệt đối xử…

Phụ nữ trên khắp thế giới chưa được thực hiện quyền cơ bản là đưa ra quyết định về cơ thể và tương lai của mình. Nhiều quốc gia chứng kiến sự tụt hậu đáng lo ngại về việc thực hiện quyền của phụ nữ. UNFPA chỉ ra rằng, tình trạng mang thai ngoài ý muốn là cuộc khủng hoảng đang bị bỏ quên. Theo các số liệu UNFPA thu thập được, gần một phần tư số phụ nữ không thể từ chối tình dục và không thể đưa ra quyết định về việc chăm sóc sức khỏe của chính bản thân. Mỗi năm, gần một nửa số trường hợp mang thai trên thế giới là ngoài ý muốn, tương đương 121 triệu trường hợp. Những phụ nữ này hoàn toàn không được quyết định việc mang thai hay không, trong khi đây là lựa chọn về sinh sản tác động lớn nhất đến cuộc sống của họ. Hơn 250 triệu phụ nữ có mong muốn tránh thai nhưng lại chưa sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại.

Những thách thức trên đòi hỏi chính phủ các nước cần xây dựng tầm nhìn và hành động phù hợp. Các quốc gia có thể thực hiện chính sách dân số lấy người dân làm trung tâm, cùng với việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục làm cốt lõi. Khu vực tư nhân có thể phát triển các giải pháp sáng tạo, khai thác sức mạnh của sự đổi mới và công nghệ vì lợi ích toàn cầu.

Theo Vụ Kinh tế và Xã hội của LHQ, mặc dù tốc độ tăng dân số toàn cầu sẽ tiếp tục giảm trong những thập niên tới, nhưng dân số thế giới có thể sẽ lớn hơn từ 20 đến 30% vào năm 2050 so năm 2020. Do vậy, cần có những ước tính chính xác hơn về xu hướng dân số và dự báo đáng tin cậy về những thay đổi trong tương lai, bao gồm cả quy mô dân số và sự phân bố theo độ tuổi, giới tính và vị trí địa lý, là cần thiết cho việc xây dựng và thực hiện chính sách là hướng dẫn để hỗ trợ các quốc gia đi theo con đường phát triển bền vững.

Từ khóa » Dân Số đông Nhất Thế Giới Năm 2020