Xử Lý ảnh Tối Hoặc Ngược Sáng Với Chế độ Hoà Trộn (blend Mode) Và ...

Nguyễn Chiến Thắng – giảng viên khoa CNTT

Bạn tình cờ, vô tình thấy 1 bức ảnh đẹp và đam mê nó, bạn muốn tạo ra những bức ảnh còn đẹp hơn thế, và thế là bạn bắt đầu tìm đến phần mềm có tên gọi là Photoshop (Đây là bài tiếp theo của bài : “Các công cụ xử lý màu sắc trên ảnh(tiếp theo)”)

Bài 04 Xử lý ảnh tối hoặc ngược sáng với chế độ hoà trộn (blend mode) và hiệu chỉnh layer (Adjustment Layer)

Xin chào tất cả các bạn! chào các bạn đã đến với bài tiếp theo nói về chủ đề Tự học Photoshop qua internet. Khi chụp ảnh đôi khi bạn phải chụp ngược sáng, đôi khi phải chụp thiếu sáng làm cho ảnh bị mờ. Trong bài này mình xin hướng dẫn các bạn cách dùng công cụ để giải quyết một số trường hợp thường gặp như vậy.

Tại đây cần phải xác định giới hạn của các công cụ PhotoShop: Chúng chỉ có thể làm cho hình ảnh trở nên “khá hơn” theo một cách có thể tạm chấp nhận được, hay nói cách khác là “chữa cháy” mà thôi. Bạn đừng kỳ vọng quá cao vào khả năng phù thủy của chiếc đũa thần nhé!

1. Chế độ hòa trộn layers (Blend Mode)

Layer trong Photoshop có thể coi như là một chồng giấy trong suốt, một phần hay tất cả, tờ này xếp lên trên tờ kia để tạo thành tấm hình thành phẩm. Ngoài những Layer “bình thường” đã biết, Photoshop còn cung cấp cho chúng ta những layer “đặc biệt” mà chúng có thể ảnh hưởng tới những layer ở bên dưới nó. Chúng rất hữu dụng để tạo những bức hình có hiệu ứng giống phim ảnh, hiệu chỉnh ánh sáng, chỉnh sửa màu sắc…

Trong Layer Palette thực hiện chế độ hòa trộn các layers (Blend Mode) bằng cách:

Bạn chọn các tính năng bằng cách bấm mũi tên bên cạnh chử “Normal”.

Một danh sách các tính năng của chế độ hoà trộn màu sắc Photoshop hiện ra, theo 5 nhóm:

Dòng đầu tiên “Normal” là chế độ mặc định, chỉ đơn giản là layer này chồng lên cái kia, cái nào ở trên sẽ che lấp hết các pixel của các layer dưới.

1.1. Darkening (làm tối hình ảnh hoặc dùng để sửa những bức ảnh bị chói sáng)

Dissolve: Chỉ hoạt động khi layer có những semi-transparent pixel (pixel bán-trong-suốt), tức là những pixel đó vẫn có màu nhưng vẫn có thể nhìn xuyên qua những pixel đó. Semi-transparent pixel có được khi bạn dùng brush với hardness <100% hoặc áp dụng bộ lọc blur hay set layer opacity dưới 100%.

Darken: Photoshop sẽ so sánh từng pixel của layer áp dụng mode này với các layer bên dưới, pixel nào tối hơn sẽ được giữ lại. Pixel màu trắng không có tác dụng.

Multiply: Photoshop sẽ phối hợp layer có mode này với cái bên dưới theo dạng là “multiplying” (tạm dịch là “nhân” màu), kết quả là một màu bao giờ cũng “tối” hơn. Ứng dụng để fix mấy ảnh bị chói sáng. Nhân đôi layer của ảnh bị chói rồi set cho nó mode multiply.

Color burn: Photoshop sẽ lấy thông tin về độ sáng tối của layer áp dụng mode này để tăng tương phản và làm tối màu của các layer bên dưới. Màu càng tối thì độ tương phản càng cao. Màu trắng không có tác dụng.

Linear burn: Photoshop sẽ lấy thông tin về độ sáng tối của layer áp dụng mode này để làm tối các layer ở bên dưới.Màu trắng không có tác dụng.

Darker Color: tương tự như Darken, nhưng có khác ở chỗ : nó hoạt động trên tất cả các channel màu, chứ không như darken, hoạt động trên cơ sở từng channel.

1.2. Lighting (làm sáng hình ảnh hoặc dùng để sửa những bức ảnh thiếu sáng): ngược với nhóm trên.

Lighten: trái ngược với Darken, chọn ra pixel sáng hơn và giữ lại pixel đó. Màu đen vô dụng. Screen: trái ngược với Multiply, nhưng kết quả luôn là một hình sáng hơn; chuyên dùng sửa ảnh thiếu sáng. Cách làm cũng là nhân đôi layer lên và áp dụng mode screen.

Color dodge: trái ngược với Color burn; dùng thông tin độ sáng tối của layer áp dụng mode này để tăng độ tương phản và làm sáng màu layer dưới nó. Màu đen vô dụng.

Linear dodge: trái ngược với Linear burn; dùng thông tin độ sáng tối của layer áp dụng mode này để tăng độ sáng cho layer bên dưới nó. Màu đen vô dụng.

Lighter color : ngược với Darken color; hoạt động trên tổng thể các channel chứ không phải từng channel như Lighten.

1.3. Contrasting (kết hợp cả Darkening và Lighting để hiệu chỉnh độ tương phản của bức hình) Lưu ý khi dùng mode này thì màu gray 50% (#808080) sẽ vô dụng (trừ trường hợp với mode Hard mix)

Overlay : kết hợp của Multiply và Screen: khi muốn tăng độ tương phản cho bức hình là hãy chọn màu gray 50% rồi nhẹ nhàng di chuyển lên xuống trong bảng chọn màu để được hiệu quả tốt.

Soft Light: Kết hợp giữa Darken và lighten, cho hiệu ứng nhẹ hơn so với Overlay

Hard Light: kết hợp giữa linear dodge và linear burn

Vivid light: Kết hợp giữa Color Burn và Color Dodge

Linear Light: kết hợp của Linear Burn và Linear Dodge

Pin Light: mode này sẽ chọn giữ lại màu dựa trên giá trị sáng/tối của layer áp dụng mode này và các layer bên dưới.

Nếu màu của layer có mode này sáng hơn 50% gray thì tất cả những pixel nào tối hơn sẽ bị thay thế, còn nếu màu của layer tối hơn gray 50% thì ngược lại.

Hard mix: Nó sẽ trả về các màu Red, Green, Blue, Cyan, Yellow, Magenta, White hoặc Black cho bạn thấy.

1.4. Compare: So sánh (để căn chỉnh và so sánh sự khác nhau giữa 2 bức hình)

Difference : Mode này dùng để so sánh sự khác nhau giữa 2 bức hình, nếu chỗ nào giống thì nó sẽ có màu đen.

Exclusion: Mode này giữ lại màu đen, và invert (đảo ngược) màu khác màu đen, tuỳ vào độ sáng của màu khác màu đen thì mức độ invert nhiều hay ít.

1.5. Coloring (để sửa sắc độ và độ bão hoà màu sắc)

Hue : đổi sắc thái màu trên tấm hình mà không đụng chạm đến độ sáng tối trên hình.

Saturation: Lấy thông tin độ bão hoà màu sắc của layer áp dụng mode này cho các layer bên dưới. Nếu layer áp dụng mode có nhiều màu khác nhau thì kết quả không bị ảnh hưởng vì nó chỉ lấy thông tin Saturation trong màu mà thôi.

Color : thay thế màu sắc, nếu thay bằng màu đen hoặc trắng thì hình sẽ mất màu.

Luminosity: sử dụng thông tin sáng/tối của layer này áp dụng cho các layer bên dưới nó.

Xem bài :” Tổng hợp các chế độ pha trộn (blending mode) trong Photoshop”.

2. Tham số độ trong suốt/mờ (opacity) và tô màu (Fill)

Để kiểm soát mức độ trong suốt của từng Layer dùng tham số Opacity nằm cùng ngang vị trí với Blend mode ở đầu Layer panel. Ở mặc định Opacity có giá tri 100%, diều này có nghĩa là Layer này đặc kín và không thể nhìn được lớp Layer dưới thấp hơn.

Bên dưới ô điều chỉnh Opacity là tham số điều chỉnh mức độ Fill, đây cũng là tham số dùng để tăng giảm độ trong suốt của Layer. Trong phần lớn các trường hợp, Opacity và Fill đều có chức năng giống nhau, nhưng chúng sẽ có sự khác biệt quan trọng nếu bạn sử dụng Layer Styles.

3. Công dụng hàng nút ở dưới cùng của Layer Palette

3.1 Link Layers: dùng để liên kết các layers với nhau. 3.2 Layer Styles: Nếu layer có dùng style, thì biểu tượng “F” xuất hiện. Bấm mũi tên để xem các options. 3.3 Layer Mask: Cho phép che dấu một phần của layer, để dùng riêng cho paintbrush và màu trắng cho phần còn lại. 3.4 Create New Fill or Adjustment Layer: Dùng để tạo một sự hiệu chỉnh màu sắc, tương phản, sắc độ …. lên Layer xác định mà vẫn giữ nguyên ảnh gốc của Layer đó. 3.5 New Group: tạo một nhóm mới cho vài layers. 3.6 Create New Layer: tạo một layer mới. 3.7 Delete Layer : Chọn một layer và kéo thả vào biểu tượng, hoặc chọn layer rồi bấm biểu tượng.

Xem bài: “https://designshack.net/articles/software/the-master-guide-to-the-photoshop-layers-panel/”

4. Một ví dụ chỉnh ngược sáng

Ảnh ban đầu tại Layer background (ảnh gốc) và ảnh sau khi xử lý.

PhotoShop cho ta nhiều công cụ, và chúng ta sẽ lựa chọn một phương pháp nào cho hiệu quả tốt nhất. Cách 1: Image > Adjustments > Brightness/Contrast…

Chỉnh sửa độ Brightness và Contrast thích hợp sẽ nhanh chóng cho hiệu quả sáng hơn ngay.

Tuy vậy, nếu làm sáng đều toàn ảnh thì sẽ làm tăng sáng những phần đẫ đủ sáng, ví dụ như phần lá xanh nền phía sau hình mẫu. Chúng ta tách phần tối ra bằng cách chọn vùng tối, thông qua công cụ chọn đa giác (Polygonal Lasso Tool).

Sau đó ấn Ctrl + để phóng to ảnh lên, mục đích là dùng bút chọn chính xác hơn: chú ý chọn chính xác những phần cơ thể người, còn những phần khác có thể ít chi tiết hơn. Để vùng chọn không quá nét, bạn dùng Image > Modify > feather, chọn vùng bán kính 10 đến 15 pixels. Sau đó ghi lại việc chọn này lên layer mới bằng lệnh Ctrl+J. Trên layer này bạn tùy ý chỉnh sửa Brightness và Contrast thích hợp (khi đó thay đổi chỉ diễn ra trên vùng tối thôi).

Cách 2: Image > Adjustments > Curves

Khi kéo đường cong bạn có thể chỉnh sửa vùng tối cho sáng thêm và vùng sáng sẽ tối hơn.

Cách 3: Image > Adjustments > Levels

Khi kéo con chạy bạn có thể chỉnh sửa vùng tối và vùng sáng.

Cách 4: Dùng chế độ hòa trộn các layers (Blend Mode)

Trước tiên copy background sang layer mới, gọi là layer1. Chọn layer1. đổi chế độ hòa trộn từ Normal thành Screen, để tăng độ tương phản và làm sáng màu layer dưới nó. Sau đó copy layer xuống dưới:

Hiệu quả của việc trộn này là làm cho layer dưới sáng hơn layer trên cho đến khi đạt kết quả. Sau đó tiếp tục dùng các phương pháp khác để giảm sáng phần nền xanh phía sau.

Cách 5: Dùng chế độ điều chỉnh trên layers (Create New Fill or Adjustment Layer)

Trước tiên copy background sang layer mới, gọi là layer1. Chọn layer1. Di chuột bấm phím (3.4) phía chân màn hình, trong options, chọn curves. Điều chỉnh curves sau cho hình tương đối sáng hơn:

Xuất hiện một hiệu ứng hình chử nhật màu trắng, có tác dụng xuống các layer phía dưới. Nhân đôi layer này, chúng ta thu được kết quả hình ảnh sáng lên:

Để giảm sáng cho phần nền xanh, các bạn dùng (3.3) layer mask để đánh dấu: xuất hiện thêm một hình chử nhật trắng đánh dấu. Chọn PaintBrush với màu đen. Sau đó quét vào vùng nền xanh, các bạn sẽ làm cho nền tối lại và nổi các lá xanh lên.

Dưới đây là kết quả cuối cùng:

Kết luận: Sử dụng layers linh hoạt tùy theo nhu cầu xử lý của ảnh; bạn có thể dùng hiệu ứng layer tác động từ layer trên xuống dưới làm cho màu sáng hơn hoặc tối hơn theo yêu cầu.

5. Bài tập

Chỉnh sửa màu sắc hình ảnh dưới đây theo cách hướng dẫn video 3.

Từ khóa » Blend ảnh Ngược Sáng